Nhất Chi Mai
Từ trong sâu thẳm tâm thức con người Việt Nam, lạc quan luôn là một ngọn lửa ấm sáng, vừa sưởi ấm hy vọng, vừa rọi chiếu niềm tin cho con người. Những con người khi còn nằm trong nôi đã phải nghe tiếng vó ngựa quân xâm lược. Cậu bé làng Gióng phải lớn nhanh như thổi mới kịp chặn lại vó ngựa kia để cứu làng, cứu nước.
Từ trong nôi, tuổi ấu thơ Việt Nam đã được nghe tiếng ru của bà : “Nực cười châu chấu đá xe. Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng”. Lời ru nuôi dưỡng nguồn mạch lạcquan, cội nguồn của sức sống Việt Nam. Phải lạc quan, vì không, thì làm sao sống trong cái thế kẹt địa-chính trị của một đất nước luôn phải thường trực chống lại giặc ngoại xâm luôn lớn hơn mình gấp bội, đã từng chịu cái họa nhỡn tiền của hơn nghìn năm Bắc thuộc, rồi tiếp đó, triền miên binh lửa, đánh giặc giữ nước là nội dung những trang sử qua tất cả các triều đại.Truyền thuyết Thánh Gióng là sự thể hiện khát vọng sống và niềm lạc quantin vào cái tốt đẹp rồi sẽ đến. Mà đâu chỉ là huyền thoại. Này đây kia,“những lốt chân ngựa Thánh Gióng” vẫn hằn rõ nơi những khoảnh ao nằm giữa những thửa ruộng trên cánh đồng vùng Quế Võ, Bắc Ninh trải dài tít tắp tận chân núi mờ xa kia của vùng Kinh Bắc, nơi “tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong, hồn dân tộc cháy bừng trên giấy địêp”, cái nôi của huyền thoại, của truyền thuyết. Không chỉ có lốt chân ngựa Thánh Gióng. Thì đây kia vẫn còn sừng sững 99 ngọn đồi cộng thêm một để chẵn trăm, vùng đất Đền Hùng, Phú Thọ. Lời răn dạy của ông cha ta xưa được tạc vào đồi núi! Đó là hình ảnh một ngọn đồi tương truyền là con voi bị chặt đầu vì tội lìa đàn phản bội, phải đứng tách hẳn với 99 ngọn đồi tượng trưng cho 99 con voi chung thủy. Thật dữ dội hình phạt về sự phản bội. Và cũng thật hoành tráng cái tỷ lệ chính, tà :100 và 1! Rất lạc quan song cũng thật là nghiêm khắc,ông cha ta đã gửi gắm lời răn tạc vào sông núi để nhắc nhở cháu con . “Hình khe thế núi gần xa, đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao”(Chinh phụ ngâm), đâu đâu cũng hằn sâu dấu ấn những truyền thuyết lịch sử. Trên mỗi ngọn núi khúc sông, trong những ngôi đền cổ, dưới mỗi ngôi chùa làng đều ấp ủ những nhắn gửi của cha ông, được ký thác trong những tranh tượng thờ, những bia ký, những hoành phi, câu đối, những đường nét chạm khắc, hoa văn. Thế hệ hôm nay cần phải nghe ra “Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất; Những buổi ngày xưa vọng nói về” (Nguyễn Đình Thi). Những lời nhắn gửi đó, “những buổi ngày xưa vọng nói về” đó chính là văn hóa, là bản sắc, là cốt lõi của văn hóa dân tộc. Các thế hệ Việt Nam lớn lên từ nguồn mạch văn hóa kỳ diệu ấy. Lớp lớp những thế hệ Việt Nam góp sức làm nên lịch sử và đã đi vào lịch sử. Nhưng rồi, “Đôi chân ta đi, sông còn ở lại”, để rồi “từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe” (Trịnh Công Sơn). “Từng lời bể sông” phải nghe cho ra róc rách giọng suối, ầm ào dổ vào ghềnh thác, cuộn chảy vào các dòng sông, dồn về những hợp lưu, xuôi về biển cả. Về nguyên lý, thì sông thế nào cũng đổ ra biển. Nhưng trên thực địa, con sông nào cũng phải uốn lượn vòng vèo qua từng khúc quanh co, vì buộc phải nhân nhượng và hòa giải với đặc điểm của địa hình từng vùng mà sông phải đi qua! Nhưng cho dù có vòng vèo thế nào đi chăng nữa thì cuối cùng nó vẫn phải tuân theo nguyên lý : chảy ra biển. Mà có được điều đó là nhờ sức cuộn chảy mãnh liệt từ bên dưới, vượt qua những thác ghềnh, những lực cản. Nhưng dù uốn lượn vòng vèo cách gì, các con sông đều chảy. Và, “dòng sông phải chảy ra biển mới gọi là trung thành với ngọn nguồn của nó”, ý tưởng của Jaurès, nhà cách mạng Pháp. Đúng vậy, “trung thành với truyền thống không có nghĩa là quay về những thế kỷ đã lụi tàn để ngắm một dãy dài những bóng ma, trái lại, đem hết sức mình tiến về phía trước như dòng sông chỉ có chảy ra biển”. Quyết định tốc độ dòng chảy và hướng đến của dòng sông là sức cuộn chảy từ bên dưới. Lúc nào bộ phận lãnh đạo nắm bắt được sự kỳ diệu của sức cuộn chảy từ bên dưới ấy, tự nâng mình lên ngang tầm với dân tộc để đáp ứng được đòi hỏi của cuộc sống, chủ động khơi thông dòng chảy, lúc ấy sức sống của dân tộc trào dâng như nước vỡ bờ, không sao lường trước được. Mà để có được cái tầm ấy thì họ phải biết cách trân trọng hiền tài, biết thu hút, biết quy tụ trí thức, bộ phận tinh hoa của trí tuệ đất nước với nhận thức rằng : “ trọng học vấn, trọng nhân tài, xem đó là cái đáng quý nhất, có nó thì sẽ có tất cả, không có nó thì những cái còn lại chẳng còn gì đáng giá” (Phạm Văn Đồng). Lòng trung thành ấy chính là trung thành với sự nghiệp của cha ông đã gây dựng nên lịch sử dân tộc. Trung thành với dân tộc là sự trung thành sâu nặng nhất, bền vững nhất, là đạo lý muôn đời của cuộc sống Việt Nam. Cuộc sống của một đất nước “Vốn xưng văn hiến đã lâu,…dẫu mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có” (Nguyễn Trãi). Hào kiệt được gọi dậy từ những lốt chân ngựa Thánh Gióng nọ, những mỏm đồi 99 con voi và 1 con cụt đầu kia, và biết bao những huyền thoại và truyền thuyết trải dài trên khắp đất nước. Cậu bé làng Phù Đổng bay về trời nhưng vẫn để lại những lốt chân ngựa, những búi tre đằng ngà, tên gọi loại tre xanh đã bị cháy sém trong ngọn lửa của ngựa thần đốt cháy giặc ngoại xâm. Phải dạy cho con trẻ Việt Nam biết nhìn cho ra những khoảnh ao kia, những búi tre đằng ngà ấy đích thị là dấu tích của Thánh Gióng. “Ba tuổi đã hiềm là quá muộn”, thể hiện khát vọng sống và ý chí lạc quan, nguồn mạch của truyền thống , của sức mạnh văn hóa Việt Nam. Hãy tin vào huyền thoại, vì đó là khát vọng sống, là sức sống của nền văn hóa được lưu giữ trong từng ngôi làng quê Việt Nam. Chính những con người đang nhẫn nại, lầm lũi với cuộc mưu sinh còn quá nhiều chật vật bao đời nay, và cho đến tận hôm nay đã tạo ra những huyền thoại đó. Tạo ra huyền thoại, để rồi gửi vào đó niềm tin, tin để mà sống. Vì rằng “con người nhìn ngắm bản thân mình trong sản phẩm do mình tạo ra” (C.Mác). Không có cái để mà tin thì làm sao sống? Mà không tin vào sự kỳ diệu của sức sống Việt Nam, của sức mạnh văn hóa Việt Nam thì biết tin vào cái gì bây giờ? Sự kỳ diệu của sức sống Việt Nam, sự kỳ diệu của sức mạnh văn hóa Việt Nam, chính là cội nguồn sâu xa của mọi thắng lợi. Văn hóa theo ý nghĩa đúng đắn nhất và cao đẹp nhất chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử của dân tộc, làm nên sức sống mãnh liệt, giúp cộng đồng dân tộc Việt Nam vượt qua biết bao sóng gió thác ghềnh tưởng chừng không thể vượt qua được, để không ngừng phát triển và lớn mạnh. Cốt lõi của nó chính là cái đạo lý làm người của dân tộc Việt Nam. Mọi lý luận cách mạng đều phải “hòa nhập với đạo lý làm người của dân tộc, phải trở thành sức mạnh của dân tộc” (Lê Duẩn) thì mới có thể phát huy tác dụng trong chỉ đạo thực tiễn. Đôi mắt trực quan có khi không nhìn thấu rõ sức sống ấy, sức mạnh ấy. Khác nào khó nhìn thấy sức nước cuộn chảy từ bên dưới lòng sông hơn là bèo bọt và váng nước nổi trên mặt. Nước càng chảy xiết, bọt nước và váng bẩn càng nổi lên nhiều, nhất là ở những quãng nước xoáy. Những con mắt chỉ nhìn thấy bọt nước và váng bẩn nổi trên mặt mà không thấy được, không nhìn cho ra sức nước cuộn chảy từ bên dưới, sẽ không có được ý chí lạc quan, sức mạnh của niềm tin, không có bản lĩnh vượt qua những cái tưởng chừng không thể vượt qua nổi.
Thế nhưng, cũng chính ở đây, bên cạnh những lợi thế đã phân tích ở trên, thì cũng lại phải dám nhìn thẳng vào sự thật của tình trạng lạc hậu về thông tin, về khoa học và công nghệ, tức là về những thành tựu của văn minh loài người đạt được, đặc biệt là trong thế kỷ XX. Chính khi đã đứng trên đỉnh cao của chiến thắng, chúng ta lại tự cô lập mình với những thành tựu lớn lao của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ của thế giới, trước hết và chủ yếu là thành tựu của văn minh phương Tây.
Mà đâu phải chỉ hôm nay ta mới biết lạc quan. Ông cha ta đã từng nuôi dưỡng ý chí ấy, tinh thần ấy. Xin hãy đọc mấy câu thơ của Thiền sư Mãn Giác đời Lý thế kỷ XI (1052-1096) : “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”.(Đừng bảo xuân tàn hoa cũng rụng hết, Đêm hôm qua, trước sân [rộ] một cành mai).
Nhân buổi Xuân về, xin hãy ngắm cành mai của niềm lạc quan thanh khiết và bất tận mà vị Thiền sư thế kỷ XI để lại cho tâm hồn Việt Nam thế kỷ XXI hôm nay, đặng mà biết cách thưởng Xuân, mà tăng thêm sức Xuân.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn