Về quan điểm đạo đức học của Chủ nghĩa hiện đại

Thạc sĩ triết học, Đại học Duy Tân, Đà Nẵng
01:23 CH @ Thứ Tư - 16 Tháng Chín, 2009

Để làm rõ quan điểm đạo đức học của chủ nghĩa hậu hiện đại, trước hết tác giả đã nói về sự xuất hiện của các thuật ngữ "hậu hiện đại” và "chủ nghĩa hậu hiện đại”. Tiếp đó khi luận giải quan điểm đạo đức học của chủ nghĩa hậu hiện đại qua các đại diện tiêu biểu của nó, tác gỉa đã cho thấy, với những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại, đạo đức không phải là những quy tắc có giá trị lâu dài mà là cảm hứng sáng tạo. Với họ, đạo đức không phải là một cái đã có hệ toạ độ được xác định trước bởi bổn phận hay lương tâm, mà là hành động cụ thể, là phương thức hành động trong đời sống xã hội, là đạo đức học trong hoàn cảnh đầy ắp tri thức, có khả năng đáp ứng được những khách thức của thời đại và đưa cái Cao thượng vào đời sống con người.

Trong vài năm gần đây, các thuật ngữ “hậu hiện đại” (postmodern) và "chủ nghĩa hậu hiện đại" (postmodernisme) đã được nhắc đến nhiều ở Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Nhưng để hiểu rõ nội dung sâu xa, thực chất của chủ nghĩa hậu hiện đại chúng ta không thể dừng lại ở đó, mà thực sự cần phải tiếp nhận nó như một trào lưu triết học phương Tây hiện đại. Với tư cách này, chủ nghĩa hậu hiện đại đã góp phần hoàn thành một trong những nhiệm vụ cơ bản của triết học nói chung là hình thành văn hóa triết học cá nhân hay nhân cách độc đáo. Cách đặt vấn đề như vậy cho phép chúng ta có được cái nhìn từ góc độ đạo đức học về chủ nghĩa hậu hiện đại. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập một vài cách tiếp cận với quan điểm đạo đức học theo chủ nghĩa hậu hiện đại.

Trước hết, “chủ nghĩa hậu hiện đại" nên được xem như một phong trào văn hóa - triết học. Thuật ngữ "hậu hiện đại" lần đầu tiên được ai đưa ra và đưa ra để làm gì - vấn đề này đã gây nhiều tranh cãi trong giới học thuật trên thế giới, nhưng điều rất rõ ràng là, từ năm 1979, khi tác phẩm Hoàn cảnh hậu hiện đại(1) của nhà triết học Pháp - Jean Francois Lyotard (1924 - 1998) ra đời thì “hậu hiện đại” bắt đầu trở thành một thuật ngữ thời thượng trong giới nghiên cứu khoa học xã hội. Lyotard soạn tác phẩm này như một báo cáo thẩm định theo đơn đặt hàng của Hội đồng khoa học thuộc đại học Quesbec (Canada) về việc hoạch định một chính sách lâu dài cho đại học và khoa học ở các nước phát triển trong bối cảnh chịu sự tác động mạnh mẽ của công nghệ thông tin hiện đại. Tác phẩm nhanh chóng mở ra cuộc tranh luận sôi nổi và kéo dài xung quanh hệ vấn đề thế nào là hậu hiện đại. Khái niệm "hậu hiện đại" nhìn chung được sử dụng để nhấn mạnh xu hướng chuyển tiếp của nhân loại sang một thời đại mới. Thời hậu hiện đại được đặc trưng bởi sự gia tăng tính đa dạng văn hóa và sự chối bỏ tư duy toàn thể hóa, thuần nhất. Nói cách khác, văn hóa hậu hiện đại đang ở trong bối cảnh cần xem xét lại sự khủng hoảng của các đại tự sự (grand - narrative) cùng với các quy tắc trò chơi. Nói một cách thật đơn giản, "hậu hiện đại" là sự hoài nghi đối với các đại tự sự. Đó cũng là sự hoài nghi về tính đồng nhất giữa tiến bộ văn hoá và tri thức với tiến bộ kinh tế và về sự nhất thể hoá đạo đức, kinh tế với chính trị. Chủ nghĩa hậu hiện đại xuất phát từ sự không có khả năng về nguyên tắc trong việc nhận thức đời sống xã hội, con người và thế giới của nó như một tổng thể các hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá khép kín. Xã hội tương lai sẽ ít phụ thuộc vào một nhân loại học kiểu như thuyết cấu trúc hay hệ thống, mà phụ thuộc nhiều hơn vào một thực liệu học (pragmaticque) của "các nguyên tử ngôn ngữ". Trong tương lai sẽ có nhiều trò chơi ngôn ngữ khác nhau và đó chính là tính không thuần nhất của các yếu tố, khi chúng chỉ được định hình bằng những mảnh ghép và chỉ có thể tồn tại như những quyết định luận cục bộ. Phương thức nhận thức mà chủ nghĩa hậu hiện đại chối bỏ đưa ra là sự nhận thức như quá trình phản ánh cái phổ biến nhưng lại đòi hỏi phải nhận thấy sự tự trị cá nhân trong mỗi sự kiện, hiện tượng.

Trong điều kiện hậu hiện đại, cái có ý nghĩa chủ đạo là nhận thúc các trò chơi ngôn ngữ tự nó và quyết định gánh vác trách nhiệm đối với các quy tắc và kết quả của chúng, trong đó kết quả quan trọng nhất là việc áp dụng các quy tắc của trò chơi ngôn ngữ. Đó là nội dung cơ bản của đạo đức học hậu hiện đại.

Bất kỳ đạo đức học nào của triết học phương Tây hiện đại cũng quay trở lại với quan điểm đạo đức học của I.Kant như một trong những bộ phận cấu thành có giá trị nhất trong toàn bộ tư tưởng của ông. Bản thân I.Kant cũng luôn tin tưởng đạo đức học có thể được xây dựng như một khoa học chính xác. Các chân lý đạo đức học cần phải được luận chứng một cách độc lập và không phụ thuộc vào chân lý của niềm tin. Và, khác với niềm tin tôn giáo, thứ niềm tin có thể tồn tại trong tính đa dạng, đạo đức học một khi có kỳ vọng trở thành khoa học về các chân lý đạo đức trong hiện thực cần phải mang tính phổ biến, mang giá trị chung cho toàn nhân loại Nhưng ở đây, giá trị chung cho toàn nhân loại mà đạo đức học mang lại phải đồng thời đảm bảo được "sự tự trị của cá nhân" nhờ dựa trên khả năng duy trì sự thống nhất của cái Tôi riêng có của một thực thể lý tính; nói cách khác, cá nhân có thể duy trì định hướng ý chí của mình khi tuân thủ mệnh lệnh tuyệt đối: chỉ hành động theo quy tắc mà khi tuân thủ nó, chúng ta có thể khiến nó trở thành quy tắc chung (2). Rõ ràng, ở đây, tự do đã bắt đầu được trao cho vị thế của cái có khả năng trở thành hiện thực trong lĩnh vực đạo đức học. Đến chủ nghĩa hiện sinh - một trào lưu triết học về đời sống nội tâm của cá nhân và nhân cách độc đáo, tự do đã được coi là tính thứ nhất của hiện sinh lực và hơn nữa, còn xác định thái độ đối với nguyên tắc này là trách nhiệm - trách nhiệm đối với tự do. Chẳng hạn như K.Jaspers đã viết: "Tự do là tài sản quý giá nhất; tự do không bao giờ tự đơn và cũng không tự động mất đi. Con người chỉ có thể giữ gìn tự do ở nơi mà nó được ý thức và con người cảm thấy có trách nhiệm đối với nó" (3). Trách nhiệm ở đây không phải là bổn phận trước một lực lượng xa lạ, Chúa, nhà cầm quyền và thậm chí, cả các chuẩn đạo đức xa lạ. Đơn giản, con người chịu trách nhiệm về bản thân mình, trách nhiệm đối với tự do như là cơ cấu của tồn tại người. Như vậy, cho tới triết thuyết gần với chủ nghĩa hậu hiện đại về mặt lịch đại là chủ nghĩa hiện sinh thì đạo đức học của văn hoá phương Tây hiện đại là đạo đức học cá nhân. Cho tới thời điểm này, các giá trị phổ biến, đạo đức học đám đông, dư luận, truyền thống dường như đã không còn có thể chấp nhận được trong xã hội phương Tây.

Trở lại với đạo đức học hậu hiện đại chủ nghĩa, trách nhiệm không phải trước tiên gắn với tự do, mà gắn với các quy tắc của trò chơi ngôn ngữ. Việc đặt con người vào các trò chơi ngôn ngữ đã làm sáng tỏ bối cảnh văn hoá của chủ nghĩa hậu hiện đại. Khoa học và công nghệ thông tin, truyền thông đã phát triển và thâm nhập vào đời sống con người mạnh mẽ tới nỗi, tồn tại cùng với thông tin, tri thức đã trở thành điểm chính yếu của con người hiện đại. Khi đã ý thức được sự tồn tại của mình nằm trong các trò chơi ngôn ngữ, cá nhân phải nắm rõ trách nhiệm của mình trong việc kiểm soát, tuân thủ và sáng tạo các quy tắc trò chơi. Cần lưu ý rằng, các trò chơi ngôn ngữ không những có quy tắc trong bản thân chúng, mà còn có luật giữa những người chơi. Và, hệ chuẩn đa nguyên của văn hóa hậu hiện đại cho phép chúng ta nói rằng, cùng một trò chơi nhưng ở những địa phương khác nhau, nhóm người khác nhau sẽ tạo ra những "nước đi" khác nhau. Lyotard cũng hướng đến tính chất cạnh tranh, tranh đua của trò chơi, đến mục đích thắng của người chơi, mặc dù ông coi nó không phải là cứu cánh, mà chỉ như một mục đích tự thân của trò chơi. Đây cũng là một trong những tư tưởng đạo đức học hậu hiện đại - sự thầm kín trong các trò chơi cùng với tính cao thượng của nó. Trong trò chơi ngôn ngữ, nguyên tắc ứng xử công bằng là cái rất được coi trọng và về nguyên tắc, xã hội cần phải tôn trọng những trò chơi khác nhau và không được quy giảm chúng vào nhau. Với chủ nghĩa hậu hiện đại, sự đồng thuận là một giá trị rất đáng ngờ, bởi ngôn ngữ là dị biệt và cũng do vậy, không thể có được sự đồng thuận về đạo đức một cách phổ quát.

Với những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại, đạo đức không phải những quy tắc có giá trị lâu dài, mà là cảm hứng sáng tạo. Họ không quan tâm đến việc cảm hứng sáng tạo đó sẽ đưa mình tới đâu, mà quan trọng hơn là thoát khỏi dư luận. Đối với họ, đạo đức không phải là cái đã có sẵn một hệ toạ độ được xác định trước bởi bổn phận hay lương tâm, trong những cảnh huống cụ thể, luôn đòi hỏi con người phải hành động như thế nào. Từ bỏ con đường đã vạch sẵn, những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại đặt mình trước những khả năng mở, chưa từng xuất hiện trong cuộc đời họ và khi đó, với họ, trách nhiệm trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Trong sự chọn lựa ấy, mỗi cá nhân đều phái tuân thủ các khái niệm về sụ không tương dung, sự gián đoạn của quá trình tiến hoá và về tính đa dạng, tính cục bộ, tính khả thể, tính phân đoạn, tính ngẫu nhiên, tính bất định, tính nội tại, tính cao thượng, tính toàn vẹn của những bộ phận riêng lẻ.

Về thực chất, đạo đức học hậu hiện đại chính là đạo đức trong hoàn cảnh đầy ắp tri thức của xã hội hiện đại. Song, liệu sự hiểu biết có làm cho con người sống thiện hơn không? Tranh luận về vấn đề này, Lyotard cho rằng, một mặt, tri thức khoa học không phải là toàn bộ tri thức, bản thân nó luôn xung đột với "tri thức tự sự"; mặt khác, tri thức ngày càng phải hứng chịu sụ tha hóa trong quan hệ với người biết tri thức này. Do vậy, vấn đề hợp thức hóa phải được coi là một tiến trình để qua đó các nhà lập pháp có thể ban bố điều luật này như một quy phạm, còn mọi phát ngôn khoa học thì đều phải tuân theo nguyên tắc là thỏa mãn một tập hợp các điều kiện để sao cho có thể được coi như một phát ngôn khoa học và người diễn ngôn có thể đưa ra các điều kiện đó. Với quan điểm này, chủ nghĩa hậu hiện đại đã phê phán các "đại tự sự" của chủ nghĩa hiện đại và coi đó chỉ là những câu chuyện mang tính chất thần thoại của một nền văn hóa tự kể về niềm tin và hành động thực tiễn của mình và do vậy, dễ bị lạm dụng để che đậy những sự đối lập và bất ổn đối với mọi liên kết xã hội cũng như trong thực tiễn hành động. Bối cảnh văn hóa mới hình thành buộc con người phải chấp nhận những thách thức của nền công nghiệp tư bản, của phương tiện thông tin đại chúng và cũng sẽ buộc phải tham gia vào quá trình sáng tạo ra những thực tại mới. Bởi lẽ, các "cơ chế siêu tự sự" đã trở nên già cỗi trong việc hợp thức hóa và do vậy, các "đại tự sự" buộc phải tan ra thành các mảng yếu tố ngôn ngữ mang tính tự sự trong khi vẫn còn mang trong mình tính sở thị, tính chỉ thị, tính miêu tả và mỗi thứ này đều chở theo mình những “tri số dụng hành" đặc thù.

Nhân loại chúng ta đang sống ở ngã tư đường, nơi giao nhau của nhiều yếu tố đó, do vậy, chúng ta không nhất thiết phải tạo nên những kết hợp ngôn ngữ có sự ổn định về thuộc tính và những kết hợp ngôn ngữ mà chúng ta tạo nên cũng không nhất thiết phải có sự tương thông với nhau. Trong bối cảnh đó, mỗi cá nhân đều có thể tham gia vào rất nhiều trò chơi, nhiều lần chơi trong cuộc đời mình. Còn tâm thức hậu hiện đại thì được hình thành như một nỗ lực mới nhằm thúc tỉnh con người trước những nguy cơ có thể xảy ra để tiếp tục suy tưởng và kiến tạo những hình thức mới, phù hợp hơn nhằm bảo vệ những giá trị đích thực của thời hiện đại: tự do và khai phóng cá nhân. Với quan điểm này, Lyotard đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, hậu hiện đại không phải là một thời kỳ mới, mà là thời kỳ "viết lại" một số đặc điểm của thời hiện đại, nhất là tham vọng của nó trong việc đặt cơ sở hợp thức hóa phương thức giải phóng toàn bộ nhân loại bằng khoa học và kỹ thuật.

Một số triết gia theo chủ nghĩa hậu hiện đại đã cố gắng đưa ra những giải pháp cho đạo đức học hậu hiện đại. Trong số này, có thể kể đến Zygmunt Bauman với tác phẩm Đạo đức học hậu hiện đại (Postmodern Ethics, Backwell, Oxford 1993). Trong tác phẩm này, Bauman đã phản đối việc đặt đạo đức học trên nền tảng của mọi luật lệ, bởi theo ông, nó sẽ dẫn đến việc giới hạn trách nhiệm đạo đức, khi các luật lệ này trở thành cái mách bảo con người phải làm những gì và làm khi nào, bắt đầu từ đâu và khi nào kết thúc, thậm chí chúng còn cho phép con người có thể dừng lại mỗi khi mà mọi thứ phải thực hiện đã được thục hiện (4). Đối với ông, con đường đạo đức là phi lý; tác nhân đạo đức là cái không thể bị kiểm soát hay bị ép buộc trong đời sống đạo đức; đạo đức là cái gì đó thầm kín, không thể giải thích được và nhất là không bao giờ biến thành những luật định phổ quát. Với quan điểm này, khi trình bày cơ sở đạo đức học của mình, Bauman đã tiến gần với triết gia người Pháp - Levinas, người trình bày quan điểm đạo đức sống vì người khác. Ông cho rằng, sống vì người khác làm cho trách nhiệm trở nên vô hạn, vì người khác không phải là đối tượng có giới hạn được dành cho mục đích của một ai đó, mà là một chủ thể vô hạn, tự do, vô điều kiện. Trách nhiệm này vượt qua những gì người đó đã có thể hoặc không thể làm cho người khác. Nó cũng vượt qua bất cứ hành vi nào mà người đó có thể hoặc không thể phạm phải, giống như thể người đó đã hy sinh vì người khác trước khi hy sinh vì bản thân mình. Điều này cho thấy Bauman không thừa nhận bất kỳ luận cứ chặt chẽ, khoa học nào cho con đường thực hiện đạo đức. Với ông, đó dường như là một điều phi lý mà ở đó, chúng ta phải thực hiện những cam kết đạo đức nghiêm ngặt nhất của mình.

Đạo đức học hậu hiện đại không đặt ra vấn đề nguồn gốc xuất thân, giới tính, tuổi tác,…Với nó không còn các đại tự sự, thay vào đó là các tiểu tự sự mà chủ nhân của chúng là những cá nhân nhỏ bé, yếu đuối nhưng không đơn độc. Những chủ nhân này luôn được đặt trong một mạng lưới các quan hệ phức tạp hơn và năng động hơn bao giờ hết, bởi "dù trẻ hay già, giàu hay nghèo, đàn ông hay đàn bà, con người đều bị đặt vào điểm nút của mạch truyền thông". Sự công bằng luôn tồn tại ở mọi điểm nút của quá trình truyền thông mà trong đó, tính đa dạng không chỉ được phép tồn tại, mà còn được bảo vệ, được cổ suý để rồi liên tục phá vỡ sụ đồng thuận tạm thời. Việc phá hủy này sẽ tạo ra những thực tại mới, với điều kiện là những thực tại ấy không được phép quy về thế giới các vật thể và tiền bạc. Điều này cho thấy đạo đúc học hậu hiện đại không rũ bỏ hoàn toàn những vấn đề của chủ nghĩa hiện đại. Nó cũng phê phán thứ đạo đức của chủ nghĩa sùng bái hàng hoá - tiền tệ, phê phán quan niệm coi "đồng tiền là kẻ thống trị thế giới". Những vấn đề đạo đức nảy sinh do sự tha hoá của con người trong xã hội hiện đại, cùng với những tín điều đạo đức truyền thống cũng đã được chủ nghĩa hậu hiện đại xem xét. Mục đích tối cao mà đạo đức học hậu hiện đại đặt ra là xây dựng cơ sở nền tảng cho một nền đạo đức học mới, nền đạo đức học có thể đáp ứng được những thách thức của thời đại, bổ sung vào đời sống con người những khát vọng và lý tưởng đặc thù - cái Cao thượng mà nhân loại cần hướng tới.

Chú thích:

(1) Tác phẩm này đã được Nhà xuất bản Tri thức dịch ra tiếng Việt, năm 2007 (người dịch: Ngân Xuyên, người hiệu đính và giới thiệu: Bùi Văn Nam Sơn)

(2) Xem: Đỗ Minh Hợp, Nguyễn Anh Tuấn. Đại cương lịch sử triết học phương Tây. Nxb Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh.

(3) K.Jaspers. Mục đích và sứ mệnh của lịch sử. N.Y., 1990, tr.100.

(4) Xem: Zygmunt Bauman. Đạo đức học hậu hiện đại.Backwell, Oxford, 1993, tr.13.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhận biết về chủ nghĩa hậu hiện đại trong nghệ thuật

    14/09/2009Hồ Sĩ VịnhChủ nghĩa hậu hiện đại (post modernisme) xuất hiện cuối những năm 70, đầu tiên là ở Mỹ. Những đồ đệ của khuynh hướng này quan niệm rằng, nghệ thuật cần phải đến với tầng lớp bình dân nhiều hơn, cần những chất liệu "tầm thường - thô nhám", những biện pháp đa thanh, đa sắc, nhiều "sân chơi" và trò giải trí để dễ đi vào lòng người.
  • Đạo đức học & triết lý nhân sinh

    10/08/2009William S. Sahakan& Mabel. Sahakan- Thanh Chân dịchÝ nghĩa triết học của thuật ngữ "Đạo đức học" (Ethics) bao quát một phạm vi rộng hơn nhiều so với nghĩa hạn hẹp của nó trong câu “đạo làm người trong đời” (man on the street) - đạo đức được xét đến trong khuôn khổ chọn lựa cung cách ứng xử....
  • Thế kỷ XX: Từ chủ nghĩa hiện đại đến “chủ nghĩa cổ điển mới”

    02/04/2009Hoàng Ngọc HiếnThế kỉ XX, có sự thâm nhập vào lĩnh vực phê bình văn học (và nghiên cứu văn học) nhiều quan niệm lý thuyết, nhiều thủ pháp của những bộ môn ngoài văn học (triết học, mĩ học và nhiều ngành khoa học khác: xã hội học của Mác, hiện tượng luận của Husserl, những mô hình tâm lý học của S.Freud, C.Jung, cấu trúc luận ngôn ngữ học và nhân học của F. de Chaussure, Lévi Strauss...). Từ đó xuất hiện nhiều điển mẫu, mô thức về văn học...
  • Tự do và trách nhiệm trong đạo đức học hiện sinh

    29/04/2008TS. Đỗ Minh Hợp, Viện Triết họcTrên cơ sở làm rõ tự do và trách nhiệm với tư cách những phạm trù đạo đức cơ bản trong triết học hiện sinh qua việc làm rõ quan niệm của các nhà triết học hiện sinh tiêu biểu về những phạm trù này, tác giả bài biết bước đầu đưa ra những ý kiến đánh giá để đóng góp của triết học hiện sinh trong đạo đức học...
  • Tự do đạo đức của chủ thể trong đạo đức học I.Cantơ

    09/01/2007Vũ Thị Thu LanLuận chứng cho việc giải phóng đạo đức học khỏi mọi sự tư biện siêu hình học là một vấn đề triết học mà I.Cantơ đã đặt ra và giải quyết. Đây được coi là một đóng góp quan trọng của ông cho việc xác định bản chất của tri thức triết học.
  • Chủ nghĩa hậu hiện đại và ảnh hưởng ở nước ta

    22/08/2006Đông LaTinh thần hậu hiện đại đã và đang phảng phất đâu đó trong văn chương Việt Nam cũng là lẽ thường tình, nhưng không có tài, không hiểu biết đến nơi đến chốn mà mê muội bắt chước, thì chỉ làm ra được những bản sao tồi mà thôi...
  • Đạo đức học Cantơ và tư tưởng văn hóa hòa bình

    29/10/2005Vũ Thị Thu LanĐạo đức học Cantơ chứa đựng những luận điểm có giá trị tiền đề cho tư tưởng văn hoá hoà bình mà nhân loại hiện đang hướng tới. Ông đã làm nổi bật tính nhân văn khi xác định "loài người như một" là đối tượng của đạo đức học và con người phải tuân thủ quy tắc ứng xử chung - "mệnh lệnh tuyệt đối". Ông còn đưa ra nguyên tắc về phẩm giá tuyệt đối của cá nhân, đề cao giá trị con người, coi con người là mục đích của đạo đức và góp phần thức tỉnh sự tự ý thức của con người. Đạo đức học Cantơ kêu gọi nhân loại hướng đến những giá trị đạo đức chung, hướng tới nền hoà bình vĩnh cửu. Sự công hiến to lớn đó, ông đã trở thành người đặt nền móng cho nền văn hoá hoà bình - văn hoá của hiện tại và tương lai...
  • xem toàn bộ