Cụ Hoàng Đạo Thúy và công cuộc giáo dục thanh thiếu nhi Việt Nam

06:59 CH @ Thứ Ba - 16 Tháng Chín, 2014

Cụ Hoàng Đạo Thúy được biết đến và ghi nhận là một người hoạt động xuất sắc trong nhiều lĩnh vực. Cụ đảm nhiệm và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở nhiều chức vụ quan trọng của Nhà nước Việt Nam: Giám đốc Trường võ bị Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Công binh, Cục trưởng Cục Quân huấn, Tổng thư ký Ban thi đua Trung ương... Cụ được đánh giá là một nhà sư phạm tài năng, mẫu mực và luôn tha thiết với sự nghiệp "trồng người".

Là một nhà nho yêu nước, vừa dạy học, cụ Hoàng Đạo Thúy đã chú tâm nghiên cứu, tìm kiếm các phương pháp giáo dục thanh thiếu nhi một cách toàn diện và hoàn thiện. Những năm 1925-1927, phong trào Hướng Đạo của Pháp đang phát triển rất mạnh ở Việt Nam. Các Liên đoàn Hướng Đạo Pháp được xây dựng dành cho con em người Pháp, sau đó có thêm các con em nhà giàu của người Việt Nam.

Sau một thời gian nghiên cứu và tìm hiểu, cụ Hoàng Đạo Thúy cùng với nhiều cộng sự cũng là những người yêu nước khác, cũng quan tâm đến công cuộc giáo dục thanh thiếu nhi Việt Nam đã thành lập được các đoàn Hướng Đạo đầu tiên của Việt Nam: Bầy Lê Lợi, Thiếu đoàn Hùng Vương... Với sự tiên phong gây dựng của cụ Hoàng Đạo Thúy và những nhà nho yêu nước khác, sự giúp đỡ của Hướng đạo Pháp, Hướng đạo Việt Nam đã tổ chức được 3 ngành: Ấu, Thiếu và Tráng. Đáng kể nhất là Tráng đoàn Lam Sơn, một trong những tráng đoàn đầu tiên trụ cột của phong trào Hướng đạo Việt Nam tại miền Bắc do Trưởng Hoàng Đạo Thúy hướng dẫn. Ông cũng là tác giả các cuốn Hướng Đạo Đoàn, Đội Của Tôi với bút hiệu Ba Tô. Năm 1936, khi Liên hội Đông Dương được thành lập, ông là một trong những Ủy viên phụ trách ngành Tráng sinh và là Thủ lĩnh của phong trào hướng đạo Bắc Kỳ được người Pháp hết sức nể trọng.

Trong nửa đầu thế kỷ 20, phong trào Hướng Đạo Sinh phát triển bao gồm ba lứa tuổi chính là Ấu, Thiếu, và Tráng:
Ấu sinh: được khuyến khích để tự phát triển bản thân mình, cả về mặt tinh thần và thể chất.
Thiếu sinh: phát triển tính cách và tinh thần cống hiến.
Tráng sinh: thực hành lý tưởng cống hiến, hướng đạo của công dân.

Đến những năm 1940, Hội Hướng đạo Việt Nam có tổ chức rộng khắp Đông Dương. Những Tráng đoàn đầu tiên đã huấn luyện được nhiều Tráng sinh, trở thành những cán bộ cốt cán trong chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như Tạ Quang Bửu, Trần Duy Hưng, Dương Đức Hiền, Vũ Quý,...

Cụ Hoàng Đạo Thúy viết cuốn "Người thầy" là sách gối đầu giường của các giáo học trước Cách mạng Tháng 8, in năm 1944. Rồi cũng trong những ngày tháng đó, có một cuốn sách của cụ được rất nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ yêu thích và truyền bá rộng rãi là "Trai nước Nam làm gì?" Lần đầu tiên có cuốn sách viết về phận sự của thế hệ thanh niên trước Cách mạng Tháng 8, yêu nước thương dân thì phải tìm con đường đi cho mình như thế nào trong bối cảnh lịch sử phức tạp và nhá nhem ấy! Khi cuốn sách này xuất bản, toàn quyền Pháp muốn trao giải thưởng rất to nhưng ông đã từ chối vì nhận thì không khác nào mình công nhận Pháp là đô hộ.

Chú trọng và quan tâm đến lĩnh vực rèn người, trồng người, nên ngay trong thời kỳ chống Pháp, cụ đã viết về sách giáo khoa Công dân giáo dục. Cụ viết về sự trong sáng của tiếng Việt, sự trong sáng của người Việt... mà ngày nay, Giáo dục Việt Nam chúng ta có môn Giáo dục công dân phổ biến cho các học sinh tiểu học và trung học.

Cụ giáo dục lòng yêu nước của thanh thiếu nhi và các tầng lớp nhân dân qua phong trào Hướng Đạo Sinh. Từ những ngày đầu thành lập, phong trào Hướng Đạo Sinh đã thu hút hàng vạn thanh niên trí thức và thiếu niên tham gia. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, phong trào Hướng Đạo Sinh dưới sự dìu dắt và điều hành của cụ Hoàng Đạo Thúy càng ngày càng phát triển: từ văn nghệ sĩ đến sinh viên học sinh Hướng Đạo, còn có cả nhiều cán bộ cao cấp cũng hăng hái tham gia sinh hoạt Hướng Đạo như Trần Duy Hưng, Tôn Thất Tùng...

Từ những kinh nghiệm tổ chức và phát triển Hội Hướng Đạo Việt Nam của mình, cụ Hoàng Đạo Thúy đã áp dụng hiệu quả nhiệm vụ giáo dục và huấn luyện khi cụ được Nhà nước bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng: Giám đốc trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Công binh, Giám đốc trường dân tộc Trung ương, Cục trưởng Cục Quân huấn, Cục trưởng cục thông tin liên lạc, Tổng thư ký Ban thi đua Trung ương... Ở cương vị nào, chúng ta đều có thể nhận thấy được tấm gương và đạo đức của một Hướng Đạo Sinh ở cụ. Bởi thế, cho đến những năm cuối đời, cụ Hoàng Đạo Thúy vẫn tha thiết với phong trào Hướng Đạo.

Sáng ngày 23/12/2010, tại bảo tàng Cách mạng Việt Nam nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhà yêu nước Hoàng Đạo Thúy, Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Trường sĩ quan lục quân I, Bộ Tư lệnh Binh chủng Thông tin, Tạp chí Tia sáng đã long trọng tổ chức cuộc gặp mặt tưởng niệm “Hoàng Đạo Thúy – một người yêu nước". Phát biểu của các hướng đạo sinh tại buổi lễ tưởng niệm đã thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với vị thủ lĩnh của phong trào hướng đạo: “Chúng tôi lấy làm tự hào được tham dự buổi họp mặt đầy ý nghĩa này. Cụ Hoàng Đạo Thúy là người của lịch sử và của thời đại. Cụ là một trong những người đầu tiên đem nguyên lý và phương pháp giáo dục hướng đạo vào Việt Nam. Chúng tôi, con cháu chúng tôi và hàng vạn thanh thiếu niên Việt Nam đã và đang được thừa hưởng nguyên lý phương pháp giáo dục tốt đẹp đó. Càng thấy tính hiệu quả, tích cực và bên vững của phương pháp giáo dục hướng đạo, chúng tôi lại càng nhớ đến công lao của cụ Thúy – một trong những người đầu tiên đã trao phương pháp giáo dục hướng đạo cho Thanh niên Việt Nam như một tặng phẩm vô giá cho nhiều đời sau”.

Thừa hưởng những giá trị to lớn của phong trào Hướng Đạo đối với công cuộc giáo dục Thanh thiếu nhi Việt Nam, ngày nay, nhiều cựu Hướng Đạo Sinh (những Hướng Đạo Sinh sinh hoạt trước giải phóng) và những Hướng Đạo Sinh mới tuyên hứa (mới tham gia sinh hoạt) đang nỗ lực và gắng sức nhằm đưa phong trào Hướng Đạo phát triển trở lại, là môi trường và phương pháp giáo dục giúp thanh thiếu nhi rèn luyện, hoàn thiện và phát triển bản thân, trở thành những em bé xuất sắc, những công dân ưu tú để giúp ích cho Tổ quốc, đưa đất nước ngày càng phát triển và nâng cao vị thế trên trường Quốc tế.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Làm cho trọn chức trách của chúng ta

    21/10/2016Lê Huy Tuấn (gt)Nghề dạy học luôn là một trong những nghề cao quý nhất. Đồng thời cũng là một nghề mang trọng trách lớn đối với xã hội. Trong lịch sử nền giáo dục nước ta, nhiều người thầy đã có những cống hiến lớn lao cho nghề dạy học. Một trong những người hầy như thế là thầy Hoàng Đạo Thuý (1900-1994). Từ những năm 30 của thế kỷ trước, thầy đã tham gia dạy học và cùng với Trần Duy Hưng, Tạ Quang Bửu, Trần Văn Khắc, Ngô Thế Tân là những người đi tiên phong trong các hoạt động của hội hướng đạo sinh...
  • Thầy giáo Hoàng Đạo Thúy

    07/10/2016Minh NghĩaĐời tôi sung sướng nhất được làm học trò thầy Hoàng Đạo Thúy. Thầy sinh năm 1900 trong một gia đình trí thức truyền thống ở Hà Nội, ông thân sinh sớm từ quan về dạy học. Bước vào đời, thầy chọn nghề giáo. Sự nghiệp của thầy bắt đầu từ năm 1920, thầy sớm nổi tiếng về đức độ, trên kính dưới nhường, trí tuệ uyên thâm...
  • Hãy tự xét mình

    01/02/2010Hoàng Đạo CungNăm 1943, nhà giáo dục Hoàng Đạo Thúy viết cuốn sách “Trai nước Nam làm gì?" để kêu gọi thanh thiếu niên Việt Nam rèn luyện chở ngày giúp nước...
  • Tinh thần người công dân, người chủ nhân của đất nước

    23/07/2011Bùi Quang MinhBài viết này không phải để đáng bóng tên tuổi anh, bởi vàng bạc, kim cương... đã tự nó theo thời gian đã "bóng loáng" trong lòng mọi người. Bởi vậy, chẳng cần nêu tên tuổi, chỉ cần nêu bài học rút ra...
  • Bài thơ cuối cùng của thầy giáo Hoàng Đạo Thúy

    24/12/2010Trần Kiến QuốcNgày 15/4/1946, theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch, Trường Cán bộ Việt Nam (tiền thân là Quân chính kháng Nhật) được đổi thành Võ bị Trần Quốc Tuấn, thực hiện đào tạo cán bộ chỉ huy cấp trung, đại đội trong thời gian 6 tháng. Người đã bổ nhiệm ông Hoàng Đạo Thuý, một nhà giáo yêu nước, nguyên Trưởng phòng thông tin (Bộ Tổng Tham mưu) làm Hiệu trưởng...
  • Trai nước Nam làm gì?

    30/01/2010Hoàng Đạo ThúyHoàng Đạo Thúy là nhà Hà Nội học hàng đầu của Việt Nam. Ông có nhiều tác phẩm thuộc nhiều lĩnh vực giáo dục, xã hội, chính trị, quân sự, lịch sử, văn hóa... đặc biệt là những tác phẩm về lĩnh vực nghiên cứu lịch sử văn hóa Hà Nội. Năm 1943, Hoàng Đạo Thúy viết cuốn sách "Trai nước Nam làm gì?" để kêu gọi thanh thiếu niên rèn luyện trí tuệ, đạo đức, ý chí và thể lực, chờ ngày giúp nước. Cuốn sách được viết cách đây hơn 60 năm, nhưng tính thời sự và giá trị giáo dục của tác phẩm vẫn còn có ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống ngày hôm nay. Chungta.com xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn "Trai nước Nam làm gì?" của nhà Hà Nội học Hoàng Đạo Thúy.
  • Kỷ vật cho muôn đời

    16/05/2009Là một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, song Bác Hồ rất giản dị trong cuộc sống, bộ sưu tập “Đồ dùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh” là một trong những sưu tập hiện vật quý. Đó là những hiện vật liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của Bác ở trong nước cũng như nước ngoài.
  • xem toàn bộ