Cần dựng lại... người

11:06 SA @ Thứ Năm - 07 Tháng Tám, 2014

Dựng lại người(NXB Trẻ) là tập tạp bút của nhà báo cựu trào Đoàn Khắc Xuyên vừa ấn hành. Nhà báo Đoàn Khắc Xuyên từng viết báo trước 1975, sau này ông đảm nhận các chức vụ Tổng thư ký toàn soạn báo Tuổi trẻ và phụ trách báo Tuổi trẻ Chủ nhật, từ 1997 - 2000 ông làm Tổng thư ký tòa soạn Thời báo kinh tế Sài Gòn.

Từ thời có báo chữ Quốc ngữ đến nay, có lẽ có rất nhiều người hoạt động nghề nghiệp trên lĩnh vực này. Tuy nhiên, phần nhiều những người làm báo còn được người đọc nhớ đến trong thời internet hiện nay, đều là những người "văn báo song toàn". Hiểu một nghĩa nào đó, khi viết báo hay sáng tác văn chương, thì trên tác phẩm của họ đều thấm đẫm chất văn hoặc chuyên chở các giá trị nhân văn bằng phương tiện báo chí. Những người viết báo thuần thông tin thường được ít nhớ sau khi tác phẩm của họ làm xong nhiệm vụ... truyền thông.

Dựng lại người đề cập các câu hỏi thuộc xã hội, văn hóa và tác giả muốn gióng lên hồi chuông (tuy nhỏ) để cảnh tỉnh. Các câu hỏi đó dễ gần mà ai quan tâm thời sự cũng có thể tự vấn: Vì sao cái ác ngày càng lộng hành?; Vì sao đa số nông dân vẫn chưa thể thoát nghèo, thậm chí phải tự tử vì nghèo không lối thoát? Vì sao sự gian dối và giả dối lan tràn?...


Dựng lại người(trang 53) lấy ý từ bài hát Dựng lại người,dựng lại nhà của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đoàn Khắc Xuyên phân tích bài hát của họ Trịnh, đại ý: Dựng lại người quan trọng hơn dựng lại nhà sau cuộc chiến tranh hoang tàn: "Có lẽ vì ông (Trịnh Công Sơn) thấu hiểu nhà thì trước sau gì cũng dựng lại được trong khi những vết thương do chiến tranh (và không chỉ do chiến tranh) gây ra nơi con người thì cần kíp phải băng bó, chữa lành".

Thật vậy, sau mấy mươi năm hòa bình nhưng việc "dựng lại người" vẫn còn đang thực hiện. Khi mà người giết người chỉ vì trộm chó, người tự hào làng mình là siêu chống trộm cắp giữa thời yên bình này..., thì không bình thường chút nào. "Dựng lại người", có lẽ cần kíp hơn bao giờ hết khi mà "thầy trò đánh nhau trên bục giảng" như báo chí phản ánh vừa qua. Và còn nhiều chuyện đau lòng, trái với lẽ thường vẫn đang diễn ra...

Nhà báo Đoàn Khắc Xuyên đặt thêm tựa phụ cho Dựng lại người là "Nhà báo ngẫm chuyện đời". Có lẽ, nhờ "ngẫm chuyện đời" nên những bài báo của Đoàn Khắc Xuyên sống dài hơn một bản tin thời sự, mà chạm đến suy tư thân phận một cá nhân nói riêng và đụng đến số phận một dân tộc nói chung.


Dựng lại người
(Đoàn Khắc Xuyên)

Trong một bài ngắn tựa đề “Làng chống trộm” trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 11 tháng 9 năm 2013 kể chuyện người dân xã Vĩnh Thành, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang cùng với chính quyền địa phương duy trì an ninh trật tự trong xã bằng cách xây dựng bốn cổng rào chống trộm giáp với bốn xã lân cận, mỗi cổng rào có lưới sắt cao khoảng một mét băng ngang mặt đường. Bài báo viết: Khi có trộm, tiếng kẻng vang lên thì người dân bủa vây. Cho dù những tên trộm có ranh mãnh cách nào cũng đừng hòng thoát thân. Vị sãi phó ngôi chùa trong xã tự hào: “Trong là này có nhiều nông dân “mê” chống trộm lắm!”. Đọc xong không vui mà ngược lại, lòng buồn rười rượi. Buồn vì bức tranh không còn thanh bình của đời sống nông thôn hiện nay.

Hiển nhiên, có trộm thì phải phòng chống trộm, nhưng trộm cắp đến mức mà người nông dân thay vì mê trồng trọt, mê chăn nuôi đâm ra “mê” chống trộm thì quả thật nông thôn nước ta bây giờ đã trượt xa khỏi nếp sống hồn hậu vốn có xưa nay. Còn chăng cảnh khách lạ đi qua làng có thể ung dung tấp vào nhà nào đó múc nước trong chiếc lu để trước cửa nhà uống cho qua cơn khát, nếu mỏi đôi chân có thể ngả lưng trên chiếc chõng tre đặt trước hiên nhà lấy lại sức trước khi tiếp tục rảo bước? Chắc là không, khi cảnh bất an bao trùm, không khí thanh bình cũ chỉ còn trong tiếc nuối. Cứ nghĩ đến cảnh dân làng bao vây, đốt xe, đánh chết những kẻ trộm chó liên tiếp xảy ra ngày này qua ngày khác ở các làng quê là lại thấy dâng lên nỗi buồn, nỗi bứt rứt và thắc mắc không nguôi. Từ đâu mà nông thôn hiền hòa xưa nay rơi vào cảnh đó?

Nhưng trước khi lan tràn đến các làng quê thì sự bất an đã khuấy đảo thị thành. Sự hung dữ, độc ác giữa người với người dường như bột phát. Người ta phải dè chừng nhau, sẵn sàng ăn miếng trả miếng nhau khi lòng tin giữa người với người giảm xuống đến mức thấp nhất và sự bất an không biết tự bao giờ đã thấm sâu vào từng tế bào xã hội. Tất nhiên, vẫn còn đó những nỗ lực tự thân của người dân nhằm cứu vãn, duy trì và nhân rộng lòng nhân ái. Vẫn còn đó những thùng nước trà đá miễn phí ở những góc phố, những bữa cơm từ thiện trong các bệnh viện hay những quán cơm 2.000 đồng cho người nghèo, rất nhiều những hoạt động từ thiện do người dân tự khởi xướng từ tấm lòng vị tha của họ. Nhưng vẫn chưa đủ để xua đi nỗi ám ảnh về sự hung ác gia tăng và lòng nhân, tình người tụt dốc trong xã hội, một xã hội lẽ ra phải thanh bình hơn, văn minh hơn vì đã sống ngót 40 năm trong hòa bình.

Ngọn nguồn của cái trạng thái xã hội xuống cấp này nằm ở đâu? Phải tìm cho ra cái ngọn nguồn đó thì mới mong chữa lành tật bệnh của xã hội.

Bỗng nhớ lại một ca khúc của Trịnh Công Sơn và cái viễn kiến hay tầm nhìn (vision) của ông về những gì đặt ra cho xã hội sau chiến tranh, khi hòa bình trở lại trên quê hương. Trong ca khúc Dựng lại người, dựng lại nhà, ông đã đặt nhiệm vụ “dựng lại người” trước cả “dựng lại nhà”, có lẽ vì ông thấu hiểu nhà thì trước sau gì cũng dựng lại được trong khi những vết thương do chiến tranh (và không chỉ do chiến tranh) gây ra nơi con người thì cần kíp phải băng bó, chữa lành. Không trước tiên làm điều đó thì dù ngội nhà có xây dựng lại những người sống trong đó cũng không thể nào tìm được hạnh phúc. Lòng thù hận, sự háo thắng và chủ nghĩa đắc thắng, sự tàn bạo và o ép con người là những vết thương chiến tranh phải ưu tiên chữa lành cùng lúc và thậm chí trước cả khi bắt tay vào tái thiết vật chất. Để thay vào đó là con người tự do, là tình thương, là hòa giải, là lòng nhân ái lên nụ hồng giữa con người. Hãy nghe nhạc sĩ hình dung công việc “dựng lại người” trong hòa bình, sau chiến tranh khốc liệt:


Ta cùng lên đường đi xây lại tự do
Lòng người dân ta xưa hoang vu nay hết buồn lo
(…)
Ta cùng lên đường đi xây lại tình thương
Lòng mẹ ta xưa kia bao la như Thái Bình Dương
Những đứa con lạc dòng mừng hôm nay xóa hết căm hờn
Mượn phù sa đắp trên điêu tàn, lòng nhân ái lên nụ hồng

Phải chăng sự thiếu vắng thanh bình trong hòa bình như ta đang thấy trong đời sống đô thị và cả nông thôn hôm nay, sự thiếu vắng tình thương, lòng nhân ái trong xã hội là bởi sự tái thiết tinh thần cho con người sau chiến tranh, hay như nhạc sĩ nói là công việc “dựng lại người”, đã bị xem nhẹ? Phải chăng xã hội hôm nay đang nếm trải kết quả của công cuộc tái thiết có vật chất mà thiếu vắng tâm hồn, có dựng lại nhà mà chưa dựng lại người?

Là nói con người sống trong hòa bình, không phải trong chiến tranh. Do vậy những tàn tích chiến tranh trong tâm hồn con người vẫn phải tiếp tục xóa bỏ.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bảy bước tới tha hóa

    16/06/2020Vương Trí NhànKhi một đứa trẻ đánh mất của quý gì đó, người ta phải căn vặn hỏi han xem quá trình đánh mất diễn ra như thế nào bởi nghĩ rằng qua đó, giúp cho nó biết tự giữ gìn của cải và từ nay trở đi không đánh mất nữa. Quá trình tha hoá, quá trình tự đánh mất mình ở chúng ta có chỗ khác. Ai cũng chỉ sống một lần trên đời, cái gì mất đi thì vĩnh viễn không lấy lại được nữa...
  • Sự tha hóa của cái Tôi

    16/06/2019Nguyễn Trần BạtỞ một bộ phận lớn của thế giới là khu vực chậm phát triển, hiện tượng cái Tôi tha hóa xảy ra rất phổ biến. Vậy có mối liên quan nào giữa sự tha hóa này với trạng thiếu tự do không? Theo quan điểm của tôi, chính sự thiếu tự do đã khiến cho đời sống tinh thần của con người trở nên mất cân bằng và do đó tạo ra sự tha hóa của cái Tôi...
  • Mối quan hệ giữa sở hữu tư và tha hóa

    26/03/2018Ngụy Tiểu BìnhC.Mác đã không chỉ dùng khái niệm tha hoá để giải thích về sự đối tượng hoá (sự vật hoá) bản chất con người, mà còn dùng nó để chỉ rõ các quan hệ kinh tế tư bản chủ nghĩa cũng như vạch trần sự bóc lột trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Song, C. Mác vẫn chưa có sự phân biệt rõ hai phương thức biểu thị khác nhau của sự đối tượng hoá bản chất chủ thể, đó là: sự tha hoá nội sinh (dị hoá) và tha hoá ngoại sinh (ngoại hoá)...
  • Sự tha hóa của ngôn từ

    30/03/2017Vương Trí NhànTục ngữ Việt Nam có câu "Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo". Hóa ra sự tha hóa tiếng nói ở ta đã bắt đầu từ lâu lắm. Điều cần nói thêm là đến nay trong xã hội hiện đại, khuynh hướng này ngày càng phổ biến.
  • Mặc cảm - Tha hóa - Phân thân trong tâm lý người cầm bút

    13/01/2016Vương Trí NhànỞ nước nào cũng vậy, một dấu hiệu chứng tỏ xã hội trưởng thành là sự phân công lao động được thúc đẩy mạnh mẽ, đi kèm với nó là sự hình thành tầng lớp trí thức chuyên làm công việc sáng tạo. Của cải mà lớp trí thức này giao nộp cho xã hội là những giá trị tinh thần với tất cả sự phong phú đa nghĩa của hai chữ tinh thần. Trong khi có vẻ sống xa nhân dân thì những gì tốt đẹp mà họ làm ra lại gắn liền với nhân dân. A. P. Chékhov còn nói trí thức, đó là lương tâm của nhân dân nữa...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: tha hóa tự nhiên, đáng chê cười

    20/04/2015Vương Trí NhànNước ta, đạo Khổng Mạnh dĩ đức báo oán là chữ nhãn, dĩ tiểu sự đại là chữ trí, ai chết mặc ai không học chữ kiêm ái, dở khôn dở dại cứ giữ đạo trung dung(1), trải mấy ngàn năm vua tôi cha con quan dân thầy trò từ trên chí dưới cứ ở trong phạm vi cái đạo đức ấy đã gây nên một nến văn hóa rất có đặc sắc cho đến ngày nay...
  • Thói hư tật xấu của người Việt : Quan lớn như hạ lưu, Ảo tưởng thoái hóa, trì trệ bất lực

    09/04/2015Vương Trí NhànNghĩ như những người quan cao chức lớn, cửa rộng nhà to, mũ áo đai cân, mày đay kim khánh mà gian tham xiểm nịnh, bất nghĩa vô lương hút máu hút mủ của dân thứ để nuôi béo vợ con...
  • Tiền! đâu là ranh giới giữa sự tha hóa và sức bật?

    24/06/2014Mai LanMột khi cơ chế hoạt động kinh tế - tài chính của nền giáo dục (GD) không minh bạch và thiếu khoa học thì hậu quả nhận được sẽ khôn lường. Nó chính là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, tính công bằng xã hội trong GD bị triệt tiêu và trên hết nó sẽ làm chậm lại sự phát triển của nền GD, dù chúng ta có trong tay hàng núi tiền! – Đó là lời cảnh báo của nhiều nhà nghiên cứu GD...
  • 'Vấn đề của giáo dục Việt Nam là sự tha hóa'

    16/03/2013Hoàng ThùyLấy dẫn chứng về vụ tiêu cực Đồi Ngô (Bắc Giang), Giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng, đây là tiếng chuông cảnh tỉnh về mức độ tha hóa của cả một hệ thống - khi nhiều người cả trong và ngoài ngành giáo dục đã không tôn trọng luật chơi...
  • Cảnh báo sự xuống cấp đạo đức, lối sống trong giới trẻ

    30/11/2010Trần TuấnNhư Báo CAND đã đưa tin,ngày 24/10/2009, tại khu vực trước cổng Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình) xảy ra một vụ đâm chém nhau giữa 2 nhóm thanh niên, hậu quả khiến một sinh viên bị tử vong trên đường đi cấp cứu. Điều đáng nói trong vụ án này chính là việc các đối tượng có liên quan đến vụ án chiếm đa phần là các học sinh THPT có độ tuổi 9X. Vụ việc thêm một lần nữa cảnh báo về sự xuống cấp đạo đức, lối sống của một bộ phận trẻ vị thành niên, học sinh hiện nay…..
  • xem toàn bộ