Facebook: một thế giới khác

05:30 CH @ Thứ Ba - 15 Tháng Tư, 2014

Thế là tôi đã rong chơi trên facebook được ba tuần. Trong ba tuần ấy, tôi thấy gì?

Thấy, trước hết, như cái điều hầu như mọi người đều thấy: Đó là một mạng lưới xã hội thông dụng và rộng lớn nhất hiện nay với hơn một tỉ người, hoặc một phần năm dân số thế giới, đang sử dụng. Trong mạng lưới ấy, tất cả những ngăn cách về phương diện địa lý vốn là một rào cản lớn nhất trong lịch sử, được vượt qua dễ dàng. Người ta, từ bất cứ một ngóc ngách nào trên mặt địa cầu, nếu có computer được nối mạng, đều có thể liên lạc được với nhau một cách hết sức nhanh chóng. Theo kinh nghiệm của tôi, có lúc mới post bài lên facebook được vài giây, đã có hàng chục người phản hồi. Có những người ở rất xa Úc, từ Việt Nam, từ Mỹ, từ châu Âu, thậm chí, từ châu Phi xa lơ xa lắc.

Tôi cũng thấy nữa hai sự quan tâm chung của người Việt ở trong cũng như ở ngoài nước: xã hội và bản thân mình. Có thể xem đó là hai đề tài phổ biến nhất trên facebook tiếng Việt: Hầu hết các bài viết hoặc ý kiến ngắn trên đó, nếu không thể hiện một thao thức gì đó về hiện tình xã hội và đất nước thì cũng tập trung vào cá nhân mình hoặc gia đình của mình. Có điều, ở hai loại đề tài này, thái độ của người ta khác hẳn nhau.

Với đề tài xã hội, thái độ chung, dễ thấy nhất, là sự bi quan và bất mãn. Chúng thường nhằm vạch trần một mặt trái dơ dáy và dơ dáng trong xã hội, nhằm phê phán một hiện tượng hoặc một chính sách mà người ta cho là tiêu cực hoặc chống lại dân quyền cũng như nhân quyền. Đối tượng chính bao giờ cũng là chính quyền và đảng Cộng sản, trong đó, chiếm vị trí trung tâm có lẽ là các cán bộ lãnh đạo và công an.

Về đề tài cá nhân, thái độ chung, ngược lại, dường như toát lên một vẻ lạc quan và tích cực rất hiếm thấy trong đời thường và cũng, đã lâu lắm rồi, hiếm thấy cả trong văn học lẫn phim ảnh. Trong loại đề tài này, hình thức cũng khác. Về xã hội, người ta có thể viết lách thật dài dòng với những phân tích, luận điểm và luận cứ rõ ràng; về cá nhân, thường có sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ và hình ảnh. Người ta hiếm khi mô tả về mình hay gia đình mình. Thường nhất là đưa ra một số bức ảnh nào đó. Nhìn vào những bức ảnh ấy, chúng ta không thể có nhận xét nào khác hơn là: đẹp và vui. Ví dụ, liên quan đến việc ăn uống, hình ảnh bao giờ cũng là những món ăn, nếu không sang trọng thì cũng thật hấp dẫn. Bên cạnh đó hầu như bao giờ cũng có rượu và bia ê hề. Liên quan đến nhà cửa, thường đó là những ngôi nhà mới xây hay mới mua, thật đẹp. Liên quan đến vợ chồng con cái, bao giờ cũng có những nụ cười tràn đầy hạnh phúc. Hơn nữa, ít khi người ta chụp ở nhà, trừ những buổi tiệc tùng; thường hơn, là cảnh đang đi du lịch đâu đó nên ngoài vẻ đẹp còn có cái gì như thảnh thơi, nhàn nhã, và thỉnh thoảng, giàu có.

Nhìn những hình ảnh cá nhân và gia đình như vậy, chúng ta thấy chúng có cái gì khác xa với đời sống ngày thường. Ngày thường, chúng ta ăn uống đạm bạc hơn: sự đạm bạc ấy hiếm khi thấy trên facebook. Ngày thường, nhà cửa chúng ta bầy hầy hay nhếch nhác hơn: sự bầy hầy hay nhếch nhác ấy hiếm khi được nhìn thấy trên facebook. Ngày thường, không phải lúc nào vợ chồng con cái chúng ta cũng hạnh phúc: cái thiếu hạnh phúc rất ư con người ấy cũng không hề thấy trên facebook.

Tôi có một người bạn thường than thở về không khí căng thẳng oi bức trong chỗ làm: boss thì hách dịch, đồng nghiệp thì ích kỷ, nhỏ nhen, ti tiện, hay dèm pha và hay chơi gác. Nhưng những bức hình người bạn ấy post trên facebook lại khác hẳn: những buổi họp mặt ăn uống chung vừa náo nhiệt vừa vui vẻ, mặt mày ai cũng tươi roi rói và các ánh mắt nhìn nhau cũng hết sức ấm áp và thân tình. Nhìn, so sánh với những gì tôi thường nghe kể, tôi cứ ngỡ như đang lạc vào một thế giới khác.

Người ta có giả dối không khi post những hình ảnh tươi sáng và đẹp đẽ như vậy? Tôi nghĩ là không. Cuộc đời nào cũng có hai mặt: tối và sáng; có những thành công và những thất bại, những mãn nguyện và những ẩn ức, những lúc thật vui và những lúc thật buồn. Đó là chuyện đương nhiên và hiển nhiên.

Vấn đề ở đây chỉ là sự chọn lựa.

Và sự chọn lựa ở đây không phải gắn liền với sở thích cá nhân mà là gắn liền với một cái gì gần như là thể loại.

Ví dụ, khi làm thơ, hầu hết đều có khuynh hướng nghiêng về mặt tối và buồn. Những tình yêu đẹp và hạnh phúc, kết thúc bằng hôn nhân hiếm khi đi vào thơ. Chỉ thành thơ những tình yêu dở dang hay trắc trở. Trước năm 1945, kết thúc bài thơ “Chùa Hương” với mối tình thầm lặng giữa một cô gái 15 tuổi với một chàng nho sinh “tướng mạo trông phi thường”, Nguyễn Nhược Pháp viết: “Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau, vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện.” Thú thực, tôi không thích bài thơ này lắm. Nhưng tôi rất thích cái ghi chú nho nhỏ này của Nguyễn Nhược Pháp: Nó thông minh và rất tinh tế.

Giống như thơ, nhưng ở hướng trái ngược lại, facebook có một thứ quy ước khác, như một sự thỏa thuận âm thầm và bất thành văn: ở đó, người ta chỉ nên post những gì tươi sáng và đẹp đẽ nhất. Những cái buồn, những cái khổ, những sự băn khoăn, trăn trở, thao thức và day dứt, những buồn phiền và cay đắng, những thất bại và thất vọng của bản thân mình và gia đình mình tốt hơn hết là gạt sang một bên để một mình mình hứng chịu. Vào sân chơi facebook, nơi mọi người đang vui và chỉ thích vui, cần một giọng khác, tích cực và lạc quan. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà trên facebook có những loại ngôn ngữ mà, thú thực, trước khi vào facebook, tôi rất khó chịu: hehe, hihi, haha để diễn tả tiếng cười; ngay cả khi diễn tả tiếng khóc, người ta cũng hài hước hóa nó thành: huhu, và thường, sau đó, dấu hiệu đang cười.

Quy ước ấy có gì sai không? Tôi nghĩ là không. Không nên và không thể đòi hỏi facebook như một tác phẩm văn chương ở đó cuộc đời cần được phản ánh hoặc thể hiện hoặc thể nghiệm một cách sâu sắc, đa tầng và đa diện, tận đáy cùng của tiềm thức và vô thức cũng như của xã hội. Facebook, trước hết và trên hết, là một sân chơi; ở đó, chức năng chính, bên cạnh sự thông tin, là giải trí. Người ta vào facebook là để vui. Muốn học hỏi: người ta đến những nơi khác. Muốn nối kết mọi người lại thành một lực lượng chính trị: người ta đến những nơi khác. Đã đành, facebook cũng có thể thực hiện được các ý đồ và ước muốn ấy. Nhưng đó chỉ là lý do phụ. Lý do chính để sáng sớm, mới mở mắt dậy, người ta vào internet và mở facebook ra ngay là tìm vui. Nhiều người cả ngày lẫn đêm nằm lì trên facebook, từ giờ này sang giờ khác, cũng vì thấy vui trên đó.

Với quy ước ấy, facebook nuôi dưỡng sự lạc quan khi nhìn vào chính mình cũng như khi nhìn vào người khác. Nhiều người đã ghi nhận sự kiện facebook làm thay đổi một số từ vựng trong tiếng Anh. “Friend”, ai cũng biết, vốn là bạn, trước, chỉ là một danh từ; nay, với facebook, nó trở thành một động từ, với nghĩa kết bạn. “Like” là thích, nhưng trong ngôn ngữ facebook, nó không hẳn là thích. Khi người nào đó bấm “like” dưới “status” hay “note” của bạn, không hẳn người ấy thích hay đồng ý với bạn. Nhiều lúc, nó chỉ có nghĩa đơn giản là: Tôi đã thấy bài của bạn. Thấy, chưa chắc đã đọc; và đọc, chưa chắn đã thích. Nhưng vẫn bấm “Like”. Có điều, trên facebook, bạn không có một chọn lựa nào khác. Chỉ có “like”. Khi đổi ý, bạn có thể rút chữ “like” ấy lại bằng chữ “unlike”. “Unlike” không phải là không thích. Nó chỉ có nghĩa là rút lại cái chữ “like” đã post. Bằng cách hạn chế số từ vựng trên facebook, người ta chỉ cho phép những thái độ tích cực tồn tại. Kể cũng hay.

Bởi vậy, khi xem facebook như một thế giới khác, tôi không hàm ý phê phán. Tôi xem đó là một đặc điểm chứ không phải ưu hay khuyết điểm gì cả.

Thỉnh thoảng, vào đó, nhìn bạn bè thực sự và “friend” trong thế giới ảo, thấy ai cũng vui, mình cũng vui lây. Thì cũng đáng. Chứ sao?

Tôi chỉ có một điều băn khoăn duy nhất: Sự đối lập giữa xã hội và bản thân như thế, về lâu về dài, không chừng sẽ gây nên một tâm lý phản-xã hội: Cái gì thuộc về mình, có tính chất riêng tư, thì hay và đẹp, còn những gì thuộc về xã hội, có tính chất cộng đồng, thì lại xấu xí và xấu xa.

Nhưng đó là chuyện về sau. Về lâu về dài.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tin tức có hại cho bạn – Từ bỏ thói quen đọc chúng khiến bạn hạnh phúc hơn

    15/06/2020Elnino dịchBài viết này để cập đến tác hại của tin tức như một bộ phận nhỏ của thông tin nhưng chiếm đa số sự chú ý của người dân...
  • Mặt trái của cuộc cách mạng kỹ thuật số

    09/04/2018Eric Schmidt và Jared Cohen, Phạm Vũ Lửa Hạ dịchBàn về mảng u ám của cách mạng kỹ thuật số khi bị các chế độ độc tài lợi dụng để theo dõi và đàn áp những người bất đồng chính kiến, đồng thời đề cập đến khả năng phe chống đối nhà nước chuyên quyền có thể vận dụng kỹ thuật số để tạo thay đổi tích cực, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn...
  • Thế giới ảo & thực: Trào lưu tự thú

    11/04/2014Trần Phương LinhCó những suy tư sâu kín, những câu chuyện mà việc bày tỏ với người khác, dù chỉ một số người thân thiết, vẫn là điều bất tiện, bất khả. Tuy nhiên, ngày nay với sự hiện hữu của thế giới mạng, quá trình tự bạch, tâm sự được đơn giản hóa...
  • Đã đến lúc nhìn lại...

    28/03/2014Nhà văn Nguyễn Quang ThânCuộc đời mải miết cuốn ta đi. Trước khi nhảy xuống dòng sông, ta luôn tưởng mình là vận động viên bơi lội kỳ tài. Nhưng đến lúc nào không biết, ta thấy mình chỉ còn là một cành cây khô trôi trên dòng nước lũ. Dù thành đạt hay thất bại ê chề, đến lúc nào đó, trầm tư bên một ấm trà hay trăn trở vì đau nhức trên giường bệnh trong giờ lâm tử, ta bỗng thấy những câu hỏi vụt hiện. Ta có hạnh phúc không? Đời ta vui hay buồn? Ta đang giàu hay nghèo kiết xác? Ta từng bay bổng vui vẻ trên đôi cánh nhẹ nhàng hay lê bước trên đường thiên lý với đôi giày có đế bằng chì?
  • “Có một phố vừa đi qua phố” – những thanh niên “láo lếu” của Đinh Vũ Hoàng Nguyên

    23/03/2014Tất cả những ai từng biết Nguyên qua blog Lão thầy bói già, qua Facebook với nick Đinh Vũ Hoàng Nguyên đều đã kịp chiêm ngưỡng những bức họa tràn trề màu xanh hy vọng của Nguyên, đã kịp say sưa theo dõi những truyện ngắn Nguyên post lên mạng làm nhiều kỳ, lôi cuốn, hồi hộp, cười đau cả ruột mà nước mắt ứa ra lặng lẽ."..
  • Nhốt ngựa vào chuồng hay ta nhốt chính ta

    06/02/2014Lê Ngọc Sơn... thay vì “nhốt ngựa vào chuồng” và giam hãm chính mình, hãy chuẩn bị áo giáp, nắm lấy yên cương, đi về nơi ánh sáng, chinh phạt thử thách, và giành lấy thành công. Tin rằng, chẳng ai trói số phận mình hay muốn sống mãi trong cái chuồng ngựa của cuộc đời. Sự chây ì trong những giai đoạn nhất định chỉ là khoảnh khắc nào đó trong ánh chớp của lịch sử...
  • Hiện tượng “thùng rác văn hóa” trên facebook

    14/01/2014Thùy Ân“Phây” (facebook) đang thống soái, mang niềm vui, nỗi thống khổ, sự bực bõ cho những cá nhân đang hoạt động trong mảng giải trí và những tay viết quanh mảng giải trí, đang ngụp lặn trong “phây”...
  • xem toàn bộ