Phan Châu Trinh *)
Cụ sinh năm 1872, chết 1926, sống vỏn vẹn có 54 năm nhưng đời cụ ngang tàng, phong phú mà những người sống lâu hơn cụ không thể nào có được.
Bởi vị cụ đã gắn liền đời cụ vào đời sống của đất nước quê hương. Cụ là ở những số nhân vật lịch sử nếu không phải là những người làm nên lịch sử.
Lịch sử Việt Nam hồi đó thật là đen tối.
Thực dân Pháp đã làm xong công việc bình định. Họ đã thiết lập xong nền đô hộ ở nước ta.
Những phong trào Văn Thân và Cần Vương kể như đã tan rã.
Cụ Phan đã gặp Hoàng Hoa Thám và tiếp xúc với những nhà chí sĩ mai danh, ẩn tích rải rác khắp nơi. Cụ đã lén qua Tàu, qua Nhật để giúp cụ Sào Nam. Cụ tán thành phong trào Đông Du nhưng không đồng ý suy tôn Cường Để.
Cụ là ở số rất ít trong đám sĩ phu lớp trước có đầu óc dân chủ và ghét cay, ghét đắng chế độ vua quan.
Trong thư gửi cho Toàn quyền Beau năm 1906, chính cụ đã viết:
“Mấy chục năm gần đây, ở trong chốn trào đình thì mấy anh quan đại thần khúm núm cho qua ngày tháng, làm việc vụ cho chiếu lệ thì thôi. Còn các quan ở các tỉnh, phủ, huyện thì ăn đút lót, cầu cạnh, chạy chọt, không còn biết liêm sỉ là gì. Máu thịt của dân càng ngày càng bị đục khoét, làm cho dân đến hết thế làm ăn, hiện tình trong nước bây giờ cảnh tượng thì tiêu điều, lương dân thì ly tán, phong tục đồi bại, lễ nghĩa mất hết, lập quốc hơn hai mươi triệu người, cái thời kỳ này đã bán khai mà bây giờ sắp trở lại dã man…”
Cụ viết tiếp:
“Quan Toàn quyền ơi! Chưa ai dám đến cửa quan lớn mà bày ruột phơi gan, kể cái tội của đám quan trường, tỏ cái khổ huống của bọn cùng dân, đã hai mươi năm nay rồi mà quan lớn chưa từng nghe thấy để cho nước Nam ngày nay thành một nước đau gần chết không thể nào trị khỏi. Đó là cái tội của bọn sĩ phu nước Việt Nam và cũng là cái ngộ điểm của chánh phủ Bảo hộ nữa”.
Tới nay đọc lại bức thư gởi Toàn quyền Pháp ta còn thấy thống khoái vô cùng. Cụ Phan đã nói thẳng, nói hết tất cả những thối nát, những tham nhũng, những tệ đoan của một triều đình và lên án nghiêm khắc cái triều đình đó.
Thái độ đó thật là can đảm nhưng cũng thật là độc đáo vì không ai lạ gì chế độ bảo hộ chính là một chế độ thực dân trá hình, và còn tệ hơn cả chế độ trực trị của thực dân.
Chính họ muốn như thế, chính họ làm như thế để khiến cho người Việt làm khổ người Việt, đàn áp người Việt để họ tha hồ thao túng và bóc lột. Vua quan hết thảy đều do họ lựa và họ lựa kỹ lắm, lựa toàn thứ Việt gian.
Do đó mà có người cho rằng cụ Phan đã quá thật thà khi viết bức thư tố cáo bọn Việt gian bán nước mà lại gởi ngay tới tay viên Toàn quyền là ông trùm thực dân ở xứ này.
Nếu nó ngu thì nó sẽ cho bắt cụ, nhốt cụ, làm tình làm tội cụ như đã đối xử với những người yêu nước khác.
Nhưng nếu nó khôn thì nó sẽ trọng đãi cụ, làm bộ nghe lời cụ, cũng cho sửa đổi chút đỉnh trong chánh sách cai trị của họ để làm bớt lòng công phẫn của dân nhưng vẫn là để duy trì chế độ thực dân chứ có lý do nào chỉ vì một lá thư mà họ buông tha cho ta được?
Họ không buông tha thì họ còn phải cần dùng đến những bọn tay sai của họ, còn phải duy trì cái triều đình thối nát đó, nói làm gì cho uổng tiếng, uổng lời?
Dù đau xót trước cảnh thực dân Pháp ngược đãi người Việt, quan điểm của Phan Châu Trinh trước mắt chưa nên đặt nhiệm vụ khôi phục chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc, mà nhiệm vụ cấp bách là phải: - Khai dân trí: bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy chữ Quốc ngữ, kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục xa hoa. - Chấn dân khí: thức tỉnh tinh thần tự lực tự cường, mọi người giác ngộ được quyền lợi của mình, giải thoát được nọc độc chuyên chế. - Hậu dân sinh: phát triển kinh tế, cho dân khai hoang làm vườn, lập hội buôn, sản xuất hàng nội hóa... Phan Châu Trinh yêu cầu chính quyền thuộc địa sửa đổi chính sách cai trị để có thể giúp nhân dân Việt Nam từng bước tiến đến văn minh. Ông đề cao phương châm "Tự lực khai hóa", vận động những người cùng chí hướng thức tỉnh dân chúng, tuyên truyền tư tưởng dân quyền. Phan Châu Trinh rất hoan nghênh việc Phan Bội Châu đã vận động được một số học sinh ra nước ngoài học tập và phổ biến những tài liệu tuyên truyền giáo dục quốc dân trong nước. Song, ông phản đối chủ trương bạo động và tư tưởng bảo hoàng của Phan Bội Châu. |
Do đó mà có người cho rằng lập trường cụ Phan Tây Hồ là một lập trường cải lương chứ không phải là một lập trường cách mạng, nên coi cụ như một nhà chí sĩ, một chánh trị gia mà không nên coi cụ như một nhà cách mạng.
Làm cách mạng trước hết phải gây cơ sở quần chúng, công khai không được thì bí mật, ôn hòa không được thì bạo động và chắc chắn là phải bạo động trong tình thế đất nước hồi đó. Mà cụ thì ngoài anh em đồng chí tản mát, kẻ ở chỗ này người ở chỗ khác, cụ chỉ ôm một tấm lòng thành, một bầu nhiệt huyết, lúc nào cũng xông tới một cách công khai để đấu lý với những ai không bao giờ nghe những lý lẽ của mình.
Người ta hình dung cụ là một Tô Tần đi thuyết khách vua Triệu hay một Trương Nghi ở trước vua Tần.
Nhưng cụ hơn hẳn Tô Tần và Trương Nghi vì Tô, Trương thuyết khách để làm lợi cho bá chủ đặng nương tấm thân. Cụ Tây Hồmuốn thuyết phục bá chủ bỏ óc thực dân để thương yêu lấy những người dân nước Việt.
Và cố nhiên là cụ thất bại vì:
Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời giặc Pháp lại thương dân mình
* *
Nhưng thất bại về một phương diện lại thành công ở phương diện khác. Thực dân tuy không để ý tới những ý kiến của cụ nhưng lại kinh ngạc về con người của cụ.
Họ kinh ngạc vì chưa từng có người nào khí phách ngang tàng như cụ.
Chung quanh họ chỉ còn có những kẻ nịnh bợ, trước mặt họ chỉ toàn những kẻ khúm núm sợ sệt, chứ chưa hề có người nào dám công khai nói ra những lời như cụ. Do đó mà họ đem lòng kính phục và kiếm đủ cách để mua chuộc cụ.
Một ông Công sứ tỉnh Quảng Nam thân hành đi thăm cụ. Một ông linh mục ở Trà Kiệu cũng thường lui tới làm quen với cụ, cố nhiên là đám quan lại ở Nam triều thì ghét cay, ghét đắng sẵn sàng chờ cơ hội để làm thịt cụ.
Cơ hội đến vào năm 1908, khi có phong trào kháng thuế nổi lên và đã khiến cho bao người bị bắt, bị xử, bị lên án gắt gao. Nam triều đã lên án chém ngang lưng cụ Trần Quý Cáp. Đối với cụ Tây Hồ họ cũng lên án trảm quyết nhưng lập tức Tòa khâm sứ can thiệp và bản án được đổi lại là “trảm giam hậu”, nghĩa là giam đó đã, sẽ chém sau.
Đồng thời Hội Nhân quyền cũng can thiệp và cụ được đày đi Côn Đảo. Ra đảo cụ còn được đặc ân không bị giam chung với anh em bạn tù và được ở ngoài tự túc. Cụ Phan chẳng hề mở miệng ra xin một cái ân huệ nào, và cụ chẳng bao giờ hãnh diện về cái chế độ đặc biệt mà cụ được hưởng.
Nhưng người Pháp luôn luôn có cách phân biệt đối xử, họ coi cụ là đối lập chánh trị nên ở tù, cụ vẫn được coi là chính trị phạm, khác với những người tù phiến loạn (rebelle). Một đàng là “tù ông”, “tù cha” khác với “thằng tù” khác.
Trong ý bọn thực dân cho rằng cụ Phan ít nguy hiểm như những tên tù khác. Như vậy thì trọng đãi mà tức là khinh thường.
Điều này không biết cụ có nghĩ tới không, nhưng còn có điều nguy hiểm hơn nữa là lối phân biệt đối xử của thực dân chính là một lối mua chuộc khéo léo.
Biết bao nhiêu người thấy được biệt đãi rồi sinh ra tự mãn, tự kiêu, tự đặt mình lên một địa vị cao hơn những anh em đồng cảnh ngộ, rồi lần lần xa anh em mà gần bọn cầm quyền. Từ đó đi đến chỗ thủ tiêu tranh đấu và thỏa hiệp với thù không bao xa.
Nhưng cụ Phan không để mắc vào cạm bẫy đó. Cụ luôn luôn giữ vững lập trường, luôn luôn đoàn kết với anh em và không bao giờ tỏ a nhơn nhượng yếu hèn trước mặt kẻ quyền thế.
Có những trường hợp kẻ mất tự do dễ để mất lập trường là họ chối bỏ chí hướng, phản bội anh em, mong lập công để chuộc tội và để mau thoát khỏi cảnh tù đày khổ cực.
Những kẻ đó cần phải học rất nhiều ở cụ Phan.
Khi Thống đốc Nam Kỳ thân ra Côn Đảo gặp cụ lo để chuẩn bị đưa cụ về nước theo lệnh ân xá của Chánh phủ Pháp, hắn hỏi cụ:
- Ông có quen biết Phan Bội Châu không?
Cụ thản nhiên đáp:
- Chính anh em bạn.
Thống đốc Pháp nói:
- Vậy thì ông cũng là đảng bài Pháp chứ gì?
Nhưng cụ Phan liền trả lời:
- Phan Bội Châu, hiệu Sào Nam là một tay hào kiệt ái quốc, trong nước không ai không biết. Ngày tôi ở kinh đô Huế thường qua lại luôn, đến nghị luận việc nước thì ý kiến giữa tôi và Sào quân, hai bên không đồng mà lại trái nhau hẳn.
Những người đã ở tù, có kinh nghiệm ở tù đều không ai nhìn nhận mình là anh em với một người “nguy hiểm”.
Đằng này cụ Tây Hồ chẳng những đã nhìn nhận cụ Sào Nam là bạn lại còn đề cao người bạn của mình trước mặt kẻ thù, thật là một thái độ quang minh chính đại, một thái độ quân tử cao đẹp vô cùng.
Mặc dầu cụ có nói là tư tưởng bất đồng để “gỡ mình” nhưng nếu không phải là viên Thống đốc đã được lệnh thả cụ mà lại là một tên thực dân khác còn cần phải điều tra thêm thì những lời nói của cụ cũng đủ kết tội cụ thêm nữa.
Nhưng:
Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn
Cụ Tây Hồ không sợ Côn Lôn cũng như cụ không sợ bất cứ một nghịch cảnh nào. Do đó mà cụ làm cho đối phương phải kíh nể. Do đó mà cụ giữ mãi được cảm tình của những người yêu nước.
Cụ về, rồi cụ đi Tây. Ở đây lại càng nhiều thêm cạm bẫy. Đi theo cụ còn cậu con trai cần phải có tiền để ăn học.
Cụ Phan Châu Trinh và con trai Phan Châu Dật ở Pháp
Bộ thuộc địa Pháp cấp học bổng cho cậu và sẵn sàng chu cấp cho cả hai cha con sống đầy đủ ở nơi đất lạ quê người.
Họ chỉ đòi hỏi cụ có một điều là cụ đừng chống đối, đừng hoạt động, đừng làm gì để gây trở ngại cho chánh sách thực dân. Nhưng cụ vẫn không chiều theo họ được. Cụ vẫn liên lạc với những người Pháp dân chủ, có tư tưởng xã hội, nghĩa là những người Pháp không có đầu óc thực dân.
Cụ vẫn là linh hồn của kiều bào yêu nước và luôn luôn có mặt ở những cuộc đấu tranh chống lại những âm mưu đen tối của Bộ thuộc địa và giới tư bản thực dân. Việc làm thống khoái nhứt là bức thư “thất điều” cụ gởi cho vua Khải Định và được công bố trước dư luận người Pháp. Cụ hạch bảy tội của tên vu bù nhìn rồi kết luận:
Cứ một việc làm đó cũng đủ truyền tụng muôn đời, đáng ghi vào lịch sử, nhưng cụ Tây Hồ còn nhiều việc khác làm cho bọn thực dân phải điên đầu. Họ mua chuộc cụ không nổi, họ xoay sang khủng bố cụ. Họ cúp học bổng của con cụ, họ không cấp dưỡng cho cụ nữa, họ quyết tâm bỏ đói cụ để cụ phải đầu hàng. Nhưng cụ không đầu hàng.
Kiều bào ở Pháp không bằng lòng cho cụ phải đầu hàng nên đã xúm nhau lại mà nuôi cụ. Nhưng cụ lại không bằng lòng cho đồng bào nuôi cụ. Cụ học nghề rửa hình để kiếm tiền độ nhật.
Nhiều khi cụ phải ra chợ lượm lông gà và những đầu củ cải để xào nấu mà ăn với bánh mỳ. Cụ thấy rằng muốn có sự độc lập về tư tưởng phải tránh sự lệ thuộc về kinh tế.
Cụ còn quan niệm được rằng không có nghề nào là nghề hạ tiện, khác hẳn với phần đông những chánh khách một khi đã có đôi chút tên tuổi là nhứt định phải sống cho ra vẻ chánh khách, phải đài các, phải xa hoa, mặc dầu có phải ký vào quỹ đen để thọ lãnh những món tiền bất chánh.
Trong hoàn cảnh đất nước hiện thời mà đồng đô la đã ngự trị lên tâm hồn bao nhiêu người tự xưng là chánh khách thì ta lại cần phải học tập ở cụ Tây Hồ những đức cần, kiệm, liêm, chánh, chí công vô tư.
* *
Tôi nhắc lại: cụ Tây Hồ không phải là một nhà cách mạng vì cụ không có một tổ chức cách mạng nào làm hậu thuẫn cho cụ.
Nhiều khi tôi có cảm tưởng là cụ đã đơn phương, độc mã xông vô hàng ngũ quân thù để phá rối.
Nhưng phá rối thì được mà không thể nào chiến thắng được đối phương.
Để làm được chuyện đó phải là con người có đảm lược, có khí tiết, không sợ khổ, không sợ chết và trước sau như một phải giữ vững lòng mình. Giữ vững lòng mình là một chuyện khó, rất khó. Biết bao nhiêu người đã nuôi dưỡng mộng lớn, mộng con, đã khó trước nạn dân, nạn nước, đã thề sống chết với non sông, đã coi thường bao nhiêu nguy hiểm và thử thách, nhưng rốt cuộc vẫn có những giờ phút yếu hèn mà sa ngã.
Sức chịu đựng của con người có hạn mà sự cám dỗ thì vô cùng.
Cụ Tây Hồ đã trải qua nhiều thử thách, thắng được mọi cám dỗ để giữ trọn vẹn một tấm lòng. Cụ hơn người ở chỗ đó và điều đó là điều ta cần học ở cụ.
Cụ thường hay nhắc lời sau này của Mạnh Tử:
“Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, oai võ bất năng khuất, thử chí vị đại trượng phu”.
Và cụ đã giữ được lòng không dâm, không di, không khuất trước tất cả những áp lực của đời cũng đủ là một tấm gương sáng cho tất cả chúng ta, nhứt là đối với những người đã hiến mình cho đất nước.
Việc cách mạng không phải là việc làm của một người. Nhưng muốn thành công thì trước hết phải giữ được đạo đức cách mạng.
Cụ Phan Tây Hồ đã cho ta một bài học về đạo đức cách mạng và tức là cụ đã mở đường cho cách mạng ở Việt Nam.
Chẳng những ở Việt Nam mà ở khắp nơi trên thế giới, người làm cách mạng đều cần phải học tập ở cụ. Học cụ để giữ lòng. Có giữ được lòng mới mong giữ nước.
Đám tang cụ Phan Châu Trinh
Tượng đài Phan Châu Trinh
*) Hiệu là Phan Tây Hồ
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh