Giao lưu liên văn hóa và tiến bộ chung của các nền văn minh thế giới
Ngày nay, thế giới đang bộc lộ khuynh hướng đa dạng hoá các nền văn hoá và phát triển được xem như là sự gia tăng trong giao lưu toàn cầu một cách chặt chẽ. Những nghiên cứu liên văn hoá cũng như nghiên cứu về các nền văn minh thế giới đã trở thành một ngành nghiên cứu ngày càng phát triển với tính cách một khoa học liên ngành được giới học thuật quốc tế rất quan tâm. Bài viết này chỉ xem xét một cách vắn tắt mối quan hệ giữa sự giao lưu liên văn hoá và quá trình của các nền văn minh thế giới, bao gồm các truyền thống triết học, với ba quan điểm sau đây:
1. Giao lưu trên văn hoá là sự thúc đẩy có tính cốt tử đối với nền văn minh thế giới, bao hàm cả các truyền thống triết học
Về bản chất, lịch sử là lịch sử văn minh của nhân loại. Thực chất của văn minh là ở chỗ, con người hiện thực hoá năng lực bản chất của họ trong thực tiễn và hình dung bản thân mình như một sự hợp nhất hữu cơ được hình thành trong lịch sử nhờ cơ cấu kinh tế - chính trị và những đặc tính văn hoá cơ bản trong sự thấu hiểu và tác động lẫn nhau. Văn hoá theo nghĩa rộng (bao gồm văn hoá tinh thần, văn hoá hệ thống, văn hoá vật chất) là ý nghĩa cụ thể của văn minh; còn văn hoá theo nghĩa hẹp là triết học với tính cách hạt nhân lý luận và hình thái tinh thần của văn minh chính là hiện thân của hệ tư tưởng thời đại (tinh thần thời đại).
Trong quá trình lịch sử lâu dài, các dân tộc trên thế giới đã sáng tạo nên những nền văn hoá, những truyền thống, những mềm tin, những giá trị riêng biệt của họ; đã sinh thành những nền văn minh lâu đời và đa sắc. Tính đa dạng là đặc trưng bản chất của các nền văn minh thế giới. Đa dạng có nghĩa là khác biệt, khác biệt đòi hỏi phải có giao lưu và giao lưu làm cho phát triển dễ dàng, do đó làm cho thế giới của chúng ta đa sắc hơn. Theo quan điểm toàn diện về lịch sử, một hình thức văn minh không thể khởi phát và tiến bộ trong sự tự khép kín và tách biệt. Xu thế chủ đạo trong tiến trình vận động của nền văn minh thế giới là các nền văn minh khác nhau luôn được làm phong phú và phát triển trong sự giao lưu hài hoà và học tập lẫn nhau. Giao lưu liên văn hoá đã trở thành một động lực thúc đẩy sự tiến triển của các nền văn minh thế giới qua mọi thời đại.
Xem xét lịch sử phương Tây, chúng ta thấy rằng, nền văn minh Hy Lạp - La Mã cổ đại tiếp diễn hơn một ngàn năm chính là nguồn gốc của văn minh Tây Âu, thậm chí là của toàn bộ nền văn minh phương Tây. Nó đã xác lập cơ sở vững chắc cho truyền thống lý tính khoa học và đặc trưng nhân văn trong nền văn minh phương Tây. Tuy nhiên, sự tiến hoá của nó không được hiểu là sự tự khép kín và tự cô lập. Cho dù có những khác biệt rõ ràng giữa nền văn minh Hy Lạp - La Mã cổ đại với các nền văn minh phương Đông (Cận Đông và Bắc Phi), song, chính nền văn minh Hy Lạp - La Mã đã tiếp thu những thành quả tốt đẹp của các nền văn minh phương Đông, sớm đạt được những kết quả văn hoá đa sắc thông qua giao lưu liên văn hoá với các nền văn minh phương Đông và nhờ đó, cảm hứng của các dân tộc Hy Lạp - La Mã đã được thổi bùng lên. Minh triết đa quốc tịch của cả các vùng phương Tây lẫn các vùng phương Đông đã hội tụ lại với nhau và tạo thành nền văn hoá Hy Lạp - La Mã rực rỡ. Tư tưởng khoa học và tôn giáo của Tây Á và Ai Cập còn góp phần đáng kể vào sự hình thành và phát triển của triết học Hy Lạp cổ điển. Điều đặc biệt là, những thành tựu nổi bật về thiên văn học, toán học, thần thoại ở Ai Cập và Babilon đã thực hiện chức năng động cơ cho sự nảy sinh của triết học Hy Lạp và tôn giáo có liên quan. Sự giao lưu toàn thế giới giữa văn hóa phương Đông và văn hoá phương Tây chính là đặc điểm chủ yếu của các nền văn minh Hy Lạp và La Mã. Triết học Hy Lạp - La Mã hậu kỳ còn tiếp nhận một cách trực tiếp hơn những ảnh hưởng từ tri thức khoa học, từ các tôn giáo khác nhau và từ triết học tôn giáo của thế giới phương Đông. Hầu như tất cả những học thuyết của các trường phái triết học chủ yếu đều mang đặc điểm của các nền văn hoá hội tụ phương Đông và phương Tây. Cụ thể là, đạo Do Thái và Cơ Đốc giáo sơ kỳ trong nền văn hoá Hêbrơ, hình mẫu đặc biệt của nhất thần luận, đã đồng quy [converge] một cách dần dần với triết học Hy Lạp và La Mã, đưa triết học Hy Lạp - La Mã hậu kỳ đến một kết cục hợp nhất với tôn giáo. Nhờ có sự đồng quy như vậy mà thần học và triết học Cơ Đốc giáo mới gây nên những ảnh hưởng mạnh mẽ và lâu dài đối với văn minh phương Tây.
Trong những giai đoạn khác nhau của nó, cũng nhờ vào sự giao lưu liên văn hoá dưới nhiều hình thức, nền văn minh rực rỡ và trải nhiều thế kỷ của Trung Hoa, với khả năng thâu tóm một cách khái quát những cái xa lạ và hướng đến hài hoà, đã liên tục hấp thu những thành quả tốt đẹp trên nhiều mặt của văn minh bên ngoài để tự làm giàu và phát triển chính mình. Ngay từ thế kỷ đầu tiên, Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông và châu Âu đã khai phá và mở rộng “con đường tơ lụa trên đất liền và “con đường tơ lụa trên biển”. Sự giao lưu liên văn hoá đa dạng thường xuyên của họ, trong đó có giao lưu về kinh tế và tinh thần, đã thúc đẩy một cách có hiệu quả tiến bộ chung của nền văn minh Trung Hoa cũng như một số nền văn minh khác ở châu Á và châu Âu. Trong sự giao lưu liên văn hoá giữa Trung Quốc và Ấn Độ kể từ triều Hán và triều Đường, Phật giáo và triết học Phật giáo đã được truyền bá trong tầng lớp dân thường cũng như giới tri thức. Sự giao lưu đó đã làm nảy sinh một số trường phái Phật giáo và triết học Phật giáo mang đặc trưng Trung Hoa (chẳng hạn như trường phái Thiên Thai tông, Pháp Tướng tông, Hoa Nghiêm tông, Thiền tông v.v. ), những cái đã trở thành bộ phận của truyền thống văn hoá Trung Quốc. Sự thẩm thấu lẫn nhau của chúng và sự hấp thu Khổng giáo cũng như Đạo giáo nguyên nghĩa đã ảnh hưởng đáng kể đến sự tiến hoá của triết học và truyền thống văn hoá Trung Hoa. Đây là một thí dụ về giao lưu liên văn hoá thành công. Kể từ đời Đường ở thế kỷ thứ VII đã xuất hiện giao lưu liên văn hoá thành công, hài hoà giữa văn minh Trung Hoa và văn minh Hồi giáo. Cho đến nay, một nhà thờ Hồi giáo mang phong cách Trung Hoa vẫn tồn tại ở Tây An - một thủ đô cổ xưa của Trung Quốc; nó vẫn giữ được bút tích của hoàng đế nhà Đường. Trong nhà thờ này, chúng ta có thể tìm thấy sự giao lưu và sự hoà hợp giữa văn hoá truyền thống Trung Hoa với văn hoá tôn giáo của đạo Hồi. Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, nhờ có giao lưu liên văn hoá giữa Trung Quốc và thế giới phương Tây được thực hiện bởi các nhà truyền giáo tới Trung Quốc, giới trí thức Trung Quốc bắt đầu tiếp xúc và hiểu được tư tưởng triết học cũng như tư tưởng khoa học của Hy Lạp; và, cùng với Matteo Ricci, một nhà truyền giáo người ý có tên Trung Quốc là Lý Mã Đậu, họ đã nghiên cứu so sánh giữa Khổng học với học thuật phương Tây. Mặt khác, một số nhà truyền giáo đã xuất khẩu rất nhiều kinh điển Trung Hoa ngược trở lại châu Âu. Văn minh Trung Hoa đã đóng vai trò tích cực trong thời Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII và được các nhà trọng nông đặc biệt ca ngợi. Lý tính khoa học và tinh thần nhân văn của triết học và văn hoá phương Tây, đặc biệt là những tư tưởng về khoa học và dân chủ, được Nghiêm Phục và các triết gia Trung Quốc khác truyền bá vào đất nước này từ cuối thế kỷ XIX, đã đóng vai trò quan trọng trong việc khai sáng cho Trung Quốc hiện đại.
Từ tấm gương lịch sử trên đây, chúng ta có thể rút ra kết luận: sự xung đột giữa các nền văn minh trên thế giới chỉ là nhất thời, luôn có tính huỷ hoại, nó không phải là động lực cho sự phát triển văn hoá; chỉ có sự giao lưu hoà bình và đồng quy hài hoà giữa các nền văn minh khác nhau mới là xu thế chủ đạo của tiến bộ nhân loại và là một động lực quan trọng cho phát triển văn hoá. Sự phát triển về mặt lịch sử của nhân loại là quá trình thường xuyên trao đổi, đồng quy và cách tân giữa các nền văn minh khác nhau. Tất cả những nền văn minh khác nhau trong lịch sử nhân loại đều đã và đang góp phần vào tiến bộ nhân loại tuỳ theo phong cách riêng của mình. Thế giới ngày nay nên tránh và loại trừ nguy cơ xung đột văn minh. Sự khác biệt về hệ tư tưởng, về hệ thống xã hội và mô hình phát triển không được trở thành rào cản đối với sự giao lưu văn minh thế giới, thậm chí không được trở thành nguyên nhân của sự đối lập. Hoà bình và phát triển lợi ích chung là xu hướng có tính bản chất và là giá trị của toàn nhân loại trên hoàn cầu này. Nói cụ thể hơn, điều quan trọng là cần ủng hộ sự giao lưu liên văn hóa hợp lý và thực hiện sự thống nhất hài hoà dựa trên sự đa dạng về văn minh và văn hoá vì tiến bộ chung của các nền văn minh thế giới.
2. Thấu hiểu trên văn hoá, tính trên văn hoá và bản sắc trong sự đa dạng của các nền văn minh thế giới
Bản báo cáo Hành tinh đa văn hoá của Nhóm chuyên gia quốc tế thuộc UNESCO đã chỉ rõ: “Tương lai của nhân loại không thể được mô tả như là sự thống nhất mà không có đa dạng hay đa dạng mà không có thống nhất. Thách thức đối với tất cả những người đương thời là xây dựng một thế giới như vậy, và trên tất cả là thách thức đối với những nền văn hoá làm cơ sở cho thế giới quan và hệ giá trị của họ”(l). Trong xu thế toàn cầu hoá thế giới ngày nay, điều cần tránh là việc biến các nền văn minh đa dạng thành sự đồng quy về một nền văn minh độc nhất và khiến cho các nền văn hoá trở nên thuần nhất. Chúng ta nên duy trì sự đa dạng hiện tồn của các nền văn minh và văn hoá. Mặt khác, điều cần thiết là thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn minh khác nhau, gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau, loại bỏ những hố sâu ngăn cách nào đó, hoà giải những đối kháng, chống lại “xung đột giữa các nền văn minh”, từ đó hiện thực hoá sự thống nhất của các nền văn minh và văn hoá cũng như thực hiện toàn cầu hoá về nhân tính dựa trên cả sự đa dạng và sự thống nhất của các nền văn minh thế giới. Giao lưu liên văn hoá hợp lý chính là con đường quan trọng để đạt được mục tiêu cao quý này.
Khổng Tử, triết gia Trung Quốc cổ đại, đã từng nói: “hài hoà trong đa dạng”. Điều đó có nghĩa là chúng ta nên tôn trọng những nét dị biệt và đa dạng của mình, tìm kiếm sự chung sống hoà hợp thông qua giao lưu với người khác để đáp ứng sự quan tâm và những lợi ích chung của con người. Văn minh và văn hoá đều có những đặc điểm của sự đa dạng và sự đồng nhất. Kiểu đồng nhất này là đồng nhất động, dựa trên sự đa dạng. Điều này có hai nghĩa: thứ nhất, đó là bản sắc của nền văn hoá dân tộc trong nền văn minh nhất định; thứ hai, những truyền thống khác nhau của các nền văn minh và văn hoá thực hiện khả năng bù trừ xác định hay khả năng văn hoá tích cực hướng đến những mục tiêu và giá trị của sự tiến bộ chung trong sự giao lưu hợp lý của mình. Sự giao lưu liên văn hoá hợp lý phải là sự giao lưu song phương và dựa trên sự thấu hiểu liên văn hoá lẫn nhau, trong đó có việc giải thích cho nhau những “văn bản” trong các nền văn hoá khác nhau. Điều này có nghĩa là “văn hoá bản địa” với tính cách là “cái bản ngã” và “văn hoá bên ngoài” với tính cách là “cái khác” đều ý thức về đối tác như là cái “khác” xa lạ và siêu việt khỏi cái “ngã”, tiến vào cái “khác” để phản ánh nền văn hoá của chính mình trong cái xa lạ. Cả cái “ngã” và cái “khác” đều hiển hiện ra trong sự tương phản lẫn nhau. “Văn hoá bản địa” và “văn hoá bên ngoài” đều có thể trở nên kỳ vĩ trong sự lý giải mới về mình. Trong hình thức giao lưu liên văn hoá biện chứng này, một sự “đồng tâm chéo” nào đó, được hiểu như một dạng liên văn hoá tích cực, có thể trở thành hiện thực. Đó là một sự “đồng tâm” bao hàm khác biệt, một kiểu tương đồng trong dị biệt, một sự đồng nhất động dựa trên tính đa dạng. “Văn hoá bản địa” và “văn hoá bên ngoài” đều có thể siêu việt khỏi bản thân trong sự thấu hiểu lẫn nhau và đạt được tổ thức mới mang tính cách tân.
Bất kỳ nền văn hoá nào cũng không thể gạt bỏ truyền thống văn hoá đã tiến hoá ở mức độ nhất định. Sự thấu hiểu liên văn hoá cũng bao hàm sự thấu hiểu lẫn nhau giữa hai kiểu truyền thống văn hoá động là “văn hoá bản địa” và “văn hoá bên ngoài”. Chú giải học triết học của H.G.Gadamer khẳng định rằng, truyền thống - với tính cách là hợp lưu của những định kiến được lưu giữ bởi lịch sử - chính là tiền đề cho hành vi thấu hiểu mang tính người, đồng thời con người cũng tham dự vào sự tiến hoá của truyền thống thông qua hoạt động lý giải và thấu hiểu sáng tạo của họ. Chúng ta có thể áp dụng quan điểm này để lý giải rằng, hai truyền thống khác nhau của “văn hóa bản dài và “văn hoá bên ngoài” đều đạt được sự hợp lưu và hoà hợp của hai tầm nhìn trong sự thấu hiểu lẫn nhau của chúng, do đó thúc đẩy sự tiến hoá của chính mình trong sự giao lưu liên văn hóa.
Tính liên văn hoá là một thuộc tính bản chất, là chức năng của thấu hiểu liên văn hoá và cũng là kết quả của giao lưu liên văn hóa. Một mặt, nó biểu thị một vai trò trung gian xuất hiện trong sự tương tác và lý giải đối với “văn hoá bản địa” và “văn hoá bên ngoài”, nó giống như quy tắc “trung dung” của Nho giáo. Mặt khác, nó có nghĩa là hai nền văn hoá khác nhau tạo nên sự “đồng tâm chéo” nào đó trong khi cùng lý giải, xây dựng lẫn nhau và thực hiện sự đồng nhất trong đa dạng văn hoá. Giao lưu liên văn hoá làm cho các quan hệ phức tạp của sự tương đồng và dị biệt đan xen vào nhau, biểu hiện thành một số phương thức như tính bù trừ, tính cân xứng hay bất hoà và bất cân xứng. Nếu không có giao lưu, sự bất hoà và bất cân xứng thái quá - những cái tiêu biểu cho tính liên văn hoá tiêu cực - rất dễ dẫn đến xa cách, thậm chí là xung đột giữa các nền văn hoá khác nhau. Việc tìm kiếm những tương đồng trong khi vẫn duy trì khác biệt, “hài hoà trong đa dạng”, nói lên tính liên văn hoá tích cực, hợp lý, được hiểu như là mục tiêu đích thực của giao lưu liên văn hoá. Điều này cũng có nghĩa là thực hiện sự đồng nhất của các nền văn minh đa dạng, thúc đẩy sự cộng tồn hài hoà và tiến bộ chung của các nền văn minh thế giới.
█Chúng ta hãy xem xét một thí dụ: những học thuyết triết học của Khổng Tử và Xôcrát, vốn có ảnh hưởng sâu sắc đối với truyền thống văn minh Trung Quốc và phương Tây, cho đến ngày nay có cả sự đồng nhất lẫn tính đặc thù. Điều đó nói lên rằng, cả truyền thống triết học Trung Quốc lẫn truyền thống triết học phương Tây trong hai nền văn minh đều có thể thấu hiểu, chuyên chở lẫn nhau và đều thực hiện được tính liên văn hoá tích cực trong giao lưu liên văn hoá.
Cả Khổng Tử (551 - 479 TCN) và Xôcrát (469 - 399 TCN) đều sống trong kỷ nguyên ban đầu, đều sáng lập ra những trường phái triết học mới coi đạo đức học như là cốt lõi của chúng - một dạng triết học đúng đắn về tồn tại người. Học thuyết của Khổng Tử đã khởi phát nền văn minh Nho giáo vẫn tồn tại cho đến ngày nay, còn triết học Xôcrát đã đem lại cơ sở lý tính khoa học và tinh thần nhân văn cho văn minh phương Tây. Chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều điểm tương đồng giữa họ, qua đó chỉ ra tính đồng nhất của hai truyền thống triết học và văn minh. Ở đây, tôi chỉ điểm qua một cách vắn tắt ba điểm tương đồng sau đây:
(1) Nguyên lý nhân văn của triết học:
“Nhân” là phạm trù trung tâm xuyên suốt các học thuyết triết học và đạo đức Khổng Tử. Nó biểu hiện một bản chất mang tính người: “nhân là yêu thương tất cả con người” và “đem tình yêu thương đến mọi người” (Luận Ngữ, 12.22, l.6). Nó có nghĩa là lòng tốt, tính thiện và tình bằng hữu phải là nhân tính đích thực. Mặt khác, “nhân” bao hàm một nguyên tắc cơ bản đối với bản chất tốt đẹp của một người: hãy trung thực và thực hiện sự tương trợ đối với người khác, như lời dạy của ông: “Điều không muốn xẩy ra với mình thì cũng đừng làm với người khác” (4.15, 15.24). Đó là một quy tắc vàng. Quy tắc “Trung Dung” này chính là phương pháp luận để đạt đến đức Nhân. Trung Dung được dùng để biểu thị một quy tắc bất di bất dịch, điều chỉnh tất cả mọi thứ dưới gầm trời này và là con đường trung gian đúng đắn để tiến tới trạng thái cân bằng và hài hoà(2). Ông cho rằng, khi thực hiện quy tắc đúng đắn này, sự hài hoà chắc chắn sẽ đạt được. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, hài hoà không giống như sự đồng nhất tuyệt đối nào đó, mà là một sự thống nhất có tính bù trừ của những sự vật đa dạng, giống như một món ăn được chế biến tốt sẽ gồm những thành phần khác nhau.
“Đức công chính” là phạm trù triết học cao nhất của Xôcrát, cũng là nguyên lý nhân văn trong đạo đức học của ông, hoàn toàn giống với chủ “nhân” của Khổng Tử. Bản tính người vốn có đức công chính biểu hiện thành tình yêu, tình bằng hữu, lòng tốt, sự nhân từ và tương ái, những phẩm chất ấy làm cho đời sống xã hội trở thành một thể thống nhất hài hoà. “Hãy tự biết mình” - Xôcrát đã giảng giải rất kỹ về câu văn khắc ở đền Delphi này, đã nhấn mạnh ý nghĩa “sophrosyne” của nó. Bản chất thật sự của “sophrosyne” là tri thức về bản ngã(3). Cái “Sophrosyne” không chỉ có nghĩa là tính khiêm tốn, lòng tốt, sự kiềm chế dục vọng mà về bản chất, nó có nghĩa là một dạng minh triết để nhận biết bản tính của con người hiện thực, để kiểm nghiệm chính họ. Nói chung, Xôcrát - cũng như Khổng Tử - ngay từ đầu, đã đặt bản thân con người vào vị trí trung tâm của truyền thống triết học.
(2) Nhận thức luận duy lý và lý thuyết đạo đức.
Cả hai bậc thầy này đều cho rằng, lý tính là bản chất của linh hồn hay tinh thần và con người phải vận dụng sự thông thái của họ, tức là tư duy duy lý, vào nghiên cứu để nhận thức cái bản chất phổ quát của đạo đức, để nâng cao sự hoàn thiện đạo đức của họ trong thực tiễn đạo đức. Những lời giáo huấn của họ cho thấy sự đồng quy đầy mê hoặc giữa lý tính và đạo đức.
(3) Chính trị học mang tính đạo đức, lý tưởng xã hội về việc thực hiện nhân tính và sự hài hoà phổ quát.
Cả hai bậc thầy này đều cho rằng, đạo đức phải trở thành nền tảng cho chính trị, những người cai trị phải là những bậc hiền triết hay những người ưu tú. Những người này điều hành nhà nước theo nguyên tắc đạo đức và những người có giáo dục về đạo đức để xây dựng một xã hội hài hoà, thịnh vượng đem lại lợi ích cho những công dân thuần phác.
Do cơ sở lịch sử và bối cảnh văn hoá khác nhau, giữa các học thuyết của Khổng Tử và Xôcrát có những khác biệt. Đó là những yếu tố làm nên dị biệt giữa truyền thống văn minh Nho giáo và văn minh phương Tây. Trước hết, học thuyết Khổng Tử đề cao tôn ti gia tộc và huyết hệ, một nhà nước được coi như một gia đình mở rộng. Đạo đức học truyền thống của Trung Hoa bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Nho giáo nên mang đặc điểm của toàn thể luận hay những giá trị cộng đồng. Trong khi đó, Xôcrát lại nhấn mạnh đạo đức công và chú trọng đến những phẩm chất của nhà nước thành bang vốn không coi giá trị gia đình là trung tâm. Thứ hai, phương pháp suy diễn của học thuyết triết học Khổng Tử có thể được quy thành việc giải thích ý nghĩa của các phạm trù và kinh điển bằng sự thấu hiểu trí tuệ hay bằng trực giác thống nhất với lý tính biện chứng - điều đã được nói đến trong Kinh Dịch. Điều này có thể được gọi là phương pháp chú giải cổ điển ở Trung Hoa cổ đại. Phương pháp này đã ảnh hưởng đến mô thức tư duy truyền thống của Trung Hoa. Tuy nhiên, điều mà Xôcrát áp dụng với từ “biện chứng” để tìm hiểu những định nghĩa về đức hạnh và diễn giải những vấn đề khác lại nằm ở tư duy phân tích mang tính lôgíc chặt chẽ.
Với tính cách nguồn gốc của hai truyền thống văn minh vĩ đại - Trung Quốc và phương Tây, các học thuyết đạo đức và triết học của Khổng Tử cũng như Xôcrát đều có những điểm tương đồng và cả sự khác biệt. Điều đó nói lên rằng, những truyền thống văn hoá và triết học của mỗi dân tộc đều có sẵn cả tính đa dạng và tính đồng nhất sáng tạo cũng như tính bù trừ cho nhau. Cho nên, người ta có thể gia tăng sự giao lưu hợp lý trong sự thấu hiểu lẫn nhau và trong sự cộng sinh để theo đuổi thịnh vượng chung về văn hoá và tiến bộ xã hội. Ở đây, một trong những mắt xích then chốt chính là việc xác lập tâm thế đối với giao lưu trên văn hoá.
3. Xác lập tâm thế liên văn hoá tích cực để thúc đẩy giao lưu liên văn hoá và tiến bộ chung của các nền văn minh thế giới.
Tâm thế liên văn hoá là một tâm thế để con người ứng xử với mối quan hệ giữa “văn hoá bản địa” và “văn hoá bên ngoài” trong hoạt động thực tiễn liên văn hoá. Tâm thế liên văn hoá hợp lý phải tuân thủ nguyên tắc đạo đức của giao lưu liên văn hoá sao cho nó thành công và có hiệu quả. Trong bối cảnh toàn cầu hoá và thách thức đối với nền văn hoá đa nguyên, việc xác lập tâm thế liên văn hoá hợp lý là điều đặc biệt quan trọng và những nghiên cứu về đạo đức học quốc tế có liên quan đến giao lưu liên văn hoá cần được đào sâu hơn nữa. Tuy nhiên, chúng ta có thể khẳng định ba nguyên tắc đạo đức cơ bản của sự giao lưu:
Thứ nhất là sự tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta đang sống trong một xã hội giao lưu toàn cầu hoá và trong bối cảnh ràng buộc lẫn nhau, đang hoạt động trong điều kiện của những sự phát triển và những nền văn hoá đa dạng cũng như trong sự giao lưu giữa các truyền thống văn hoá khác nhau. Sự tôn trọng lẫn nhau đối với các truyền thống văn hoá dân tộc là tiền đề đầu tiên của sự giao lưu liên văn hoá. Các nền văn hoá đa dạng đều bình đẳng với nhau, dù ở đất nước nào, lớn hay nhỏ; đều phải tôn trọng truyền thống văn hoá của bên kia và thừa nhận vai trò quan trọng của nó trong việc duy trì bản sắc của nền văn hoá dân tộc. Chỉ có thừa nhận tâm thế tôn trọng lẫn nhau thì mới có thể đạt đến sự thấu hiểu liên văn hoá lẫn nhau. Điều này có thể đưa đến sự chung sống hoà bình giữa các nền văn minh thế giới thay vì xung đột, đối thoại thay vì đối kháng, giao lưu hài hoà thay vì ghê sợ và cô lập và từ đó thực hiện được sự “hài hoà trong khác biệt” như là tính liên văn hoá tích cực.
Thứ hai là sự khoan dung lẫn nhau. Bên cạnh thái độ tôn trọng nền văn hoá bên ngoài, giao lưu liên văn hoá tích cực còn đòi hỏi một tâm thế khoan dung đối với nền văn hoá ấy. Khoan dung là yêu cầu nguyên thuỷ của giao lưu liên văn hoá, là nhân tố mang tính cấu thành và biểu hiện tính liên văn hóa tích cực. Nó biểu thị một sự thừa nhận hai chiều và chấp nhận khác biệt của bên kia. Khoan dung đối với cái “khác” cũng là khoan dung đối với cái “ngã”. Điều này còn có nghĩa là không được áp đặt bất cứ cái gì mà cái “khác” không thể chấp nhận. Đây chính là nguyên tắc vàng như lời của Khổng Tử: “Điều không muốn xảy ra với mình thì cũng đừng làm với người khác”. Khoan dung lẫn nhau thay vì ghê sợ có thể đem lại cơ sở cho giao lưu và thấu hiểu lẫn nhau, có thể đem đến đối thoại bình đẳng và lành mạnh giữa các nền văn hoá và văn minh khác nhau thay vì đối kháng hay xung đột.
Thứ ba là sự cộng tác với nhau. Hình thức cộng tác này không chỉ có nghĩa là cùng xác định những ứng xử trong giao lưu với nhau mà còn biểu thị sự tương tác hài hoà, chủ động và sự thẩm thấu giữa “văn hóa bản địa” với “văn hóa bên ngoài”, sự đồng quy của hai tầm nhìn, sự nghiên cứu và sử dụng tham chiếu lẫn nhau, sự hấp thụ những nhân tố có ích từ đối tác để làm giàu và phát triển nền văn hoá của chính mình vì tiến bộ chung của các nền văn minh khác nhau. Tất nhiên, sự hấp thụ văn hoá bên ngoài như thế không phải là sự chuyển giao hay cấy ghép máy móc bởi, nếu như vậy, nó sẽ gây nên sự cứng nhắc và đoạn tuyệt với văn hoá bản địa. Cả hai phía đều phải chuyển tải những nhân tố hợp lý, có ích của bên kia vào bối cảnh của mình, sửa đổi và phát huy chúng, làm cho chúng trở nên hữu ích đối với sự phát triển chung, cách tân nền văn hoá của mình vá thực hiện một cách thực sự tính đồng nhất và tính liên văn hoá tích cực của các nền văn minh đa dạng trên thế giới.
Triết học là hạt nhân lý luận của văn hoá, là linh hồn sống của nền văn minh và đóng vai trò quan trọng trong tiến trình của các nền văn minh thế giới. Trong thời đại toàn cầu hoá, vai trò quan trọng của triết học, với tính cách là nhiệm vụ lịch sử của nó, biểu hiện ở hai phương diện có liên quan với nhau: thứ nhất, đẩy mạnh những nghiên cứu triết học đối với giao lưu liên văn hoá; thứ hai, thúc đẩy giao lưu hợp lý giữa các truyền thống triết học đa dạng. Chúng ta, những nhà triết học hôm nay, đảm nhận trọng trách thừa kế và phát triển các nền văn minh thế giới, thúc đẩy tiến bộ chung của các nền văn minh ấy bằng giao lưu trên văn hoá.
Giới triết học Trung Quốc, trong đó có Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc, đã và đang tập trung những nghiên cứu liên văn hoá đối với những truyền thống triết học khác nhau trên thế giới, mở ra nhiều hình thức trao đổi học thuật với các triết gia của nhiều nước, bao gồm cả các nước châu Á và phương Tây. Việc giới thiệu rộng rãi triết học Trung Quốc và việc nghiên cứu truyền thống triết học phương Tây trong hai thập kỷ vừa qua đã vượt xa so với quá khứ. Chúng tôi đề cao tầm quan trọng của cả việc nắm bắt trọn vẹn quá trình tiến hoá từ triết học Hy Lạp cổ đại đến triết học châu Âu và triết học Mỹ hiện đại lẫn việc theo đuổi những nghiên cứu về các khuynh hướng mới và những đổi mới của triết học phương Tây đương đại. Các học giả trong và ngoài Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc, đã cùng nhau viết và xuất bản công trình Lịch sử triết học phương Tây gồm nhiều tập (8 tập, 11 quyển với tổng số 6 triệu ký tự Trung Quốc) mang những đặc trưng nghiên cứu của riêng họ. Công trình này trình bày sự hiểu biết và cách lý giải đối với toàn bộ triết học phương Tây trong tầm nhìn học thuật của các học giả Trung Quốc. Một số học giả Trung Quốc đang tiến hành những nghiên cứu về lịch sử giao lưu và những nghiên cứu so sánh giữa triết học Trung Quốc với triết học phương Tây cũng như giữa triết học truyền thống của Trung Quốc với các truyền thống triết học của các nước phương Đông khác, trong đó có Việt Nam, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và triết học Ả Rập - Hồi giáo. Những nghiên cứu và trao đổi như vậy cho phép các truyền thống triết học khác nhau học hỏi lẫn nhau những điểm mạnh và bù đắp cho nhau những điểm yếu; cho phép các học giả Trung Quốc tiếp thu những thành quả tốt đẹp từ những nền văn minh bên ngoài, trong đó có những học thuyết xem xét quá trình của các nền văn minh thế giới, ở cả triết học phương Đông và phương Tây đương đại.
Người dịch: ThS. Khuất Duy Dũng
(Viện Triết học, Viện Khoa Học xã hội Việt Nam)
___________________________
(1)The Multicultural Planet, ed. By Ervin Laszlo, p.232, Chinese version, Beijing: Social Sciences Literature Publishing House, 2001 [Ervin Laszlo (chủ biên), Hành tinh đa văn hóa, bản tiếng Trung. Nxb Văn học Khoa học xã hội, Bắc Kinh, 2001, tr.232].
(2)The Doctrine of the Mean, Chapter 1 (Học thuyết Trung Dung, chương 1).
(3) Plato, Charmides 164D – 165B.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên Ngọc