Phan Châu Trinh, nhà cổ động của chủ nghĩa dân chủ
Khi Phan Châu Trinh chết thì Phan Bội Châu viết trong bài văn tế:
“… Ba tấc lưỡi mà gươm mà súng, nhà cường quyền trông gió cũng gai ghê;
Một ngòi lông mà trống mà chiêng, cửa dân chủ khêu đèn thêm sáng chói…
Trước đã giỏi mà sau thêm giỏi nữa, dấu cộng hòa xin ráng sức theo đòi;
Thác còn thiêng thời sống phải thiêng hơn, thang độc lập quyết ra tay vin tới”.
Huỳnh Thúc Kháng đọc ở buổi tang lễ: “Chúng tôi xin tóm tắt lại mà nói sơ: Chủ nghĩa tiên sinh đệ nhất là đánh đổ chuyên chế, làm dân quyền tự do, còn cái phương pháp tiến hành thì tiên sinh thường nói rằng: Tình hình trong nước ta bây giờ đang vào nguy ngập, nếu muốn cải cách thì phải liên lạc đoàn thể mới được”.
Trần Huy Liệu, chủ bút Đông Pháp thời báo, viết trong số ra ngày 9 tháng 4 năm 1926, bài Ta phải thương cụ Phan Châu Trinh bằng cách nào?; trong bài báo có đoạn: “Trước hết ta phải nối cái chí của cụ, theo đuổi cái việc làm của cụ. Anh em hẳn đã biết rằng cái chí nguyện bình sinh của cụ là muốn đạp đổ nền quân chủ, gây nền dân chủ để vì hai mươi lăm triệu đồng bào giải thoát cái ách chuyên chế nặng nề. Ngày nay cụ mất đi, cái tấm lòng của cụ còn di hận, cái mục đích của cụ còn chưa tới nơi… Cái còng áp chế, cái dây xích cường quyền hơn mấy nghìn năm vì một cái chữ “trung” vô nghĩa vô lý mà nó đã buộc chặt vào đầu, vào cổ dân ta đó, thì ngày nay ta quyết phá tan nó ra, dứt đứt nó đi… Cái lòng tức giận của ta hiệp với cái lòng thương cụ mà gây nên mãnh lực, gây nên can đảm, gây nên hùng phong, gây nên nhuệ khí; môt người thương cụ, mười người thương cụ, trăm người thương cụ, rồi hiệp cả những cái thương ấy mà làm một đội quân dân chủ phá tan cái thành đế chế kia, chắc hồn cụ dưới suối vàng thấy những hành động của cháu con như thế cũng phải mỉm cười mà rằng: Sướng chưa! Khoái chưa!”.
Những đoạn vừa được trích luận đều nói lên nội dung chủ yếu của tư tưởng chính trị cụ Phan Châu Trinh.
a)Phan Châu Trinh trước chiến tranh thế giới - “Thư gửi toàn quyền Bô”
Đề tựa quyển Truyện lược cụ Phan Tây Hồ của Ngô Đức Kế, Sào Nam viết: “Tôi còn nhớ ông sang Nhật tìm tôi, gặp nhau ở Bỉnh Ngọc Hiên tại Hoành Tân. Ông bảo tôi rằng: Cả nước ngủ mê, tiếng thở như sấm; bác ở ngoài muôn dặm kêu gào, hò hét, có được công dụng bao nhiêu, tất phải nhờ có người ở trong gõ trán, xách tai mà đánh thức dậy, thời họa chăng lòng người không đến đỗi chết hết. Nay tôi về làm Ma Chi Ni (Mát-di-ni)(1), còn bác ở ngoài làm Gia Lý Bà Đích (Ga-ri-ban-đi)(2), chia hai đường mà cùng đi tới, chúng ta lấy cái chết thề cùng nhau có thủy có chung”.
Về sau có người sẽ nói: Hai cụ Phan “tương phản nhi tương thành”, một người chú trọng chống Pháp vì dân tộc, một người chú trọng chống triều đình vì dân chủ. Nhưng nếu tìm trong văn bản được công bố thì ít khi thấy hai cụ “phân công” với nhau mà thường thấy hai cụ xung đột tư tưởng với nhau, sự xung đột tư tưởng đó đã bộc lộ rõ trong tác phẩm dài đầu tiên của Tây Hồ là Thư gửi toàn quyền Bô viết năm 1907.
Có mấy điều, về mặt tư tưởng, cần phải được chú ý trong thư:
Thứ nhất:Thư gửi toàn quyền Bô không nhằm bóc trần chế độ thực dân, lên án nó, mà đây là ông thự trước tác, hậu bổ “đến cửa quan bảo hộ, phơi gan trải mật, rỏ máu kể rõ cái thủ đoạn tàn ngược của quan trường cùng là cái tình trạng thảm khổ của cùng dân, khiến cho tội ác của quan lại và cái khổ cảnh của quốc dân trong mấy năm nay lọt vào tai các quan bảo hộ”. Mục đích của thư là như vậy. Theo bức thư thì lâu nay các quan bảo hộ “bị quan trường (bản xứ) bưng bít không cho biết thực trạng và dân tình”, cho nên không biết rằng ngày nay đất nước và dân tộc Việt Nam “tối tăm mù mịt”, “mềm yếu ươn hèn”, “sự thế hư hỏng”, “nhân dân lìa tan”, “phong tục suy đồi”, “lễ nghi bại hoại”, “một dân tộc hơn hai mươi triệu người sắp sửa ở cái địa vị bán khai mà quay về với cái địa vị dã man”, “nước Nam bây giờ như một người ốm nặng, gần chết, không có thuốc mà cứu chữa được nữa”.Pháp bảo hộ bị quan trường bưng bít nên không biết nhìn điều đó, chớ nếu có người trình bày cặn kẽ thì “các quan bảo hộ nghe thấy cũng xót ruột đau lòng”, “cho là làm phải mà không nỡ cự tuyệt”.
Có mấy đoạn dường như công kích chủ nghĩa thực dân, nhưng xét ra thì không phải. Chính cụ Tây Hồ nói rằng mình chỉ công kích sự ngược đãi của người Pháp: “Hiện nay, người Nam, trừ những người trong quan trường không kể, còn ra thì không luận người khôn kẻ ngu, trăm miệng một lời đều nói rằng chính phủ ngược đãi người Việt Nam, không coi người Việt Nam như người để đối đãi. Thấy quan lại nước Nam không săn sóc đến dân mà lại tàn ngược với dân, thì nói rằng chính phủ có ý dung túng khiến cho cắn nuốt lẫn nhau, cho nòi giống mòn mỏi, đó tức là cái kế của chính phủ”. Tây Hồ thấy ba nguyên nhân của tình trạng ấy: Một là chính phủ bảo hộ dung túng quan lại Việt Nam, thành ra “cái tệ cô tức”; hai là chính phủ bảo hộ khinh rẻ sĩ dân Việt Nam, thành ra “cái tệ xa cách”; ba là quan lại Việt Nam nhân cái tệ xa cách và cái tệ cô tức ấy mà hà hiếp dân, để dân cho là tại chính phủ bảo hộ, chớ còn như “từ khi Pháp sang bảo hộ nước Nam đến nay, những việc bắc cầu, đắp đê, sửa sang đường sá, xe lửa và tàu thủy chạy khắp nơi, cùng là lập ra bưu chính để thông báo tin tức, đều là lợi ích cho nước Nam, người ta ai cũng thấy cả”.Sở dĩ người dân nَi tất cả hủ tệ“tại Pháp” là vì nhân dân hiểu lầm, mà sĩ phu nước Nam cũng hiểu lầm nữa. Sở dĩ nước Nam bây giờ gần thành như người ốm gần chết khó có thuốc cứu chữa, ấy là “tội của sĩ phu nước Nam, mà gây nên tội ấy thì cũng bởi hiểu lầm rằng chính phủ bảo hộ dùng chính sách ngược đãi nước Nam làm chính sách hay nhất”. Theo Phan Châu Trinh, người Pháp bảo hộ không phải là không có khuyết điểm; khuyết điểm của người Pháp bảo hộ, theo Phan Châu Trinh, một là để “mặc kệ cho hư nát không thèm hỏi đến”; hai là khinh thường đánh đập người Việt Nam, ví người Nam với bò, lợn, không muốn đặt ngang hàng với mình, sợ dơ bẩn; ba là, và đây là điểm lớn nhất theo Phan Châu Trinh, “dung túng quan lại Việt Nam”, chỉ đặt quan to ở trên cao mà trông chung chớ không nắm tình hình bên dưới, nếu người Pháp bảo hộ mà hiểu được, nắm được tình hình bên dưới “thì quan lại còn thò ngón gian vào đâu nữa”.
Tìm đâu cũng không thấy Tây Hồ nhận ra rằng đối lập chính là đối lập giữa dân tộc Việt Nam và thực dân Pháp. Tìm đâu cũng không thấy Tây Hồ công kích bản chất của chế độ thực dân, chỉ thấy cụ phê phán một số chính sách thực dân, phê phán rằng chính phủ bảo hộ không làm hết sứ mệnh bảo hộ, phê phán người Pháp khinh miệt người Việt Nam, do đó cụ yêu cầu người Pháp, người Nam phải tôn trọng nhau, gần gũi nhau, giúp đỡ nhau. Đó là một điểm cốt yếu của chủ nghĩa “Pháp – Việt đề huề”; ngay cả khi chủ nghĩa đó chưa được đặt tên là “Pháp – Việt đề huề” – một tư tưởng chính trị cải lương chủ nghĩa gieo rắc ảo vọng trong nhân dân. Cuối thư, Phan Châu Trinh đề ra một chương trình cải cách nhằm đạt sự bình trị lâu dài: “Chính phủ bảo hộ quả thật có thay đổi chính sách, kén chọn kẻ tài năng, trao cho quyền bính, lấy lễ mà đãi, tỏ rõ lòng thành, cùng với họ bàn mưu lập kế để hưng lợi trừ hại, mở đường sinh dưỡng cho dân nghèo, trao quyền nghị luận cho thân sĩ, rộng quyền báo chí để thấu dân tình, phân minh thưởng phạt để trừ hại tệ, ngoài ra như sửa đổi pháp luật, bãi bỏ khoa cử, chấn hưng học hiệu, đặt dựng thư cục, đào tạo sư phạm, cho đến học công thương, khoa kỹ nghệ, pháp thuế dịch, không có cái gì là không lần lượt cải lương, thì người dân đều yên làm ăn, kẻ sĩ phu đều vui phục vụ. (Khi ấy) chỉ sợ nước pháp bỏ nước An Nam mà đi (chớ) còn ai xem nước Pháp là kẻ thù địch nữa”. Tây Hồ đặt vào lòng độ lượng của Pháp cái “hy vọng cải tử hoàn sinh” cho nước Nam, cái “chính sách trường cửu xem Tây, Nam như một”.
Thế là cụ không rõ bản chất của đế quốc thực dân, cụ mơ hồ về nó. Cụ không hề đặt vấn đề đánh đổ Pháp, không nhằm mục đích ấy để mà đề ra chương trình cải cách. Chính đó là một đặc điểm của chủ nghĩa cải lương. “Nói chung thực chất của chủ nghĩa cải lương là ở chỗ người ta chỉ cổ động để thực hành những sự cải tiến mà không đòi tiêu diệt những cơ sơ chủ yếu của giai cấp thống trị cũ, thực hành những sự cải tiến phù hợp với sự duy trì những cơ sở đó”.
Thứ hai: Mũi nhọn của sự công kích nhằm vào quan lại Nam triều là chính, không thấy công kích triều đình Huế và nguyên lý quân chủ.
Cụ Tây Hồ công kích quan lại một cách dữ dội, nhưng cụ không thông qua sự công kích ấy để mà công kích chủ Pháp của chúng, cũng không thông qua sự công kích bọn ấy để mà công kích triều đình Huế là cái gốc, cái thân, mà quan lại là cành, là lá. Cho nên có người nhận xét tính chất phản phong của bức thư cũng ít ỏi gần như tính chất phản đế của nó. “Trong khoảng vài mươi năm nay, các bậc đại thần ăn đầm nằm đìa ở chốn triều đình, chỉ biết chiếu lệ cho xong việc; quan lại ở các tỉnh thì chỉ lo cho vững thần thế mà hà hiếp bóp nặn chốn hương thôn, đám sĩ phu thì ganh đua nhau vào con đường luồn cúi hót nịnh, không biết liêm sỉ là gì; bọn cùng dân bị bóp nặn mãi mà máu mủ ngày một khô”.
Tình trạng xã hội Việt Nam bi đát như thế, vận nước Việt Nam ngày một suy như thế, theo nhận định của Phan Châu Trinh, ấy là do quan lại Việt Nam tham nhũng, lười biếng, bất tài, vô liêm sỉ, quen nịnh hót bề trên và hà hiếp phía dưới, cho nên: “Suốt cả thành thị cho đến hương thôn, đứa gian giảo thì như ma, như quỷ, lừa gạt, bóc lột, cái gì chẳng dám làm; đứa hèn yếu thì như lợn, như bò, bị giẫm cổ đè đầu cũng không dám ho he một tiếng. Cả mấy muôn triệu người như một đàn ruồi, lũ kiến không còn chút nhân cách nào”.
Phan Châu Trinh công kích quan lại một cách dồn dập, mạnh mẽ, như tát vào mặt hết chậu nước này đến chậu nước khác to hơn, như nện vào lưng hết chập gậy này đến chập gậy khác nặng hơn, đã bao chục năm rồi mà nay hễ đọc tới hãy còn thấy khoái trá, thú vị: “Các quan phủ huyện chọn thằng dân nào béo thì ăn, từ việc trộm cướp, kiện cáo án mạng cho đến các vệc vặt khác, việc gì cũng bóp nặn để lấy tiền. Phàm sầu khổ ở dân gian tức là mối lợi to của quan lại. Không cứ việc gì lớn nhỏ, việc hoãn việc cấp, hễ nắm được một mảnh giấy của quan bảo hộ thì họ quý như hòn ngọc, coi như bùa hộ thân, vì nhờ đó mà thu được nặng túi”.
Vì sao mà quan lại coi nhân dân như cá thịt, cho những việc hưng lợi là phản nghịch? Phan Châu Trinh không tìm ra nguyên nhân ở bản chất thực dân, phong kiến của bộ máy nhà nước mà tìm thấy nguyên nhân ở “cái tệ xa cách”, nghĩa là ở chỗ Nhà nước bảo hộ Pháp chỉ đặt người ngồi ở cao để trông nom chung chung. Thế nghĩa là gì? Nghĩa là nếu Pháp trực tiếp nắm cả bộ máy từ trên xuống dưới thì quan lại sẽ bơ mõm, tham nhũng sẽ tuyệt gốc? Còn có ảo tưởng nào lớn hơn?
Thứ ba: Phan Châu Trinh tố cáo, phản đối chủ trương của những ai định dùng phương pháp bạo động cách mạng và đi cầu viện nước ngoài để khôi phục độc lập.
Năm ngoái (năm trước khi cụ Tây Hồ viết thư này), hai cụ Phan gặp nhau ở Nhật; hai chủ trương chọi nhau; chúng ta đã nói trong một chương trước. Cuộc thảo luận nội bộ giữa hai chí sĩ bây giờ lại xuất hiện trong Thư gửi toàn quyền Bô làm như là Tây Hồ muốn xác định tư tưởng ôn hòa, cải lương của cụ cho chính phủ bảo hộ rõ: “Lại xét biết chí mình không đủ chống được, thì lại nghiêng cổ, giương mắt mong các nước mạnh ở đâu đấy hoạ may họ đến cứu mình chăng? Chao ôi! Một dân tộc đến hai mươi triệu người, kẻ có học thức cũng có vài mươi vạn, mà tối tăm mù mịt, mềm yếu ươn hèn, không đủ sức bênh vực được nhau để liệu cách sinh tồn, lại ù ù cạc cạc không biết rằng mình ở vào cái thế giới cường quyền thịnh hành “mạnh được yếu thua” này mà còn mơ tưởng hão huyền như thế, dân trí thực cũng đáng thương! Nhưng đã bao nhiêu năm nay, người Nam ở dưới bóng cờ nước bảo hộ, mà đến bây giờ nòi giống ngày một yếu hèn, không còn kế gì cứu vớt nhau, đến đỗi nóng nảy điên khùng, theo cái kế đê mạt, chỉ trông cậy vào nước khác, thế thì vì ai mà nên nỗi thế?”.
Đoạn này hẳn là dành cho phái cụ Phan Bội Châu và Duy tân hội.
Phan Châu Trinh bảo Chính phủ Pháp hãy yên lòng, đừng sợ, đừng ngại những người chủ trương bạo động cách mạng, bởi vì Việt Nam giống như một kẻ tàn phế không trèo tường ăn cắp được, như đứa trẻ lên ba không đốt nhà, giết người được: “Nước Nam gần đây, học thuật không mở mang, phong tục thì hư hỏng, liêm sỉ đã mất hết, kiến thức cũng bịt bùng, trong khoảng một làng, một xóm mà cá thịt lẫn nhau, trong họ hàng ruột rà mà không khỏi xem nhau như cừu thù, nhất đán mà có chí khác thì không có đất đai mà dựa được, không có súng ống mà cậy được, không có của cải mà cung được; giả sử chính phủ bảo hộ cho mượn mấy nghìn khẩu súng, khoanh cho một vùng mấy tỉnh, rồi cho tự giữ gìn lấy, không hỏi han gì đến, chưa đầy vài năm sau, nếu không báo thù lẫn nhau thì cũng tranh nhau hơn kém, nếu không cướp đoạt tiền của thì cũng giành giật địa vị, họ tất sẽ tự tàn sát lẫn nhau cho đến chết mới thôi. Quyết họ không thể sinh tồn một ngày ở thế giới ngày nay được. Như vậy thì còn bàn gì đến đối địch với ai nữa”.
Phan Châu Trinh đánh giá dân tộc và chí sĩ Việt Nam như vậy. Nếu thế thì nước ta làm sao có thể tự lập được? Nếu không tự lập được thì tất nhiên phải nhờ nước Pháp bảo hộ, giáo dục cho đã. Đó là ý kiến của Tây Hồ! Nói như vậy có “oan” cho cụ không? Trong Thi tù tùng thoại, cụ Huỳnh Thúc Kháng nhắc chuyện ở Côn Lôn, có ghi lại lời của cụ Phan Châu Trinh ngoài đảo: “Người nước Nam chịu nép dưới chính thể chuyên chính đã trên nghìn năm, chưa có tư cách quốc dân độc lập”. Lạ quá! Một nghìn năm độc lập tự chủ mà lại làm ra cái không có tư cách quốc dân độc lập nghĩa là sao? Chúng ta biết rằng không những ở Thư gửi toàn quyền Bômà trong Tỉnh quốc hồn ca, cụ Phan Châu Trinh cũng đánh giá đồng bào ta thấp kém tệ hại như thế.
Có biết nội dung tư tưởng của Thư gửi toàn quyền Bô thì mới rõ được sự phát triển của tư tưởng Phan Châu Trinh sau chiến tranh thế giới.
Phan Châu Trinh 47 tuổi sau trận ốm nặng đầu năm 1917
cùng con trai Phan Châu Dật đã bị lao sắp về nước
(khoảng 1918-1919)
b) “Thất điều thư” (1922)
Ở Pháp (sau khi được tha khỏi Côn Lôn), Phan Châu Trinh có Thất điều thư, là tác phẩm chính biểu hiện tư tưởng của cụ một cách mạnh mẽ, đầy đủ. Mạnh mẽ, đầy đủ vì ở Pháp được tự do ăn nói hơn là ở Việt Nam; đối thủ của cụ, vua Khải Định, lại là tên vua hèn hạ, kiều bào ai cũng ghét. Khi ấy Khải Định sang Pháp.
Sau đây là mấy nét tư tưởng đặc sắc trong Thất điều thư.
Thứ nhất: Phan Châu Trinh công kích vua Khải Định một cách hết sức mãnh liệt, vì qua đó mà công kích quân quyền độc đoán.
Thật là sướng tai, hả dạ khi thấy Phan Châu Trinh đóng lên trán nhà vua mấy chữ “hôn quân”, “dân tặc” và biết bao nhiêu mũi tên khác nữa. Trong Thư gửi toàn quyền Bô, Phan Châu Trinh công kích quan trường mà chưa công kích chế độ quân chủ, lần này vua và chế độ quân chủ là mục tiêu của lời văn sấm sét. Ta chú ý rằng, để hạ Khải Định, cụ Tây Hồ vừa ỷ vào tư tưởng Khổng, Mạnh, vừa ỷ vào nước Pháp văn minh: “Ngày nay, bệ hạ sinh ở cái nước Nho giáo, làm ông vua trong thế kỷ XX, dưới quyền bảo hộ của nước Pháp, vậy mà tự mình như thần, như thánh, ngồi trên đầu, trên cổ nhân dân mà không biết ngượng ngùng gì, rõ ràng là bội nghịch với giáo nghĩa của ông Khổng, ông Mạnh, trái với cái văn minh của thế giới, thì không những là dân nước Nam không dung mà chắc nước Pháp cũng đem lòng giận”.
Phan Châu Trinh lên án Khải Định:
“ - Đã đặt vào tả hữu vua những thằng bạn cố giao chó chết đã cùng mình ngày trước vui chơi nơi xóm liễu vườn hoa, rong ruổi các đầu đường xó chợ.
- Đã giữ mãi tục xấu quỳ lạy, đem tục quỳ lạy đó qua tận bến tàu Mác-xây cho người nước ngoài họ khinh và làm mất danh dự chung của quốc dân, ai cũng lấy thế làm tủi nhục, “duy có bệ hạ lấy đó làm hãnh diện”, như vậy là “chí ngu”, chớ nào phải “chí tôn”.
- Đã bóc lột dân đen đến xương tủy để xa xỉ một cách dại dột. “Đất nước Việt Nam có phải của riêng bệ hạ đâu, nhân dân Việt Nam có phải đầy tớ riêng bệ hạ đâu! Bọn quan lại rút của dân đã chán rồi, bệ hạ lại đào khoét thêm vào. Máu mủ Việt Nam chưa hết nên bệ hạ còn hút cho đã phải không? Cái danh hiệu nước Việt Nam còn chưa được nhơ nhớp nên bệ hạ phải làm xấu thêm nữa để người ngoại quốc trông vào chê cười, khinh thị phải không?”.
Vì vậy Phan Châu Trinh cảnh cáo đồng bào: “Ôi! Nước ta có tội gì mà phải chịu cái nghiệp báo ấy? Dân ta có tội gì mà gặp phải cái thứ vua quỷ ấy? Nếu không tìm cách mà trừ bỏ đi, thì cũng đến chết theo cái loài yêu quái ấy mà thôi!”.
Phan Châu Trinh nhiều lần dùng đến cả những chữ “giết đi”, “phanh thây” để định tội Khải Định. Có chỗ cụ như tuyên chiến với quân chủ chuyên chế và tham quan ô lại, kêu gọi quốc dân hiệp sức “nhổ đến tận gốc, lấp cho đầy nguồn, ra tay quét sạch sành sanh”, nếu không làm như vậy thì quốc dân ta không có ngày trông thấy mặt trời nữa. Tuy rằng nhờ đứng trên đất Pháp, Phan Châu Trinh mới có thể tuyên chiến dữ dội đến thế với Khải Định và quân chủ, nhưng ngay ở trên đất Pháp, cũng phải là bản lĩnh Phan Châu Trinh thì mới có bức thư tuyên chiến này.
Lời lẽ định án xem như cách mạng lắm, nhưng xét cho cùng ấy là nhát búa tạ giáng không trúng chỗ chính. Một ông vua bù nhìn, một triều đình bị thực dân “bảo hộ”, chỉ có mấy tên lính khố vàng, mấy quan đại thần “ăn đầm, nằm đìa”, vua không có quyền nào ngoài quyền ban các sắc thần, thì còn gì cái nội dung và hình thức của quân chủ chuyên chế nữa? Mọi việc cai trị đều do Pháp cả. Pháp nắm chặt bộ máy quan lại, bộ máy đàn áp bóc lột. Chính quyền Pháp mới đích thực là kẻ chuyên chính, mà triều đình Huế là tay sai. Triều đình Huế đáng ghét thật, đáng bị tiêu diệt thật, nhưng không thể tách rời nó với chủ của nó là Pháp, chính Pháp là kẻ cần phải đánh đổ với tay sai của nó là triều đình Huế.
Thứ nhì: Một đặc điểm trong tư tưởng Phan Châu Trinh ở đây là dựa vào Nhà nước Pháp dân chủ cộng hòa để chống với quân chủ chuyên chế Huế và thực hiện cải cách tiến bộ trong nước ta.
Mọi tệ lậu đều gốc ở quan lại và Nam triều, không phải do Pháp xâm lược và thống trị. Phan Châu Trinh tỏ lòng khâm phục nước Pháp đã tha cụ khỏi ngục Côn Lôn, còn kẻ đàn áp cuộc chống sưu thuế năm 1908 là triều đình, triều đình bắt và kết án cụ rồi đày cụ đi Côn Lôn: “Trinh sở dĩ còn được chút sống thừa, đều nhờ cái văn minh của dân tộc Pháp cả”.Chẳng những thế, Phan Châu Trinh nhận định một cách rất kỳ lạ rằng chính là nhờ có nước Pháp bảo hộ, nếu không thì dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam không biết còn suy yếu đến mức nào nữa: “Đến nay, thế nước càng ngày càng suy, đến nỗi sụt xuống bậc cuối cùng, nếu không núp dưới quyền bảo hộ của nước Pháp thì ngày nay không biết đã trụy lạc xuống vực sâu hang thẳm nào”. Vậy thì Việt Nam phải đội ơn Pháp tới cai trị mình! Vậy thì chế độ thực dân đã chẳng phải là vực sâu hang thẳm, mà ngược lại! Quái gở thay! Mà chính đó là câu văn lời nói của Tây Hồ. Phan Châu Trinh lại tin, lại mong rằng mình có thể dựa vào Pháp, cậy nhờ Pháp mà tuyên chiến với Nam triều. Hãy nghe: “Nếu bệ hạ còn một chút thiên lương mà biết hối ngộ ra, tin rằng quân quyền không có thể cậy được, dân quyền không thể đoạt được, mau mau hãy quay đầu lại mà thoái vị đi, đem chính quyền giao trả lại cho quốc dân để quốc dân trực tiếp ngay với Chính phủ Pháp mà làm công việc mưu lợi ích sau này. Vậy thì may ra quốc dân còn thương cái lòng mà tha cái tội đi. Ấy là kế sách của bệ hạ ngày nay không còn gì hơn nữa. Chớ ví bằng thói cũ không chừa, choán cái ngôi chí tôn ra ngôi chuyên chế, hãm ghìm quốc dân xuống cái vực sâu hang thẳm đời đời, thì Trinh này sẽ bố cáo với quốc dân và thương thuyết với Chính phủ Pháp lãnh mệnh hai mươi triệu đồng bào Việt Nam, cùng với bệ hạ tuyên chiến một trận ác liệt, hễ cái ngày nào đầu Trinh này rơi xuống đất tức là cái ngày quân quyền của bệ hạ chìm xuống đáy sâu, kẻo lại trách rằng Trinh không báo trước”.
Nghe sướng tai thật. Nhưng chỉ có sướng tai thôi, chớ phương lược chiến đấu chẳng những là ảo tưởng mà còn nguy hại.
Hồi ở Côn Lôn, tư tưởng phản đối Pháp của Phan Châu Trinh cũng y như vậy. Trong Thi tù tùng thoại, Huỳnh Thúc Kháng kể lại lời của Phan Châu Trinh với anh em: “Nước Pháp là một nước làm tiền đạo văn minh của hoàn cầu, nay hiện bảo hộ nước ta, mình nhân đó mà học theo, chuyên tâm về mặt khai trí trị sinh các việc thực dụng; dân trí đã mở, trình độ ngày một cao, tức là cái nền độc lập ngày sau ở đấy”.
Cuộc đời chính trị của Tây Hồ in dấu một ảo mộng dài về nước Pháp “tiền đạo văn minh của hoàn cầu”.
Thứ ba: Về lý thuyết, Phan Châu Trinh tuyên bố rằng cụ đứng trên lập trường của tư tưởng Khổng, Mạnh để mà công kích quân chủ chuyên chế;cụ không đứng trên lập trường tư tưởng cách mạng tư sản dân chủ để làm việc phê phán ấy: “Trinh là người theo Khổng giáo nên không theo cái lệ phép chuyên chế đặt ra từ hồi Tần Thủy Hoàng về sau”,và: “Bệ hạ cứ giở các sách ngũ kinh, tứ thư ra mà coi có câu nói nào làm cái chứng tôn quân được không? Vì cái địa vị của mình ở trên muôn người thì cái tấm lòng của mình phải ở dưới muôn người, ấy là tinh thần của Nho giáo đó”.
Có lẽ cụ Tây Hồ lúc ấy, mà không phải chỉ có cụ, nhiều nhà Nho cũng thế, chưa nhận thức ra rằng “đức trị” tức là một bộ phận cơ sở tư tưởng cho chuyên chính, cho độc tài cá nhân; mà đức trị là một đặc điểm lớn của trị đạo Nho giáo. Lựa gì phải đợi đến Tần và các triều đại sau mới có chuyên chính?
c) Nội dung tư tưởng của tác phẩmĐạo đức và luân lý Đông Tây
Trong một bài hồi ký về Phan Bội Châu, nhà sử học Trần Huy Liệu còn nhắc đến Phan Châu Trinh ngày cụ mới từ Pa-ri về Sài Gòn:
“Cụ Phan Châu Trinh về Sài Gòn vào lúc phong trào chưa nổi dậy, nên không có đón rước nào đáng kể. Nhưng khi cụ ở nhà ông Huỳnh Đình Điểu ở phố Pen-lơ-ranh thì hằng ngày, hằng giờ người ra vào thăm hỏi như mắc cửi. Một số thanh niên đang mải mê hoạt động thời ấy phải là những người đầu tiên tìm đến gặp cụ. Có điều là bất kỳ người nào đến gặp cụ cũng gặp phải một “thủ tục” nhất định như sau: Sau khi giới thiệu tên, tuổi, chức nghiệp rồi, mỗi người chúng tôi đều được cụ Phan hỏi một câu phủ đầu có tính chất sát hạch:
“- Anh đã đọcDân ước của Lư Thoa (Rút-xô) hayVạn pháp tinh lý của Mạnh Đức Tư Cưu (Mông-tét-xki-ơ) chưa?
- Thưa cụ, đọc rồi ạ!
- Anh Ninh, anh ấy cũng đọc rồi đấy…”.
Chúng ta sẽ không lấy làm ngạc nhiên khi thấy một nhà chí sĩ Việt Nam hồi ấy chưa vươn lên khỏi phạm trù tư tưởng của cuộc cách mạng tư sản dân chủ Pháp cuối thế kỷ XVIII; nếu có ngạc nhiên thì chỉ là thấy cuộc Cách mạng tháng Mười Nga nổ ra cách đó đã tám năm. Quốc tế Cộng sản và các Đảng cộng sản ở nhiều nước đã thành lập, trong đó có Đảng cộng sản Pháp (1921), vậy mà trong câu chuyện “hải ngoại” của cụ Phan không thấy có cái gì của thời đại mới cả.
Thế rồi, sau khi qua mấy câu vấn đáp kể trên như một “công thức”, chúng tôi chỉ còn được kính cẩn ngồi nghe hàng giờ những điều giảng dạy của cụ Phan về dân trí, dân đức, dân quyền và chấn hưng thực nghiệp v.v… Thực ra, những câu chuyện này nếu chúng tôi được nghe cách đây vài mươi năm thì chắc là thú vị đấy”(3).
Tư tưởng dân chủ tư sản với Việt Nam hồi những năm đầu thế kỷ XX còn là một điều tiến bộ, mới mẻ, thì nay, sau chiến tranh thế giới thứ nhất, đã mất tính chất mới mẻ, tiến bộ đó rồi. Phan Bội Châu, vì chủ trương cách mạng để giải phóng dân tộc, nên có những lúc vươn lên phạm trù “cách mạng thế giới”, “cách mạng xã hội chủ nghĩa”, cảm tình với Liên Xô, thán phục Lê-nin; còn Phan Châu Trinh vẫn theo chủ trương nhờ vào Pháp bảo hộ mà tiến lên, nên ở mãi trong các phạm trù tư sản dân chủ cũ kỹ. Hai bài diễn văn Đạo đức và luân lý Đông Tây và Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa của cụ ở Sài Gòn cuối năm 1925 nói lên điều đó.
Bài Đạo đức và luân lý Đông Tây có những đặc điểm tư tưởng sau đây:
Thứ nhất: Đề cao tác dụng của đạo đức, luân lý, khẳng định rằng phải tìm nguyên nhân mất nước trong sự mất đạo đức, mất luân lý.
Theo Phan Châu Trinh, nước mất hay còn, thịnh hay suy là do đạo đức, luân lý mất hay còn, thịnh hay suy; vấn đề chính phải giải quyết để phục hưng đất nước là phải phục hưng đạo đức, luân lý: “Anh em cho tôi tóm lại rằng: Ta đã biết nước ta mất cũng vì mất đạo đức luân lý, dân ta hèn cũng vì mất đạo đức luân lý, (người mình) bị người ta khinh bỉ, giày xéo cũng vì mất đạo đức luân lý; vậy thì ta phải sửa đổi bồi đắp nền đạo đức luân lý của ta lên”.
Như vậy, theo Phan Châu Trinh, vấn đề mấu chốt nhất trong việc cứu dân, cứu nước là vấn đề chấn chỉnh đạo đức, luân lý, vấn đề giáo dục, không phải là vấn đề đấu tranh chính trị, đấu tranh cách mạng.
Đến đây có thể thấy rằng Phan Châu Trinh mặc dù có hàng chục năm ở Pháp, ở Pa-ri, vẫn là một nhà Nho chính thống; Nho giáo chính thống bao giờ cũng xem đạo đức, luân lý là yếu tố cơ bản của lịch sử, của xã hội, của chính trị nữa.
Xem việc sửa đổi, bồi đắp nền đạo đức, luân lý là nhiệm vụ chủ yếu nhất của quốc dân lúc này, quan điểm triết lý duy tâm phù hợp với quan điểm chính trị cải lương chủ nghĩa không đụng chạm tới quyền thống trị của thực dân Pháp.
Thứ nhì: Cái đạo đức, luân lý mà Phan Châu Trinh đề cao ấy là đạo Khổng, Mạnh; cụ Phan khẳng định rằng nền dân chủ tư sản Tây phương ngày nay chính là đạo Khổng, Mạnh Đông phương ngày trước.
Năm 1925, Phan Châu Trinh cổ vũ cho đạo đức, luân lý nào để cho quốc dân ta chấn hưng tâm hồn của mình: “Từ nãy giờ tôi nói đó chỉ là đạo đức luân lý của Âu châu, chớ không phải đạo đức luân lý của ta, anh em nghĩ là tôi bội đạo Khổng, Mạnh chăng? Xin thưa, từ khi tôi hiểu được chút ít đạo Khổng, Mạnh thì tôi lấy làm sùng bái lắm. Đạo Khổng, Mạnh hay thật, nhưng bây giờ ta biết kiếm ở đâu?”. Cụ nói rằng, chẳng những ở Việt Nam mà ngay cả ở Trung Quốc bây giờ cũng không tìm đâu cho thấy đạo Khổng, Mạnh. “Nước Nam và nước Tàu đã bỏ lãng đạo lý ấy từ lâu”. Vì bỏ đạo Khổng, Mạnh mà suy yếu, ý cụ Phan muốn nói như thế. Rồi cụ tán dương, cổ vũ Khổng, Mạnh truyền thống, cho rằng nó đã hay ho mà lại có tính chất hiện đại nữa kia: “Đạo Khổng, Mạnh không phải là chuyên chế của các nhà vua ta đâu. Đạo Khổng dạy quân dân trịnh trọng rất bình đẳng, nghĩa là dạy dân phải kính vua như cha mẹ, mà vua cũng phải duy lòng đó mà coi dân như con đỏ. Vua dân đều cần có đạo đức luân lý cả.. Trong sáchĐại Học, Tăng Tử dẫn lời đức Khổng rằng: Tự thiên tử chí ư thứ nhân nhất thị giai dĩ tu thân vi bản; tức là từ vua đến dân đều phải lấy việc sửa mình làm gốc. Sửa mình là việc lớn mà đức Khổng Tử buộc dân và vua đều phải như thế, thì chẳng là bình đẳng lắm ru? Cái chính thể ấy, bên châu Âu thực hành đã lâu rồi, nghĩa là cái chính thể quân dân cộng trị mà Tàu dịch là quân chủ lập hiến, tức như chính thể nước Anh, nước Bỉ hiện nay đang thực hành vậy. Đến thời ông Mạnh, các vua chư hầu chuyên chế quá, thì ông lại xướng ngay lên cái chủ nghĩa dân chủ, như ông nói rằng: Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh; nghĩa là dân quý hơn hết, đất đai thứ nhì, vua là khinh. Ngày nay bên Đức, bên Pháp, bên Nga, tuy chính thể của họ có khác nhau chút đỉnh nhưng đều là dân chủ cả”.
Như vậy là Tàu, ta theo đạo Khổng, Mạnh bao nghìn năm mà đã làm mất đạo Khổng, Mạnh biết từ bao giờ, nên suy vi; còn Âu châu thì lại thực hiện đúng như đạo Khổng, Mạnh, nên cường thịnh! Cụ Phan thực chưa nắm lịch sử Đông Tây, chưa nhận ra bản chất và nguyên lý của các chế độ cộng hòa dân chủ hay quân chủ lập hiến Tây phương. Trong cái nhu cầu lý tưởng hóa, tuyệt đối hóa, hiện đại hóa đạo Khổng, Mạnh, cụ Phan nghĩ ra một khái niệm “bình đẳng” rất lạ đời, ở đó, ông vua xem dân như con, thì vua và dân là bình đẳng; ở đó vua sửa mình để làm vua cho minh, còn dân sửa mình để làm dân cho trung, thì vua và dân là bình đẳng! Phan Châu Trinh cho rằng cái văn minh Âu châu bây giờ không có gì trái với đạo Khổng, Mạnh thì phải tìm ở văn minh Âu châu chớ không phải ở đâu khác: “Đạo Khổng, Mạnh đã mất đi rồi, nay ta muốn có một nền đạo đức luân lý vững vàng thì không chi bằng ta hết sức đem dùng cái chủ nghĩa dân chủ châu Âu. Chủ nghĩa dân chủ chính là một vị thuốc hay để chữa cái độc quyền chuyên chế của mình. Đem văn minh Âu châu về tức là đem đạo Khổng, Mạnh về”.
Đó là một cách khá lạ để cổ vũ cho dân chủ tư sản Tây phương. Dân chủ tư sản Tây phương tức là chế độ chính trị của những nước như Pháp, Anh v.v… đi xâm lược và thống trị thuộc địa. Theo cụ Phan, các nước Tây phương thực tế theo đạo chân Nho, nên phú cường, còn Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên thực tế theo đạo tà Nho: “Những nước theo đạo tà Nho đều yếu hèn mà mất nước một cách thảm thê”.
Thứ ba: Đạo đức luân lý Tây phương cao hơn đạo đức luân lý Đông phương.
Theo sự nhận xét của Phan Châu Trinh thì đạo đức và luân lý Tây phương phát triển thành ba giai đoạn, từ gia đình, lên quốc gia, đến xã hội. Cụ nói: Thời trung cổ, châu Âu cũng nặng nề về luân lý gia đình như ta; rồi từ thế kỷ XVI trở đi, quốc gia luân lý hình thành với sự thành lập các quốc gia và với tính hiếu chiến tự nhiên của người châu Âu. Từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất, bởi sự tàn phá lớn lao quá sức của cuộc chiến tranh đó “mấy nhà đại chính trị, đại triết học, đại giáo dục đều biết rằng cái thời đại quốc gia đã qua, không thể duy trì lại được nữa, đành phải bỏ mà tiến lên thời đại xã hội vậy”. Trước hết cần hiểu rằng cái “xã hội luân lý” mà Phan Châu Trinh nói không phải là một thứ chủ nghĩa quốc tế nào đó, mà chỉ là một thứ lòng “nhân”, một thứ “nghĩa hiệp” nào đó thôi: “Người có quyền giúp người không, người mạnh giúp người yếu, nhà giàu bỏ tiền lập nhà thương, trường học cho con nhà nghèo” v.v…
Nếu có nhà đạo đức nào của Tây phương đọc đoạn dẫn văn này, họ sẽ than phiền tại sao cụ Phan làm cho đạo đức luân lý hiện đại của họ nghèo nàn đến thế; nhưng trong trạng thái nghèo nàn đó, Phan Châu Trinh vẫn còn thấy rằng đạo đức luân lý của Tây phương cao hơn đạo đức luân lý ở Đông phương. Cao hơn ở hai chỗ: Chỗ thứ nhất, ở “cái tính nô lệ ở người mình ngày nay chính là mang từ trong gia đình chuyên chế mà ra”, chỗ thứ hai, “quốc gia luân lý của ta từ xưa đến nay chỉ ở trong vòng chật hẹp của hai chữ vua tôi”. Tây Hồ muốn dắt ta đến một điểm quan trọng là đạo đức của ta do những lý do trên mà không bao gồm chủ nghĩa yêu nước, đáng lẽ chủ nghĩa yêu nước phải là vấn đề căn bản nhất của đạo đức luân lý. Đúng lắm vậy. Cụ khẳng định rằng yêu nước là một lẽ tự nhiên không có thể ngăn cấm được: “Một nòi dân cùng một giọt máu xẻ ra, cùng một thứ tiếng nói, ở trong miếng đất mà ông cha nó đã đổ mồ hôi, đổ nước mắt để vỡ vạc ra thành một nước lưu truyền bốn nghìn năm đến giờ, thì được phép hưởng quyền lợi trong miếng đất ấy, được sống ở đó, chết chôn ở đó, giàu nhờ đó, nghèo nương đó, làm gì thì làm, không ai cấm đoán được.Loài dân ấy không đến nỗi như dân Do Thái ở bên Âu châu, đi đâu cũng bị ngược đãi; không đến nỗi như bọn hắc nô(2) ở Mỹ châu, tới đâu cũng bị khinh bỉ; thì cũng khi nào chịu quên ơn miếng đất mà chúng nó gọi là Tổ quốc của chúng nó bao giờ. Một loài dân như vậy, nay bảo nó đừng thương Tổ quốc thì bảo nó thương ai”.
Thứ tư: Loại trừ bạo lực cách mạng ra khỏi đạo đức luân lý, ra khỏi tư tưởng yêu nước.
Sau khi nói những lời nói cảm động về chủ nghĩa yêu nước như trên, thì Phan Châu Trinh liền xối một gáo nước lạnh: “Cái thương nước tôi nói đây không phải là xui dân tay không nổi lên, hoặc đi lạy nước này cầu nước khác về phá loạn trong nước đâu”.
Công kích ai đó? – Rõ ràng là công kích cánh Đông Du của Sào Nam, công kích cuộc chống sưu thuế năm 1908 và các cuộc khởi nghĩa thất bại trong thời chiến tranh thế giới thứ nhất. Phan Châu Trinh tỏ ý khinh thị những tổ chức chống Pháp lâu nay hoạt động trong nước ta: “Đã mấy mươi năm nay nhờ các phong trào của thế giới xô đẩy duy tân mà trong nước ta cũng có đảng thủ cựu, đảng duy tân, đảng hòa bình, đảng kịch liệt, làm ồn ào cả lên mà rốt cuộc lại chẳng thành hiệu quả gì. Đến khi đổ bể thì thấy toàn là những đầu trâu mặt ngựa cả, chỉ bêu xấu cho cái danh giá của dân tộc mình, khiến cho người ta trông vào thấy càng khinh rẻ thêm, càng vày đạp thêm”.
Sao lại mạt sát nặng nề như vậy? Sao lại tự cho quyền mạt sát những người nổi lên chống Pháp, dù họ bị thất bại? Phan Châu Trinh công khai bảo họ là dại dột “chỉ mê tín cái lịch sử đời xưa”, “trọng chủ nghĩa phục thù”, “tìm mưu kế phỉnh phờ cho dân nó dấy lên, nhưng than ôi, một con dao, một đoạn tre thì có làm gì! Cái nỗi thảm hại đem thịt ra cho người băm, đưa đầu ra cho người bắn, nghĩ cũng đáng thương, nhưng công việc làm nào có ích gì, chẳng qua làm cho dân đức của ta thêm trụy lạc…”.
Bậc anh hùng bị xem là kẻ dại dột, phỉnh phờ, mê tín lịch sử xưa, thậm chí là đầu trâu mặt ngựa! Sao vậy được? Nổi lên đánh Pháp đô hộ là “làm dân đức thêm trụy lạc” là nghĩa làm sao? Những ý chống bạo động cách mạng này xa với chủ nghĩa yêu nước chân chính quá!
d) Nội dung tư tưởng của tác phẩmQuân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa
Đề tài được bàn thì rất to lớn, hấp dẫn, nhưng nội dung bài diễn văn thì nghèo nàn, tẻ ngắt. Nhiều người kêu là cụ Tây Hồ không chịu khó nghiên cứu kỹ lịch sử và các chính thể Tây phương. Chúng ta chú ý đến mấy nét tư tưởng chính sau đây của bài Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa.
Một là: Khẳng định rằng, chuyên chế, nếu không mất ngôi thì mất nước.
Ở đây cũng như Đạo đức và luân lý Đông Tây, Phan Châu Trinh ra sức bảo vệ Nho giáo; cụ nói rằng các triều đại Trung Quốc từ Hán về sau nói là họ theo Nho giáo chứ thật ra họ chỉ dựa vào danh nghĩa đạo Nho để mà áp chế nhân dân; đạo Nho không phải như thế; đạo Nho không có trách nhiệm gì về cái chuyên chế của các nhà vua. “Các ông đồ nước ta khi dạy rằng vua nước mình theo đạo Nho, triều đình mình sùng đạo Nho, dân mình theo đạo Nho, đều là nói sai sự thật cả”. Như thế nghĩa là xưa nay bên Trung Quốc và ở Việt Nam, chưa có nhà cầm quyền nào, chưa có ai hiểu đạo Nho cả. Cụ Phan theo đúng truyền thống “xưa hơn nay”, “trước hơn sau” của Nho giáo rằng: “Chính trị của nhà Hán không có gì rộng rãi công bằng, nhưng vẫn còn hơn Đường, Đường vẫn còn hơn Tống, Tống vẫn còn hơn Nguyên, Nguyên vẫn còn hơn Minh, Minh còn hơn Thanh”.
Các triều đại đó nói theo Nho, nhưng, lời cụ Phan, họ chỉ lấy danh nghĩa để mà chuyên chế. Nếu đạo đức luân lý Tây phương cao hơn đạo đức luân lý Đông phương thì chuyên chế ở Đông phương khéo hơn chuyên chế ở Tây phương, khéo hơn ở chỗ nó cốt tôn lên mấy lời tà thuyết nhằm làm cho nhân dân ngu muội để giữ cho ngôi vua bền lâu. Nhưng khéo ở đó mà chết cũng đó. “Tuy đâu giữ khéo thì dân trong nước không động đến ngôi vua của con họ thật, nhưng mà ngoại quốc đến lấy thì dễ như chơi, bởi vì dân nó ngu, không biết nước là gì cả. Ta thử xem cái gương nhà Tống mất với Liêu rồi mất với Kim, sau nữa mất với Mông Cổ. Còn nhà Minh thì mất với Mãn, Cao Ly (Triều Tiên) thì mất với Nhật, Việt Nam thì mất với Tây”.
Đó là: Sở dĩ chuyên chế phải mất nước là vì quân trị giết chết lòng yêu nước của dân.
Dân trị chủ nghĩa tuy có pháp luật mặc lòng, nhưng mà pháp luật tự tay ông vua lập ra, chớ còn dân thì không biết gì hết. Vậy cho nên, khi nào gặp một ông vua thông minh anh hùng hiểu được sự quan hệ giữa dân và nước là thế nào mà trừng trị lũ quan tham nhũng, để dân được yên lặng làm ăn thì dân giàu nước mạnh, mà cái thì giờ của vua sống được bao nhiêu thì nước thái bình bấy nhiêu”. Quân trị mà nước thái bình, nước mạnh dân giàu thì ít có và tạm thời: Quân trị không bằng dân trị. Và: “Nhân trị nghĩa là cai trị một cách rộng rãi hay là nghiêm khắc chỉ tùy theo lòng vui buồn, thương ghét của một ông vua mà thôi, pháp luật tuy có cũng như không”; như vậy, nhân trị không bằng pháp trị. Cụ Phan còn nói: “So sánh hai cái chủ nghĩa quân trị và dân trị thì ta thấy chủ nghĩa dân trị hay hơn cái chủ nghĩa quân trị nhiều lắm. Lấy theo ý riêng của một người hay một nước thì cái nước đó không khác nào là một đàn dê, được no ấm vui vẻ hay phải đói rét khổ sở tùy theo lòng người chăn. Còn theo cái chủ nghĩa dân trị thì tự quốc dân lập ra hiến pháp, luật lệ, đặt ra các cơ quan để lo việc chung cả nước, lòng quốc dân muốn thế nào thì làm thế ấy. Dù không có người tài giỏi làm cho hay lắm, không đến đỗi phải cúi đầu khốn nạn làm tôi mọi một nhà, một họ nào”.
Không cần chú ý đến cái mâu thuẫn trong tư tưởng của Phan Châu Trinh khi cụ vừa tán dương Nho giáo vừa công kích quân trị và nhân trị, chỉ cần biết rằng tán dương dân trị so với quân trị, pháp trị so với nhân trị là đi vào hướng tiến bộ. Một đặc điểm trong chủ nghĩa dân trị của Phan Châu Trinh là ở chỗ cụ ghét cay ghét đắng nền quân chủ, cụ tố cáo rằng: “Cái độc quyền quân chủ nó giết hẳn cái lòng ái quốc của dân Việt Nam ta; bây giờ muốn cho dân Việt Nam biết nước là của nó, thì phải đem cái tụi bù nhìn đó vất hết cả đi…”.
Tất nhiên là ai cũng dễ chấp nhận cái sự thật là tư tưởng trung quân cản trở, hạn chế, bóp méo chủ nghĩa yêu nước chân chính. Nhưng từ đó mà nói rằng lòng yêu nước của nhân dân ta bị chết hẳn dưới chính quyền quân chủ, thì làm gì đến mức đó? Ngàn năm quân chủ, dân tộc Việt Nam chẳng có truyền thống yêu nước chân chính hay sao? Càng khó chấp nhận với Phan Châu Trinh rằng điều kiện đầu tiên để gây dựng lại lòng yêu nước cho nhân dân là thủ tiêu vua bù nhìn và bè lũ. Vua bù nhìn đúng là một trở lực cho sự thực hiện quyền dân tộc và dân chủ song trở lực chính, chính là đế quốc thực dân; rõ ràng như vậy, nhưng cụ Phan không hiểu như vậy. Cụ Phan đặt cày trước trâu. Đặt cày trước trâu thì chỉ triển lãm trâu và cày chớ không cày được thước đất nào. Đặt vấn đề dân trị, dân chủ mà không đặt vấn đề đấu tranh diệt thực dân, giành độc lập dân tộc thì không đi đến đâu hết.
Nhân dân làm truy điệu cho Tây Hồ hết sức trọng thể vì Tây Hồ là một chí sĩ, vì năm 1926 phong trào yêu nước lên rất cao, không phải vì giá trị và ảnh hưởng của hệ thống tư tưởng chính trị của cụ.
ĐẶNG MINH PHƯƠNGsưu tầm
(TríchTổng tập Trần Văn Giàu, tập 3, NXB Quân Đội Nhân Dân, 2008)
_______
(1)(2) Những nhà yêu nước trong lịch sử cận đại của nước Ý có công trong việc thống nhất nước Ý.
(4) Hắc nô là người nô lệ da đen
* Chữ 周,miền Bắc đọc Chu, miền Nam đọc Châu (kiêng húy chúa Nguyễn Phúc Chu). Cụ Phan, tên khai sinh và tên gọi trên giấy tờ là Phan Châu Trinh (con là Phan Châu Dật, Phan Thị Châu Liên…), nên đúng ra ta phải đọc là Châu. Phải sửa cách đọc quen thuộc theo phiên âm chữ Hán ở miền Bắc, và phải sửa tên đường, tên trường học… theo đúng âm gốc đã tồn tại. Không thể một tên người mà đọc theo hai cách. Trong bài này, chúng tôi dùng Phan Châu Trinh. (Hồn Việt)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn