"Dù muộn cũng phải nói..."
Thế là sau ba mươi năm kể từ ngày mất, "cha đẻ của khoán hộ" - ông Kim Ngọc (1917-1979) - đã được truy tặng huân chương cao quý bậc nhất của Nhà nước ta, mang tên một con người vĩ đại - lãnh tụ Hồ Chí Minh, người mà ông Kim Ngọc đã có vinh dự tháp tùng trên nhiều nẻo đường, thửa ruộng miền trung du đất Tổ...
Cũng giống như lãnh tụ Hồ Chí Minh, hẳn ông Ngọc nghĩ, làm cách mạng là để cho dân được ăn no, mặc ấm, được học hành. Nói đến Kim Ngọc, có lẽ không ít người tự hỏi, vì sao người đi trước thời đại (trong hoàn cảnh lịch sử nước ta) đến hơn hai mươi năm, lại chỉ có học vấn khá thấp (bổ túc lớp 6, lớp 7), chức vụ không thật cao (Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, sau là Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phú)?
Kim Ngọc (1917-1979) là nguyên Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Vĩnh Phú, ông được mệnh danh là "cha đẻ của khoán hộ" mà người ta quen gọi là "khoán mười", "cha đẻ của đổi mới trong nông nghiệp" ở Việt Nam. Ông khởi xướng việc khoán hộ trong nông nghiệp Việt Nam vào thập kỷ 60 của thế kỷ 20, ông đã áp dụng khoán hộ những năm 65-67 làm người dân Vĩnh Phúc khấm khá hơn. Nhưng do không được người cùng thời đánh giá đúng về khoán hộ nên đã bị phê phán, phải làm kiểm điểm tự nhận "có sai lầm trầm trọng trong khoán hộ". 20 năm sau khoán hộ của ông, năm 1988, nghị quyết về khoán hộ của Bộ Chính trị chính thức được ban hành (gọi tắt là khoán 10). Nghị quyết này hoàn toàn dựa trên những kinh nghiệm đúc kết của nhiều tỉnh thành đã âm thầm áp dụng khoán hộ của ông Kim Ngọc. |
Vì sao một vị cán bộ lãnh đạo thuở ấy không muốn chấp nhận cái không khí "hoành tráng", "hào hùng" đầy khí thế của cảnh tượng "Dân có ruộng dập dìu hợp tác" để rồi từ đòi hỏi cấp thiết của thực tế dám tổ chức khoán hộ "chui" cho cả một tỉnh rộng lớn, mà biết trước quá nhiều khả năng mình sẽ bị kết tội mang tư tưởng của những người sản xuất nhỏ, cá thể, tự tư tự lợi, thủ tiêu phong trào thi đua yêu nước trong hợp tác xã, kìm hãm và đẩy lùi cuộc cách mạng kỹ thuật trong công nghiệp...?
Có thể nói, Kim Ngọc không phải là bậc vĩ nhân và ông cũng không quá khác thường, nhưng ông là người được lịch sử chọn để làm một việc "động trời"!
Ông Kim Ngọc đã nghĩ và đã dám làm, bởi từ khi tham gia cách mạng (1939), vào quân đội, và sau này làm đến Bí thư Tỉnh uỷ - vẫn là một người nông dân, giữ được những phẩm chất tốt đẹp nhất của tầng lớp này và ông xứng đáng được gọi là một nông dân cao quý.
Ngay cả tên họ của ông cũng giản dị: Tên thật là Kim Văn Nguộc, con nông dân, lam lũ từ nhỏ, lớn lên đi làm tá điền. Gần như cả cuộc đời gắn với đất đai đồng ruộng, ông thấu hiểu đời sống của người nông dân. Nguyến Trãi từng viết: "Trần thổ đê đầu chỉ tự liên/ Cúi đầu xuống đất mà tự thương mình". Ông cũng thế, suốt bao năm tháng ông luôn cúi đầu xuống đất để thương mình vì chưa làm trọn vẹn được những gì ông muốn cho bà con nông dân bớt đi nghèo đói.
Người xưa thường cẩn thận "cái quan luận định" (đóng quan tài mới kết luận được về một con người). Những tư tưởng và hành động của Kim Ngọc được khẳng định sau hơn hai mươi năm bằng Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị. Năm 1995, ông được truy tặng Huân chương Độc Lập Hạng Nhất, nhiều trường học, đường phố mang tên ông. Nhưng có lẽ những điều đó khi còn sống, dù là người có năng lực trí tuệ, ông cũng không bao giờ có thể tưởng tượng nổi. Người tài, người đi trước thời đại thường gian nan, lận đận.
Nghĩ về việc Kim Ngọc vừa được truy tặng huân chương cao quý, vừa thấy vui, vừa thấy chút se lòng. Không chỉ nghĩ về một tấm huân chương truy tặng - giải Nobel danh tiếng chỉ dành cho những người đang sống là một cách làm rất đúng - mà là một chữ "nếu". Nếu như việc khoán hộ của ông được tiếp tục cho phép kiểm nghiệm, nếu như sau đó được nhân rộng ra cả miền Bắc, nếu như ông được tặng chứ không phải là truy tặng... Nhưng lịch sử có bao giờ chấp nhận chữ "nếu như"!
Được biết, bộ phim truyền hình dài 50 tập "Bí thư Tỉnh uỷ" sắp khởi quay. Đạo diễn Trần Quốc Trọng thường trốn tránh trả lời vì e ngại trắc trở. Với sự kiện tặng huân chương quan trọng này, hoàn toàn có thể yên tâm để "luận định" về con người Kim Ngọc.
Như một ca từ của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: "Dù muộn cũng phải nói...", nói về Kim Ngọc là không chỉ nói về một con người mà là còn nói về một thời, về việc con người phải dám và biết nghĩ, dám và biết làm, và quan trọng hơn là xã hội phải dám và biết chấp nhận những tư tưởng mới, để bớt phải nói chữ "nếu" và tiếc nuối...
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh