Đừng làm rối trí người đọc
Hiện nay, nhiều lý thuyết mỹ học và nghiên cứu văn học của thế giới đã được giới thiệu ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người khi giới thiệu các lý thuyết đó đã tỏ ra thiếu cái nhìn hệ thống, cho nên đã trình bày một cách rối rắm, thậm chí sai lệch. Đó là khi người ta đề cập đến các lý thuyết liên quan đến người đọc.
Đúng là hiện nay người ta đang quan tâm đến người đọc. Nhưng như thế không có nghĩa là tất cả các lý thuyết hiện đại đều đề cao người đọc, và càng không phải là những lý thuyết liên quan đến người đọc thì tiên tiến và ưu việt hơn các lý thuyết khác. Chính vì hiểu một cách mơ hồ về các lý thuyết văn học hiện đại cho nên có nhiều người đã quá đề cao vai trò của người đọc và viện dẫn nhiều lý thuyết không phải là đặc trưng về người đọc để biện hộ cho quan điểm sùng bái người đọc của mình. Ví dụ có người đã hiểu sai về giải thích học (còn được dịch là thông diễn học), đồng nhất nó với chủ nghĩa hậu cấu trúc, dẫn đến việc cổ xuý cho quan điểm đề cao người đọc trong việc tháo dỡ văn bản để cùng tham gia vào quá trình sáng tạo tác phẩm mà theo họ đó là quá trình tìm kiếm “nghĩa kiến tạo”. Nhưng thực chất thì giải thích học là gì?
Phương pháp giải thích học là một phương pháp có xuất xứ từ một khoa học trong thần học: nó có nhiệm vụ giải thích các văn bản thánh kinh. Phương pháp giải thích học hiện đại trong nghiên cứu văn học chính thức được hình thành và phát triển từ những năm 1960, với đại diện tiêu biểu là nhà triết học người Đức Hans-Georg Gadamer (1900-2002).
Nhưng ngay từ thế kỷ XIX, các nhà triết học người Đức mà đại diện là Friedrich Schleiermacher và Wilhelm Dilthey cũng đã phát triển một lý thuyết giải thích học được gọi là giải thích học cổ điển: hai người cho rằng việc đọc hiểu một văn bản tác phẩm là một quá trình tái thiết về mặt tâm lý; nghĩa là, người đọc phải tái lập được dụng ý nguyên gốc của tác giả. Theo quan điểm này, văn bản là sự biểu hiện tư tưởng của tác giả, và người lý giải phải tìm cách đặt mình vào “tầm nhìn” của tác giả để sống lại hành vi sáng tạo.[1]
Kế thừa quan điểm bản thể luận của M. Heidegger, Gadamer phát triển một lý thuyết giải thích học hiện đại với công trình Chân lý và phương pháp(1960), trong đó ông trình bày quan điểm về một phương pháp lý giải văn bản tác phẩm văn học căn cứ vào bối cảnh lịch sử thời đại của chủ thể giải thích. Từ đó ông quan niệm lịch sử văn học phải là một “lịch sử của sự tác động văn học”.[2]Đồng thời ông cũng đưa ra một luận điểm quan trọng cho rằng sự “dung hợp” giữa “tầm nhìn” của chủ thể giải thích với “tầm nhìn” của tác phẩm sẽ tạo thuận lợi cho việc phát hiện chân lý. Chủ thể giải thích phải thực hiện một sự đối thoại với tác phẩm. Như vậy, luận điểm chủ chốt của Gadamer là muốn hiểu tác phẩm thì phải tìm hiểu hoàn cảnh lịch sử ra đời của tác phẩm; phải tìm hiểu tác phẩm trong mối quan hệ ràng buộc giữa bộ phận và tổng thể của tác phẩm – tức là muốn hiểu tổng thể thì phải hiểu bộ phận và ngược lại; sau đó ta sẽ tiến hành đánh giá sự tác động của tác phẩm đến hiện thực lịch sử.
Trong khi đó ở Hoa Kỳ, nhà mỹ học Eric Donald Hirsch lại tán đồng quan điểm giải thích học cổ điển trước đây của Schleiermacher, là quan điểm chủ trương giải thích văn bản phải nhằm vào việc tìm hiểu dụng ý của tác giả. Qua hai công trình chủ chốt của mình là Tính lôgic của sự giải thích (1967) và Mục đích của sự giải thích(1976), Hirsch cho rằng tác giả văn bản văn học có vị trí cao hơn người đọc, và thành tựu của tác giả là ngang bằng với dụng ý của anh ta. Do đó nhiệm vụ của người đọc là phải tìm hiểu được dụng ý đó. Hirsch nhắc nhở chúng ta rằng truyền thống của giải thích học đã có cội nguồn từ việc giải thích thánh kinh, cho nên chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy lý thuyết giải thích học của ông có xu hướng muốn coi tác giả là Thượng Đế. Quan điểm cực đoan của Hirsch có thể dẫn đến một thái độ độc đoán cứng nhắc trong nghiên cứu khoa học, bóp nghẹt óc sáng tạo của sinh viên, làm cho họ chán nản và thậm chí có thái độ sợ hãi và đối phó.[3] Xu hướng cực đoan đề cao tác giả của lý thuyết giải thích học như vậy tất yếu sẽ dẫn đến một xu hướng phản ứng cực đoan ngược lại: đề cao người đọc, đặc biệt là xu hướng của chủ nghĩa hậu cấu trúc.
Chủ nghĩa hậu cấu trúc (hay cấu trúc phân giải) được hình thành còn là do phản ứng của chính những nhà cấu trúc luận có chủ trương đổi mới chủ nghĩa cấu trúc bằng cách cải cách cái tư tưởng giáo điều cứng nhắc của nó về trật tự ổn định của các sự vật.
Nếu như chủ nghĩa cấu trúc sử dụng ngôn ngữ học để tìm ra mối quan hệ trật tự ở bất cứ lĩnh vực nào, thì chủ nghĩa hậu cấu trúc sử dụng ngôn ngữ học để lập luận rằng tất cả mọi trật tự trên thế giới đều được dựa trên một sự mất trật tự đặc trưng chủ yếu trong ngôn ngữ và trên thế giới, mà sự mất trật tự này không bao giờ có thể bị chế ngự bằng một cấu trúc hoặc bằng một mã ngữ nghĩa nào đó. Ngay từ đầu những năm 1960, khi chủ nghĩa cấu trúc đang còn thịnh hành ở phương Tây, thì đã xuất hiện một phong trào phản kháng chống lại nó. Phong trào này ít quan tâm đến việc tìm hiểu xem các hệ thống vận hành như thế nào, mà nó quan tâm đến việc chúng có thể bị dỡ bỏ như thế nào để cho các nguồn năng lượng và tiềm năng của chúng có thể được giải thoát và được sử dụng cho việc xây dựng một kiểu xã hội hoàn toàn khác. Nếu như chủ nghĩa cấu trúc, bất chấp những tư tưởng chính trị thiên tả của những người đại diện xuất sắc nhất của nó, về mặt phương pháp luận vẫn mang tính bảo thủ – đó là một chủ nghĩa ủng hộ các cấu trúc ổn định vĩnh hằng, một thứ cấu trúc “cô đặc như một tinh thể” nói theo cách nói của Lévi-Strauss –, thì chủ nghĩa hậu cấu trúc có thể được coi là mang tính cấp tiến một cách hoàn toàn tự giác, nó đòi xét lại các phương pháp mà tư duy duy lý truyền thống thường sử dụng để mô tả thế giới. Nếu chủ nghĩa cấu trúc coi ký hiệu là cửa sổ nhìn ra cái thế giới siêu nghiệm của một trật tự “cô đặc như tinh thể”, của những bản sắc hình thức có khả năng tự duy trì vượt ra ngoài thời gian và ngoài lịch sử, của những mã ý nghĩa mà dường như nằm ngoài mọi khác biệt do những hiện tượng bất ngờ của cuộc sống hàng ngày sinh ra, thì chủ nghĩa hậu cấu trúc cho rằng mọi cấu trúc như vậy chỉ là những chiến lược cai trị và kiểm soát xã hội, là những cách phớt lờ hiện thực chứ không phải là tìm hiểu hiện thực. Chủ nghĩa hậu cấu trúc cho rằng đã đến lúc cần phải tiêu huỷ các ký hiệu, và cùng với chúng là tiêu huỷ luôn cả mọi trật tự ý nghĩa và/hoặc trật tự hiện thực mà nhờ có ký hiệu chúng mới có thể tồn tại.[4]
Trong tinh thần này, và cũng xuất phát từ quan điểm của Saussure cho rằng “giá trị của bất cứ yếu tố nào cũng đều do những yếu tố xung quanh quy định”, đến năm 1970, Roland Barthes trong công trình S/Z của mình đã tuyên bố rằng lý thuyết về một cấu trúc hoàn chỉnh giữa “cái biểu đạt” và “cái được biểu đạt” đã trở nên lỗi thời. R. Barthes chủ trương phá bỏ loại cấu trúc chặt chẽ. Ông cho rằng một cấu trúc không còn chỉ có một ý nghĩa như chủ nghĩa cấu trúc quan niệm nữa, mà cấu trúc có thể có nhiều tầng nhiều lớp ý nghĩa và luôn luôn mở rộng. Như vậy việc đọc một tác phẩm văn học không còn là đi tìm cấu trúc nội tại của tác phẩm, mà là mượn “mã” ngôn ngữ của tác phẩm để phân giải và mở rộng ý nghĩa của nó. Cấu trúc nội tại của tác phẩm chỉ bao hàm hệ thống ý nghĩa thứ nhất, còn hệ thống ý nghĩa thứ hai là do bạn đọc và nhà phê bình thể nghiệm khi tiếp xúc với tác phẩm. Người đọc và nhà phê bình (đặc biệt là nhà phê bình) giải đáp vấn đề của tác phẩm, từ đó lại đề xuất vấn đề mới, cứ như thế, cấu trúc tác phẩm không ngừng vận động và phát triển. Nhiệm vụ của nhà phê bình là phải chủ động triển khai quá trình vận động phát triển này. Và chính Barthes đã viết lại truyện ngắn Sarazine dài 30 trang của Honoré de Balzac, được viết từ năm 1830, để làm thành một truyện mới dài tới 213 trang!
Nhìn chung, chủ nghĩa hậu cấu trúc đã phê phán cái tính chất độc đoán áp đặt của chủ nghĩa cấu trúc. Nó cho rằng chủ nghĩa cấu trúc dường như lấy phương tiện kỹ thuật để quyết định kết quả nghiên cứu, rằng đối với chủ nghĩa cấu trúc sẽ không còn cơ hội cho tính sáng tạo và cho những điều bất ngờ. Ở chủ nghĩa hậu cấu trúc, người đọc được lên ngôi thay chỗ cho tác giả. Người đọc được quyền tự do tạo nghĩa cho tác phẩm, bất chấp khả năng có thể xảy ra việc hiểu và lý giải sai văn bản tác phẩm. Ở đây, vị trí đặc quyền được dành cho sự hỗn loạn [mất trật tự] chứ không cho trật tự. Đó là một xu hướng cực đoan, vô nguyên tắc.
Cùng với Roland Barthes, nhà triết học người Pháp Jacques Derrida (1930-), một trong những chủ soái của chủ nghĩa hậu cấu trúc, cũng đã phê phán kịch liệt cái khía cạnh xây dựng hệ thống ổn định của chủ nghĩa cấu trúc. Cái Derrida muốn chứng minh là tính bất ổn định của ngôn ngữ, và của các hệ thống nói chung. Theo ông, ký hiệu không phải là những thực thể có thể dự đoán trước, và quả thực không bao giờ có một sự kết hợp hoàn hảo giữa cái biểu đạt với cái được biểu đạt để đảm bảo cho một sự thông tin chắc chắn. Có nghĩa là bất kỳ một hành vi thông tin nào cũng có sự “trượt nghĩa” [tiếng Anh: “slippage of meaning”][5], và do đó nó mang tính đa nghĩa và mang tính mở, bất chấp người phát ra thông tin có muốn hay không, và vì thế người đọc (hoặc người nghe) đều có thể lý giải theo nhiều cách khác nhau. Từ quan niệm như vậy, Derrida đã sáng tạo ra một thuật ngữ mới trong tiếng Pháp là thuật ngữ “différance”, một từ có xuất xứ từ từ “différence” [“sự khác biệt”]nhưng lại vừa có nghĩa là “khác biệt” lại vừa có nghĩa là “chần chừ”, “do dự”. Với chữ “a” thay cho chữ “e” trong từ “différence”, Derrida muốn dùng từ “différance” để, như chính ông tuyên bố, “chỉ cái mà trong ngôn ngữ cổ điển có thể được gọi là nguồn gốc hay sự sản sinh ra những sự khác biệt [‘différences’], cũng như sản sinh ra những sự khác biệt giữa những sự khác biệt, một sự chơi chữ đối với từ ‘différence’.”[6] Mục đích của sự chơi chữ này là nhằm minh hoạ cho tính bất ổn định của ngôn ngữ, cũng như cho thấy khả năng sáng tạo vô hạn để sản sinh ra những nghĩa mới và bất ngờ, với sự tham gia của trí tưởng tượng của người đọc. Điều này muốn nói lên tính mơ hồ, vô định của ý nghĩa. Tức là: ý nghĩa ngôn ngữ là một hiện tượng bất ổn, bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi nào cũng có thể áp dụng được thuật ngữ “différance” này.[7]
Như vậy, với quan niệm mở rộng nghĩa đến vô cùng để chống lại quan niệm bó hẹp ngữ nghĩa của chủ nghĩa cấu trúc cổ điển, chủ nghĩa hậu cấu trúc đã chuyển từ cực đoan này sang cực đoan khác, vượt cả giới hạn của lý thuyết hiện tượng học. Tôi cho rằng việc phân tích cấu trúc của tác phẩm văn học là hoàn toàn cần thiết và có ích, nhưng việc nó có một nghĩa hay nhiều nghĩa lại hoàn toàn phụ thuộc vào các dữ liệu của tác phẩm, người đọc và nhà phê bình không thể và không có quyền hạn chế cũng như mở rộng ý nghĩa của nó vượt ra ngoài các dữ liệu của tác phẩm. Đây cũng chính là tinh thần của phương pháp hiện tượng học.
Những điều trên đây cho thấy giải thích học không phải lúc nào cũng đề cao người đọc (thậm chí nó còn đề cao tác giả như chúng ta đã thấy), cũng như giải thích học hoàn toàn không phải là chủ nghĩa hậu cấu trúc. Chúng cũng cho thấy mỗi một lý thuyết chỉ là một cách tiếp cận đối tượng. Mặt khác, mỗi lý thuyết, mỗi phương pháp đều có thể bộc lộ những hạn chế của nó mà những lý thuyết và phương pháp khác có thể bổ sung, chỉnh lý. Không nên lúc hứng lên thì chúng ta đề cao văn bản và từ đó cổ xuý cho chủ nghĩa cấu trúc, đến khi thấy có ai đó đề cao người đọc thì chúng ta lại quay lưng lại chủ nghĩa cấu trúc để tung hô cho chủ nghĩa hậu cấu trúc đến mức coi nó là một cuộc “biến đổi có tính cách mạng” mà không thấy rằng đây là một lý thuyết phá huỷ văn học một cách cực đoan như thế nào! Điều này cho thấy, hơn lúc nào hết, các nhà lý luận và phê bình hãy có cái nhìn hệ thống khi trình bày các lý thuyết, đừng biến việc trình bày lý thuyết thành một trò chơi để rồi kết cục chỉ là làm rối trí người đọc.
(Văn nghệ số 31, ngày 31-7-2010)
[1] Xem Christina Howells, “Hermeneutics”, trong Microsoft Encarta 99 Encyclopedia.
[2] Xem Hans Robert Jauss, Pour une esthétique de la réception, Ed. Gallimard, Paris, 1978.
[3] Xem Robert Scholes, Semiotics and Interpretation, Yale Univercity Press, New Haven and London, 1982, tr. 8-9.
[4] Xem Julie Rivkin và Michael Ryan, “Introduction: ‘The Class of 1968 – Post-Structuralism par lui-même’”, trong Literary Theory: An Anthology (revised edition), edited by Julie Rivkin and Michael Ryan, Blackwell publishers, Malden, Massachusetts, USA, 2001, tr. 334.
[5] Xem Stuart Sim, “Postmodernism and Philosophy” [“Chủ nghĩa hậu hiện đại và triết học”], trong The Routledge Critical Dictionary of Postmodern Thought [“Từ điển phê bình tư tưởng hậu hiện đại Routledge”], edited by Stuart Sim, Routledge Inc., New York, 1999, tr. 5.
[6] J. Derrida, “Différance”, trong Literary Theory..., sđd, tr. 385.
[7] Xem Stuart Sim, “Postmodernism and Philosophy”, bài đã dẫn, tr. 5-6.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn