Hành trang vào đời của người trẻ
Nếu tôi chỉ được chọn ba điều để trả lời câu hỏi: người trẻ cần chuẩn bị gì để bước vào tương lai trong bối cảnh xã hội hôm nay? thì đó là khả năng tư duy độc lập và óc phản biện; Hiểu biết về sự học; Kỹ năng truyền thông và tôn trọng sự khác biệt.
1. Khả năng tư duy độc lập và óc phản biện
Theo tôi, chưa bao giờ con người nói chung và người trẻ nói riêng lại cần đến khả năng tư duy độc lập và phản biện như hiện nay, bởi các lý do mang tính thời cuộc cũng như mang tính văn hóa, giáo dục riêng của Việt Nam.
Màn hình, internet là các công cụ làm việc và truyền thông nhanh chóng và hiệu quả, thế nhưng những thứ này cũng đang làm thay đổi sâu sắc mốt sống của chúng ta, nhất là của giới trẻ, gây ra nhiều hậu quả xấu. Hình ảnh phổ biến mà chúng ta bắt gặp mọi nơi và mọi lúc trong xã hội ngày nay là những người trẻ chúi mũi vào các loại màn hình lớn nhỏ. Bao nhiêu năng lượng, sự đam mê, sự tập trung, trí tò mò, sự ham hiểu biết vốn có nơi trẻ em dường như bị màn hình hút hết. Màn hình phân mảnh thời gian và tư tưởng, và do đó cũng làm hời hợt tư duy của con người. Người trẻ đắm đuối và lắm khi không làm chủ được mình, lệ thuộc vào màn hình với đủ thứ ma lực trên đó như những con nghiện. Người ta nói đến chứng nghiện facebook, nghiện youtube, nghiện game, v.v... như là những chứng bệnh của thời đại.
Điều mà Albert Einstein đã cảnh báo hiện nay dường như đã trở thành hiện thực "Tôi sợ một ngày nào đó, công nghệ sẽ lấn át sự tương tác của con người chúng ta. Thế giới sẽ có một thế hệ những kẻ ngốc".
Những cơn gió độc của thế giới nối mạng này dường như đang gặp mảnh đất màu mỡ mang màu sắc giáo dục và văn hóa truyền thống tại Việt Nam. Thật vậy, nền giáo dục và văn hóa của chúng ta chịu sự ảnh hưởng nặng nề của Khổng giáo, một nền giáo dục và văn hóa nhấn mạnh trên các giá trị chung mang tính cộng đồng, trên sự tuân phục, sự đồng loạt và trật tự trên dưới, hơn là trên các giá trị và trách nhiệm cá nhân, sự tự do tư tưởng và lý tính, khả năng tư duy độc lập và tự chủ của các cá nhân. Một nền giáo dục với mục tiêu tạo ra những nhân viên thừa hành, những con người công cụ, hơn là những con người tự do, có nhân cách mạnh, có chính kiến riêng, có khả năng sáng tạo và thay đổi.
Những cơn gió độc của một thế giới nối mạng này dường như đang gặp mảnh đất màu mỡ mang màu sắc giáo dục và văn hóa truyền thống tại Việt Nam.
Khi nền giáo dục không đào tạo được những con người tự do với phẩm cách mạnh mẽ, thì các công dân của mình sẽ dễ dàng bị những cơn gió của thời cuộc cuốn đi, sẵn sàng chạy theo những đám đông, những âm mưu chủ nghĩa, hay chỉ tồn tại như những mắt xích thụ động trong một guồng máy quay theo quán tính có sẵn. Một đất nước với những công dân như vậy sẽ là một đất nước yếu, khó có thể bứt phá để vươn lên dẫn đầu.
Vì tính chất quan trọng này, các nước phát triển chẳng hạn như Pháp đã xem tư duy độc lập và phản biện như là lõi của chương trình giáo dục quốc gia của họ. Nội dung này được giảng dạy xuyên suốt qua từng môn học, từng hoạt động giáo dục trong các cấp học, đặc biệt nơi môn triết học trong chương trình trung học phổ thông, trong khi Việt Nam không chú trọng đủ đến việc giảng dạy này.
2. Hiểu biết về sự học
Học là khả năng gắn liền với con người, là hành độn thúc đẩy sự tiến hóa của loài người và sự phát triển của mỗi cá nhân. Dĩ nhiên học ở đây không chỉ nằm trong khuôn khổ trường lớp gắn với các bằng cấp chứng chỉ, mà là cả việc học suốt đời.
- Học là hành động căn bản và vô cùng quan trọng mà chúng ta thực hiện hằng ngày, thế nhưng lạ lùng thay, con người, nhất là người Việt Nam chúng ta cứ mải miết học nhưng lại không lưu tâm đến cách bản thân học thế nào, bằng cách nào và vào thời điểm nào mình đã thụ đắc các kiến thức một cách hiệu quả hay không hiệu quả, đâu là vai trò của não bộ, của cảm xúc, của môi trường học phù hợp với bản thân. Cả hệ thống chạy theo kiểu chuyển tải - tiếp nhận một chiều, áp đặt đủ thứ bên ngoài lên người học. Người ta làm như thể giáo viên cứ trình bày, cứ giới thiệu kiến thức mà người lớn muốn, là học sinh sẽ tự động thụ đắc chúng.
Các kết quả nghiên cứu về não bộ, về các khoa học giáo dục những năm gần đây cho thấy, sự thụ đắc kiến thức, nghĩa là để một kiến thức có thể trở thành một phần trong vốn hiểu biết lâu dài, làm nên quan niệm và khả năng của người học, không phải là một quá trình đơn giản, tuyến tính, mà đó là một quá trình mang tính phức hợp liên quan đến nhiều khía cạnh bên ngoài và bên trong người học.
Trong quá trình đó, người học là chủ thể quyết định, là tác giả của những gì anh ta thụ đắc. Bởi lẽ, kiến thức không đến với người học theo một đường thẳng "khách quan" từ bên ngoài vào trong não bộ của người học kiểu như một máy ghi hình, mà thông qua nhiều cơ chế điều tiết giữa các mạng lưới nơ ron thần kinh, giữa các trung tâm khác nhau trong não bộ của người học kiểu như một máy ghi hình, mà thông qua nhiều cơ chế điều tiết giữa các mạng lưới nơ ron thần kinh, giữa các trung tâm khác nhau trong não bộ của người học.
Người học giải mã kiến thức thông qua những gì anh ta đang sở hữu về mặt cảm xúc, thể lý, trí tuệ. Hơn nữa, mỗi người học là một chủ thể duy biệt xét về nhiều mặt, có một cách tiếp thu khác nhau, có những loại hình thông minh nổi trội khác nhau, phù hợp với một môi trường khác nhau. Do đó, nói theo cách của nhà nghiên cứu sinh học người Pháp Albert Jacquard là : học hiểu cũng như yêu, không ai yêu thay chúng ta, do vậy cũng không ai có thể học thay hay hiểu thay chúng ta được.
Do vậy, một nền giáo dục hiệu quả là nền giáo dục tôn trọng sự khác biệt, khởi đi từ tính duy biệt nơi người học để thiết kế nên chương trình, và các hoạt động, để lựa chọn các phương pháp sư phạm, xây dựng nên môi trường giáo dục nói chung. Trong nền giáo dục này, nội dung ưu tiên sẽ là dạy và học về chính sự học.
Học về sự học trước hết là học hiểu về bản thân, về não bộ, về trí nhớ, cách thâu nhận thông tin, về các sở trường và sở đoản, về loại hình thông minh của mình cũng như hiểu biết về môi trường vật lý, cảm xúc, xã hội, trí tuệ phù hợp với bản thân. Là biết nhận diện, truy vấn về quan niệm, nhận thức riêng của mình, biết cách kiểm chứng, phân định những gì mình đang sở hữu và những gì mình tiếp xúc được.
Một nền giáo dục hiệu quả là nền giáo dục tôn trọng sự khác biệt. Trong nền giáo dục này, nội dung ưu tiên sẽ là dạy và học về chính sự học.
Học về sự học cũng là học về phương pháp học, phương pháp nghiên cứu, phương pháp truy vấn, thẩm định các nguồn tài liệu, tổ chức việc học, việc nhà, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, giải trí, thể thao, là biết cách thiết lập cuộc sống hài hòa, biết cách chống lại các căng thẳng, biết cách bảo vệ bản thân, biết nói chuyện, biết yêu cầu sự giúp đỡ khi cần...
Những điều nói trên làm nên "chân dung học tập" riêng của người học. Khi nhận diện chính xác chân dung này và biết ứng dụng nó trong học tập và nghiên cứu, thì cũng là cách tạo ra sự ham muốn, tạo ra động lực, điều quyết định thành công trong học tập, mà nói theo cách của triết gia Jean Jacque Rousseau là “Tạo cho trẻ sự ham thích này [ham thích học][...], thì bất kỳ phương pháp nào cũng sẽ tốt.”
Trong một thế giới tràn ngập thông tin và tri thức, một thế giới nối mạng với văn hóa số, các thư viện của các trường học, của các vùng, các quốc gia đang được kết nối với nhau. Khi người học sở hữu được các tiếp cận đúng và có được phương pháp đúng với một động lực mạnh thì việc tìm các kiến thức là chuyện khá dễ dàng. Và hơn như thế, các công cụ này còn phục vụ cho sự học suốt đời, phục vụ cho sự phát triển nghề nghiệp, nuôi dưỡng đời sống trí tuệ của người học trong dài hạn.
3. Kỹ năng truyền thông và tôn trọng sự khác biệt
Truyền thông là khả năng giao tiếp với người khác trong đời sống công việc và xã hội. Đây là khả năng cơ bản không chỉ dành cho các doanh nghiệp mà cho mọi cá nhân. Muốn sống tốt và thành công trong xã hội hôm nay, người trẻ phải có khả năng làm cho người khác hiểu mình cũng như có khả năng thấu hiểu và tôn trọng sự khác biệt nơi người khác. Người khác ở đây có thể là một cá nhân, một nhóm, hay một tập thể, người khác cũng có thể là người Việt hay người nước ngoài. Do đó, để truyền thông tốt, người trẻ cần có khả năng về ngôn ngữ (nói, viết, tiếng mẹ đẻ, tiếng nước ngoài, ngôn ngữ bằng lời và không
lời) cũng như các kiến thức về nghệ thuật, lịch sử, địa lý và văn hóa và khoa học làm nền hỗ trợ.
Người trẻ càng làm chủ khả năng truyền thông, thì càng mở rộng vòng tròn ảnh hưởng, mở rộng cách nhìn và sự hiểu biết, mở rộng cơ hội nghề nghiệp và phát triển bản thân, không chỉ là trong nước với văn hóa riêng Việt Nam, mà còn ra với thế giới với sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông hiện đại ngày nay.
Và để sống chung một cách hòa bình với người khác trong một thế giới đa nguyên, đa văn hóa, thì người trẻ cần được giáo dục sự tôn trọng : tôn trọng sự khác biệt nơi người khác, tôn trọng môi trường văn hóa, vật chất, thiên nhiên nơi mình sống. Sự tôn trọng cần trở thành một giá trị mạnh, trở thành quy chuẩn hành xử trong đời sống.
Trước một xã hội nối mạng tràn ngập các thông tin thật giả lẫn lộn, trước một thế giới mà biên giới các quá gia về vật lý ngày càng mờ, một thế giới đa dạng đan thay đổi nhanh chóng, một thế giới đòi buộc phải đi nghĩa lại, tư duy lại nhiều thứ đã có sẵn và đòi phải có khả năng thích ứng, thì những điều trên là những hành trang cần thiết để người trẻ bước vào đời, vào thế giới một cách vững chãi, tự do và thành công trên đường học cũng như trên đường đời của họ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)