Gia giáo và thân giáo

09:45 CH @ Thứ Sáu - 17 Tháng Năm, 2019

Làm người đã khó. Làm người để dạy người khác thành người còn khó hơn gấp bội. Vậy nên, “con nhà gia giáo” không chỉ là khắc khoải ở một làng quê, mà còn là một bảo đảm về chất lượng giáo dục…

Gánh nặng thân giáo, gánh nặng dạy con trẻ làm người bỗng chốc lại đổ dồn về phía gia đình, nơi mẹ cha yêu thương vô điều kiện, nơi mẹ cha có hàng chục năm đồng hành cùng con cho đến lúc trưởng thành.

Ngày nhỏ, khi còn sống ở quê, cứ mỗi khi trong nhà có người đến tuổi dựng vợ gả chồng, tôi lại thường xuyên nghe ông bà chú bác của mình bình luận về người phối ngẫu tương lai cho con cháu mình.

Trong những cuộc trao đổi như thế, tiêu chuẩn mạnh nhất để chọn người lại không nằm ở sự giàu có hay thông minh tài sắc, mà hay kết ở một câu giản dị: con nhà gia giáo.

Con nhà gia giáo

Mà cũng ngạc nhiên không kém, khi đã viện dẫn đến “con nhà gia giáo” thì mọi ý kiến khác đều tắt ngúm. Cứ như “con nhà gia giáo” là tiêu chuẩn cao nhất, không còn gì có thể sánh bằng.

Nếu tỉ mẩn mà suy ngẫm thêm thì lại càng ngạc nhiên hơn nữa, chọn người phối ngẫu mà lại đặt hết niềm tin vào mấy chữ “con nhà gia giáo”, chứ không phải chính người được chọn. Nhiều bậc ông bà chưa biết mặt mũi dâu rể tương lai ra sao, chỉ cần người mai mối nói con nhà nọ cháu nhà kia, và bồi thêm một câu “con nhà gia giáo” là coi như xong, chuẩn bị trầu cau sắm hỏi nếu là nhà trai, hoặc âm thầm gật đầu nếu là nhà gái.

Tất nhiên, việc này thường diễn ra ở khâu hỏi ý kiến. Còn hai đương sự đã âm thầm tìm hiểu nhau trước đó. Nhưng bằng các kỹ thuật bàn ra tán vào, cộng với lý thuyết tối giản “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, thì kết quả cuối cùng hết sức giằng co. Dù thế nào đi nữa, con nhà gia giáo cũng là một luận chứng vô cùng mạnh mẽ. Bên nào có nó cũng có thể thắng dễ dàng, còn không có nó thì gần như nắm chắc phần bại trong tay, mà nếu không thì cũng phải trầy vi tróc vẩy.

Giờ trưởng thành nhìn lại chuyện xưa với con mắt khác, rằng sao chuyện con nhà gia giáo lại quan trọng như vậy. Mấy nghìn năm kinh nghiệm giáo dục của người xưa xem ra chỉ đọng lại trong mấy chữ đó thôi. Có nó thì được coi là người có giáo dục, mà thiếu nó thì coi như bỏ đi không xét đến.

Chuyện bỗng trở thành nghiêm trọng. Nói chuyện giáo dục bao giờ cũng là chuyện nghiêm trọng. Thế nào là có giáo dục, thế nào là không, lại càng nghiêm trọng hơn nữa.

Hẳn nhiên ngày đó trường lớp ít, nhìn người lớn trong làng thì thấy số người được theo học hết phổ thông trong làng tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số người vào đại học lại càng ít hơn nữa. Học hết lớp 7, tương đương cấp 2 hiện giờ, dường như là đích đến phổ biến. So với ngày nay, tính trung bình thời gian đi học ở trường chắc chỉ bằng một nửa. Trong hoàn cảnh đó, giáo dục phải trông cậy phần lớn vào giáo dục trong gia đình, nên “con nhà gia giáo” trở thành một tiêu chuẩn để phân biệt người có giáo dục hay không.

Lập luận này có vẻ logic, nhưng nó để lại chút băn khoăn, không lẽ mấy năm đến trường không để lại dấu vết gì. Trong những năm đó, tôi chưa bao giờ nghe đến chuyện cô này cậu kia học hết lớp mấy như một tiêu chuẩn, mà chỉ đơn thuần là “con nhà gia giáo”.

Trở về với giáo dục gia đình

Giờ về lại làng xưa, tụi nhỏ giờ đều học hết cấp 3, sau đó phần lớn thì đi học nghề hoặc làm công nhân, một số kha khá đi đại học. Việc yêu đương cưới xin không còn bó hẹp trong làng xã như xưa nữa. Nhưng trong các câu chuyện, “con nhà gia giáo” vẫn xuất hiện và giữ vị trí không lay chuyển. Mỗi khi có ai đó nhắc đến mấy chữ đó, câu chuyện bỗng nhiên chùng xuống nghiêm trang. Quanh bàn trà không khí như ngưng đọng. Cảm tưởng như đó là một cái đích xa xăm mình cần hướng tới, hoặc như một tiếc nuối về điều gì đã vuột khỏi tay mình.

Bất chợt nhớ ra câu chuyện này không chỉ có ở làng xưa xóm cũ. Chốn thị thành chúng tôi cũng nhắc đến nó thường xuyên, nhưng dưới một tên gọi khác, là truyền thống gia đình, hoặc dưới một thuật ngữ có vẻ chuyên môn, là giáo dục trong gia đình.

Bỗng giật mình như tìm ra một chân lý mới: được coi là có giáo dục hay không, được coi là thành người hay không, chính là do giáo dục trong gia đình quyết định.

Kiến thức chuyên môn bỗng ùa về. Những ngày tháng trong nhà trường, đi học hoặc đi dạy bỗng ùa về. Tôi đã học được gì, và đã dạy gì, ở trong nhà trường vậy? Tất nhiên, đó là kiến thức. Mỗi thầy một lĩnh vực, phụ trách một môn học khác nhau. Phân bổ liều lượng, cân đối nội dung, ai cũng thấy thiếu thời gian, ai cũng thấy môn của mình quan trọng nhưng không được quan tâm đúng mức.

Kiến thức ngày càng nhiều. Chương trình ngày càng nặng. Chạy theo kiến thức đến mức cả thầy và trò đều hụt hơi. Phụ huynh cũng hụt hơi. Nhưng kết quả phần nhiều lại là sự thất vọng. Thầy thất vọng trò. Trò thất vọng thầy. Phụ huynh thất vọng nhà trường. Giáo viên thất vọng quản lý. Báo chí thất vọng chuyên gia. Nhân dân thất vọng bộ Giáo dục.

Đã xảy ra một sự kỳ vọng và một sự thất vọng. Và sẽ tiếp tục xảy ra một sự kỳ vọng và một sự thất vọng như thế nữa. Dài dài…

Lần lại đầu dây mối nhợ thì thấy rằng, trong suốt một thời gian dài, nhiều phụ huynh đã coi việc giáo dục là việc của nhà trường. Và nhà trường cũng không chối bỏ, khi từ sáng đến chiều con trẻ đều học tập và ăn ngủ ở trong trường. Nhưng tất cả những gì các thầy cô làm trong nhà trường là truyền dạy kiến thức, và tổ chức thi cử xem có nắm được kiến thức đó hay không. Cả thầy và trò đều xoay tít quanh bộ sách giáo khoa, bài tập, đề cương và những cuộc thi, mà quên mất việc đặt câu hỏi xem, học những thứ này có giúp cho mình trở thành người có giáo dục hay không, tức có thành người theo cách nói dân dã, hay không?

Muốn trò thành người, muốn con được gia giáo thì phải “thân giáo”

Dưới con mắt của người làm chuyên môn, học để lấy kiến thức chỉ cần tính bằng ngày. Nhưng học để làm người, tức học để trở thành người mà mình muốn hướng đến, thì mất hàng thập kỷ. Hai cái học này khác nhau về cơ bản. Dùng cái học này lấn át cái học kia, rồi than vãn kêu la không có kết quả, thì là sự tất yếu.

Đó là về mặt thời gian thực hiện. Còn về phương pháp lại cũng khác nhau. Học để lấy kiến thức, tức học để biết, thì dùng giáo trình là đủ. Giáo trình này là thứ bên ngoài mình, thường do người khác làm ra, và có thể mua để dạy. Nhưng học để làm người thì giáo trình không phải là sách vở, mà lại là chính cuộc đời mình. Người thầy khi đó sẽ dùng chính đời sống của mình để dạy học, nên gọi là “thân giáo”. Muốn trò của mình thành người thì mình phải thành người trước hết. Không có sách vở nào có thể thay thế được việc này.

Thân giáo bỗng trở nên vô cùng khó. Lời thầy nói ra sẽ không chỉ là lời trong sách vở, mà phải là chính cuộc sống của thầy. Lời thầy nói, việc thầy làm, cách thầy sống hoà làm một thì mới có sức nặng lay chuyển và rèn giũa người theo học. Nhưng trong thời đại lắm xô bồ này, mấy người thầy hiểu được như vậy, và mấy người thầy làm được như vậy, và mấy nhà trường được thiết kế ra để làm như vậy?

Gánh nặng thân giáo, gánh nặng dạy con trẻ làm người bỗng chốc lại đổ dồn về phía gia đình, nơi mẹ cha yêu thương vô điều kiện, nơi mẹ cha có hàng chục năm đồng hành cùng con cho đến lúc trưởng thành. Nhưng bao nhiêu mẹ cha hiểu được như vậy, và bao nhiêu mẹ cha làm được như vậy?

Làm người đã khó. Làm người để dạy người khác thành người còn khó hơn gấp bội. Vậy nên, “con nhà gia giáo” không chỉ là khắc khoải ở một làng quê, mà còn là một bảo đảm về chất lượng giáo dục, vì ở đó người mẹ người cha không dạy học bằng giáo trình có sẵn, mà dạy bằng đời sống của chính mình.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Dạy gì cho con?

    05/01/2017Giáp Văn DươngCâu trả lời ngắn gọn là: Dạy những gì quan trọng với cuộc sống, nhưng nhà trường chưa chạm tới...
  • Người Việt có quan tâm đến 'giáo dục thật'?

    14/12/2016Lương Hoài NamDo sự rắc rối, đa nghĩa của tiếng Việt, tôi đành phải viết như thế - "giáo dục thật" - để nói về một nền, kiểu, cách, loại giáo dục có chất lượng, phù hợp với xu thế, tiến bộ giáo dục của nhân loại...
  • Vì sao Việt Nam ngày càng nhiều 'em bé tuổi 30'?

    01/08/2016Hoàng HuySự áp đặt của người lớn đôi khi sẽ chỉ kìm hãm tư duy độc lập của người trẻ, và đó là lý do của thế hệ “những em bé tuổi 30”.
  • "Cái tôi" của người Việt Nam qua một giai đoạn phát triển

    08/06/2016Những nghiên cứu về “cái tôi”, “tôi - không tôi”, “tôi - chúng ta”, “tôi - tôi”, cũng như tính cộng đồng và tính cá nhân đã được tiến hành trong lĩnh vực tâm lý học, nhưng đây mới chỉ là bước đi đầu tiên. Bằng phương pháp phân tích các cứ liệu ngôn ngữ(*), tác giả đã chỉ ra “cái tôi” - sự tự ý thức của mình trong quan hệ với người xung quanh. Qua đó, chúng ta cũng hiểu thêm về nhân cách người Việt...
  • Sự ích kỷ đang lớn dần trong xã hội

    20/05/2016Quốc NamThiện ác có thể xoay chuyển trong gang tấc, nhưng sự vô cảm, từ chối các trách nhiệm tương quan mới khiến chúng ta trở thành người đứng ngoài thơ ơ trước tất cả những vận động của cuộc sống.
  • Nhà có nóc

    26/01/2016Quế PhươngHiện nay, đa số những người cha đã gần gũi với con cái hơn xưa, nhưng thời gian họ bỏ ra cho chúng vẫn chưa đáng kể. Cũng phải thông cảm với cánh đàn ông, bởi nếu đa số con gái đều được người mẹ hướng dẫn kinh nghiệm làm mẹ, thì hầu hết các con trai lại không được cha mình chuyển giao và chia sẻ kinh nghiệm về nhiệm vụ làm bố. Do vậy, một số người chưa được chuẩn bị tâm lý đầy đủ để sẵn sàng cho vai trò làm cha...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: học bề ngoài, khách sáo

    27/09/2015Vương Trí NhànNgười mình vốn có cái thiên tính dễ đồng hóa, nghĩa là có tư cách, dễ am hiểu dễ thu nạp lấy những gì khác lạ với mình, dễ đem những điếu hay điều dở của người ngoài mà hóa làm của mình, nhưng cái tài đồng hóa đó thường thường chứa cái khóe tinh, biết xem xét và bắt chước của người, phảng phất ở bề ngoài, chứ không thấu triệt được đến chỗ căn để, chỗ tinh túy
  • Tự do trong khai sáng là những gì cần hướng tới!

    06/09/2015Ngô Hương SenTốt nghiệp thủ khoa đầu ra Khoa Hóa Đại học Bách khoa Hà Nội, trở thành giảng viên rồi đi tu nghiệp ở nước ngoài, từng có công việc đàng hoàng tại Áo, Anh, Singapore, thế nhưng Tiến sĩ (TS) Giáp Văn Dương đã dứt bỏ cuộc sống yên bình ở nước ngoài để trở về với môi trường giáo dục còn quá nhiều bề bộn ở Việt Nam, những mong nhen lên đốm lửa nhỏ của tinh thần tự do, khai sáng.
  • Tôi đơn giản chỉ gọi đúng tên sự vật

    29/01/2015Thanh Như (thực hiện)"Học không biết để làm gì, học vì người khác bảo học, học như một cỗ máy… là hiện trạng thật của giáo dục hiện thời. Nếu không dám gọi tên ra bệnh của mình thì làm sao có thể chữa bệnh được?” – TS. Giáp Văn Dương trò chuyện cùng phóng viên báo Đại Đoàn Kết về câu chuyện triết lý giáo dục mà ông cho rằng vẫn rất cần đặt ra với những gì đang diễn ra trong xã hội ngày nay...
  • Quan niệm giáo dục “Tự Tân” của Phan Bội Châu

    28/10/2014TS Dương Thiệu TốngNhững từ tưởng và hoạt động giáo dục của cụ Phan Bộ Châui suy ngẫm về các vấn đề canh tân văn hóa giáo dục, canh tân xã hội đáng để chúng ta quan tâm đến...
  • Giá trị của một xã hội “thành tín”

    27/10/2014Ths. Đặng Vũ Cảnh LinhMột xã hội coi trọng giá trị của niềm tin là xã hội có khả năng năng phát triển bền vững...
  • Nhất Chi Mai

    25/09/2014GS. Tương LaiTừ trong nôi, tuổi ấu thơ Việt Nam đã được nghe tiếng ru của bà : “Nực cười châu chấu đá xe. Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng”. Lời ru nuôi dưỡng nguồn mạch lạc quan, cội nguồn của sức sống Việt Nam. Phải lạc quan, vì không, thì làm sao sống trong cái thế kẹt địa-chính trị của một đất nước luôn phải thường trực chống lại giặc ngoại xâm luôn lớn hơn mình gấp bội, đã từng chịu cái họa nhỡn tiền của hơn nghìn năm Bắc thuộc, rồi tiếp đó, triền miên binh lửa, đánh giặc giữ nước là nội dung những trang sử qua tất cả các triều đại...
  • Sự biến động của cuộc sống trong gia đình hiện đại

    15/09/2014Trường GiangCó một quan niệm sai lầm đang chi phối không ít trong lớp trẻ ở những gia đình quyền quý, sang trọng là cần nhanh chóng thoát ra khỏi một sự ràng buộc của gia đình và coi đó là một cách tự giải phóng mình, từ bỏ những ảnh hưởng của nền nếp, tư tưởng lạc hậu, lỗi thời.
  • xem toàn bộ