Vì sao Việt Nam ngày càng nhiều 'em bé tuổi 30'?

10:21 SA @ Thứ Hai - 01 Tháng Tám, 2016

Sự áp đặt của người lớn đôi khi sẽ chỉ kìm hãm tư duy độc lập của người trẻ, và đó là lý do của thế hệ “những em bé tuổi 30”.

LTS: Trong một xã hội không ngừng vận động, sự mâu thuẫn về tư duy, quan điểm sống hoặc lối mòn văn hóa giữa các thế hệ, các nhóm người là không thể tránh khỏi. Trong loạt bài viết này, Tuần Việt Nam cùng mổ xẻ văn hóa "kính lão đắc thọ", hay "tôi già tôi có quyền", trong đó có "quyền" áp đặt, đòi hỏi, nghĩ hộ làm hộ người trẻ. Điều đó còn phù hợp với xã hội hiện nay không. Kính mời độc giả cùng chia sẻ.

“Con ăn gì nào?” “Gì cũng được mẹ ạ.” “Thế con uống gì” “Gì cũng được ạ”

Tình cờ một mẩu hội thoại ngắn của hai mẹ con ở quầy bán đồ ăn nhanh trong siêu thị thu hút sự chú ý của tôi, khi ấy đang đứng xếp hàng phía sau. Sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu như “cậu bé” trong câu chuyện mới chỉ khoảng tầm…20 tuổi. Tôi giật mình nhận ra rằng “Gì cũng được ạ”, “Thế nào cũng được” là một câu trả lời mà tôi nghe thấy nhiều từ những bạn trẻ mà tôi hay tiếp xúc kể từ khi trở về Việt Nam.

Đến mức độ, tôi có cảm giác rằng với một số những cô cậu học trò và với cả nhiều bạn trẻ thanh niên tầm tuổi tôi, “thế nào cũng được ạ” trở thành một câu trả lời quen thuộc cho mọi câu hỏi. Nó luôn được bật ra nhanh như thể một phản xạ được rèn luyện từ lâu.

Nhiều người sẽ nghĩ, điều đó chẳng có gì đáng để bàn vì đôi khi đó chỉ là biểu hiện của một người dễ tính, xuề xoà; nhưng ở một góc nhìn khác: biểu hiện này cũng rất có thể là kết quả của một thời gian dài, ý thức tranh biện- phản biện hay kỹ năng bày tỏ ý kiến cá nhân đã bị triệt tiêu rất sớm ngay từ môi trường gia đình.

Với ảnh hưởng sâu đậm của nền văn hoá đặc trưng của dân tộc, quyền được đưa ra ý kiến- được phản biện ý kiến của người dưới với người trên luôn là một vấn đề đặc biệt nhạy cảm và ít được nói đến. Nhiều khi ý kiến riêng của người trẻ đưa ra thường bị quy chụp là thiếu lễ độ, lễ phép, là “trứng khôn hơn vịt”. Ẩn sâu trong tiềm thức của người Việt, lẽ phải luôn thuộc về những người lớn tuổi hơn, nhiều kinh nghiệm hơn. Nghiễm nhiên, quyền quyết định luôn thuộc về bề trên, còn lớp trẻ thì “biết gì mà nói”. Thói quen tôn trọng và hỏi ý kiến của trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời đã bị xem nhẹ và tiếp diễn trong suốt quá trình trưởng thành.

Thêm vào đó, các nhà trường truyền thống của Việt Nam, nơi thầy cô luôn đưa ra những câu trả lời được cho là chuẩn mực cho những câu hỏi, những vấn đề… thay vì học trò được quyền có những câu trả lời của riêng mình đã góp phần đáng kể nhấn chìm ý thức tư duy độc lập của học sinh. Tư tưởng “văn mẫu – bài mẫu – quan điểm mẫu” đã tạo những lớp đồng phục tư duy tẻ nhạt của những tâm hồn trẻ: Cám luôn luôn là ác, và Tấm rất chi là hiền…Tuyệt nhiên không có khoảng trống cho bất kỳ sự khác biệt nào.

Như một hệ quả tất yếu, dần dần hình thành một lớp thế hệ công dân không-có-chính-kiến, không có những ý kiến riêng của riêng mình về một vấn đề nào đó dù nhỏ hay lớn. Là mầm mống cho một lối sống thờ ơ, hời hợt và dài lâu hình thành sự vô cảm đáng sợ ở một bộ phận giới trẻ hiện nay, nhởn nhơ trước bạo lực và ngoảnh mặt trước bất công.


Cha mẹ Việt Nam "quyết" hộ con mọi vấn đề, từ chọn ngành nghề học hành đến hôn nhân gia đình. Ảnh: cảnh tuyển sinh đại học năm 2016

Kinh nghiệm thường được coi là vốn quý, là tinh hoa của những tháng năm trải nghiệm cá nhân, đươc truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, kiến thức lại là vô bờ và không ngừng lớn rộng thêm từng ngày, trong khi kinh nghiệm thì lại luôn có hạn sử dụng và không phải luôn đúng trong mọi trường hợp. Hạn sử dụng của kinh nghiệm có xu hướng càng ngày càng bị rút ngắn lại trong bối cảnh thế giới đổi thay ngày một nhanh hơn như hiện nay. Một ví dụ dễ quan sát nhất đó là sự lấn át lẫn xung đột của chủ nghĩa kinh nghiệm các bà mẹ chồng với các nàng dâu hiện đại trong nuôi dạy con cái.

Sự áp đặt của người lớn đôi khi sẽ chỉ kìm hãm tư duy độc lập của người trẻ, và đó là lý do của thế hệ “những em bé tuổi 30” như chúng ta đôi khi có thể quan sát đâu đó như hiện nay –mà thủ phạm chính là sự lấn át về tư duy, sự bó hẹp về những sự lựa chọn trong thời gian dài của gia đình – bố mẹ, thầy cô và xã hội.

Phải chăng đó là một sự bất bình đẳng giữa các thế hệ? Phải chăng đó là một góc cạnh chưa hợp lý của những tư tưởng “khôn đâu tới trẻ, khoẻ đâu tới già” vẫn đang lan truyền biết bao đời nay?

Thay vì định hướng, và chỉ dẫn, người lớn không nên sử dụng quá bừa bãi quyền phủ quyết của mình để quyết định thay – sống thay luôn cuộc sống của những người trẻ. Bởi lẽ, mâu thuẫn là động lực của sự phát triển, triệt tiêu mâu thuẫn một cách bất hợp lý cũng sẽ triệt tiêu luôn sự phát triển không chỉ của một hay vài thế hệ, mà còn là của đất nước. Nói một cách hài hước, “quyền đươc cãi” là một quyền mà có lẽ mà phần đông người Việt trẻ bị tước đoạt một cách bất hợp lý nhất và có hệ thống nhất.

Một trong những kỹ năng quan trọng mà giáo dục gia đình (parenting) cần phải làm được đó là dạy được cho trẻ kỹ năng bày tỏ ý kiến ngay từ những tháng năm đầu đời. Đã đến lúc xã hội phải có một góc nhìn cởi mở hơn , không phải cái gì có trước, cái gì lâu đời hơn thì sẽ là bất biến, là chân lý mãi mãi.

Là một câu chuyện vui nhưng hoàn toàn có thật, thường trong các buổi giới thiệu về công ty cho các nhân viên mới được tuyển dụng, tôi thường nửa đùa nửa thật nói “Ngoài các quyền lợi thông thường ở các công ty khác như lương – thưởng, ở đây, các bạn còn có một quyền đặc biệt đó là “Quyền được cãi” –quyền được phản biện để bảo vệ ý kiến của mình một cách chính đáng và xây dựng trước cấp trên và đồng nghiệp. Không có ý tưởng nào là luôn luôn đúng hay là tốt nhất, bởi sẽ luôn có những ý tưởng tốt hơn”.

Thật vậy, hãy trả lại “quyền được cãi” cho giới trẻ để chúng ta có thêm những thế hệ mới được độc lập tư duy, tự tin chèo lái đất nước tới những đỉnh cao mới.

Nguồn:Vietnamnet
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tự do - Tự lập - Tự trọng là những giá trị làm người số một

    12/11/2014Tự do - Tự lập - Tự trọng là những đại lượng hết sức quan trọng để hình thành giá trị của con người. Có những con người nếu mà đầu tư cho nó một chút thì giá của nó cao gấp mười lần so với giá tự nhiên, người ta gọi đó là lăng-xê. Rất nhiều người được lăng-xê, trông xa thì lấp lánh nhưng đến gần thì thấy rất thất vọng...
  • Làm thế nào để lớn lên cùng với con cái chúng ta?

    03/04/2016Fréderic Mounier ghiTrong bài phỏng vấn của báo Panorama sau đây, bà Mijo Beccaria, giám đốc nhà xuất bản Bayard Tuổi Trẻ cho rằng không thể trở lại theo cách dạy cũ, nhưng cũng không nhượng bộ với những trào lưu dễ dãi bây giờ. Cha mẹ phải thực hành chức năng cha mẹ...
  • Quốc dân nên tự lập

    08/02/2014Phan Bội Châu (1927)Ô hô gia nô! Ô hô gia nô! Tủi thân vai ngựa lưng lừa, một kiếp gia nô biết bao giờ là thôi? Câu hỏi đó là một câu hỏi rất thiết ở đời bây giờ. Tôi xin trả lời rằng: "Gia nô nay đã biết thân, thời lo gánh chức quốc dân mới là". Gia nô là thằng ở của một nhà, Quốc dân là ông chủ của một nuớc, một bên thì ty tiện rất mực, một bên thì cao quý rất mực, mắt còn chưa mù, miệng còn nói được thời chắc cũng muốn lấy phần cao quý mà bỏ phần ty tiện...
  • Giáo dục văn hoá cho con cái

    16/09/2013Quế PhươngNgày nay trong rất nhiều gia đình, nếu các nếu các vấn đề học tập, ăn mặc, vui chơi, giải trí của con cái đều được chú trọng thì hầu như việc giáo dục văn hoá chưa được quan tâm đúng mức, mặc dù co khi nó vẫn diễn ra một cách tự phát. Thậm chí có những bậc cha mẹ cho rằng chính nhà trường và xã hội chịu trách nhiệm về giáo dục văn hoá còn gia đình hoàn toàn không làm gì được trong lĩnh vực này. Nhận định này không chính xác vì thật ra gia đình là môi trường tốt nhất cho việc giáo dục văn hoá và cần phải bắt đầu áp dụng càng sớm càng tốt một cách có ý thức.
  • Con cái chúng ta đọc gì?

    31/05/2013Nguyễn Vĩnh NguyênNhững kệ sách thiếu nhi tại các nhà sách lớn thành phố vào ngày nghỉ, ngày cuối tuần luôn nhộn nhịp người ra kẻ vào. Dễ hiểu, cứ mỗi độc giả nhỏ tuổi đến đây sẽ luôn có một hoặc hai phụ huynh đi theo giám sát việc chọn sách. Hầu hết bọn trẻ mua, đọc sách theo những cái gật đầu của người lớn.
  • Bài thuốc tự lập có những vị gì?

    09/02/2012Phan Bội Châu (1927)Muốn cho quốc dân hay tự lập, trước hết phải biết tệ bệnh của quốc dân ta những điều gì. Có biết tệ bệnh quốc dân ta vậy sau chứng nào thuốc ấy mới bày ra phương tự lập được...
  • Sỉ nhục con cái - chuyện không nhỏ

    17/11/2006Vì bất lực và nóng giận, không ít bậc cha mẹ tuôn ra những lời nhục mạ, xúc phạm con cái. Họ tưởng như vậy là đang răn dạy con, song những lời độc địa, chua cay ấy có sức phá hoại ghê gớm, còn hơn cả đòn roi
  • xem toàn bộ