Phát triển giáo dục dưới góc nhìn của nhà giáo
Giáo dục đang là mối quan tâm sâu sắc của toàn dân ta. Điều đáng nói là mối lo lắng đó ngày càng bộc lộ những cách nhìn khác biệt, những cách đánh giá trái ngược hẳn nhau về thực trạng giáo dục. Người thì cho rằng giáo dục đang trên đà phát triển tốt, tuy trước mắt còn không ít khó khăn. Trái lại, người ta cho rằng giáo dục đang xuống cấp trầm trọng. Vậy đâu là sự thật?
Để góp thêm tiếng nói vào vấn đề trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Giáo sư HOÀNG TỤY, nhà toán học Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam.
_ Giáo sư HOÀNG TỤY : Tôi thiết nghĩ, với tình hình như vậy đòi hỏi cấp thiết phải tổ chức đánh giá khách quan thực trạng giáo dục, trước khi quyết định nên làm gì. Nếu đánh giá đúng thì cũng như có thể coi như đã được giải quyết một nửa, vì từ sự đánh giá mà các giải pháp sẽ sáng tỏ ra.
* Thưa Giáo sư, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ GD-ĐT làm công việc đánh giá 10 năm đổi mới GD-ĐT.
_ Trên thế giới, vào những thời điểm khác nhau, nhiều nước khi giáo dục hoặc khoa học của họ có vấn đề nghiêm trọng, cần được đánh giá chính xác trước khi cải tqqoỏ để đáp ứng yêu cầu phát triển cấp bách, họ đã thành lập Hội đồng đánh giá quốc gia, do tổng thống hoặc thủ tướng chỉ định, gồm những chuyên gia đủ thẩm quyền chuyên môn và có khả năng đánh giá khách quan và chính xác, làm việc độc lập đối với bộ giáo dục hoặc khoa học. Chẳng hạn, Pháp đã làm như đây vài chục năm đối với khoa học, khi Thụy Điển nhận thấy do xu hướng dân chủ cực đoan mà nền khoa học vốn rất phát triển của họ đã có lúc chững lại. Thậm chí Chính phủ Thụy Điển không ngần ngại bỏ ra hàng triệu đô-la thuê hẳn các chuyên gia hàng đầu làm việc. Tôi thiết nghĩ ta nên học tập kinh nghiệm đó, nhưng dĩ nhiên không phải tốn nhiều tiền như họ.
* Làm thế nào để có một cái nhìn chính xác về thực trạng giáo dục, phương pháp đánh giá theo quan điểm của Giáo sư là gì?
_ Muốn đánh giá thực trạng giáo dục một cách bổ ích, không chỉ so sánh ta bây giờ với ta cách đây vài năm hay ta ngày trước, mà phải so với thế giới hiện tại, với các nước xung quanh, và phải xuất phát từ yêu cầu bức thiết của sự nghiệp giáo dục trong thời đại đầy thách thức đối với tài năng và trí tuệ của các dân tộc hiện nay. Cần phải bám sát mục tiêu giáo dục như đã nói rõ trong các văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước : nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Hình như về cả ba mặt đó đều nổi cộm nhiều vấn đề lớn và chắc chắn còn xa mới đáp ứng yêu cầu. Dù thế nào, cũng cần có nhận định, đánh giá nghiêm túc một số vấn đề đặc biệt quan trọng thuộc về nguyên lý cơ bản của giáo dục, mà những năm qua dư luận xã hội đã có nhiều ý kiến.
* Vâng, trong cuộc trao đổi hôm nay, chúng tôi xin phép Giáo sư được đề cập đến một số vấn đề mà nhiều năm qua dư luận xã hội rất quan tâm. Trước hết, Giáo sư có đồng tình với cách đánh giá chất lượng giáo dục thời gian qua của ngành GD-ĐT?
_ Với cách nhìn nhận đánh giá giáo dục như đã đề nghị ở trên, tôi cho rằng không thể đánh giá chất lượng giáo dục chỉ bằng những thước đo chủ quan của ngành như : số học sinh lên lớp, số học sinh thi đỗ, số học sinh xuất sắc (vừa qua, khi có chỉ thị miễn thi cho học sinh xuất sắc thì lập tức có lớp 90% học sinh xuất sắc) vì vừa đá bóng vừa thổi còi thì làm sao khách quan được. Cũng không thể nói chất lượng giáo dục tốt vì mỗi năm học sinh ta đều đoạt giải trong các cuộc thi Olympic quốc tế về toán, vật lý, tin học ... mặc dù bản thân việc đó đáng biểu dương và chúng ta đều tự hào.
* Nhân tố nào quyết định chất lượng giáo dục?
_ Đó là đội ngũ thầy giáo.
* Nếu cần có một cái nhìn thật về đội ngũ nhà giáo hôm nay, thưa Giáo sư - với tư cách là một nhà giáo, nhà toán học - ông có can đảm mổ xẻ vấn đề, để như ông đã nói : ‘ bệnh tình được chẩn đoán chính xác, xem như đã giải quyết được một nửa".
_ Tôi rất quan tâm đến việc đội ngũ giáo viên được chăm sóc, bồi dưỡng như thế nào, nếu gần hết thì giờ của họ là kiếm sống bằng dạy thêm, luyện thi ... ? Tất nhiên, phải nói rằng đội ngũ ấy hết sức cố gắng và vẫn có người xuất sắc, ngay trong hoàn cảnh ngặt nghèo vẫn vươn lên đạt trình độ cao.
* Ngoài vấn đề trình độ, còn khả năng thực tế của đội ngũ thầy giáo, Giáo sư nhìn nhận ra sao ?
_ Vấn đề này còn phức tạp hơn nữa. Vì trong hầu hết các trường, phần lớn những người giỏi đều đã hoặc sắp đến tuổi hưu cả, mà trong nhiều năm tới chưa có người trẻ thay thế. Vậy làm sao đội ngũ thầy giáo của chúng ta, với trình độ như thế, tuổi tác như thế, lại có thể đảm bảo tốt được nhiệm vụ giảng dạy trong tình hình mới.
Nếu cứ nhìn các học vị, chức danh Viện sĩ, GS, PGS, TS, PTS, TH.S được giới thiệu trong mọi cơ hội theo một tôn ti trật tự rành rọt mà ở các nước phát triển rất hiếm thấy, ai dám bảo giáo dục và khoa học Việt Nam đang ở thời kỳ khó khăn, hiểm nghèo. Nhưng tôi thiết nghĩ, ta không nên tự ru ngủ mình, mà nên can đảm nhìn vào sự thật, dù là sự thật khó chấp nhận, thì rồi mới có hy vọng tìm ra lối thoát.
* Giáo sư có vẽ ra một bức tranh buồn về giáo dục ?
_ Không phải tôi muốn phủ nhận những điểm sáng trong nền giáo dục của ta, nhưng chúng ta đã quen nói với nhau toàn điểm sáng, khiến cho lượng thông tin trong các ý kiến đóng góp rất nghèo nàn, lâu ngày thành một thứ "ngôn ngữ gỗ". Chứ thật ra, trong hoàn cảnh vừa qua mà duy trì được một nền giáo dục chỉ xuống cấp đến mức thế này, có lẽ trên thế giới cũng chỉ có một nhân dân hiếu học, cần cù, thông minh và dũng cảm như nhân dân Việt Nam mới làm nổi. Song dù là nhân dân anh hùng đến mấy đi nữa, thì cũng có những giới hạn xuống cấp nguy hiểm không thể chấp nhận được (trong kinh tế xã hội có những hiện tượng gần như "không đảo ngược được", nếu xảy ra thì là đại họa). Vì vậy, cần có thái độ trách nhiệm hơn đối với sự nghiệp giáo dục.
* Nguyên nhân của mọi nguyên nhân, thưa Giáo sư?
_ Các căn bệnh của giáo dục chỉ có thể chữa trị trong bối cảnh toàn cục của xã hội. Hiện nay chế độ lương cho người lao động có nhiều bất công, phi lý, cho nên muốn tồn tại được mọi người đều phải xoay xở đủ kiểu. Và thầy giáo chỉ có cách xoay xở là dạy thêm, còn phụ huynh học sinh thì phải xoay xở kiếm tiền trả công thầy. Do đó, dạy thêm, học thêm cứ thế phát triển, thành một đại dịch có sức phá hoại không lường.
* Trở lại một số vấn đề thuộc về nguyên lý cơ bản của giáo dục, Giáo sư nhận xét thế nào về phương pháp giảng dạy hiện nay ?
_ Còn cũ kỹ, nặng về nhồi nhét, ít chú ý rèn luyện khả năng độc lập, khả năng tìm tòi tự học, tự nghiên cứu. Nhiều lớp phải dạy theo cách luyện gà nòi,thường có xu hướng lệch. Cần đánh giá lại hiệu quả thực tế của cách đào tạo ở nhiều lớp chuyên chỉ nhằm mục đích luyện giải toán để đi thi. Tôi không biết có người nào trở thành nhà toán học giỏi bằng cách đi học lại đủ loại toán sơ cấp hóc hiểm ở chương trình phổ thông như những bài toán mà giờ đây đang khá phổ biến ở các trường Việt Nam ?
* Có một thực trạng Giáo sư có nhận thấy : Nội dung chương trình quá tải với quỹ thời gian của con trẻ. Trẻ con bây giờ học từ sáng sớm đến khuya mịt mới mong hết bài !
_ Học đến mụ người đâu phải là lối học thông minh. Nhược điểm thường thấy của nhiều người Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài là xuất sắc ở các lớp dưới, các năm đầu đại học hoặc khi thi tiến sĩ. Càng về sau càng đuối. Ngay các nhà khoa học Việt Nam cũng vậy, khi mới vào ngành có thể xuất sắc, nhưng thường ít người kiên trì và tiếp tục giữ được vị trí xuất sắc ở tuổi ngoài 50. Trái lại ở nhiều nước phát triển phương Tây, học sinh các lớp dưới vừa học vừa chơi, vừa mở mang tâm trí bên ngoài sách vở, biết dưỡng sức để sau này đi xa, đi rất xa, đến 60 - 70 tuổi vẫn còn tiến thủ.
* Nhiều năm qua ngành GD-ĐT đã đầu tư khá nhiều kinh phí cho việc in, soạn sách giáo khoa, Giáo sư thấy có tiến bộ ?
_ Đương nhiên có tiến bộ, nhưng thực tình mà nói còn nhiều vấn đề sách giáo khoa thể hiện tinh thần, nội dung, phương pháp giảng dạy, nhưng năm nào cũng in lại, mà nội dung cũng như cách trình bày thường ít cải tiến (ví dụ về toán, mấy chục năm hầu như vẫn vậy). Rốt cuộc đầu tư nhiều, cả Nhà nước và dân đều tốn nhiều tiền mà hiệu quả thấp. Về hình thức, sách giáo khoa bây giờ còn chưa hấp dẫn.
* Cuối cùng là chuyện về bộ đề thi tuyển sinh đại học ...
_ Không đâu trên thế giới có chuyện kỳ lạ này. Bộ đề thi khuyến khích học tủ học vẹt, tiếp thu máy móc, không khuyến khích phát huy năng lực độc lập suy nghĩ. Chưa kể nhiều tiêu cực gây ra xung quanh bộ đề thi.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh BùiSách và doanh nghiệp: Đọc để phát triển
01/01/1900Tố Tâm