Giới hạn của tự do
Phan Thế Hải (PTH): Vừa rồi, trên thế giới xảy ra một số sự kiện, trong đó có sự ra đi của Fidel Castro, lãnh tụ Cuba. Theo ông, sau cái chết của Fidel, Cuba có gì đột phá không?
Nguyễn Trần Bạt (NTB): Cuba trước Fidel là một vùng đất du lịch huyền thoại. Người sở hữu hầu hết các cơ sở kinh doanh cả cờ bạc lẫn du lịch tại Cuba là giới maphia Mỹ. Một trong những nhân vật nổi danh nhất của làng mafia ở Cuba là Meyer Lansky, thành viên của tổ chức tội phạm Do thái (nguyên mẫu của nhân vật Hyman Roth, trong tiểu thuyết Bố già), có cộng tác với Luciano, một trong những bố giá làm chủ hệ thống mafia ở New York thời đó. Nói đến Cuba mà không biết về lai lịch của các băng nhóm maphia, đặc biệt là ngũ đại gia đình New York thì coi như bằng không. Để có hình dung rõ hơn các hình ảnh về thời kỳ trước khi xảy ra cuộc cách mạng của Fidel Castro, chúng ta phải xem phim “Bố già”, trong đó có đoạn nói về chuyện Michael Corleone mang một vali tiền sang Cuba để móc ngoặc với đám bố già người Do Thái, đối tác cũ của cha anh ta.
Cuba là một hòn đảo của ăn chơi, nằm trongvùng biển Caribe, một vùng biển huyền thoại về kinh doanh bất hợp pháp, nó là cái nôi của việc buôn bán ma túy, tiền tệ và nô lệ. Bây giờ nó vẫn tiếp tục là cái nôi của buôn bán nô lệ. Vấn đề nhập cư của Cuba hay các đảo ở vùng Caribe là vấn đề rất đau đầu cho người Cuba, cho nên người Mỹ vẫn giữ nhà tù Guantanamo. Người đầu tiên định xóa bỏ nhà tù này một cách nghiêm túc là Obama, nhưng ông ấy vẫn chưa làm được. Đến nay có lẽ Tổng thống đắc cử Trump muốn giữ lại nhà tù ấy để có chỗ cách ly thế giới tội phạm với nước Mỹ.
Về bản chất cuộc cách mạng ở Cuba là cuộc đấu tranh chống lại giới tội phạm và chống Mỹ, bởi vì đấy là nơi tập kết của giới tội phạm châu Mỹ. Cuba rất có kinh nghiệm trong việc đấu tranh chống lại tội phạm. Tội phạm ở Cuba gắn bó với chính trị, họ trở thành những kẻ được CIA lợi dụng và cũng lợi dụng CIA để trở thành lực lượng chính trị.
Các cuộc đấu tranh ở Cuba cũng không phải là chiến tranh giữa nước này với nước kia, vì thực chất Cuba chưa đối đầu với cuộc chiến tranh thật sự nào theo nghĩa quy ước, mà chỉ đối đầu với cuộc đấu tranh chống lại tội phạm. Nói cho cùng thì một vài nhà nước khác đã lợi dụng tội phạm để tổ chức những cuộc tấn công vào Cuba. Vụ đổ bộ vào Vịnh Con Lợn là một ví dụ.
Có ba nhân vật tạo ra sự nổi tiếng về chính trị của Cuba. Thứ nhất là Fidel Castro, người có gan đối đầu với nước Mỹ. Thứ hai là Khrushchyov, tổng bí thư Liên Xô. Ông ấy là người có gan đưa tên lửa của Liên Xô vào đặt ở Cuba và tạo ra khủng hoảng vùng Caribe, chút xíu nữa là có chiến tranh thế giới. Khi đặt được tên lửa vào Cuba rồi, Khrushchyov đã lấy giày đập lên bàn hội nghị ở Liên Hiệp quốc. Ông là người thứ hai tạo ra sự nổi tiếng của hòn đảo này. Người thứ ba là Che Guevara, một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp ở quốc tế, người Argentina, là chiến hữu của Fidel. Dư luận ngày đó cho rằng khi chiếm được chính quyền rồi thì bản tính gia trưởng làm Fidel không chấp nhận được tính tự do của Che Guevara. Cho nên,để đảm bảo hòa khí của những người cách mạng với nhau, Che Guevara rời Cuba, sau khi đã có một thời kỳ làm đến bộ trưởng. Bên cạnh đó, còn một số người khác cũng làm nên sự nổi tiếng của Cuba, ví dụ nhà văn Hemingway, người viết quyển “Ông già và biển cả”. Ông viết quyển sách ấy trong thời kỳ cư trú ở Cuba. Hemingway là một người tạo ra sự nổi tiếng của Cuba bằng văn học.
Cuba thực ra có ít yếu tố tạo ra sự nổi tiếng vì nằm trong vùng bình yên chơi bời của nước Mỹ. Nó chỉ nổi tiếng bắt đầu từ cuộc cách mạng của Fidel vào năm 1959, và cuộc đem tên lửa bám sát lưng nước Mỹ của Khrushchyov. Một số yếu tố có chất lượng du lịch và thêm cả Che Guevara nữa tạo ra những huyền thoại làm Cuba trở nên lãng mạn hơn. Tự do là đặc tính của người Tây Ban Nha, không chỉ ở Cuba họ mới tự do mà họ tự do ở mọi nơi. Ai chơi với người Tây Ban Nha sẽ thấy ngay không khí tự do họ mang lại trong cuộc sống bình thường. Tôi quen một người bạn ở Úc, là người gốc Tây Ban Nha, anh ấy lái xe đưa tôi đi chơi đến hàng nghìn cây số, dọc đường đi chỉ nghe nhạc Tây Ban Nha, lúc đó tôi mới hiểu tâm hồn của dân tộc ấy là như thế.
Người Mỹ rất khó khăn trong việc đối đầu với vùng sân sau của mình. Họ phải đối đầu với tính tự do của người châu Mỹ Latinh với chính phủ của nó và cả tự do của chính phủ của nó đối với người Mỹ. Sau này Fidel trở nên có uy tín rộng rãi nên châu Mỹ Latinh mà đứng đầu là Venezuela bám lấy Fidel. Hugo Chaves là đệ tử của Fidel, là người phát triển ý chí tự do của Fidel thành một tính cách chính trị của người Mỹ Latinh. Nhưng chủ nghĩa cộng sản cũng không hoàn toàn thắng ở đó. Có rất nhiều nước cộng sản ở châu Mỹ Latinh, nhiều đảng cánh tả ở châu Mỹ Latinh, nhưng không có quốc gia cộng sản, bởi họ không chịu được kỷ luật cộng sản. Nghiên cứu nền chính trị tự do của người châu Mỹ Latinh là một điều rất thú vị. Bản thân người châu Mỹ Latinh bây giờ cũng dần dần đi vào nề nếp. Họ bắt đầu hiểu tự do vô tổ chức, vô kỷ luật, tự do cách mạng dần dần không còn giá trị.
PTH: Có vẻ như trong bóng đá cũng mang dáng dấp của xu thế ấy? Ví dụ, ngày xưa đội bóng Brazil nổi tiếng là đá hào hoa và ngẫu hứng, nhưng bây giờ thì đá rất kỷ luật?
NTB: Tôi không phải chuyên gia nên không thể đưa ra kết luận liên quan tới bóng đá, nhưng tôi cho rằng các dân tộc trên thế giới này đang hiểu ra giới hạn của tự do. Vì hiểu ra giới hạn của tự do nên người Mỹ không bầu cho Hillary mà bầu cho Trump. Trump là một người thực dụng, ông ấy đo được tất cả các giới hạn phong cách tự do của con người, ông ấy biết rõ rằng người Mỹ bắt đầu không xem tự do quan trọng như sự giàu có hay những công ăn việc làm mà họ cần phải có.
PTH: Tự do về tiền bạc quan trọng hơn tất cả các tự do khác?
NTB: Cũng không phải. Chỉ có Việt Nam nghèo quá nên mới cường điệu vai trò của tiền bạc thôi. Thiên hạ người ta có cường điệu tiền bạc như chúng ta đâu. Bố vợ tôi là một người Việt Nam sống ở Pháp hơn nửa thế kỷ. Ngoài mẹ vợ tôi, ông ấy còn có một bà vợ thứ hai. Bà ấy là luật sư của một hãng Luật của Mỹ ở Paris. Bà ấy cũng có bốn đứa con với ông. Khi ông mất, theo luật của nước Pháp, bà vợ hai đã xử lý bằng cách bán nhà cửa, tài sản, được hơn 100.000 euro, chia 50% số tiền cho tất cả những người con của ông, còn 50% dành cho bà vợ cả. Bà ấy chỉ giữ một thứ là tro cốt của ông ấy. Xét cho cùng, việc công phu nhất của một con người là tìm ra ai yêu mình thật. Một người đàn ông thành đạt có muôn vàn lý do để người ta yêu mình. Thế nhưng đối mặt thật sự với sự sống và cái chết mới biết được ai là người không thể thay thế đối với mình.
PTH: Ông đã khám phá ra cội nguồn của dân tộc Cuba và đặc biệt là vùng Caribe, có đặc trưng nói tiếng Latinh và có nguồn gốc từ Tây Ban Nha. Ông có thể phân tích tiếp về Cuba?
NTB: Tôi nghĩ Fidel Castro là người giải phóng nhân dân Cuba ra khỏi sự hư hỏng. Cuộc cách mạng của Fidel được mô tả là cuộc cách mạng giải phóng nhân dân Cuba ra khỏi ách nô dịch của chế độ Batista, nhưng tôi cho rằng công lao của Fidel là giải phóng nhân dân Cuba ra khỏi sự hư hỏng về mặt sinh hoạt.
PTH: Cũng có dư luận cho rằng sau khi giải phóng ra khỏi sự hư hỏng ấy thì ông ấy tạo dựng một hệ thống hư hỏng khác, cho nên ông ấy làm cho dân tộc Cuba 50 năm qua dẫm chân tại chỗ?
NTB: Tôi không nghĩ thế! Có thể 50 năm qua họ đóng băng không phát triển, nhưng họ vẫn giữ nguyên được tiềm năng phát triển. Người Lào đi sau chúng ta, nhưng bây giờ họ đã vượt lên, về mặt kinh tế lẫn chính trị họ tốt hơn chúng ta. Người Campuchia cũng tốt hơn nhiều trong việc giữ gìn văn hóa.
PTH: Hiện nay người ta đang tin tưởng rằng khi Cuba chấp nhận hệ thống công nghệ truyền thông, bao gồm cả mạng xã hội và 3G, 4G thì chắc họ sẽ thay đổi chứ không giữ như cũ nữa. Ông có nghĩ vậy không ?
NTB: Những tư tưởng, phương pháp như vậy mang màu sắc của sự lật đổ và sai lầm. Mọi thứ trong tự nhiên đều cân bằng. Chính trị là một thứ cân bằng có kỷ luật hơn cả những sự cân bằng tự nhiên khác. Internet làm cho tốc độ diễn ra các sự cố chính trị nhanh hơn, nhưng không làm thay đổi thế cân bằng chính trị một cách tổng thể. Khi có internet, tốc độ bức xúc của con người phát triển nhanh hơn, các yếu tố làm bùng nổ xã hội tăng nhanh hơn, nhưng không thay đổi được trật tự xã hội, bởi vì suy ra cho cùng nó vẫn chỉ là một yếu tố ảo.
Sức mạnh thật sự của một cuộc cách mạng không phải là yếu tố ảo. Các yếu tố ảo rất dễ đánh lừa, làm cho người ta tưởng tượng một cách dễ dãi về các cuộc cách mạng, nhưng nó không tạo ra cách mạng. Những gì đang diễn ra ở Trung Đông, Bắc Phi không phải là cách mạng, còn sự hỗn loạn thì từ trước đến nay vẫn có. Internet không hề làm thay đổi bản chất chính trị của các xung đột xã hội. Tất cả những nhà dân chủ đều kỳ vọng thời đại internet sẽ thúc đẩy cách mạng sớm hơn. Đấy là sự nhầm lẫn lớn nhất ở thế kỷ XXI.
PTH: Trong hàng ngũ quan chức, nhiều người có thông tin đa chiều và từ đó họ nhận thức về vấn đề chính trị dường như đã khác trước?
NTB: Tôi không nghĩ thế. Có thể người ta chỉ khác bằng những lời nói trên miệng, còn nhận thức của họ không hề thay đổi về bản chất. Họ thay đổi tình cảm chính trị với tốc độ nhanh hơn chứ không hiểu biết nhanh hơn. Tôi nghĩ người nhận ra được sự thay đổi mang tính bản chất của thời đại này chính là tổng thống đắc cử Donald Trump của Hoa Kỳ.
PTH: Theo ông thì Trump khác với những đời Tổng thống trước đây như thế nào?
NTB: Khác nhiều. Ví dụ, Trump có thái độ thẳng thừng với người Trung Quốc khi họ phàn nàn về việc ông ấy nói chuyện với lãnh đạo Đài Loan. Trump đã cho thiên hạ thấy việc thừa nhận nguyên lý một nước Trung Hoa thì có thể, nhưng không có nghĩa là ông ấy không được nói chuyện với người Đài Loan. Những lập luận ấy đơn giản nhưng chính xác không cãi được.
PTH: Theo ông, tại sao Trump thắng?
NTB: Marx lấy sở hữu tư liệu sản xuất làm tiêu chuẩn để phân biệt giai cấp. Nhưng trong tình trạng chính trị hiện nay người ta lấy công cụ học vấn làm thước đo. Những người thuộc đảng Dân chủ ở Mỹ thua cuộc vì bỏ rơi giai cấp thiếu học chứ không phải giai cấp vô sản. Nói cách khác, giai cấp vô sản hiện đại là giai cấp thiếu học chứ không phải giai cấp thiếu tiền.
PTH: Hai tiêu chuẩn để xác định giai cấp ông vừa nói khác nhau ở chỗ nào?
NTB: Khác nhau xa lắm. Toàn bộ miếng ngon trên trái đất này được xơi bởi một tầng lớp khẳng định mình bằng các giá trị học vấn, gọi là tầng lớp Davos, đấy là định nghĩa của giới trí thức Mỹ bây giờ. Công việc nào sang nhất họ nắm giữ, đồng lương nào cao nhất họ lấy. Kết quả là 1% người Mỹ ở tầng lớp trên chiếm phân nửa tài sản nước Mỹ. Hay nói cách khác, đặc điểm để phân biệt kinh tế tri thức với loại hình kinh tế khác chính là những ưu thế học vấn trở thành ưu thế phân bố quyền lợi, khoảng cách giàu nghèo được qui định bằng khoảng cách học vấn. Đấy chính là bi kịch của thế giới. Trump nắm được điều ấy và chiến thắng. Tôi nói trong một bài phỏng vấn rằng Đảng ta không thể giải quyết khoảng cách giàu nghèo một cách tổng thể, mà nên bắt chước các kinh nghiệm của Trump, phân khúc từng đoạn khoảng cách giàu nghèo để giải quyết. Trong trường hợp của Trump, ông ấy chỉ giải quyết vấn đề từ tầng lớp quý tộc đến tầng lớp trung lưu. Với tư cách là một nhà chính trị cánh hữu, Trump chỉ làm một đoạn từ đầu đến cổ, còn nhiệm vụ của những người cộng sản là giải quyết tổng thể từ đầu đến đuôi.
PTH: Theo ông cục diện thế giới, hoặc các chính sách liên quan đến Việt Nam của nước Mỹ có gì thay đổi?
NTB: Bây giờ thế giới đang lùi lại. Toàn cầu hóa sẽ không dừng, tuy nhiên nó sẽ chậm lại. Đấy cũng là một tất yếu, bởi vì toàn cầu hóa chạy quá nhanh, làm bộc lộ tất cả các nhược điểm chính trị của nó. Xác lập một tốc độ hợp lý là con đường duy nhất để có thể tiếp tục toàn cầu hóa mà không làm sụp đổ mọi chuyện. Có lẽ đoạn này Trump cũng chưa tính đến.
PTH: Ngay từ khi mới lên ông ta đã tuyên bố rút khỏi TPP. Ông đánh giá thế nào về chuyện ấy?
NTB: Toàn cầu hóa là hoạt động của chính phủ, các chính phủ tự toàn cầu hóa với nhau chứ nhân dân có quan tâm mấy và hiểu biết mấy về toàn cầu hóa. Cho đến bây giờ nhân dân Việt Nam hầu như vẫn đứng ngoài các hiệp ước quốc tế về toàn cầu hóa.
PTH: Người Việt Nam vẫn xuất khẩu lao động sang các quốc gia khác rất nhiều đấy thôi?
NTB: Tôi đã nói chuyện với đại sứ Nhật Bản trong một buổi lễ khai giảng trường cho học sinh Nhật Bản đầu tiên ở Hà Nội, ông ấy nói thế kỷ XVI số lượng người Nhật có mặt ở Việt Nam nhiều gấp 10 lần số lượng người Nhật có ở đây bây giờ. Đừng nghĩ rằng toàn cầu hóa ở thời này là ghê gớm.
PTH: Theo ông thế giới sẽ giải quyết những bế tắc hiện tại thế nào?
NTB: Suy ra cho cùng cuộc sống là các bế tắc liên tục. Chúng ta phải tập ra khỏi bế tắc. Thường thì nhiều người biết tiến lên, nhưng ít người học được bài lùi. Trước đây, tôi từng học cách lùi và rút ra kết luận: tiến lên thì dễ vì nhiều người cùng tiến, cứ theo người ta là tiến được rồi, nhưng lạc thì phải biết lùi. Trong cuộc sống, số đông thường hay lạc. Lịch sử thế giới đã xuất hiện những trào lưu tư tưởng hướng dẫn số đông lùi. Sau một quá trình nghiên cứu, tôi ngẫm nghĩ liệu chủ nghĩa cộng sản có phải một thuật toán lùi không. Cuối cùng tôi hiểu chủ nghĩa cộng sản không phải chỉ là một thuật toán lùi, mà còn là một thuật toán tận dụng tình thế hay phù hợp với tình thế lúc bấy giờ. Bây giờ, chủ nghĩa tân tự do của phương Tây đã đi quá, đến hiện tượng Donald Trump là đến thất bại cuối cùng của nó.
Cách đây nhiều năm, khi Liên Xô sụp đổ, tôi đã dự đoán thế nào Hoa Kỳ cũng sụp đổ. Sự sụp đồ của Liên Xô là sụp đổ nhà nước, nó đơn giản hơn sự sụp đổ của Hoa Kỳ. Khủng hoảng tài chính, tiền tệ châu Á là cuộc khủng hoảng đầu tiên của Hoa Kỳ. Lần thứ hai là khủng hoảng năm 2008, người Mỹ gọi là khủng hoảng tài chính nhưng tôi nghĩ đấy là khủng hoảng kinh tế Mỹ. Và cuộc bầu cử này là cuộc khủng hoảng thứ ba - khủng hoảng chính trị. Nước Mỹ không cẩn thận sẽ khủng hoảng dài dài nữa, hoàn tất một chu trình trượt dốc để tạo ra sự cân bằng Đông - Tây. Như vậy, thế giới sẽ phải tiến tới một trạng thái cân bằng mới, theo hướng nào thì tùy thuộc tài năng của các nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc và Nga.
PTH: Tôi muốn viết một bài mô tả về ông như một nhà khoa học không học hàm, học vị. Theo ông, hệ thống học hàm học vị đóng vai trò thế nào trong giới nghiên cứu khoa học?
NTB: Tôi nghĩ là nó rất quan trọng. Học hàm học vị là một trong các tiêu chuẩn để hình thành đội ngũ hướng dẫn khoa học, cho nên phải tiêu chuẩn hóa thì những người đó mới tham gia việc truyền bá các phổ quát khoa học một cách chuyên nghiệp. Không nên viết về tôi như một kẻ có trí tuệ mâu thuẫn với hệ thống học vị của tôi, nếu đặt ra vấn đề như vậy thì tôi buộc phải lùi lại và nhận mình không phải là nhà khoa học. Dù tôi có tài giỏi mấy đi nữa cũng vẫn phải tuân thủ hệ thống tiêu chuẩn học hàm học vị của giới khoa học.
Tôi yêu thích và có kinh nghiệm trong nhiều ngành khoa học, nhưng tôi không mâu thuẫn với hệ thống tiêu chuẩn và tôi không tự hào về việc tôi không có học hàm học vị. Chỉ có điều là học hàm học vị không đủ hấp dẫn để tôi hy sinh thời gian hoàn thiện nó, lý do là tôi có những việc cần thiết hơn như kiếm tiền nuôi vợ con, điều hành, duy trì hoạt động kinh doanh để đội ngũ cán bộ của mình có tiền sinh sống. Những việc ấy đòi hỏi tôi phải hy sinh việc hoàn thiện các học hàm, học vị của mình. Giáo sư Đào Trí Úc có đề nghị tôi làm luận án tiến sĩ cách đây 7-8 năm rồi, tôi từ chối vì tôi không có thời gian.
Tôi tuyệt đối không phải là kẻ mâu thuẫn với hệ thống tiêu chuẩn của giới trí thức Việt Nam. Tôi cũng không muốn khai thác khía cạnh nhiều người có học hàm, học vị nhưng không có chất lượng trí tuệ thích hợp. Hàng giả trong thị trường khoa học kỹ thuật cũng có, nhưng hàng giả ấy không làm mất đi giá trị của giới trí thức Việt Nam. Thứ không học hàm, học vị ấy đôi khi mở rộng cánh cửa tự do cho các học giả đóng góp. Những sự đóng góp ấy có thể không chuyên nghiệp nhưng là những gợi ý khoa học có giá trị. Vì sự nghiệp khoa học công nghệ của đất nước, chúng ta phải đóng góp bất chấp việc có học hàm, học vị hay không. Trong lịch sử của đất nước chúng ta nhiều bậc tiền bối không có học hàm, học vị. Ví dụ, giáo sư Tạ Quang Bửu tốt nghiệp trường nào bây giờ cũng khó nói. Nhiều người không có học hàm, học vị thật sự, nhất là giai đoạn đầu tiên của chế độ xây dựng học hàm, nhưng họ vẫn được trao học hàm học vị để thực thi nghĩa vụ vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục là phổ biến những tiêu chuẩn cơ bản để hình thành đội ngũ trí thức Việt Nam.
Rất nhiều giáo sư có thể dốt theo quan niệm của người này hoặc người kia. Ví dụ, đem vấn đề toán học hỏi ông giáo sư nghiên cứu chính trị thì đương nhiên người ta sẽ bảo ông ấy dốt. Đôi khi chúng ta quan niệm một cách sai trái về một tiến sĩ hoặc một giáo sư có học hàm, học vị. Đã là tiến sĩ thì phải giỏi tất, đấy là quan niệm sai. Tiến sĩ là nhà chuyên môn, anh ta được đánh giá bằng chính chuyên môn cụ thể ấy. Còn giáo sư thì thể hiện trình độ khái quát hơn, nhưng không có nghĩa là hỏi gì cũng biết. Không nên đặt ra những câu hỏi ác ý đối với giới trí thức Việt Nam. Nên sửa chữa thái độ ấy. Chúng ta phải xem trọng những trí thức cụ thể và khai thác một cách hợp lý những đối tượng hợp lý. Đấy là thái độ đúng đắn nhất và thái độ cần có của những người tự nhận mình là trí thức.
PTH: Có lẽ do không gian của mình là không gian nhà nước, không có không gian dân sự như ông nói. Có những người do một nhu cầu về cái ghế để ngồi hay thang bậc để tăng lương, người ta buộc phải mua sắm các học hàm, học vị, và mua sắm thứ ấy để mưu sinh chứ không phải vì đam mê?
NTB: Ở đâu cũng thế. Giá trị của một học hàm, học vị hay một luận án là một giá trị rất hẹp và ngẫu hứng, đã nói đến đánh giá khoa học là phải làm rất cẩn thận, nhưng không ai có đủ thì giờ để đánh giá cẩn thận mọi nhẽ về các luận án khoa học. Mọi nơi trên thế giới đều thế. Trên thế giới chỗ nào mà chẳng có người dốt. Đôi khi chúng ta thắng được những người dốt mà cứ tưởng do mình giỏi.
PTH: Nhưng câu chuyện ở đây là trong một xã hội mà người ta không có nhiều không gian mưu sinh thì buộc lòng người ta phải mưu sinh bằng cách đó?
NTB: Tôi hiểu ý kiến của anh. Chúng ta không có khu vực xã hội dân sự nên con người không tìm thấy niềm vui của mình ở đâu. Người ta cần phải tưởng tượng rằng người kia liếc mình chắc là liếc địa vị của mình, liếc niềm vinh quang mà mình có trong lao động khoa học.
Tôi đi tìm niềm vui cuộc đời trong sáng tạo khoa học, tôi tự hào tôi là một nhà khoa học, nhưng tôi không quan tâm đến bằng cấp, vì bằng cấp là một công việc buộc phải làm từ lúc chưa có tên tuổi. Tôi có một quỹ thời gian hoạt động khoa học 30 năm, 10 năm đầu là khoa học kỹ thuật với tư cách là một nhà cơ học, 20 năm gần đây là nhà chính trị học. Các tác phẩm của tôi được gửi đến thư viện của trường Harvard, đến thư viện của Quốc hội Hoa Kỳ, thư viện quốc gia Paris, thư viện một số trường đại học ở Mỹ, nhưng tôi không mưu sinh bằng việc ấy mà tôi cống hiến. Tôi đã ở tuổi cần phải có sự cống hiến. Nếu không cống hiến tức là tôi không chứng minh được mình có giá trị gì. Có nhà cao cửa rộng nhưng vẫn đau đáu tìm kế mưu sinh thì anh không có giá gì.
Giá trị thật sự của con người chính là sự cống hiến của nó. Toàn bộ hạnh phúc của một nhà khoa học là sự cống hiến, là sự phát hiện lẽ phải ở cấp thấp, chân lý ở cấp cao và triết học ở cấp tuyệt đối. Không làm được việc ấy thì chỉ là mưu sinh, đi tìm một cái ghế, một tiếng thơm. Tôi đã đến nhiều trường đại học quan trọng ở các nước tiên tiến, tôi chưa bao giờ cảm thấy e ngại khi đối diện với ai, kể cả một trong những người khổng lồ của thế giới là Henry Kissinger, vì tôi là kẻ bình tĩnh trước tất cả các sự khủng bố về giá trị.
PTH: Như vậy quan điểm của ông là nghiên cứu khoa học vì đam mê, coi cống hiến là lẽ sống và trách nhiệm xã hội, mặc dù mình không có chức sắc gì to tát?
NTB: Tôi nghĩ rằng đã làm khoa học thì phải thấy được sự to tát của công việc mình làm. Khi nói thì nói nhỏ để cho an toàn, nhưng khi nghĩ thì phải thấy được một vài ý nghĩ của mình có thể gây tác động ở tầng vĩ mô. Tôi không hề xem những việc mình làm là bé nhỏ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015