Để có được một đàn bò sữa

10:21 CH @ Thứ Sáu - 17 Tháng Sáu, 2016

ĐỂ CÓ ĐƯỢC MỘT ĐÀN BÒ SỮA

Mấy năm trước, nhờ có sức ép của tập san Toán - Cơ mà phong trào làm thơ trở nên rầm rộ, với quy mô hầu như không bỏ sót một ai, dù người đó trước đây còn chưa đọc một bài thơ nào bao giờ. Sự cần mẫn sáng tác của một số đông, trong một tâm trạng nhìn chung là dồn nén, cùng với sự chập chững ban đầu trên diễn đàn thi ca vốn lạ hoắc, đã tạo ra nhiều sắc thái đến nỗi đọc xong mỗi tập san ta như lạc vào một vùng đầm lầy mà ở đó nhiều loại cây lúp súp mọc không hàng không lối, với đủ các kiểu hoa dài dại, màu sắc nhoẹt nhòe khiến dòng thơ chảy lung tung, bế tắc.

Ngày ấy, tự thấy mình phải có trách nhiệm đóng góp sức lực để cải tạo nền thơ cả "đầm lầy" của đơn vị, tôi đã viết bài "Tiến tới hoàn chỉnh một nền thơ ca bất đắc dĩ". Trong bài viết đó tôi cố gắng đề xuất ý kiến rằng, trên tinh thần cầu thị chung, tài năng riêng, mỗi người tự đăng ký cho mình một chỗ đứng cố định trên diễn đàn bằng cách quyết định một lần và dứt khoát xem mình nên bơi ở đâu trong ba dòng thơ thế mạnh của Khoa. Đó là dòng tuyên truyền cổ động, dòng trữ tình và dòng bác học. Chỉ có thế cái "đầm" của chúng ta mới mau có được dòng chảy trong và mát.

Từ đó đến nay nhiều thế hệ nhà thơ có tên tuổi thuộc các dòng thơ khác nhau đã tốt nghiệp về nước, số bạn trẻ mới bổ sung thì còn thiếu kinh nghiệm sáng tác, trong khi sự hối thúc của Tập san thì không hề suy giảm. Thực tế sáng tác ở đây và ở nhiều nơi có hoàn cảnh tương tự cho thấy, "đóng góp" bắt buộc cho Tập san ở dưới dạng một bài thơ là có chi phí thấp nhất. Điều này có lý của nó. Chẳng có ở đâu và chẳng có ai quy định số lượng dòng tối thiểu cho một bài thơ. Càng ít dòng thì độ đậm đặc của ý tưởng trong từng từ, từng chữ lại càng cao, vì đó là hai đại lượng tỷ lệ nghịch. Vì vậy, tôi khuyên bạn nên trở thành thi sỹ, dù là thi sỹ bất đắc dĩ.

Nhưng có một thực tế khác dễ nhận biết, và cần phải biết. Đó là, số ý tưởng để có thể viết nên một bài thơ ở mỗi một người là một số hữu hạn, tuy về trị số thì có khác giữa người này với người kia. Ví dụ, nếu bạn là sinh viên khoa Toán - Cơ, là một đoàn viên gương mẫu, bạn có thể chỉ cần sản sinh ra 5 x 12 -2 = 58 ý tưởng thơ, dù cho 58 số của Tập san, bằng với số tháng bạn lưu lại ở Khoa. Bạn được trừ hai bài vì thông thường bạn về nước vào tháng 7 sau khi nhận bằng tốt nghiệp. Trong khi đó, một nhà thơ chuyên nghiệp cần phải tìm tòi, thainghén cỡ ít thì cũng khoảng vài nghìn tứ thơ. Nhưng, dân số trên trái đất này ngày càng đông. Số lượng người, vì những hoàn cảnh khác nhau, có nhu cầu làm thơ cũng tăng gần như tỷ lệ thuận với mức tăng dân số. Ấy là chưa nói một lượng lớn các ý tưởng đã bị các nhà thơ quá cố của quá khứ đã xài mất rồi. Vì vậy, rất dễ xảy ra trường hợp hai hoặc hơn hai cá thể khác nhau, trong những thời gian khác nhau, địa điểm khác nhau nhưng lại hội tụ đến cùng một ý tưởng. Sẽ rối tung lên, sẽ mất đoàn kết, nếu họ đều hiện thực hóa ý tưởng "chung" đó thành thơ, tuy có thể khác nhau ở cách thể hiện và độ chín. Vì vậy, để khuyến khích sự sáng tạo, phần nào cũng là làm tăng thể tích thơ cho nhân loại, Hội các nhà thơ thế giới, sau nhiều năm bàn cãi, tranh luận đã đi đến sự nhất trí toàn cầu như sau: "Hai bài thơ trên cùng một ngôn ngữ được gọi là khác nhau, nếu tìm được ít nhất một từ có trong bài này mà không có trong bài kia và ngược lại. Trong trường hợp hai ngônngữ khác nhau thì hai bài thơ chỉ khác nhau nếu một trong hai tác giả thừa nhận rằng bài thơ của mình là được dịch từ một bài thơ tiếng nước ngoài có cùng một ý tưởng". Sau đây chúng ta sẽ sử dụng tên gọi quốc tế vắn tắt của quy định trên là WTO, nghĩa là quan điểm toàn cầu về chuyên môn, ở đây là về thơ (World Technical Opinion). Trong các trường hợp ngữ cảnh không được rõ ràng, để tránh nhầm lẫn với Tổ chức thương mại thế giới, một tổ chứcchuyên lovề vật chất của nhân loại, người ta còn viết WTOp để nhấn mạnh đây là quy định về thơ, một Hiệp ước lo về tinh thần cho tất cả mọi người trên trái đất. Chữ p nhỏ viết ở cuối, thấp hơn một chút có nghĩa là Poetry, tức là thi ca.

WTO đối với các nhà thơ chuyên nghiệp dễ hiểu như ta hiểu môn Giải tích vậy. Song, nó đủ phức tạp đối với các nhà thơ nghiệp dư, lại còn bất đắc dĩ như chúng ta, vì vậy, cần có một vài ví dụ minh họa.

Ta lấy trường hợp câu ca dao nổi tiếng sau làm ví dụ để phân tích:

Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
(1)

Dưới đây là một số "áng thơ" được gọi là có quan hệ "gốc gác", từ góc độ nào đó, với (1) lần lượt là:

Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhưcanh rau muống nhớ cà dầm tương (2)

Canh rau muốn nhớ quê nhà
Anh đi anh nhớ, anh nhớ cà dầm tương
(3)

Canh cà, rau muống dầm tương
Anh đi nhớ, nhớ quê nhà, nhớ anh
(4)

Anhđi anh nhớ quê nhà
Nhớ
cơm gạo tám, nhớgà xé phay (5)

Nhớ dầm cà tương, canh rau muống
Nhà quê nhớ anh, anh nhớ đi
(6)

Với quy định trên thì ta thấy, (1), (3), (4), (6) chỉ là một bài thơ, vì dễ dàng nhận thấy rằng, chúng chỉ là câu hoán vị khác nhau của 14 chữ, theo khuôn lục bát hay song thất cũng vậy, mặc dầu ý thơ có vẻ hơi khác nhau. Chẳng hạn, trong (3) anh chưa chắc đã đi xa quê, mà có thể chỉ là sang hàng xóm thôi, nhưng dặn vợ ở nhà, bữa trưa nấu canh rau muống ăn với cà dầm tương. Trong khi đó phương án (4) có thể hiểu là lần này anhđi xa quê thật rồi, anh cứ đi đi, em nhớ anh, còn anh thì phải nhớ em (quê nhà) và đừng quên chỉ dùng canh cà và rau muốn chấm tương. Về thể thơ thì (6) khác hẳn (1), ngoài ra với (6) ta có thể hiểu, người vợ nhắc chồng: ở quê có việc, anhnhớ mà về, trước khi về quê đừng quên dầm cà và luộc rau muống. Như vậy, các "tuyệt tác" (1), (3), (4) và (6) có thể cho ta cácngữ cảnh hay các trạng thái tình cảm khác hẳn nhau, hay nói một cách thơ hơn là chúng làm cho tâm hồn ta rung động với các tần số có khi rất khác biệt, nhưng chúng chỉ là một. Biết làm thế nào, quy định là quy định, làm sao khác được. Nhưng, nếu nghĩ thêm một chút thì đúng là chúng giống nhau thật vì quanh đi quẩn lại trong bát cơm mà ta sẽ ăn chỉ có sự phối hợp của ba lực lượng: cà, rau muốn và tương. WTOp cũng có lý!

Mặt khác, ta lại thấy (1), (2) và (5) đều nói lên nỗi niềm hớ quê da diết, đến nỗi chẳng biết cái nào da diết hơn cái nào. Mỗi cái có một sắc thái riêng, một nét đẹp riêng. Nếu (1) và (5) thể hiện nỗi nhớ quê qua nỗinhớ các món ăn đặc trưng mang tính trường kỳ của một thời đã làm nên da thịt, tóc tai của mình hôm nay, tuy các món ăn đó có khác nhau về độ dinh dưỡng, tùy thuộc hoàn cảnh của mỗi người, thì (2) lại ví von tình cảm gắn bó của mình với quê hương nơi chôn rau cắt rốn như mối tình canh rau muống với cà dầm tương, một mối tình dung dị, nhưng đẹp và nổi tiếng với hầu hết mọi người dân sống dưới lũy tre xanh ngàn đời trong các làng quê Việt Nam. Ba nỗi nhớ quê này, theo quy định, chúng khác hẳn nhau, thể hiện bằng các chữ in đậm. Đó là những thứ có trong cái này mà chẳng có trong cái kia và ngược lại. Nhân đây tôi cũng xin nói với các bạn sinh viên trẻ, các nhà thơ tương lai rằng, khi viết thơ, ta nên chú ý đến các đối tượng mà mình hướng tới thì mới đạt hiệu quả cao. Cái món trong (1) nó bình dị, gần gũi với số đông đảo người Việt Nam, nên khi nó được mang ra để nhớ thì ắt hẳn nó dễ đi vào lòng người hơn là những món quá đắt trong (5) đối với số đông nói trên. Qua các món khoái khẩu đó ta cũng biết được nhiều về hoàn cảnh và nhân cách của tác giả. Người vô danh tạo ra (1) (vô danh vì nó là ca dao) đại diện cho tầng lớp nghèo nhưng thanh tao, có thú ẩm thực dân dã mà cao sang, còn cái tác giả thèm cơm támgà xé phay là con nhà giàu, là thiểu số, nhớ về những món ăn đọc lên đã thấy cồn cào trong bụng, nhưng lại như bị tố cáo là kẻ tham ăn. Mà ngay cả những người giàu nhưng khôn ngoan, trong bụng thì họ thèm món (5) nhưng khi nói ra thì họ lại chọn món (1), đơn giản là vì món (1) có tính khái quát cao hơn, thơ hơn, mà lại còn rẻ nữa.

Tiếp theo đây tôi muốn nói đến một lợi ích to lớn mà WTOp mang lại cho chúng ta, những người cần có một bài thơ để nộp cho Tập san hàng tháng. Đó chính là cách tiếp cận trong sáng tác thơ mà ta có thể gọi nôm na là một lần và cho mãi mãi, hoặc thơ tổng quát. Tôi xin lấy một ví dụ cụ thể. Giả sử bạn làm một bài thơ như sau với tiêu đề A+B:

A + B

A yêu B, B yêu A
Ai ai cũng bảo thật là đẹp đôi
A xinh B cũng chẳng tồi
A cười, B há mồm ngồi ngắm A

Với một công thức tổng quát như vậy, bạn có thể yên tâm sản xuất một bài báo tường ở dạng thơ chỉ trong không đầy nửa phút. Thật vậy, trong bài báo đầu tiên bạn gửi đăng nguyên văn bài thơ (công thức trên), cuối bài bạn chỉ cần gán: A = Hoa, B= Bướm. Thế là bạn đã có một bài thơ trữ tình hoàn toàn không tầm thường, nghĩa là một bài báo chất lượng cao. Nhưng lợi ích quan trọng và to lớn của nó nằm ở chỗ. Tháng sau, trước thời hạn phải nộp bài một phút, bạn lấy một tờ giấy trắng và viết:

A + B (xem Tập san số X)
A= Hằng, B = Cường

Và thế là, bạn lại có một bài thơ trữ tình không tầm thường, nghĩa là một bài báo chất lượng cao. Không có ai, dù kẻ đó rất không ưa bạn vì lý do nào đấy, lại có thể nói rằng bạn chép lại bài thơ đã nộp lần trước. Trong trường hợp này bạn đã được WTO bảo vệ. Rõ ràng, vào WTOp cũng có nhiều cái lợi đấy chứ! Cũng chẳng có lý do nào cấm bạn trong 56 tháng tiếp theo gán cho A và B các giá trị (đúng hơn là các đối tượng) cụ thể khác nhau, nhưng nhớ là phải hợp lý, để lại có bài báo được xếp vào loại chất lượng cao, do một bài thơ hoàn toàn không tầm thường mang lại.

Cái chốt của vấn đề bây giờ chỉ còn ởchỗ, làm thế nào tạo ra được một bài thơ tổng quát hoàn toàn không tầm thường. Dễ dàng nhận thấy rằng, dòng thơ tuyên truyền cổ động không thích hợp với cách tiếp cận này, vì tính khô khan cũng như tập xác định củanó thường rất nghèo nàn. Thơ bác học cũng có thể sử dụng cho mục đích này. Tuy nhiên, dòng thơ ấy rất kén độc giả (người đọc phải có IQ cao, biết nhiều, hiểu rộng) nên tính phục vụ xã hội không cao. Chỉ có dòng trữ tình là thích hợp. Một mặt, dòng này ai cũng thích, không kể giới tính, tuổi tác. Mặt khác, các đại lượng tổng quát viết trong nó thường có tập đối tượng không hạn chế. Chẳng hạn như A và B trong ví dụ trên, bạn có thể ngồi hàng tháng liền mà không liệt kê hết được các giá trị mà chúng có thể nhận. Đó chính là cái bạn cần. Vậy, điều tiếp theo chúng ta cần bàn là làm thế nào sáng tác được một công thức hoàn toàn không tầm thường. Muốn thế trước tiên bạn cần phải có hiểu biết đúng đắn về hai phương diện: thi sỹ trữ tình, họ là ai, và thơ của họ có đặc điểm gì độc đáo.

Đặc điểm nổi bật nhất của thơ trữ tình là nó thường có tính lạc quan. Nó mang đến cho người đọc những cảm giác yêu đời, yêu nhiều người, yêu nhiều thứ và một tâm trạng vui vẻ, thư giãn nhiều hơn là nỗi đau dằn vặt đớn đau. Nếu có đớn đau thì cũng nhẹ nhàng thôi. Chợt đến rồi chợt tan có khi chưa kịp nhận biết. Vì những luận cứ đó mà nhiều người ví các nhà thơ trữ tình như là men rượu, biến những thứ thường thường như gạo, ngô, khoai, sắn, thậm chí cả nước rỉ mật ở các lò ép mía thành một chất lỏng lý tưởng, ai uống vào cũng thấy ngất ngây. Một sự so sánh khá thành công, tuy vậy, ví thơ trữ tình với rượu có một điểm không đạt, ví như ta biết, rượu không dùng được cho nhiều người, đơn cử như phụ nữ có thai, người cao huyết áp, và đặc biệt là trẻ em, một nhóm độc giả khá quan trọng. Trong khi đó, thơ trữ tình, với đặc trưng nói trên, rất bổ cho mọi người, không trừ một ai. Mãi tới gần đây mới có được sự nhất trí rộng rãi trong đại đa số các quốc gia trên toàn thế giới về một định nghĩa không chính thống về nhà thơ trữ tình, và thơ trữ tình. Theo cách nhìn sát thực và tích cực thì, nhà thơ trữ tình như một nàng bò sữa, từ những chất liệu thô, ráp như cỏ, rơm, lõi ngô, cám gạo... đã tạo ra cho đời một thứ chất lỏng còn hơn cả lý tưởng, bổ ích cho mọi người, cho mọi lứa tuổi, dễ uống và an toàn. Đó là sữa bò tươi.

Vì tất cả các lý lẽ nêu trên, tôi mong ở đơn vị ta đàn bò sữa càng ngày càng đông. Nhưng làm thế nào để có thể biến mình thành một con bò sữa? Rõ như ban ngày rằng, muốn có các tia sữa lạc quan thì bầu vú (ở đây là tâm hồn nhà thơ) cũng phải thấm đẫm tinh thần lạc quan. Nếu ví tâm hồn bạn như một mảnh đất canh tác thì hãy giữ mảnh đất ấy luôn khô cằn, háo nước như đã chục năm rồi chẳng có một giọt mưa, để rồi ở thời điểm bùng nổ sáng tạo thì bất cứ một cảm nhận nào từ thế giới bên ngoài cũng thấm vào tama hồn bạn như mảnh đất cằn kia đón nhận mưa rào. Có những nhà thơ thành đạt đã tự giam mình biệt lập với thế giới bên ngoài hàng nhiều năm trời, trong một hang sâu, hay trên một đỉnh núi cao, để đạt được trạng thái tột đỉnh của sự thèm khát về với đời thường, và trong cái khoảnh khắc tái hội nhập đó họ đã sáng tác được những tác phẩm thi ca bất hủ từ những cái tầm thường mà trước đây họ không thèm để ý. Trong trạng thái như vậy sẽ chẳng có một cơ hội nào cho sự ủy mị, chỉ có niềm vui bất tận tràn vào từng xó xỉnh, làm căng phồng tâm hồn bạn hệt như mảnh xốp đã ngâm nước lâu ngày. Lúc đó là lúc bạn sẽ xuất khẩu thành thơ, tất nhiên là thơ trữ tình lạc quan và yêu đời. Bạn hãy khổ luyện như vậy một thời gian, bạn sẽ thấy mình trở thành nhà thơ trữ tình lúc nào không biết. Đó cũng là quy luật của muôn đời: mọi thành công đều phải trả giá.

Để kết thúc bài viết này, một lần nữa, tôi muốn thông qua hai trường hợp cụ thể để giúp các bạn đánh giá xem mình đã "đắc đạo" hay chưa. Chúng ta ai cũng ngán giờ tập trượt băng. Tôi nhớ mỗi lần đi trượt băng là chân tôi đau buốt vì bị bó trong đôi giày trượt băng càng khít càng tốt. Sàn thì trơn, ngã soành soạch, mông đau ê ẩm. Trước một thực tế như vậy, một chú bò đực chắc phải cho ra một sản phẩm gần như thế này:

Hay gì cái thú trượt băng
Chân tay lạnh buốt, hàm răng rụng rời
Quý nhau xin có đôi lời
Trượt băng là cái trò chơi nhục hình

Thế nhưng Anđơrây Kờxi, một nhà thơ trữ tình nổi tiếng của Khoa ta, gốc Phủ khóai, Hưng Yên lại có cái nhìn khác. Anh viết:

Cơm nước xong rồi đi trượt đây
Trời mây nghiêng ngả lòng ngất ngây
Em bay, anh lượn như làm xiếc
Cũng đẹp, cũng hay kém gì Tây.

Thật là ngỡ ngàng, ngay cả đối với tôi. Hóa ra trượt băng cũng vui, khôngnhững không bị ngã khi đứng, mà còn có thể bay và lượn trên hai con dao sắc nữa. Giỏi thật. Nhưng mà bạn cũng cần cảnh giác, vì ai cũng biết, Anđơrây Kờxi gần như là một bò sữa đầu đàn.

Một trường hợp khác cũng khá điển hình.Anh bạn mà tôi quen thân đã tơi vào một hoàn cảnh thuộc hàng bi thương nhất, đó là khi anh bị người yêu ruồng bỏ sau nhiều thời gian gắn bó với những kỷ niệm ngọt ngào của mối tình đầu. Không hiếm những người bình thường quyên sinh khi gặp phải cú sốc như vậy. Cũng may mà anh này đã kịp khổ luyện thành một nhà thơ trữ tình với vốn liếng kha khá. Vì vậy, anh ta không bị tổn thương gì lớn lắm. Không những thế, anh ta còn sáng tác được một bài thơ tổng quát nổi tiếng, và bây giờ anh rất thảnh thơi đối với việc nộp báo thường kỳ.

Xin giới thiệu bài thơ mà chỉ những người "đắc đạo" mới có thể viết được trong một trạng thái u ám, tuyệt vọng đối với nhiều người như vậy:

Chia tay

Dưới cơn mưa A nói với B:
Tình yêu đã ra đi mãi mãi.
Trời rất rét mà mặt B không tím tái,
Nó lại mỉm cười, ngửng mặt hứng làn mưa
Bỗng nó thấy trời xanh đến thế,
Nó chợt hiểu rằng, nó sẽ đến với C


I. Để có được một đàn bò sữa

II. Các phương pháp để trở thành bò sữa

1. Tổng quát hoá
2. Tổ hợp
3. Thay thế

I. Để có được một đàn bò sữa

Thật khó có một định nghĩa về một nhà thơ lãng mạn. Có người bảo nhà thơ lãng mạn là một thùng cát lọc nước đục thành trong. Người thì bảo nhà thơ lãng mạn là những con men rượu từ những chất bột bình thường cho con người cái chất lỏng say say. Năm 1963, trên một tạp chí văn học phương Tây một nhà thơ nổi tiếng đã cho một định nghĩa mới về các nhà thơ lãng mạn và định nghĩa này chẳng bao lâu được nhiều người công nhận. Theo ông ta, một “nhà thơ lãng mạn” chẳng khác gì một con bò sữa, từ những phế liệu của đời như cỏ xanh, lúa mọt, lõi ngô... cho loài người những dòng sữa mát và bổ. Thật là một cách so sánh đúng đắn. Cũng những cỏ xanh, lõi ngô ấy nếu chúng ta đem cho bò đực ăn thì nó sẽ cho ra thứ hoàn toàn không phải là sữa. Trong thực tế, số lượng bò sữa rất ít, trong khi bò đực rất nhiều. Đa số chúng ta đều là bò đực, kể cả tôi. Vấn đề là phải có một “tâm hồn lãng mạn” kiểu bò sữa. Để thấy rõ sự khác nhau về sản phẩm đầu ra giữa bò sữa và bò đực từ chất liệu cỏ xanh ta hãy xét một ví dụ:

Những ai đã từng trượt băng thì thấy đấy là một trò chẳng có gì thú vị, đôi khi còn nguy hiểm. Trời lạnh, chân đau, ngã dập lưng, va vấp nhau luôn xoành xoạch. Một chú bò đực từ những điều kiện đã cho ấy chắc chắn sẽ cho ra đời một thành phẩm kiểu này

Em trượt anh trượt cùng bọn Tây
Trời đất quay cuồng mồm sưng tấy
Vấp ngã bao lần còn cố dậy
Cái tuổi hai mươi khoẻ thật đấy

Nhưng cũng trong điều kiện ấy, bò sữa - “nhà thơ lãng mạn” lại có thể thốt ra những vần rất tuyệt

Em bay anh liệng má hây hây
Trời mây nghiêng ngả lòng ngất ngây
Vấp ngã bao lần vẫn đứng dậy
Ôi tuổi hai mươi đẹp từng giây

Sự khác nhau thật là rõ ràng.

Không chỉ sáng tác thơ, dịch thơ cũng như vậy. Đơn cử một “bò sữa” đầu đàn trong nền thơ ca Mỹ, Langstons Hughes, cho ta một loại cỏ xanh thế này

Dreams
Langston Hughes


Hold fast to dreams
For if dreams die
Life is a broken-winged bird
That can not fly

Hold fast to dreams
For when dreams go
Life is a barren field
Frozen with snow

Từ cỏ xanh trên cánh đồng nhà Langston, bò sữa và bò đực cho ra những sản phẩm khác nhau. Một loại cho ra sản phẩm kiểu này:

Ước mơ xin níu chặt
Kẻo mơ vuột tầm tay
Đời thành chim gãy cánh
Ngập ngừng chẳng dám bay

Ước mơ xin níu chặt
Kẻo mơ vỗ cánh bay
Đời hoá đồng hoang lạnh
Đông cứng trong tuyết dầy

Còn loại kia cho ra sản phẩm kiểu này:

Tóm mơ thật chặt em ơi
Kẻo không nó chết toi đời nhà ma
Đời khi ấy gãy cánh gà
Đi còn đếch nổi nữa là đòi bay

Ôm mơ thật chặt trong tay
Kẻo không nó trốn, nó bay mất giờ
Đời thành cằn cỗi xác xơ
Tuyết phủ trắng xoá hờ hờ lạnh ghê.

Qua nói chuyện với nhiều nhà thơ nổi tiếng, tôi rút ra được mấy điều mà họ vẫn làm để có được một tâm hồn thi sĩ. Phần lớn họ trước khi đến với thơ tâm hồn đều khô cằn, nứt nẻ. Nhưng họ sớm cày sâu, phơi nỏ, đập nhỏ, tưới nước, và bón, bón nữa, bón mãi... nên chẳng bao lâu họ có tâm hồn màu mỡ, phì nhiêu. Họ là những người đầy ý chí, nghị lực, luôn đè nén tâm hồn, bắt nó phải xa rời cuộc sống thực tế, biết đặt tâm hồn lên trên lương tâm. Có như vậy mới có thể trở thành bò sữa. Đã có một con bò sữa, bạn hãy chăm sóc cho nó khoẻ mạnh, đồng thời phải lai tạo với bò đực để có những con khác tốt hơn. Làm như vậy, sớm muộn bạn cũng sẽ có một đàn bò sữa.


II. Các phương pháp để trở thành bò sữa

Trong thực tế, một số bò đực đã thắc mắc rằng:
Tại sao tôi đã chăm bón, tưới nước, đè nén tâm hồn v.v. thường xuyên mà vẫn không có được tâm hồn thi sĩ? hơn nữa, tâm hồn tôi hiện giờ đang toả ra mùi của những thứ tôi đã bón cho nó”.

Về vấn đề này, có một câu nói không hoàn toàn chính xác trong ngữ cảnh này của Lê nin: “Nhiệt tình cộng với ngu dốt bằng phá hoại”. Tất nhiên các bò đực không ngu dốt. Trở ngại ở đây cũng giống như trồng cây lúa, ta đã biết bón phân, tưới nước, nhưng chưa biết kỹ thuật canh tác nên vẫn chưa thu hoạch được một vụ mùa bội thu. Về kỹ thuật canh tác, nên đọc thật nhiều những tác phẩm kinh điển như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, tuyển tập Xuân Diệu, Xuân Quỳnh, Bút Tre và nhiều nhà thơ Việt Nam khác. Các nhà thơ nhà văn nước ngoài như Puskin, Bai rơn, Henrich Hainơ, Bạch Cư Dị, Lý Bạch, Lý Quỳ... cũng rất nên tham khảo.

Sau khi đã thấm đẫm hồn thơ rồi, nhiều khả năng bạn sẽ làm được những bài thơ lâm li, lãng mạn, nhưng na ná thơ của những nhà thơ trên. Thi trường như chiến trường. Bạn cần phải xây dựng phương pháp làm thơ cho riêng mình. Chỉ đến khi đó thơ của bạn mới đứng vững trên thi trường. Có rất nhiều phương pháp làm thơ, nhưng để làm thơ nhanh, nhiều, tốn ít thời gian, có ba phương pháp chính thường được áp dụng, đó là phương pháp tổng quát hoá, phương pháp tổ hợp và phương pháp thay thế.

Như các bạn đã biết, số người biết làm thơ ngày một nhiều. Vậy thì có thể hai người viết hai bài thơ giống nhau về nội dung mà không hề ăn cắp ý của nhau. Để khỏi có sự cãi vã nhau trong văn học, gần đây hội liên hiệp các nhà thơ thế giới đã họp và thống nhất một điều: hai bài thơ X, Y gọi là khác nhau (hoàn toàn độc lập với nhau) nếu như tìm được ở trong X một chữ (dù chỉ là một) mà chữ đó không có trong Y và ngược lại. Nhờ có việc khẳng định này mà xuất hiện phương pháp tổng quát hoá trong thơ và nó tỏ ra đặc biệt có ích. Ví dụ, bạn cần làm thơ đăng báo, bạn hãy chịu khó viết một bài thơ tổng quát kiểu này

A + B

A yêu B, B cũng yêu A
Ai ai cũng thấy thật là đẹp đôi
B xinh, A cũng tuyệt vời
B cười, A há mồm ngồi ngắm B

Đến số báo thứ 2, bạn thay A = Kha, B = Chi, bạn sẽ có một bài về một mối tình cụ thể khá sinh động như sau:

Kha yêu Chi, Chi cũng yêu Kha
Ai ai cũng thấy thật là đẹp đôi
Chi xinh, Kha cũng tuyệt vời
Chi cười, Kha há mồm ngồi ngắm Chi

Đến các số báo sau, bạn chỉ cần viết thế này:
Thơ, xin xem lại số báo 1, với B = Bướm, A = Hoa, hoặc B = Thiên, A = Nga... Quả là dễ dàng phải không.

Để thơ đa dạng hơn, cùng với phương pháp tổng quát hoá, cần tìm đến phương pháp tổ hợp. Nếu để ý một chút, bạn sẽ thấy thơ tình thường lặp đi lặp lại mấy từ: anh, em, yêu đương, thiên đường, và tất nhiên, tình yêu không thể thiếu chiếc giường. Toán học đã cho biết tổ hợp của n phần tử sẽ cho rất nhiều phương án khác nhau. Viết tất cả những từ này vào những mảnh giấy khác nhau, kèm theo một số từ để bổ sung khác, cho vào trong một cái mũ và xóc đều, sau đó nhặt ra, ta sẽ được một bài thơ kiểu như thế này:

Anh sẽ đưa em lên thiên đường
Thiên đường của những kẻ yêu đương
Và rồi trên đó thiên đường đó
Anh sẽ tìm mua một chiếc giường

Xóc mũ một lần nữa, ta sẽ có bài thơ thứ hai

Anh sẽ tìm mua một chiếc giường
Chiếc giường tên gọi “cặp uyên ương”
Và rồi trên đó giường êm đó
Anh sẽ đưa em lên thiên đường

Số lượng từ càng nhiều, số bài thơ ta có sẽ càng nhiều và càng phong phú.

Phương pháp tổng quát hoá và tổ hợp cho năng suất thơ rất cao, tuy nhiên, những bài thơ này không có được tính đột phá lớn. Để có những bài thơ sáng tạo, bạn có thể chuyển sang phương pháp thay thế.

Từ mấy nghìn năm trước, theo quan điểm y học cổ truyển Trung hoa, tình yêu có nguồn gốc từ quả thận. Đến thời văn minh Hy lạp và La mã, con người cho rằng tình yêu bắt nguồn từ đôi mắt và đôi tai. Suy nghĩ này được duy trì cho đến thế kỷ 18, không hiểu tại sao người ta chuyển tình yêu sang trái tim. Quan điểm sai lầm này được phản ánh rộng rãi trong văn thơ đương thời cho đến tận bây giờ. Thực ra, tình yêu xuất phát từ dạ dày. Người Đức đã tìm ra một phần chân lý khi phát biểu: “tình yêu của người đàn ông đi qua dạ dày”, đúng thế không các bác . Chắc chắn trong thế kỷ 21 này, khoa học sẽ chứng minh được điều đó.

Sau khi được trang bị một quan điểm khoa học và cách mạng như vậy, bạn hãy tìm tất cả những áng văn thơ có “trái tim” và thay bằng “dạ dày”, chắn chắn bạn sẽ có những vần thơ vừa trữ tình vừa cách mạng. Chẳng hạn như về tình yêu nhân loại:

Ôi dạ dày em dạ dày vĩ đại
Còn một hạt cơm còn bóp mãi
Không phải cho em cho lẽ phải trên đời
Cho quê hương em, cho tổ quốc, loài người

Hay về tình yêu nam nữ

Đường vào dạ dày không giống đường xe lửa
Không có nhà ga, không có con tàu
Đường vào dạ dày chỉ có vực sâu
Anh đã muốn vào em đâu ngăn cản.

Để tỏ tình với một cô gái, thay vì thề thốt nọ kia nghe rất sáo rỗng mà chưa chắc đã được tin, bạn hãy ngỏ lời thế này:

“Bông hồng của anh, bông huệ của anh, dạ dày của anh, anh yêu em chân thành và say đắm. Anh nguyện cùng em dầm trong tuyết sương, băng qua sa mạc, vượt qua bão tố để bên nhau đi đến lâu đài hạnh phúc của tình yêu. Không gì có thể ngăn cản được chúng ta khi hai dạ dày co bóp chung tần số”.

Chắc chắn nàng sẽ vô cùng xúc động và không ngại ngần gì mà không trao nguyên cả dạ dày nàng cho bạn.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Văn hóa “tán”

    28/12/2015Lê Thị Liên HoanCó lẽ trên đời này không có gì quan trọng mà lại mờ ảo như văn hóa. Ngay cả định nghĩa thế nào là văn hóa cũng mông lung. Văn học, điện ảnh, sân khấu, ca nhạc… là văn hóa đã đành. Thời trang, ẩm thực, du lịch… là văn hóa cũng đành, đến đi bộ, ngủ, uống trà, xỉa răng đôi khi cũng là văn hóa nốt!
  • Thư của ông cá độ bóng đá 1,8 triệu USD gửi Văn Quyến, Quốc Vượng

    15/06/2014Lê HoàngCác chú thân mến!
    Nhận được tin các chú “dính”, anh rất đau lòng. Vừa thương vừa giận. Thương vì các chú còn trẻ quá, tuy mấy năm nay có tập tễnh ăn chơi nhưng suy cho cùng chưa hưởng thụ gì nhiều, có lẽ từ giờ chả còn cơ hội...
  • Sống văn minh

    15/06/2008Chiêu QuânLàng B từ lâu đã bị chê cười là làng thiếu văn hóa nhất trong cả xã, nhất trong cả huyện và thậm chí là nhất cả tỉnh nữa. Trong làng, từ người lớn đến trẻ con, mà ngay cả người già đụng đâu là xả rác, phóng uế ra đấy, ra đường thì hở một chút là chửi thề văng tục, đụng một chút là thượng cẳng chân hạ cẳng tay...
  • Bài thơ học tiếng Anh

    18/01/2008Long dài, short ngắn, tall cao
    Here đây, there đó which nào, where đâu
    Sentence có nghĩa là câu
    Lesson bài học, rainbow cầu vồng...
  • Những đề văn kỳ dị

    22/08/2006Lê HoàngSau kỳ thi văn đại học đầy các bài viết "kinh hoàng" của thí sinh vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân là bản thân đề bài cũng có nhiều thiếu sót, vừa xơ cứng, vừa bế tắc, vừa xa rời thực tế, sáo mòn. Chúng tôi xin tưởng tượng một số đầu bài như trên để giúp bạn đọc có cái nhìn... thương cảm...
  • Tí học làm văn

    02/07/2006Hồi còn đi học tiểu học, Tí rất thích làm văn. Một hôm, Tí được cô giáo ra bài tập về nhà...
  • Thơ với cuộc đời

    22/12/2005Lão HạcCó một nhà thơ nhiều tài năng, trẻ trung, thích sống tự do, không chịu ràng buộc của gánh nặng gia đình. Trong những ngày tháng “tươi đẹp” ấy, anh in một tập thơ dày cộm...
  • xem toàn bộ