Phan Châu Trinh, nhà giáo dục qua Santé thi tập

10:35 SA @ Thứ Năm - 11 Tháng Tám, 2016

Phan Châu Trinh là nhà cách mạng, nhà chính trị, tư tưởng, điều đó ai cũng rõ, nhưng nói Phan Châu Trinh là nhà giáo dục thì ít người nghĩ đến. Thực ra, trên con đường hoạt động cách mạng, ông rất chú trọng đến vấn đề này. Ông đã viết nhiều bức thư, nhiều bài diễn thuyết, nhiều bài thơ v.v... để tuyên truyền, giáo dục về chính trị, tư tưởng, đạo đức cho nhân dân, đặc biệt trong tác phẩm Santé thi tập ông đã có một nội dung giáo dục rất phong phú, một phương pháp giáo dục mới mẻ, độc đáo.

Santé thi tậplà tập thơ viết bằng chữ quốc ngữ, sáng tác trong thời gian Phan Châu Trinh bị thực dân Pháp bắt giam tại ngục Santé ở Paris từ giữa tháng 9 năm 1914 đến giữa tháng 7 năm 1915.

Tháng 8 năm 1914, Đức tuyên chiến với Pháp, chiến tranh thế giới I bùng nổ, phe thuộc địa cực đoan ở Pháp muốn hãm hại ông, đưa giấy gọi ông đi lính với ý đồ đẩy ông vào chỗ chết hay ít ra ông cũng không làm gì được một khi đã bị khép vào quân ngũ. Ông đã phản đối không đi vì luật pháp không bắt buộc người dân của nước được bảo hộ phải thi hành nghĩa vụ quân sự mà chỉ kêu gọi sự tình nguyện của họ thôi. Không ép được, chúng quay sang vu cáo ông thông đồng với Đức, ngày 14 tháng 9 chúng lục soát phòng trọ rồi bắt giam ông.

Về việc này bà Thu Trang, trong luận án Tiến sĩ, có nói rằng Phan Châu Trinh nhận được một lá thư từ Đức gởi đến kí tên Cường Để, nhờ ông làm môi giới với chính quyền Pháp để bàn việc hợp tác. Vì hoài nghi nguồn gốc của bức thư, ông đã báo cáo và trao thư cho bộ Thuộc địa, nhưng họ đã lấy cớ bức thư ấy để bắt ông, giao cho toà án binh Paris xử ông tội danh: mật giao với quân thù (Đức) chống nước Pháp.

Trong thời gian gần một năm sống trong cảnh tối tăm, đói khổ ở ngục Santé, Phan Châu Trinh bằng trí nhớ tuyệt vời của mình, đã vận dụng văn học dân gian sáng tác tập thơ để ngâm ngợi cho khuây khoả và hơn thế nữa là để góp phần giáo dục quần chúng nhân dân ta.

Theo sách Tuyển tập Phan Châu Trinh của Nguyễn văn Dương biên soạn thì Santé thi tập hiện còn 2 di cảo do tác giả viết dưới dạng chữ quốc ngữ:

Di cảo thứ nhất chỉ gồm 3 trang. Trong di cảo này, Phan Châu Trinh ghi nhan đề tập thơ là Santé thi tập và chép 7 bài thơ quốc âm luật Đường dưới 6 nhan đề:

1) Em thương anh cha mẹ chẳng trao,
Hòn đá giằn bụi cỏ biết sao bây giờ.
2) Hai tay cầm lấy trái bòng,
So se muốn gọi sợ lòng mẹ cha.
3) Gà chết gà mổ diều.
4) Trăng lu vì bởi chòm mây (2 bài)
5) Nước đến trôn mới nhảy.
6) Không tham bồ lúa anh đầy,
Tham ba hàng chữ làm thầy thế gian.

Ngoài phần chính văn, tác giả còn chú thích các từ, các câu khó hiểu.

Di cảo thứ hai, Phan Châu Trinh chép trên 200 bài thơ quốc âm, thể thất ngôn luật Đường, không lưu ý đến 7 bài đã chép trong di cảo thứ nhất. Cũng như di cảo thứ nhất, ngoài việc chép thơ, tác giả còn chú thích các từ, các câu khó hiểu bằng cách dẫn tục ngữ, ca dao hay điển tích trong sử sách Trung Quốc, tác giả còn đánh số thứ tự từ bài đầu đến bài cuối. Di cảo này đã bị mất một phần gồm 30 trang ở đầu, giữa và cuối tập. Nay chỉ còn 72 trang chép 160 bài thơ còn nguyên.

Tuy nhiên, di cảo này khi chưa mất đã được sao lại. Theo lời thuật ở đầu bản sao của Nguyễn Ngô Ngạc, cháu gọi Phan Châu Trinh bằng cậu, thì năm 1916, ông Ngạc đi lính mộ sang Pháp, đến thăm Phan Châu Trinh tại Paris được Phan Châu Trinh giao cho tập thơ Santé thi tập và bảo ông Ngạc đem một bản về nước mà phổ biến. Nhờ bản sao toàn bộ di cảo, ta có thể biết được di cảo thứ hai gồm 221 bài thơ quốc âm thất ngôn luật Đường, đồng thời biết được chính văn và chú thích của 61 bài thơ bị mất. Như vậy, cộng chung thơ trong hai di cảo Santé thi tập gồm có 228 bài.

Văn học dân gian là kho tri thức vô tận của dân tộc, đã được đúc kết qua bao thế hệ, nó rất gần gũi với quần chúng nhân dân ta và trở thành một phần trong đời sống tinh thần của họ, cho nên để những lời tâm huyết của mình đến với nhân dân một cách hiệu quả, hầu hết các bài thơ trong Santé thi tập, Phan Châu Trinh đều lấy các câu tục ngữ, ca dao, thành ngữ quen thuộc làm đầu đề. Tuy nhiên, cũng có khi tác giả đã lấy một vài câu tục ngữ, phương ngôn chữ Hán mà dân ta thường dùng như: Quân tử nhất ngôn, Tích cốc phòng cơ, Phước bất trùng lai, hoạ vô đơn chí v.v.. hoặc một câu thơ của Hồ Xuân Hương (Một trái trăng thu chín lòm lom) làm đề bài, hay tự đặt đầu đề mới.

Phan Châu Trinh đã tuyển chọn trong kho tàng vô giá đó của dân tộc những câu phù hợp với thời sự, nói lên những vấn đề cấp thiết của xã hội đương thời mà nhân dân quan tâm làm đầu đề của bài thơ rồi diễn giảng cho rõ hơn nội dung của câu đề, có khi lại vận dụng thành ngữ, tục ngữ, ca dao để giải thích, minh hoạ và đưa thêm những ý kiến nhận xét, bình luận của mình để giáo dục quần chúng nhân dân.

Có người cho rằng thơ trong Santé thi tập thuộc loại thơ phú đắc tức là lối thơ có tính chất thù tạc, xướng hoạ, chú trọng về kỹ thuật làm thơ, khác với lối thơ trữ tình để gữi gắm tâm sự, tình cảm cá nhân. Thực ra, ngoài việc làm thơ ngâm vịnh để khuây khoả trong những ngày bị giam cầm nơi ngục thất, Phan Châu Trinh với tấm lòng yêu nước thiết tha, nhiệt tình cách mạng sôi nổi, những lời ông nói ra đều có mục đích giáo dục quần chúng nhân dân mở mang dân trí, chấn hưng dân khí, ý thức dân quyền. Nội dung giáo dục đó rất phong phú, đa dạng, thể hiện dưới nhiều chủ đề. Có thể đơn cử một số chủ đề sau:

1) Đời sống khốn cùng của người dân dưới chế độ thực dân, phong kiến

Trong Santé thi tập, tác giả đã viết nhiều bài thơ nói lên nỗi khổ của người dân nghèo như: Tiền vào nhà khó như gió thổi nhà trống; Thịt chuột thì ít, con nít thì nhiều; Vắt chày ra nước, ăn mắm mút giòi; Luộc trứng húp nước; Lên non túc một tiếng còi, Thương con nhớ vợ lệnh đòi phải đi...

Trong bài "Đánh đổ quan lại tham nhũng", nếu Trần Quí Cáp đã căm phẫn nói lên nỗi khổ của người dân bằng một hình tượng so sánh có tính chất khái quát:

Dân ta nay cực đà như chó

Thì trong Santé thi tập, Phan Châu Trinh lại miêu tả cụ thể đời sống khốn khổ của họ qua nhiều khía cạnh. Những cảnh đời cơ cực của người dân thời ấy dưới ngòi bút của Phan Châu Trinh đã hiện lên một cách sinh động, muôn màu muôn vẻ khiến người đọc phải xót xa. Từ chỗ "Tiền vào nhà khó như gió thổi nhà trống":

Vớ đặng giọt nào tiêu giọt nấy,
Thổi luồn đàng trước thấu đàng sau.

đến cảnh "Thịt chuột thì ít, con nít thì nhiều" ở những nhà nghèo đông con thiếu trước hụt sau không đủ gắp:

Chà chà con nít ở đâu nhiều,
Thịt chuột sao cho phát đủ đều.

Cuộc sống khó khăn, túng thiếu buộc họ phải hà tiện đến mức "Luộc trứng húp nước":

Luộc trứng toan đem húp nước à.
Ít hột lêu bêu qua khói lửa,
Chia tay lút chút đủ vừa nhà.

Và ám ảnh nhất là cảnh "Ăn mắm mút giòi". Đây không còn là hình ảnh thậm xưng để chỉ những người quá bủn xỉn mà nó là cảnh thực trong đời sống của người dân nghèo thời đó:

Kìa ăn chi đấy mắm hay giòi?
Trối mặc nào đâu để mút coi.
Lượm cả hai tay ghê lúc nhúc,
Đút cho một miệng gớm lòi thòi.

Tác giả không đứng ở trên nhìn xuống, không đứng ở ngoài nhìn vào để rủ lòng thương những kẻ khốn khổ mà đặt mình trong hoàn cảnh của họ để suy nghĩ, tính toán thiệt hơn một cách chân thực:

Tốn bao nhiêu cá thây nên lớn,
Vứt lửng chừng con của cũng hoài.

Không chỉ sống thiếu thốn, cực khổ, họ còn phải xa rời mái ấm gia đình, lìa bỏ vợ con lên đường nhập ngũ tòng chinh. Trong bài "Lên non túc một tiếng còi, Thương con, nhớ vợ lệnh đòi phải đi" tuy tác giả không trực tiếp nói ra, nhưng người đương thời đọc bài thơ ai cũng hiểu đó là thảm cảnh của người "lính mộ" phải sang chiến đấu ở các chiến trường châu Âu để chết thay cho những người Pháp trong Thế chiến thứ I. Vấn đề này, mười năm sau (1925) Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo một cách đanh thép, đầy đủ trong chương "Thuế máu" của thiên phóng sự nổi tiếng "Bản án chế độ thực dân Pháp":

"Từ năm 1914 trở về trước, họ chỉ là những tên da đen hèn hạ, những tên An-na-mít hèn hạ chỉ biết kéo xe và ăn roi vọt của các quan cai trị nhà ta. Cuộc chiến tranh vui tươi vừa xảy đến, thế là họ liền biến thành những đứa "con cưng", những người "bạn thiết" của các quan cai trị nhân từ và hiền hậu, thậm chí của cả các quan toàn quyền lớn bé nữa. Đùng một cái, họ (những người bản xứ) được phong cho cái danh hiệu tối cao là "chiến sĩ bảo vệ công lý và tự do". Nhưng cái vinh dự đột ngột ấy, người bản xứ đã phải trả bằng một giá khá đắt. Bởi vì, để bảo vệ cho cái tự do và công lý mà chính họ không được hưởng lấy một tí nào ấy, họ phải đột ngột lìa vợ, lìa con, bỏ đàn cừu, bỏ mảnh ruộng, để vượt đại dương, đem xương phơi trên các chiến trường châu Âu..."

Những lời oán thán chiến tranh phong kiến phi nghĩa làm tan vỡ hạnh phúc lứa đôi trong Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, những giọt nước mắt, những tiếng khóc nỉ non của người phụ nữ nông dân tiễn chồng trong ca dao:

"Cái cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non"

lại vang lên trong bài thơ của Phan Châu Trinh bằng những lời mộc mạc, tự nhiên mà không kém phần bi thảm:

Nhớ vợ, thương con, dạ nặng trì,
Lên non còi túc, lệnh đòi đi.
Ba quân hiệu giáp nghe vang cả,
Hai mối tình sâu rẽ sá chi.

Chưa hết, những gia đình nông dân nghèo còn phải lâm vào cảnh sẻ nghé tan đàn, gia đình ly tán vì chính sách sưu thuế, phu phen tạp dịch nặng nề phục vụ cho lợi ích của thực dân cũng được tác giả diễn tả một cách cảm động trong bài "Lấy chi mà trả ái ân, Lấy chi mà nộp công ngân cho làng":

Biết lấy chi chi trả ái ân,
Phần thời làng bắt nộp công ngân.
Đá vàng trơ đấy khôn rồi nợ,
Tiền bạc vơ đâu để rảnh thân.
Ngãi mẹ ơn cha trời đất nặng,
Bán con đợ vợ tháng ngày lần.
Đắp đàng, đào suối bòn vàng bể,
Khuấy khoả vì ai khổ kiếp dân.

Thảm cảnh này về sau Ngô Tất Tố đã miêu tả cụ thể hơn qua hình ảnh gia đình chị Dậu trong "Tắt đèn", một tác phẩm rất giá trị của dòng văn học Hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945.

2) Vạch trần tội ác của thực dân, phong kiến

Thấu hiểu tình cảnh thương tâm đó, Phan Châu Trinh không nén được nỗi xót xa, căm giận nên đã bật lên thành câu hỏi nhức nhối: "Vì ai khổ kiếp dân?". Vì ai? Trong các bài thơ: "Thần thế đồng tiền, oai quyền thúng thóc, Nén bạc đâm toạc tờ giấy, Quan là cha mẹ dân, Muốn nói gian làm quan mà nói, Chữ quan hai chữ khẩu...". Phan Châu Trinh đã vạch trần âm mưu của thực dân dùng quan lại để bóc lột dân lành, còn quan lại dựa vào thực dân để kiếm chác, ức hiếp nhân dân:

Giằng đầu đã chắc nhờ che chở,
Thêm miệng nên sinh lắm vặn xoay.
Nói hiếp, nói gian thêm đủ mực,
Bắt tròn bắt méo cả hai tay.

(Chữ quan hai chữ khẩu)

Quan lại là bọn người chuyên nói hiếp, nói gian, bắt tròn bắt méo, muốn nói gì thì nói:

Thiên hạ kìa ai muốn nói gian,
Phải xin kiếm miếng để làm quan.
Trăm điều chỉ thích tuồng thêu dệt,
Hai miệng nên mua bực thép gang.
Mặc sức khua hầu rồi múa miệng,
Dám ai chọc mắt lại trêu gan.

(Muốn nói gian làm quan mà nói)

Nhân dân ta thường nói: "Cha mẹ nói oan, quan nói hiếp", Phan Châu Trinh lại dùng lối chiết tự để giải thích một cách dí dỏm mà mỉa mai, cay đắng:

Chữ nghĩa khen ai khéo đặt bày,
Chữ quan hai khẩu, gẫm thày lay.

(Chữ quan hai chữ khẩu)

Quan có hai cái miệng nên nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong, có thế quan mới có của đút của lót để làm giàu, chỉ khổ cho người dân lành vô tội không có tiền phải chịu hàm oan thôi:

Mặc sức khua hầu rồi múa lưỡi,
Dám ai chọc mắt lại trêu gan.
Cửa tiền, cửa hậu xa chi mấy,
Mũ quạ, chưn trơn bạn hởi khoan.

(Muốn nói gian, làm quan mà nói)

Quan là cha mẹ của dân "dân chi phụ mẫu", nhưng ở thời đại nhiễu nhương này quan là hùm dữ ních cả thịt con:

Không thương vì bởi con không đẻ,
Hùm dữ càng hay ních thịt càn.

(Quan là cha mẹ dân)

Không chỉ quan lại ức hiếp dân mà bọn cường hào, ác bá cũng cậy thần cậy thế tác oai, tác quái trong xóm làng gieo bao đau khổ cho người dân:

Mãn cữ xem con thử giống ai,
Vai trùm, lưng lý, thiệt đầu cai!
Ngày no, tháng chẵn ưa nhìn nhõ,
Cha lộn, chồng chung nhớ mỉa mai.

(Chầu rày sanh đẻ đà rồi...)

Nói lên những thảm cảnh của người lao động nghèo, vạch trần tội ác của thực dân, phong kiến, làm cho họ thấy rõ bộ mặt thật của kẻ thù, những bài thơ trong Santé thi tập có tác dụng giáo dục tư tưởng rất lớn lao.

Ngoài việc chỉ trích quan lại, chống cường quyền, Phan Châu Trinh còn làm nhiều bài thơ luận về đạo vua tôi, cha mẹ, vợ chồng, anh em... những vấn đề về đạo lý của xã hội Việt Nam.

3) Về đạo lý

Phan Châu Trinh là một nhà Nho, ông lại đang sống trong xã hội phong kiến, nên ông không thể không đề cập đến vấn đề vua tôi. Trong bài "Luận vua tôi" ông đã đưa ra một quan niệm tiến bộ về vua: vua không phải là vị chúa tể có toàn quyền quyết định vận mệnh của dân tộc mà vua chỉ là kẻ đại diện cho một quốc gia:

Thống trị cầm quyền thay mặt nước,
Khuông tương ra sức đỡ tay trời.

Ông xem vua như "nhà sư giữ chùa", như "người con trưởng" lo việc kỵ giỗ trong nhà, do đó vua không thể coi nước là của riêng mình được:

Nước vốn ông cha chung khoảnh đất,
Vua là chúa tể giữ ngôi trời.
Chùa làng chưa dễ sư quơ sạch,
Ruộng tổ nên nhường trưởng kỵ thôi.

(Nước, vua)

Vua không phải là kẻ ngồi trên ngai vàng để hưởng thụ mà phải là người có tài có đức để gánh vác công việc quốc gia, trách nhiệm của người làm vua thật khó khăn, nặng nề:

Xưa nay khó nhứt đạo làm vua,
Tài đức gồm hai thế mới vừa.

(Đạo vua)

Vua còn phải biết quí trọng nhân tài, tránh xa bọn a dua xu nịnh:

Chuộng sĩ yêu hiền quên thế vị,
Lánh xa đệ nhứt tiếng a dua.

(Đạo vua)

Còn bề tôi thì phải yêu nước, trung với vua, phải thanh liêm, và sẵn sàng hy sinh vì nước:

Xưa nay khó nữa đạo làm tôi,
Yêu nước trung vua vẹn cả đôi.
Trắng trẻo gìn lòng trong tợ tuyết...
...Tro bụi liều thân giả sự đời.

(Đạo tôi)

Gia đình là nền tảng của xã hội, Phan Châu Trinh đã nói: "Phong tục ta còn giữ lại được là chỉ còn có gia đình, luân lý mà thôi, còn ra từ triều đình cho chí hương thôn là bởi mình đi lầm, đi lạc hết cả" (Thư trả lời anh Đông viết tại Paris ngày 24-1-1925), nên ông rất quan tâm đến vấn đề này. Ông đã dành hơn 30 bài trong tập thơ để khuyên răn, giáo dục mọi thành viên trong gia đình sống cho đúng với đạo lý của dân tộc. Một loạt bài: Đạo cha, đạo mẹ, Đạo con, Đạo anh, Đạo em, Đạo chồng, Đạo vợ, Đạo vợ chồng, Luận cha con, Luận anh em, Luận vợ chồng, Anh em là ruột là rà v.v... nói rõ vị trí trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình.

Trước hết là cha mẹ. Ông cho rằng cha mẹ phải là người có phẩm cách đạo đức tốt, là tấm gương sáng cho con cái noi theo:

Thế gian khó nhứt đạo làm cha,
Trước phải lo sao sạch thói nhà.
Khuôn rập dễ in từ thuở bé.
Méo tròn làm mẫu bởi mình ta.
Nguồn trong nước ít dòng thêm sạch.
Nêu vạy trời đâu bóng cũng tà.

(Đạo cha)

Cha mẹ phải quan tâm dạy dỗ con cái, không khoán trắng cho thầy giáo:

Học hành chữ nghĩa lôi thôi,
Mượn thầy trút gánh rằng rồi đạo cha.

(Nghĩa chữ từ-Phụ lục)

Ông cho rằng: "Thương thì cho roi cho vọt, Ghét thì cho ngọt cho ngào"

Cha mẹ yêu con phải lựa đường,
Ngọt ngào là ghét, đánh là thương.

Cha mẹ không nên quá yêu thương cưng chìu khiến con ỷ lại, lười biếng hư hỏng:

Hiềm vì nịch ái nên con sinh lười.
(Nghĩa chữ từ)

Nhưng ông cũng không tán đồng lối dạy con lúc nào cũng chỉ dùng roi đòn, đánh chửi, xúc phạm nặng nề nhân cách của trẻ:

Thừa ra biết mấy nhiêu nhà,
Roi đòn đánh khảo, ông bà chửi van.

(Nghĩa chữ từ)

Hoặc:
Bát bể thì thôi cứ chịu đành,
Đánh con cho lắm cũng không lành...
...Cục máu khôn đem đền mạng sứ,
Đoạn mây khó nỗi bịt khuôn vành.

(Bát bể đánh con không lành)

Và dạy con không phải đợi đến "lên ba" (Dạy con từ thuở lên ba) mà phải dạy ngay khi còn trong bụng mẹ:

Khôn dại đục trong mình chuốc cả,
Dạy con xin dạy thuở trong thai.

(Đạo mẹ)

Quan điểm của Phan Châu Trinh về giáo dục con cái rất thiết thực, khoa học và mới mẻ, đặc biệt là vấn đề thai giáo. Với sự tiến bộ của khoa học, ngày nay người ta đã chứng minh được thai nhi có thể phát triển tốt trí thông minh nhờ bà mẹ khi mang thai nghe nhạc êm dịu, nghe âm thanh của cá heo hoặc tâm tình với con trong bụng. Cách giáo dục mà Phan Châu Trinh đưa ra không chỉ cần thiết đối với xã hội đương thời mà còn là những lời khuyên vàng ngọc đối với những bậc cha mẹ hôm nay.

Về đạo làm con, Phan Châu Trinh nhắc nhở con cái phải lo chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ:

Kể chi cho xiết đạo làm con,
Báo bổ xin chăm lúc sống còn...
...Giàu mâm cá thịt thêm vang vẻ,
Khó miếng rau canh cũng vẹn tròn.

(Đạo con)

Hoặc:
Công lao từ mẫu quá non cao,
Đến lúc nuôi con mới biết nao...
...Dưới gối một ngày đừng lỏng lẻo,
Muôn vàn ghi nhớ đức cù lao.

(Nuôi con mới biết công lao mẫu từ)

Anh em phải nhường nhịn, thương yêu nhau:
Trăm bề rủi phải thua đôi thí,
Một nhịn càng thêm tốt cả bầu.

(Đạo em)

vì anh em là ruột là rà, dù có lúc bất đồng ý kiến với nhau chăng nữa, nhưng không thể bỏ nhau, chẳng ai cầm dao cắt ruột cho đành:

Phải biết anh em vốn ruột rà.
Hai cái cuống bông còn dính chắc,
Một đùm máu mủ khó lôi ra.
Tay khùng không nỡ dao cầm cắt,
Da lộn nên đem thịt bỏ ra.

(Anh em là ruột là rà)

Vợ chồng sống chung thuỷ, cùng nhau vun đắp hạnh phúc gia đình:

Vàng đá trăm năm vẹn chữ đồng.
(Đạo vợ chồng)

Muốn được như thế, ông cho rằng người chồng phải biết dạy dỗ khuyên bảo vợ:

Làm trai phải biết đạo làm chồng,
Dạy vợ từ khi tiết rạng đông.
Khiến đó khiến đây bày đủ nết,
Tiếng to tiếng nhỏ chạm vào lòng.

(Đạo chồng)

ông gọi việc làm đó là "đạo chồng", bởi vì trong 3 cái khổ của con người, vợ dại là khổ nhất nên người chồng phải có ý thức về trách nhiệm của mình:

Dưới thế việc chi tối khổ người,
Trong nhà vợ dại nhất bầu trời.
Tay chân miệng lưỡi hư và hỗn,
Cô bác bà con trách lại cười...
...Bạn bè khách khứa ngơ lui tới,
Nước mắt cười ra khóc hổ ngươi.

(Nhất là vợ dại trong nhà)

Gia đình lục đục thì vợ chồng cũng không hạnh phúc, nên người vợ phải biết nhường nhịn, hoà thuận với cha mẹ, anh em chồng để cửa nhà êm ấm:

Trên còn cha mẹ nên nhường nhịn,
Dưới có anh em cũng bạn bầu.
Mình cạn so đo thêm lúng túng,
Người khôn cặn kẽ ít câu mâu.
Cửa nhà êm ấm chồng danh tiếng,
Lịch sự cho mình lịch sự đâu.

(Đạo vợ)

"Vợ chồng khôn dại đóng cửa dạy nhau", đừng hở cửa gió lò để thiên hạ cười chê:

Đã gọi xưa nay đạo vợ chồng,
Dại khôn đóng cửa dạy nhau trong.
Ngách song tai vách toan gìn giữ,
Kẻ tóc chân tơ mặc cạn cùng.

Trong đời sống gia đình, ông cũng rất quan tâm đến mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu. Trong các bài: "Muốn nói không làm mẹ chồng mà nói, Nàng dâu là bồ đựng chửi, Dâu tặng bà gia, Bà gia hoạ lại...". Phan Châu Trinh bày tỏ sự thông cảm với nỗi khổ của những nàng dâu bị mẹ chồng bắt bẻ, hành hạ và bênh vực, an ủi họ:

Làm bồ đựng chửi chỉ nàng dâu.
Bới đào trăm món tràn trề đấy,
Ướt ráo hai chân trút đổ đâu.
Mình ốc nên cam mang cả cọc,
Đầu tằm hầu dễ tránh trăm dâu.

(Nàng dâu là bồ đựng chửi)

Trong gia đình Việt Nam, sự xung đột giữa mẹ chồng nàng dâu vốn là vấn đề muôn thuở, nhất là dưới thời phong kiến, nó trở thành món nợ đồng lần vay trả trả vay của người phụ nữ:

Ngầm nghiến chi tôi ớ mẹ ôi,
Nợ đời vay trả chắc đây rồi!
Xưa kia lắm thuở bà hành mẹ,
Nên nỗi bây giờ mẹ báo tôi.
Vặn nhặt, vặn khoan không chỗ hở,
Bắt tròn, bắt méo đủ bề thôi.
Nhờ trời mai mốt tôi già lại,
Kiếm một con dâu để hả hơi!

(Dâu tặng bà gia)

Đây cũng là một vấn đề xã hội cần phải giải quyết nên hơn mười năm sau Tự lực văn đoàn đã nêu lên thành một luận đề trong nhiều cuốn tiểu thuyết hấp dẫn được độc giả bấy giờ ưa thích.

Có thể nói những bài thơ về đạo lý trong Santé thi tập là những bài giáo dục đạo đức rất sinh động và bổ ích cho mọi lứa tuổi để cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc, làm nền tảng vững chắc cho một xã hội văn hoá, văn minh.

4) Vấn đề thế thái nhân tình

Với mong muốn có một xã hội tốt đẹp, nhân ái, Văn học dân gian đã có không biết bao nhiêu câu nói về thế thái nhân tình nhằm khuyên răn, giáo dục con người. Cùng mục đích đó trong Santé thi tập, Phan Châu Trinh cũng dành rất nhiều bài thơ để nói về vấn đề này. Ông chọn lọc nhiều câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ đúc kết về cách sống, tình người, tình đời phổ biến trong xã hội để làm đầu đề cho bài thơ. Đối với những câu nêu lên cách sống tốt đẹp, tình nghĩa, nhân hậu, thuỷ chung như: Đói cho sạch, rách cho thơm, Ăn cây nào rào cây ấy, Uống nước chừa cặn, Quân tử nhứt ngôn, Còn chồi lên cây, Ăn trái nhớ kẻ trồng cây v.v... thì ông tán đồng, đưa thêm những nhận xét hoặc một lời khuyên thiết thực, cụ thể:

Đói rách xưa nay cũng thế thường,
Cho thơm, cho sạch lắm người thương.
Muối rau giữ phận lòng băng tuyết,
Chài lưới che thân dạ quế cương.
Nước khuấy lộn bùn nên mới đục,
Trầm vùi đến đất hãy còn hương.
Sa chân sẩy bước kìa ai đấy,
Soi thử gương chung miệng giữa đường.

(Đói cho sạch rách cho thơm)

Hoặc củng cố niềm tin vững chắc vào tương lai:

Mặc ai đốn phá, mặc lung lay,
Nếu hãy còn chồi chắc có cây.
Mười thước cội sâu chưa nhúc nhích,
Trăm vừng tược nảy lại sum vầy.
Mưa nhuần nắng ấm chừng đôi lúc,
Cột cả rường cao chả mấy ngày.

(Còn chồi lên cây)

Hay cảnh cáo, răn đe những ai có ý đồ đen tối, xấu xa, phản phúc:

Lẽ thẳng sờ sờ tự thuở nay,
Thế đà ăn trái phải rào cây.
Xưa nay ngọt lạt vin cành ấy,
Hôm sớm chăm nom giữ cội này.
Mình trót lỡ mồm khi túng thiếu,
Lòng nào dứt rễ lúc lung lay.
Rào thung ăn táo kìa ai đấy,
Núp bóng xin nghe mấy tiếng đây.

(Ăn cây nào rào cây ấy)

Những câu nói về lối sống gian tham, lừa lọc, bạc tình, bạc nghĩa, ích kỉ, nhỏ nhen như: Giậu ngã bìm leo, Trâu cột ghét trâu ăn, Đục nước béo cò, Rung cây nhát khỉ, Luồn gió bẻ măng, Ăn cháo đái bát, Ăn cổ đi trước, lội nước đi sau, Ma cũ ăn hiếp ma mới, Ông nông ngã sấp bồ câu đá giập, Mềm nắn rắn buông, Coi gió bỏ buồm, Hàng xóm cháy nhà bằng chưn như vại v.v... thì ông chỉ trích, phê phán một cách nghiêm khắc:

Thói chi bạc bẽo nghĩ mà coi,
Ăn cháo rồi xây đái bát hồi.
Mới húp quanh đây chưa quệt mỏ,
Sẵn đồ rác đó đã dìa bòi.
Thiếu chi hè xó trây dơ nhớp,
Mấy tí công ơn phủi sạch sòi.
Có lúc đầu đàng ngồi liếm lá,
Cơm thừa ai thí lũ quân toi!

(Ăn cháo đái bát)

Ông vạch mặt bọn người xu thời xu thế, vô liêm sĩ:

Người đời lèo lái thạo như cơm,
Coi gió lăm le chực bỏ buồm.
Liếc mắt gần xa hơi thuận ngược,
Giay tay trái mặt chốc chiều hôm.

(Coi gió bỏ buồm)

Ông lên án thái độ bàng quan, vị kĩ của những kẻ chỉ biết quyền lợi của riêng mình, mà không nghĩ đến người khác:

Rủi may trối mặc đèn nhà nấy,
Tuông chạm chi đâu bát sóng ta.
Mai mốt rủi thì van trối chết,
Bà con sao khéo bất nhơn à!

(Hàng xóm cháy nhà bằng chưn như vại)

Ông cảnh cáo những kẻ lợi dụng thời cơ đạp người khác xuống để tiến thân:

...Gặp cơn gió tạt mưa sa táp,
Sẵn nhịp dây ràng lá phủ theo.
Mả lạn bò lan quen xoáy cỏ,
Nước tràn khoả sét choảnh hơi bèo.
Rồi đây mai mốt xây vần lại,
Dứt gốc liền tay thấy héo queo.

(Giậu ngã bìm leo)

Trước tình người, tình đời đen bạc như vậy, ông muốn trừng phạt đích đáng những kẻ có tâm địa xấu xa:

Lòng đời còn lắm kẻ lăng nhăng,
Luồn gió lăm le muốn bẻ măng...
...Mấy cụm tre già còn đứng đó,
Đến khi nên gậy đánh nhăn răng.

(Luồn gió bẻ măng)

Hoặc:

Giả hùm khuấy mãi hôi làng xóm,
Phỉnh chó khôn như biến quỷ ma.
Quen thói chồn đèn rồi có bữa,
Xúm nhau đập chết, trấu nhồi da.

(Chồn cáo lếu láo bắt gà)

Dù Phan Châu Trinh tán dương hay phê phán, răn đe, tất cả đều nhằm giáo dục cho mọi người lối sống tốt đẹp, tình nghĩa, thuỷ chung của dân tộc Việt Nam.

Để đạt được mục đích mong muốn, ông đã chọn một cách thể hiện rất mới mẻ độc đáo, là dùng tục ngữ, thành ngữ, ca dao, nghĩa là dùng chính tiếng nói của quần chúng nhân dân để chuyển tải nội dung nên rất gần gũi, dễ hiểu.

Vào thời kỳ mà văn học dân gian chưa được coi trọng, ít ai chú ý tới, vậy mà Phan Châu Trinh, trong chốn lao tù, nơi đất khách quê người, không có một tư liệu trong tay, chỉ dùng một phương tiện duy nhất là trí nhớ tuyệt vời của mình để sưu tầm những câu tục ngữ, ca dao làm thành Santé thi tập thì thật là tài tình. Bao nhiêu năm bôn ba cứu nước, vào tù, ra khám lại đang sống trên đất Pháp, thế mà Phan Châu Trinh vẫn không quên những câu nói, những câu ca của quê nhà, ngược lại ông đã nhớ và nhớ rất nhiều. Tất cả số câu vừa làm đầu đề vừa chú thích có hơn 400 câu, một số lượng rất lớn, điều đó chứng tỏ Phan Châu Trinh đã sống rất gần gũi với nhân dân, học hỏi ở nhân dân để rồi đem hết nhiệt tình và kiến thức uyên bác của mình phục vụ nhân dân.

Santé thi tập ra đời trong chốn lao tù nhưng rất ít nói chuyện lao tù (toàn tập thơ chỉ có 4 bài) mà nặng về giáo dục. Mỗi bài thơ là một lời giáo huấn rất sâu sắc, thiết thực, khoa học, tiến bộ được diễn tả bằng tất cả tấm lòng chân thành, thiết tha của Phan Châu Trinh, dựa trên nền tảng đạo lý của dân tộc nên có giá trị bền lâu. Santé thi tập không chỉ cần thiết đối với người đương thời mà đến nay vẫn còn là những bài học quí báu cho chúng ta để vững vàng bước vào con đường hội nhập với thế giới hiện đại mà không đánh mất truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bài “Chi bằng học“ – tư tưởng chủ đạo của Phan Châu Trinh trong sự nghiệp Duy Tân đất nước

    03/09/2015GS. Vũ Ngọc KhánhĐi sâu vào tư tưởng và học thuật, ông còn được đánh giá, được phát hiện ở nhiều lĩnh vực. Sau khi ông mất, hàng năm trên tờ Tiếng Dân, Huỳnh Thúc Kháng đã đều đặn làm lễ tưởng niệm ngày 24-3, đăng ảnh ông rất trang trọng, gọi đó là kỷ niệm ngày mất cụ Tây Hồ. Số báo nào, ông Huỳnh cũng trích một câu nói của Phan Châu Trinh - Tri Bằng Học - xem như một lời danh ngôn...
  • Phan Châu Trinh - cuộc đời và sự nghiệp

    23/03/2018Đinh Xuân LâmPhan Châu Trinh là một nhân vật lịch sử tiêu biểu trong phong trào cách mạng Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX. Trong dịp dâng hương tưởng niệm 80 năm ngày mất của cụ, thiết tưởng việc ôn lại cuộc đời và sự nghiệp Phan Châu Trinh để rút ra những bài học cho hôm nay cũng là một việc làm cần thiết và bổ ích...
  • Phan Châu Trinh và lòng tin vào sức mạnh của tri thức văn hóa

    17/03/2016Nguyên NgọcNgày 24/3 vừa qua, chúng ta có một kỷ niệm lớn: 80 năm ngày mất của Phan Châu Trinh và sau đó mấy hôm, ngày 4/4 kỷ niệm 80 năm đám tang vĩ đại của ông mà Nguyễn Ái Quốc trong báo cáo gửi Quốc tế cộng sản hồi đó đã viết: “trong lịch sử người An nam chưa hề được chứng kiến một sự kiện to lớn như vậy bao giờ”...
  • Tư tưởng canh tân sáng tạo nền văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX của chí sĩ Phan Châu Trinh

    26/09/2014Đỗ Hòa HớiVới sự nghiệp đổi mới, vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa và hiện đại hóa văn hóa dân tộc đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Qua tìm hiểu chí sĩ Phan Châu Trinh, chúng tôi thấy ông là một tấm gương mạnh dạn canh tân và sáng tạo nền văn hóa dân tộc vào thời điểm đầu thế kỷ XX.
  • Phan Châu Trinh và một số vấn đề văn hóa tư tưởng hôm nay

    29/07/2014Vương Trí Nhàn... Phan Châu Trinh mang lại một cách nghĩ mới về các vấn đề quốc gia dân tộc. Sự phát triển tư tưởng ở ông đánh dấu một bước ngoặt trong việc tiếp nhận văn hóa tư tưởng phương Tây ở VN. Ông cũng có cách nhìn nhận hiện đại đối với các vấn đề thiết cốt như tình trạng đời sống tinh thần của dân tộc trong lịch sử, từ đó có quan niệm riêng về yêu nước về dân chủ -- những quan niệm sâu sắc tới mức mà xem ra ở vào thời điểm đầu thế kỷ XXI , nhiều người chúng ta vẫn còn chưa với tới được.
  • Phan Châu Trinh và công cuộc ly khai văn hóa Hán tộc

    24/03/2014Trần Gia PhụngĐể mở đầu cuộc khai dân trí nhằm chấn dân khí và hậu dân sinh, đầu tiên Phan Châu Trinh vận động từ bỏ “cái học cũ”. Muốn từ bỏ “cái học cũ”, việc đầu tiên Phan Châu Trinh chủ trương là bãi bỏ việc học chữ Hán, và bãi bỏ việc dùng chữ Hán, đồng thời từ bỏ luôn thi cử Hán học...
  • “Phan Châu Trinh hiện đại một cách lạ lùng!”

    24/03/2014Anh Kiệt thực hiệnNgay trong lúc bị thực dân Pháp cai trị, một quốc tang độc nhất vô nhị được nhân dân cả nước đồng loạt tổ chức. Học sinh bãi khóa, tiểu thương bãi thị, 100.000 người Sài Gòn xuống đường đưa tang...
  • Chi Bằng Học - tư tưởng Phan Châu Trinh

    31/01/2012Phan Châu TrinhVậy xin cùng nói lời chính cáo cùng người nước ta rằng: “Không bạo động, bạo động tất chết! Không trông người nước ngoài, trông người nước ngoài tất ngu! Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là “Chi Bằng Học”...
  • Diễn từ tại lễ trao giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh

    27/03/2010Dịch giả Phạm Vĩnh CưTrong sáng tác của Soloviev và của nhiều nhà tư tưởng Âu – Mỹ lỗi lạc khác, có thể tìm thấy nhiều chỉ dẫn và gợi mở quý báu cho sự phát triển cá nhân, cho sự điều hành quan hệ, giải quyết những mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội, chính vì thế mà việc dịch thuật và quảng bá những trước tác của họ rất đáng được xã hội và nhà nước Việt Nam cổ lệ và trợ giúp, vì lợi ích trước mắt và lâu dài của đất nước và dân tộc.
  • Ra mắt Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh

    09/01/2007H.T.Một năm sau khi NXB Tri thức thành lập, quỹ Dịch thuật Phan Châu Trinh được ra mắt và khởi động những dự án lớn với tham vọng hỗ trợ và quảng bá việc dịch thuật các tác phẩm có giá trị thuộc Tủ sách Tinh hoa Tri thức Thế giới. Bắt đầu từ 2007, giải thưởng dịch thuật mang tên nhà chí sĩ Phan Châu Trinh sẽ được tổ chức thường niên...
  • Ảnh hưởng của “Tân thư” trong tư tưởng Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh

    17/07/2006PGS. PTS. Lê Sĩ ThắngĐối với các nhà nho Việt Nam yêu nước hồi đầu thế kỷ - những người đã từng bị Nho giáo bưng tai bịt mắt, đã thấy được ở một chừng mực nào đó sự lạc hậu của nhà trường Nho giáo và đang khao khát giải thích nhiều vấn đề có liên quan đến sự nghiệp giải phóng dân tộc, thì “Tân thư" đã có sức hút mãnh liệt...
  • xem toàn bộ