Ký ức về người lo âm thanh cho ngày Độc lập
Ký ức sẽ góp phần phục dựng lại lịch sử ngày một tiệm cận với sự thật hơn...và câu chuyện về người chuẩn bị âm thanh ngày Độc lập là như vậy!
Chúng ta thường hay nhắc đến câu ngạn ngữ : “Khi mỗi người già chết đi tựa như một cái thư viện đã bị cháy" ý để nói đến những ký ức của những con người một khi chết đi không thể nào khôi phục lại.
Cuộc cách mạng giành độc lập và những cuộc chiến tranh vệ quốc sau này đã để lại trong ký ức nhiều thế hệ nối tiếp nhau những chất liệu vô cùng phong phú và sâu sắc để trở thành nguồn sử liệu cho các thế hệ sau. Tổng hoà những ký ức của xã hội chính là lịch sử. Do vậy việc bảo tồn ký ức là vô cùng có giá trị. Đó cũng là trách nhiệm của xã hội. Các bản thảo hồi ức của những người tham dự vào các thời kỳ lịch sử ngày càng được trân trọng công bố; những cuộc vận động viết hồi ký ngày càng được các ngành, các giới các địa phương quan tâm để lưu giữ lại lâu dài.
Cho dù trong loại hình ghi chép lại ký ức có thể nảy sinh nhiều yếu tố gây ra những khác biệt trong nhận thức, những nhầm lẫn của trí nhớ...nhưng tổng hoà lại, với trách nhiệm xã hội, trong đó có người làm sử, ký ức sẽ góp phần phục dựng lại lịch sử ngày một tiệm cận với sự thật hơn...
Nói như vậy để tôi xin kể lại câu chuyện như một ví dụ minh họa do một người “trong cuộc” sống trong những ngày Cách mạng tháng Tám 1945 và ngày nhưng ngày Độc lập đầu tiên kể lại cho tôi khi còn sống. Ông không phải là người lãnh đạo hay nhà cách mạng chuyên nghiệp. Ông chỉ là một công dân của Thủ đô, xuất thân từ một gia đình có danh tiếng nhưng đi theo cách mạng không thật thuận dòng. Ông tên là Nguyễn Dực, con trai của nhà hoạt động văn hoá nổi tiếng Nguyễn Văn Vĩnh...
Vào thời điểm Cách mạng tháng Tám ông là một người hăng hái tham gia Hội Hướng đạo sinh và Truyền bá Quốc ngữ là những lực lượng có ảnh hưởng xã hội và rất năng động đựoc huy động vào cuộc cách mạng tháng Tám 1945 ở Thủ đô. Vào thời điểm ấy, ông cũng là một nhà kỹ thuật hiếm hoi lại kinh doanh ngành truyền thanh với một xưởng vừa sửa chữa vừa bán thiêt bị âm thanh ở phố Hàng Bài.
Ví thế khi Cách mạng yêu cầu, ông tham gia vào việc cung cấp và vận hành hệ thống truyền thanh phục vụ những sự kiện quan trọng. Gia đình ông cũng tham gia trực tiếp may lá cờ đỏ sao vàng khổ lớn xuất hiện như một hiệu lệnh hành động trong các sự kiện diến ra ở Nhà hát Lớn huy động quần chúng tiến tới giành chính quyền tại Hà Nội.
Tháng 10/1946 đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về tới Hà Nội tại ga Hàng Cỏ. Ảnh tư liệu
Ngày 2/9/1945, ông được giao trách nhiệm thiết kế và huy động thiết bị để lo âm cho cuộc mít tinh lịch sử tại Vườn hoa Ba Đình. Ông kể rằng, mặc dù thiết bị rất thiếu thốn và nhà nước cách mạng không có tiền bạc hoàn toàn giao phó cho dân lo, nhưng cuối cùng ông cùng các đồng nghiệp đã bảo đảm truyền tiếng nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh và diễn biến của sự kiện trọng đại này ra hệ thống loa trong khu vực mít tinh khá rộng lớn.
Hơn thế, bộ phận của ông còn quyết tâm phấn đấu để truyền qua đường dẫn buổi tường thuật tới khu vực Tràng Tiền nơi đặt thiết bị vô tuyến của Bộ Tuyên truyền để từ đó dùng máy phát tới tháp ăng ten đặt tại Bạch Mai mới tiếp quản lại từ tay quân đội Nhật.
Ngồi dưới gầm khán đài, qua những kẽ hở của mặt sàn, ông quan sát được mọi diễn biến diễn ra trên lễ đài nơi Bác Hồ và các nhà lãnh đạo tham gia sự kiện. Điều gây ấn tượng nhất đối với ông chính là câu hỏi của vị Chủ tịch nước khi hướng về phía nhân dân hỏi : “Tôi nói đồng bào nghe rõ không ?”. Từ góc nhìn nghề nghiệp ông cho rằng bằng câu hỏi ấy, người sử dụng thiết bị micrô rất am hiểu về kỹ thuật, vì hồi đó trong micrô sử dụng bột than nên người trong nghề rất ngại ai đó dùng tay gõ vào micrô rất dễ làm ảnh hưởng chất lượng âm thanh do than bị xô động...
Ông kể rằng, chiếc xe đặt các thiết bị âm thanh được bố trí gần cổng Phủ Toàn quyền cũ của Pháp, lúc này vẫn do quân Nhật chiếm giữ để chắn mặt, bảo vệ an toàn cho khán đài. Có thể nói âm thanh phục vụ gần nửa triệu người dự mít tinh trên quảng trường Ba Đình được đảm bảo mỹ mãn. Nhưng mục tiêu phát buổi tường thuật đó, đặc biệt quan trọng là phát Lời Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên đọc trên làn sóng điện đã không thành công. Có thể do trục trặc kỹ thuật vì thiết bị lạc hậu và không đồng bộ, nhưng cũng có thể do phá hoại của ai đó. Đó là nỗi ân hận của những người phụ trách âm thanh thời đó và vẫn còn là một ẩn số của lịch sử.
Nửa thế kỷ sau, ông Nguyễn Dực cũng có mặt trọng cuộc gặp giữa ông Nguyễn Hữu Đang, người được Bác Hồ trực tiếp giao trọng trách tổ chức Ngày Độc lập 2/9/1945. Với kỳ tích chỉ trong vòng 4 ngày chuẩn bị, Ban tổ chức đã huy động sức dân làm lễ đài, huy động nửa triệu dân (trong lúc nội thành chỉ có chứng 25 vạn dân) đến dự và công tác bảo vệ an toàn tuyết đối. Gặp ông Trần Văn Giàu, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn và cũng là người tổ chức cuộc mít tinh diễn ra cùng lúc. chính Ông Dực phải giải thích khi ông Giàu hỏi vì sao ông Đang đã loan báo sẽ truyền thanh khắp nước bản Tuyên ngôn Độc lập mà mở đài ra chẳng thấy, khiến ông phải tự đứng ra hiệu triệu, may mắn là không sai với nội dung tuyên ngôn của Cụ Hồ ?!
Ông Dực còn kể rằng, sau chuyến đi hơn 4 tháng (từ tháng 6 đến tháng 10/1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn sang Pháp vận động hoà bình, cấp trên yêu cầu tổ chức đón tiếp Bác từ Pháp trở về Hải Phòng bằng tàu biển rồi đi tàu hoả về Hà Nội sao cho trọng thể và an toàn, lại yêu cầu làm sao cho dân đi đón đứng dọc từ ga Hàng Cỏ tới Bắc Bộ phủ ai cũng theo dõi được diễn biến cuộc đón tiếp qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ông Dực lại được tham gia thực hiện nhiệm vụ này. Thiết bị của cơ quan nhà nước còn rất nghèo lấy đâu máy thu thanh rải khắp tuyến đường dài như vậy. Cuối cùng cũng có sáng kiến được đưa ra bằng giải pháp chỉ cần kéo đường dây và bố trí ổ cắm điện theo một sơ đồ hợp lý trải dài suốt tuyến đường, rồi hô hào dân chúng thành phố, ai có máy thu thanh của nhà (đương nhiên là các gia đình sung túc) mang đến các địa điểm có ổ cắm để đặt máy cho mọi người nghe chung... Dân chúng hưởng ứng khiến số máy mang đến còn nhiều hơn cả số ổ cắm và mọi chuyện lại diễn ra mỹ mãn...
Những câu chuyện như thế có rất nhiều trong đời sống xã hội những ngày đầu cách mạng. Nó được ghi lại sẽ là những sử liệu vô cùng quý giá làm sáng tỏ cái nguyên lý của một cuộc “cách mạng của toàn dân” và những sáng kiến cũng như ý chí của người dân góp phần làm cho cách mạng trở thành một hiện thực sống động vượt qua mọi thách thức.
Hãy bảo tồn ký ức như một trách nhiệm của mọi thời...
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn