Facebook gặp thách thức không nhỏ với Minds
Mấy hôm nay, dân mạng xôn xao trên Facebook rằng “dọn nhà sang Minds”, “di tản sang Minds”, “ai rành về Minds chỉ giùm cái?”…
Minds là mạng xã hội, cũng như Facebook hay Twitter. Lý do chuyển sang Minds theo một số người là sang Minds không bị kiểm duyệt, không bị báo cáo như Facebook, kiếm được tiền từ Minds…
Gọi là “chuyển” chứ nhiều người vẫn dùng Facebook. Họ chỉ tải thêm ứng dụng Minds về điện thoại, hoặc vào trang Minds.com trên máy tính, đăng ký một tài khoản mới trên Minds. Chưa rõ độ thông dụng của Minds đến đâu, nhưng cứ đăng ký tài khoản trên đó trước đã, đăng ký sớm thì được tên tài khoản đẹp.
Một chủ doanh nghiệp đăng ký một lúc vài tài khoản liên quan đến ngành nghề anh làm. Anh giải thích: “Cũng giống như Facebook cách đây 10 năm, mới đầu mọi người còn tham gia một cách dè dặt, bây giờ Facebook mạnh thế nào ai cũng rõ, biết đâu sau này nhiều người dùng Minds đến mức như Facebook hiện tại”.
Mạng xã hội Minds có các tính năng không khác so với Facebook, như đăng tin, hình ảnh, video, blog, chia sẻ, like, chat… có điều chưa đẹp và mượt mà như Facebook và vẫn còn "hoang vắng" vì mới có hơn 1 triệu người đăng dùng. Có một số tính năng hơi khác một chút, ví dụ trên Minds không cần gửi lời mời kết bạn, nếu thích ai có thể đăng ký theo dõi người đó, không muốn nữa thì nhấn nút bỏ theo dõi.
Minds được anh em kỹ sư người Mỹ Bill và John Ottman sáng lập năm 2011, đến năm 2015, mạng xã hội này ra mắt công chúng. Những khác biệt lớn nhất của Minds mà nhiều người cho rằng nó sẽ là đối thủ tiềm tàng của Facebook trong tương lai là nó được xây dựng bằng công nghệ blockchain và người dùng có thể kiếm được tiền từ việc tham gia Minds.
Bill Ottman, người đồng sáng lập mạng xã hội Minds gửi lời chào tới người dùng Việt Nam hôm 1-7.
Công nghệ blockchain cho phép Minds chạy trên một mạng phi tập trung, phát triển dựa trên sự đóng góp của người dùng, các nội dung được tạo ra, các tương tác giữa người dùng với nhau... được lưu trên hệ thống mạng ngang hàng tự động của người dùng. Nghĩa là không ai có thể thao túng được Minds.
Đặc tính trên khiến Minds được nhiều người ưa thích trong bối cảnh họ bắt đầu cảm thấy ngột ngạt với Facebook, mới đầu là một trò vui đang dần kiểm soát đời sống của họ. Bê bối Facebook với Cambridge Analytica gần đây cho người dùng thấy họ bị can thiệp, theo dõi và lợi dụng.
Ưu việt thứ hai của Minds là “kiếm tiền”. Nếu như Facebook lấy thông tin của nội dung người dùng tạo ra để bán cho bên thứ ba lấy tiền, không chi trả đồng nào cho người dùng thì Minds trả tiền cho người dùng. Lượng like, chia sẻ, bình luận... với một nội dung người dùng tạo ra đều được quy đổi ra điểm thưởng. Điểm này tích lũy dần để người dùng có thể dùng để tự quảng bá nội dung của mình, tặng cho người khác hoặc quy đổi thành các đồng tiền điện tử tương tự như Bitcoin.
“Giúp người dùng kiếm tiền online là trọng tâm của chúng tôi”, người sáng lập Bill Ottman nhấn mạnh trên trang Wired.com. Minds không phải mạng xã hội đầu tiên trả tiền cho người dùng thông qua các hoạt động của họ. Mạng Steemit cũng có mô hình hoạt động tương tự như Minds.
Tuy nhiên, điều nhiều người lo ngại về Minds là tiêu chuẩn đạo đức khá lỏng lẻo của mạng xã hội này, không có điều khoản ngăn chặn người dùng đưa ra các “phát ngôn thù hận” (hate speech). Trong khi Facebook và các mạng xã hội thuộc dòng chủ lưu khác kiểm soát chặt chẽ điều này, sẵn sàng gỡ những nội dung và đóng cửa những tài khoản vi phạm.
Bill Ottman lại cho rằng gỡ bỏ những phát ngôn thù hận và nội dung gây hấn có thể khiến người ta càng chú ý hơn đến những người quá khích hoặc những hệ ý thức dựa trên sự mù quáng. Ottman rất phản đối chuyện Facebook hay Twitter dùng các thuật toán dựa trên trí thông minh nhân tạo (AI) trong việc kiểm duyệt nội dung vì ông cho rằng thuật toán không thể hiểu hết được các sắc thái trong một thông điệp. Minds không dùng AI để làm chuyện này.
Facebook tiếp tục kiếm hàng tỉ đô la Mỹ thu nhập hàng quí. Nhưng Minds và các mạng xã hội tương tự như vậy đang mang đến thứ Facebook không có: cơ hội kiếm tiền cho chính những người dùng. Và đó sẽ là nền tảng cho một cuộc di cư mới trên không gian số.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015