Nhà giáo là người giúp cho người khác học
'Dạy học theo tôi đơn giản là giúp cho người khác học. Vậy câu hỏi đặt ra là học để làm gì, nếu không trả lời được câu hỏi này thì sẽ không giúp người khác học được', Hiệu trưởng Trường doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện giáo dục IRED nói...
Nhà giáo Giản Tư Trung chia sẻ về nghề giáo, nhà giáo - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bối cảnh mới của kinh tế-xã hội, khoa học-công nghệ trong nước và thế giới đặt ra yêu cầu cần phải định nghĩa lại, vẽ lại chân dung của người thầy. Nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với ông Giản Tư Trung về đề tài này.
* Trước hết xin chúc mừng ông nhân ngày 20-11. Là một nhà nghiên cứu và hoạt động giáo dục, cảm xúc của ông trong những ngày này là gì?
- Ông Giản Tư Trung: Lâu nay chúng ta vẫn hiểu 20-11 là ngày tôn vinh các nhà giáo, tôi thì cho rằng đó là ngày dành riêng cho các thầy cô giáo tự suy nghĩ lại, tự định nghĩa lại nghề của mình: nghề dạy học là gì, thầy cô giáo là ai… để từ đó làm đúng và làm tốt hơn công việc, thiên chức, đạo nghề của mình.
Đây cũng là ngày giáo giới đấu tranh để giành lấy quyền cơ bản của mình: quyền dạy học, tức là quyền được làm thầy chứ không phải làm thợ dạy, làm máy dạy. Nghĩa là trong ngày này, người làm giáo dục tự suy ngẫm là chính, còn tôn vinh là chuyện của xã hội chứ không phải của thầy cô.
Nhà giáo Giản Tư Trung: "Nền giáo dục ta hiện nay người thầy chưa nhiều, thợ dạy nhiều hơn" - Video: QUANG ĐỊNH
* Tại sao phải định nghĩa lại nghề giáo, thưa ông?
- Tôi quan sát từ thời còn đi học và sau này làm giáo dục thì có cảm giác trong nền giáo dục của chúng ta, người thầy chưa nhiều mà thợ dạy nhiều hơn. Do vậy, cần định nghĩa lại để chuyển từ thợ dạy, máy dạy sang người thầy và nhà giáo.
Dạy học theo tôi đơn giản là giúp cho người khác học. Vậy câu hỏi đặt ra là học để làm gì, nếu không trả lời được câu hỏi này thì sẽ không giúp người khác học được, không thể giúp cho người học trên hành trình "tự lực khai phóng" của bản thân họ được.
Có thể lấy một ví dụ đơn giản: chúng ta thường nói 12 năm phổ thông học để làm người, 4 năm học đại học để làm nghề. Vậy "làm người" là làm gì? Đi dạy là giúp cho con trẻ làm người, nhưng nếu không hiểu rõ làm người là làm gì thì khó mà giúp trò thành người được!
Tóm lại, nếu phải định nghĩa giáo viên phổ thông là ai thì có thể nói họ là người giúp học trò biết học và học thành người, điều đó khác với thợ dạy, đi dạy chỉ thuần túy là để kiếm sống.
* Một trong những tuyên ngôn nổi tiếng của ông đã rất quen thuộc trong nhiều năm qua là "cách mạng sự học". Vậy theo ông, có nên bàn tới "cách mạng sự dạy" không và tại sao?
- Tôi có nhiều năm làm giáo dục và rất tâm huyết với chuyện "cách mạng giáo dục". Nhưng càng tham gia sâu vào giáo dục thì tôi thấy càng vô vọng và gần như không thấy tín hiệu nào thực sự cho cuộc cách mạng này cả.
Bởi vì cách mạng giáo dục là cách mạng con của những cách mạng khác, không thể có cách mạng giáo dục cũng như cách mạng kinh tế nếu không có cách mạng toàn diện về đất nước. Do vậy, có một thời gian tôi rất bi quan về công việc của mình.
Nhưng rồi tôi thay đổi nhận thức của mình về cuộc cách mạng này, thấy ngày càng sáng ra và lạc quan.
Nhà giáo dục Giản Tư Trung chia sẻ về chủ đề “Bàn về sự học” với hơn 600 hiệu trưởng và cán bộ quản lý giáo dục trên toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào ngày 8-8-2018 - Ảnh: H.B.
Theo đó, thay vì quan tâm tới cách mạng giáo dục thì chỉ cần quan tâm tới cách mạng sự học vì suy cho cùng bản chất sâu xa của cách mạng giáo dục chính là cách mạng sự học. Khi nhiều người làm cách mạng sự học thì sẽ tạo ra cách mạng giáo dục của toàn xã hội.
Tôi thường nói cách mạng giáo dục là "cuộc cách mạng của toàn đảng toàn quân và toàn dân ta", nên nếu không có cả quốc gia vào cuộc thì không thể làm được.
Trong khi đó, cách mạng sự học thì hoàn toàn khác, nó là của riêng mỗi người, đó là "cuộc cách mạng của tôi, do tôi và vì tôi" nên nó rất thuận lợi để thực hiện, bất kỳ ai muốn thì đều có thể làm được.
Đây là cuộc cách mạng nói vui là không cần phải xin giấy phép, mình thích thì mình làm thôi. Thường thì phải mất hàng chục năm để làm cuộc cách mạng giáo dục, nhưng làm cách mạng sự học để thay đổi bản thân thì có thể bắt đầu ngay bây giờ, ngay đêm nay, ngay ngày mai, nếu mình muốn và chỉ lệ thuộc vào ý chí của chính mình mà không phải lệ thuộc vào ai cả.
Câu hỏi đặt ra là, nói cách mạng sự học thì có cần bàn cách mạng sự dạy không. Tôi cho là không cần, vì như chúng ta định nghĩa "Dạy là giúp cho người khác học", để có thể giúp cho người khác học được thì trước hết người dạy phải làm cách mạng sự học cho mình trước đã.
Trong khuôn khổ chương trình EduTour (nói chuyện với các thầy cô giáo ở khắp các tỉnh thành) và chương trình UniTour (nói chuyện các trường đại học) nhiều năm nay, tôi thường chia sẻ với thầy cô chuyên đề "Bàn về sự học".
Không ít người thắc mắc là tại sao nói chuyện với thầy cô mà "bàn về sự học" chứ không phải "bàn về sự dạy". Tôi trả lời chỉ cần bàn về sự học là đủ vì khi người thầy người cô thay đổi sự học của mình thì bản thân họ sẽ thay đổi, từ đó sự dạy của họ cũng sẽ thay đổi. Khi có cách mạng sự học thì tự khắc sẽ diễn ra cách mạng sự dạy.
* Gần đây người ta nói nhiều về triết lý giáo dục, theo ông, Việt Nam đã có triết lý giáo dục hay chưa và triết lý đó như thế nào?
- Tôi cho rằng Việt Nam đã có triết lý giáo dục rồi, vấn đề nó là gì, có phù hợp không, có tiến bộ không và có được phát biểu thành lời hay không mà thôi.
Khi nói đến triết lý giáo dục, người ta thường nghĩ rằng đưa ra triết lý giáo dục là độc quyền của nhà nước, mọi người trông chờ nhà nước trao cho mình triết lý giáo dục để thực hiện. Tôi không nghĩ như vậy.
Nhà giáo Giản Tư Trung - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Dĩ nhiên, mỗi nhà nước cần phải có triết lý giáo dục quốc gia để giáo dục công dân của mình vì nếu không có triết lý giáo dục thì nhà nước không biết đào tạo ra những công dân như thế nào; nhưng mỗi nhà trường cũng cần có triết lý giáo dục riêng để đào tạo học sinh của mình.
Mỗi thầy cô cũng cần có triết lý giáo dục của riêng mình để đào tạo học trò; mỗi cha mẹ cũng cần có triết lý giáo dục của gia đình để dạy dỗ con cái; và bản thân mỗi người người cũng cần có triết lý giáo dục, cần có "đạo học" của riêng mình để tự giáo dục mình suốt đời.
Để hình thành triết lý giáo dục thì cần trả lời ba câu hỏi: (1) Thế nào là con người? (2) Mình muốn tạo ra những con người như thế nào? (3) Làm thế nào để tạo ra con người như thế?
Sau nhiều năm làm giáo dục, tôi nghiệm ra rằng, con người tam tính (con người với nhân tính, quốc tính và cá tính)là đích đến của giáo dục. Bởi "nhân tính, quốc tính và cá tính" là đặc tính của con người tự do, mà con người tự do là đích đến của nền giáo dục khai phóng.
Do vậy, công việc chính yếu nhất của giáo dục, nhất là ở bậc giáo dục phổ thông, là giúp người học từng bước hình thành "nhân tính, quốc tính và cá tính" để trở thành con người tự do thực sự.
Không thay đổi được hướng gió nhưng có thể điều chỉnh được cánh buồm
"Trong một dịp nói chuyện với khoảng 1.000 thầy cô giáo một tỉnh miền Trung, có một vị phó giám đốc Sở GD-ĐT phát biểu xin chia sẻ hai điều. Thứ nhất, sau khi nghe tôi trình bày thì rất tâm đắc về sự học mới và giáo dục mới. Thứ hai, thầy đặt ra một vấn đề rất khó nói, đó là nghe rất hay, rất tâm đắc nhưng mà không xài được. Ở dưới cả ngàn thầy cô giáo vỗ tay rầm trời.
Tôi trả lời, rõ ràng tràng vỗ tay vừa rồi của các thầy cô thể hiện sự đồng tình với ý kiến của thầy phó giám đốc sở. Tôi cũng chia sẻ là thầy cô chưa nên vội áp dụng những điều hay ho nghe được vào trường mình, lớp mình, hay ngành mình, mà trước hết phải đưa vào người mình, áp dụng cho chính mình trước. Trong giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông, người thầy phải chính là những gì họ dạy, cái gì hay thì thầy phải đưa vào người mình trước, rồi từ con người của mình sẽ dễ đi vào học sinh, vào lớp học, vào nhà trường hơn.
Có một "căn bệnh" có lẽ khá phổ biến, đó là có những ông sếp đi học được cái gì hay thì về chia sẻ cho nhân viên của mình dùng, còn mình thì không dùng; cha mẹ học được cái gì hay thì về bắt con mình làm, còn mình thì không làm; thầy cô thấy cái gì hay thì kêu học trò của mình học còn mình thì không…
Tôi cho rằng mình dạy học trò, dạy nhân viên, dạy con mà không bắt đầu từ chính con người mình thì thường ít khả thi, hiệu quả. Bởi lẽ, thường thì cái gì từ trái tim thì mới có thể đến trái tim, còn từ "lưỡi" thì khó mà đến "tim" được. Như vậy, có những thứ chúng ta chưa thể xài được với trường, với lớp, với ngành nhưng xài được với mình.
Mình tốt lên thì chắc chắn sự dạy của mình sẽ tốt lên, từ đó, sự học của trò cũng sẽ tốt lên. Có câu nói của tôi được lan tỏa nhiều "Thay đổi đến từ tôi" và "Ta là sản phẩm của chính mình", có lẽ là do có nhiều người cũng chia sẻ với tôi niềm tin này.
Nhiều thầy cô cũng nói ngành giáo dục bị chi phối, ràng buộc nhiều thứ, đâu phải thích dạy gì, dạy như thế nào cũng được đâu, mà phải dạy theo những khuôn mẫu, mực thước nhà nước đưa ra. Tôi rất chia sẻ với thầy cô về điều này. Nhưng tôi lại có niềm tin là "chúng ta không thể thay đổi được hướng gió nhưng có thể thay đổi được cánh buồm", khi nội lực của thầy cô tăng lên thì thể nào cũng có không gian để giúp cho học trò của mình, chứ không thể vô vọng được" - Nhà giáo Giản Tư Trung.
Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung là Hiệu trưởng Trường doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện giáo dục IRED, Phó chủ tịch Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh, Giám đốc Sáng kiến OpenEdu, Chủ nhiệm chương trình lãnh đạo khai phóng IPL (chương trình học bổng toàn phần về "giáo dục khai phóng" và "phát triển lãnh đạo" dành cho những người trẻ ưu tú tuổi từ 22-27), Trưởng ban tổ chức Giải thưởng sách hay.
Ông cũng là Ủy viên Hội đồng điều hành của Hội giáo dục so sánh châu Á, Nhà nghiên cứu hợp tác của Đại học Giáo dục Hong Kong và là thành viên Hội nghiên cứu Giáo dục quốc gia Hoa Kỳ.
Song song với các vai trò sáng lập, quản lý, nghiên cứu, giảng dạy, diễn thuyết, viết báo, ông còn là người khởi xướng việc xây dựng 3 tủ sách: "Tủ sách doanh trí" (dành cho doanh giới), "Tủ sách giáo dục" (dành cho giáo giới), và "Tủ sách khai phóng" (dành cho đại chúng); chủ trì việc biên soạn bộ sách "Đạo kinh doanh Việt Nam và thế giới" (15 cuốn, NXB Trẻ, 2007), và là tác giả của cuốn sách "Đúng việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh" (NXB Tri Thức, 2015). Sau 3 năm ra mắt, cuốn sách "Đúng việc" của ông đã được tái bản 3 lần và được độc giả đón nhận với số lượng phát hành hơn 100 ngàn bản in.
Vì những đóng góp của ông cho giáo dục, ngày 12-3-2013, Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) đã vinh danh ông là "Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu" trong vai trò là một "Nhà hoạt động giáo dục".
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015