Góp đôi lời bàn về tam nông hiện nay
Vấn đề tam nông đến thời điểm này, khi mà công cuộc đổi mới đã đi được chặng đường 22 năm ta mới đặt ra cấp thiết, theo tôi là quá muộn. Song dù muộn vẫn còn hơn không và tôi với cương vị một công dân lâu nay trăn trở với nó, xin góp một đôi lời.
Thực tế cho thấy, nếu lấy mốc Đại hội Đảng VI mà xét thì trong 5 năm đầu đổi mới kinh tế đất nước (1986- 1991) ta chỉ thắng lợi ở lĩnh vực nông nghiệp từ chỗ thiếu ăn Việt Nam đã vươn lên là nước xuất khẩu gạo hàng đầu của thế giới; còn ở các lĩnh vực kinh tế khác dường như chúng ta đã gặp nhiều thất bại:
Thứ nhất, ta đổi mới vấn đề phân phối lưu thông dẫn đến lạm phát phi mã, đổ vỡ tín dụng và đặc biệt hỗn loạn là phong trào đục tường, phá rào để mở cửa hàng buôn bán vòng vo trốn lậu thuế (nhà nhà đục tường chiếm lấy mặt tiền, các cơ quan công sở, trường học cũng phá tường rào xây ki-ốt cho thuê khiến bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác, vô chính phủ).
Thứ hai, ở lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là các ngành cơ khí, khai thác mỏ ta càng đổi mới càng bung bét, dẫn tới kiệt quệ bằng công thức “BAD” nghĩa là các công ty, xí nghiệp đua nhau bán ăn dần vật tư, thiết bị, nguyên nhiên liệu còn sót lại của thời bao cấp để mà tồn tại qua ngày. Trong 5 năm ấy, xã hội xuất hiện một phong trào “Chi chô mếch” khiến công nhân viên chức đua nhau bỏ việc cơ quan đi làm nghề chỉ chỏ mối hàng cho đám “con phe”mua bán vòng vo kiếm hoa hồng… Nhắc lại những sự thật không thể quên thời kỳ đó để ta càng thấm thía một điều đau lòng: Nông dân là người có công đầu đổi mới, nhưng ít được thụ hưởng kết quả đổi mới, thậm chí phải gánh chịu nhiều sự thua thiệt. Có thể nói, từ năm 1992, nhất là từ sau Đại hội Đảng VIII (1996), sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đạt nhiều thành công có phần đóng góp đáng kể của chính sách mở cửa và nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhưng không thể phủ nhận nguồn vốn tích lũy ban đầu cho sự nghiệp ấy (cả về tiền ngoại tệ mạnh và uy tín quốc tế) lại nhờ vào thắng lợi của 5 năm đầu đổi mới trong nông nghiệp mang lại. Lẽ ra trên đà thắng lợi của nông nghiệp, ngay từ năm 1992, chúng ta phải nghĩ ngay đến vấn đề tam nông, hoàn thiện hàng loạt chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Nhìn lại vai trò nông dân trong lịch sử
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác- Lê đều đã từng nói, khâu yếu nhất của chính quyền cai trị ở mọi thời đại, mọi thể chế chính trị đều là nông thôn. Điều này càng đúng với lịch sử Việt
Từ thực tế lịch sử về vai trò người nông dân trong xã hội Việt Nam như vừa điểm trích theo thư tịch cổ và các tộc phả vùng đồng bằng Bắc Bộ, kết hợp tham khảo một số công trình nghiên cứu về văn hóa, xã hội học, lịch sử của Nguyễn Đổng Chi, Đoàn Văn Chúc, Tô Duy Hợp, Trần Ngọc Vương, Nguyễn Quang Ngoc…, tôi thiết nghĩ, ta có thể tóm lược thân phận người nông dân Việt Nam trong tiến trình lịch sử ở 3 cấp độ dân quyền: Thời phong kiến tập quyền (Lý- Trần- Lê- Nguyễn), họ cam chịu thân phận con người Thần dân, chỉ biết ngoan ngoãn chấp nhận quyền lực của vua chúa, còn bản thân không hề được vua ban phát một thứ quyền gì. Thời nô lệ mất nước, họ tình nguyện tự chuyển hóa thành thân phận con người Quốc dân, dám chấp nhận mọi sự hy sinh để giành độc lập cho đất nước, bản thân không hề đòi hỏi một thứ gì về quyền và lợi. Sau Cách mạng mùa thu năm Ất Dậu, lẽ ra người nông dân đã có thể được hưởng thân phận con người Công dân một cách đầy đủ như mọi dân tộc ở các nước văn minh trên thế giới, nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh hết chống Pháp rồi chống Mỹ nên người nông dân một lần nữa vẫn sẵn lòng hy sinh, chấp nhận thêm 30 năm trong thân phận con người Quốc dân. Đáng tiếc, đã 30 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, trong tư tưởng một số người vì nhiều lý do kém thuyết phục cứ muốn níu kéo người nông dân ở mãi thân phận con người Quốc dân, chỉ biết yêu cầu họ hy sinh và đóng góp cho công cuộc phát triển mà đôi khi phớt lờ những đòi hỏi chính đáng về quyền tư hữu, một thứ quyền rất cơ bản của con người Công dân trong xã hội hiện đại. Và đó chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến sai lầm trong chính sách tam nông suốt một thời gian dài.
Sơ lược về hiện trạng nông nghiệp- nông thôn và nông dân 20 năm gần đây
Trước hết nói về nông nghiệp, từ năm 1992, sau thắng lợi của 5 năm đầu đổi mới, nông nghiệp Việt Nam hầu như không có sự phát triển mang tính bứt phá nào đáng kể, thậm chí ở nhiều nơi, nhiều lúc đã có sự sa sút. Đó là thực tế không thể không lo ngại ở một nước vẫn đang còn chiếm 70% dân số làm nông nghiệp. Cần phải nói rõ hơn về cái gọi là thắng lợi trong nông nghiệp giai đoạn 5 năm đầu đổi mới tuy rất to lớn, nhưng thực chất chỉ nhờ vào thay đổi cơ chế quản lý, giải phóng sức lao động ở nông thôn chứ chưa hề có sự tham gia đầu tư bài bản của Nhà nước và cũng rất ít hàm lượng khoa học kỹ thuật đóng góp vào quá trình sản xuất. Vì không nhìn thấy rõ bản chất của vấn đề như vậy nên ta đã sớm ngủ quên trong thắng lợi, lơ là quản lý, thiếu đầu tư cho thủy lợi và nghiên cứu khoa học để cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ chế biến. Năm 2005, tôi cùng nhà văn Minh Chuyên về Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long làm phim tài liệu, rất xúc động trước tài năng và nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ khoa học nơi đây. Họ đã làm hết sức mình cho nền nông nghiệp nước nhà, song lẽ ra họ còn làm được nhiều hơn thế nếu Nhà nước quan tâm đầu tư thỏa đáng. Làm sao ta có thể yên lòng khi miền Tây Nam Bộ so với Thái Lan có cùng điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nhưng họ chỉ trồng 1- 2 vụ/năm, còn ta trồng 3 thậm chí 4 vụ trong năm; giá thành 1 tấn thóc của ta cao hơn họ song chất lượng gạo họ cao hơn, giá trị xuất khẩu 1 tấn gạo của họ cũng cao hơn ta rất nhiều! (giá gạo Thái Lan trước năm 2006 có loại đạt tới 750 USD/tấn so với 260- 280 USD/tấn của Việt
Nông nghiệp bấp bênh thể hiện rõ nhất ở khả năng chống chịu với thiên tai, dịch bệnh còn yếu kém. Cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp phát triển bền vững chưa bảo đảm, từ hệ thống đê sông, đê biển, hệ thống thủy lợi từ công trình đầu mối đến kênh mương, hệ thống giống, bảo vệ động thực vật, thu hoạch bảo quản, cơ sở chế biến. Thiệt hại vật chất do thiên tai, dịch bệnh hằng năm rất lớn, lên đến trên dưới 1% GDP, tác động chủ yếu đối với nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản, trong khi nhóm ngành này hiện chỉ còn chiếm 20% GDP. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản mấy năm nay có xu hướng giảm dần (năm 2000 tăng 7,3%, năm 2005 tăng 4,9%, năm 2007 tăng 4,6%), trong đó nông nghiệp còn giảm mạnh hơn (tương ứng là 5,4%, 3,2% và 2,9%); còn tốc độ tăng giá trị sản xuất chăn nuôi giảm mạnh liên tục trong ba năm nay (năm 2005 tăng 11,4%, năm 2006 tăng 7,3%, năm 2007 tăng 4,6%) và liên tục bị dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng, dịch lợn tai xanh đe dọa. Sản lượng lương thực bình quân đầu người đang giảm dần. Diện tích đất trồng lúa đang giảm mạnh trong khi dân số cả nước vẫn còn tăng lớn. Theo kết quả điều tra tại 16 tỉnh, thành phố về tình trạng đất nông nghiệp bị thu hồi để xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị (KCN, KĐT) vừa được Bộ NN&PTNT công bố, trong vòng 5 năm qua, cả nước đã có hơn 366.000 ha đất nông nghiệp bị thu hồi. Trong khi dân số và nhu cầu lương thực đang ngày một gia tăng, đất nông nghiệp lại đang bị nhiều địa phương thu hồi một cách vô tội vạ. Tình trạng này đã diễn ra trong một thời gian dài đã khiến cho người nông dân nhiều địa phương trong cả nước rơi vào tình trạng không có đất canh tác. Phần lớn số tiền đền bù đất mà người nông dân nhận được, chủ yếu được dùng vào việc mua sắm, xây dựng nhà ở; rất ít người dùng tiền đền bù để đầu tư chuyển sang ngành nghề khác. Điều này đã dẫn đến tình trạng, số lao động dôi dư (nhất là lứa tuổi từ 35-60) tại các địa phương trong cả nước chiếm số lượng rất lớn. Tài liệu nghiên cứu ở Vụ Lao động - việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) năm 2007 cho biết, trung bình mỗi hộ nơi bị thu hồi đất có 1,5 lao động mất việc làm; trong đó, đứng đầu là Hà Tây (35.703 người), Vĩnh Phúc (22.800 người), Đồng Nai (12.295 người)... Theo giải thích của những người có trách nhiệm ở địa phương thì sở dĩ xảy ra tình trạng này là vì số nông dân tại các nơi đó được tuyển dụng vào làm việc tại các KCN chiếm tỷ lệ rất ít do trình độ lao động, tay nghề không đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên gần đây, khi về Phù Chẩn- Bắc Ninh viết bài về những tiêu cực trong thu hồi đất, tôi đã có cơ hội tìm hiểu rõ hơn thực trạng này ở một tỉnh sát kề thủ đô Hà Nội. Từ năm 2001 đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã thu hồi hơn 3.000ha đất nông nghiệp. Theo kế hoạch, đến năm 2010, Bắc Ninh sẽ có tổng số 8 KCN tập trung và việc thu hồi đất chắc chắn sẽ không dừng ở con số trên. Cũng theo dự kiến, đến năm 2015, Bắc Ninh sẽ có 14-15 KCN tập trung và phải thu hồi diện tích gần 8.700ha. Số đất này đã chiếm tới hơn 10% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Thế nhưng chỉ tiếp cận một dự án liên quan đến điểm nóng Phù Chẩn đã thấy ở Bắc Ninh tồn tại nhiều vấn đề sai lầm nghiêm trọng về chính sách tam nông. (Xem bài trên Văn Nghệ Trẻ số 14 và 17+ 18, bộ số năm 2008). Chúng ta không thể công nghiệp hóa bằng mọi giá, thu hồi đất vô tội vạ, bất chấp mọi phản ứng của nông dân như ở Phù Chẩn bởi vì rõ ràng chính quyền cơ sở ở đây đã coi trọng lợi ích nhà đầu tư hơn cả sự sống còn của hơn 8000 nông dân! Mở rộng việc khảo sát ra vài tỉnh khác tôi cũng thấy tình trạng tương tự. Tỉnh Hưng Yên có 53.000 ha đất nông nghiệp. So với năm 2003, giảm khoảng 5.000 ha. Đất nông nghiệp giảm mạnh là do bị thu hồi để làm các KCN, đường giao thông, nhưng nông dân bị thu hồi đất không được đền bù thỏa đáng dẫn đến khiếu kiện vượt cấp triền miên... Thanh Hóa, dù quá trình đô thị hóa công nghiệp hóa tại đây chưa thực sự mạnh mẽ, nhưng hiện tượng thu hồi đất nông nghiệp chuyển sang mục đích sử dụng khác là vấn đề rất đáng quan tâm. Ở các vùng ven đô TP Thanh Hóa, các thị xã như Bỉm Sơn, Sầm Sơn, có rất nhiều hộ dân bị thu hồi hết đất nông nghiệp. Ngay tại làng Tạnh, phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá, Nhà nước cũng thu hồi mất 1/2 diện tích đất nông nghiệp. Khi thu hồi, Nhà nước và doanh nghiệp có hỗ trợ cho các hộ dân mấy chục triệu đồng/ sào Trung Bộ để tìm việc làm, nhưng gần như chẳng có ai tìm được việc làm bằng số tiền hỗ trợ đó. Cũng vì thế, các tệ nạn xã hội phát triển mạnh hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự địa phương. Đảng bộ và chính quyền tỉnh Thanh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 8 khu công nghiệp phục vụ chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa xứ Thanh bao gồm: Lễ Môn, Lam Sơn, Hà Trung, Bỉm Sơn, Vân Du- Thạch Thành, Như Thanh, Hậu Lộc và đặc biệt là khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn. Riêng khu công nghiệp hóa dầu Nghi Sơn đã chiếm hết 1,8 ngàn ha ruộng đất của 12 xã thuần nông, song khi tôi cộng tác với VTV làm phim tài liệu về dự án này chỉ thấy lãnh đạo tỉnh hồ hởi phát biểu về tầm quan trọng của dự án được đầu tư nhiều tỷ USD mà không thấy nói gì về an ninh lương thực và ổn định đời sống cho nông dân 12 xã này sau khi bị thu hồi hết đất nông nghiệp.
Khoảng 3-4 năm lại đây, trong việc thu hồi đất giao cho chủ đầu tư nước ngoài, đáng quan ngại nhất là nhiều vị lãnh đạo địa phương bị mê hoặc bởi mối lợi trước mắt đã dấy lên phong trào ký duyệt vô tội vạ dự án làm sân golf nằm gần thành phố, thị xã làm mất đi diện tích lớn trồng lúa nước tốt nhất. Ai cũng biết sân golf có đặc điểm chiếm đất nhiều, thu hút lao động rất ít và là lao động không có tay nghề. Đối tượng phục vụ của sân golf là những ông chủ nước ngoài đang sinh sống ở Việt
Một hiện tượng mất ruộng canh tác tốt ở các tỉnh, huyện miền núi ít được các nhà quản lý quan tâm và dư luận báo chí đề cập, nhưng với cách nhìn của tôi cũng rất đáng lo ngại. Đó là tình trạng xây dựng các công trình thủy điện vừa và nhỏ tràn lan như hiện nay. Mỗi công trình hồ chứa thủy điện dù nhỏ cũng đều lấy đi hàng chục đến hàng trăm ha ruộng trồng lúa nước ở thung lũng giữa núi và trước núi. Ở các nơi đó, diện tích trồng lúa vốn đã rất khan hiếm, nếu mất đi ngần ấy diện tích là tỷ lệ không nhỏ, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực của đồng bào các dân tộc trong vùng. Mặt khác, nếu không có sự nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng thì việc có quá nhiều công trình thủy điệnvừa và nhỏ sẽ tác động tiêu cực trở lại đối với động thái dòng chảy của các lưu vực sông lớn, đe dọa cả các hồ chứa nước ở các công trình thủy điện lớn quốc gia…
Tôi luôn cảm thấy ray rứt trước lời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi còn sống có lần ông phải thốt lên: “Nông dân của ta đang bị gạt ra rìa khỏi sự phát triển đất nước!” Nói như vậy vẫn còn nhẹ bởi thực tế nhiều địa phương qua tham vọng phát triển công nghiệp và đô thị hóa đã vô tình đẩy nông dân vào chỗ bị bần cùng hóa. Thử hỏi nếu một địa phương chưa hội đủ các yếu tố về nhân lực, vật lực và các yếu tố cần thiết để có thể phát triển công nghiệp, chưa có bài toán cho lối ra của nông dân khi bị thu hồi đất thì liệu có phát triển công nghiệp được không? Và qui hoạch để xây dựng các khu công nghiệp làm gì khi mà vẫn chưa có thể giải quyết được hậu quả từ việc thu đất của nông dân?Với nông dân, có đất coi như là đã sống vì ít nhất họ cũng đủ cơm ăn từ những thửa ruộng của mình. Giờ đây, khi đất canh tác của nông dân bị qui hoạch để làm công nghiệp, trong khi chính quyền địa phương lúng túng và không có hướng đi rõ ràng nào cho người nông dân mất ruộng, những người này ngoài việc chỉ biết cày cấy ra không biết làm gì cả! Không nghề nghiệp, không trình độ! Trong một cuộc hội thảo gần đây ở Tp Hồ Chí Minh, GS Tương Lai dẫn kết quả điều tra vào năm 2006 cho biết, trong 8 xã được khảo sát ở đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và ĐBSCL thì lao động dưới 40 tuổi không còn, hầu hết lao động đều bỏ lên các đô thị để kiếm việc làm. Riêng tại Thái Bình, 45% lao động đã chuyển khỏi nông nghiệp, 200.000 người phải đi làm ăn xa. Lao động trẻ bỏ đi cầu thực nơi xa, chỉ có những người thất thế và phụ nữ phải ở lại. Đó là những lao động không còn cách nào khác nên phải bám lấy nông nghiệp... Nông dân phải rời xa nông nghiệp, nông thôn không chỉ vì nghèo đói mà còn do vấn nạn mất đất nông nghiệp. VN hiện có 4,1 triệu ha trồng lúa, trong đó có 3,4 triệu ha được đầu tư thủy lợi hoàn chỉnh, nhưng mỗi năm có hơn 70.000ha đất trồng lúa đã đầu tư thủy lợi bị mất đi với lý do chuyển mục đích sử dụng. Với việc chuyển đổi mục đích sử dụng này, chưa kể số tiền đã đầu tư thủy lợi bị mất xấp xỉ 7.000 tỉ đồng cho diện tích bị thu hồi đó, hàng loạt nông dân vốn sống nhờ vào nông nghiệp cũng bị mất việc làm. Chẳng hạn tại Bắc Ninh, sau khi ruộng đất bị thu hồi để làm khu công nghiệp, chỉ có 5-6% nông dân dôi dư tìm được việc làm, 94% còn lại chẳng biết xoay xở như thế nào. Trong một đợt kiểm tra mới đây ở Đồng Tháp, các cơ quan chức năng phát hiện có đến 70% sản lượng phân bón bán ra của các đại lý là phân bón giả, được sản xuất bằng cách lấy... đất sét rồi nhuộm màu. Thế nhưng, các địa chỉ bị phát hiện bán phân giả chỉ bị phạt 2 triệu đồng, vô cùng nhỏ so với thiệt hại của nông dân! Vấn đề cá ba sa, cá tra hiện nay như một điển hình về sự bất cập trong qui hoạch, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ngay cả những nông dân bậc trung hoặc giàu chỉ vì năng động, táo bạo trong sản xuất cũng phải gánh chịu nhiều rủi ro bởi khi được mùa, xuất khẩu thuận lợi thì họ bị các doanh nghiệp và tư thương làm cho rớt giá để tước đoạt lợi nhuận; còn khi mất mùa hoặc hợp đồng xuất khẩu gặp trục trặc thì họ bị người ta bội tín, bỏ rơi cho đến lúc phá sản, nhưng Nhà nước không hề có chế tài hay động thái gì bảo hộ cho nông dân. Thế nên mới xảy ra hiện tượng nông dân ở Ban Mê Thuật phá café trồng hồ tiêu rồi lại phá hồ tiêu trồng café, xoay như đèn cù mà dở khóc dở cười!…
Lại bàn tiếp về thực trạng xã hội nông thôn hiện nay.
Vấn nạn nhìn thấy rõ nhất là tình trạng thất học, cờ bạc, lô đề, nghiện hút đang phát triển tràn lan ở các làng quê từ miền xuôi lên cả miền ngược. Điều này xét cho cùng là hệ quả của nền giáo dục ở nông thôn đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Những thành quả rực rỡ về giáo dục trước năm 1975 của đất nước đang bị xói mòn bởi cơ chế kinh tế thị trường và sai lầm trong cải cách giáo dục diễn ra ở thành thị tác hại 1 phần thì ở nông thôn nặng gấp10 lần.
Một vấn nạn thứ hai cũng khá nghiêm trọng và rõ nét là môi trường ở nông thôn đang bị ô nhiễm nặng nề. Tôi không thể hiểu được vì sao với các ông chủ đầu tư nước ngoài thì ta quá dễ dàng cho họ chuyển đổi mục đích sử dụng một diện tích lớn đất canh tác, nhưng với nông dân ở các làng xã ta lại quá chặt chẽ, hà khắc trong việc xét duyệt nới rộng diện tích thổ cư từ đất thổ canh theo từng chu kỳ thời gian hợp lý để giãn dân cho từng hộ có đủ quỹ đất thực hiện mô hình VAC truyền thống. Hơn 30 năm sau chiến tranh, mỗi hộ gia đình cũ nay đã sinh thêm ít nhất 2 thế hệ, có nhu cầu tách hộ, nhưng qũy đất có hạn nên sân, vườn bị thu hẹp, thậm chí mất hẳn, phá vỡ cân bằng sinh thái. Tôi có dịp về làm phim tài liệu ở làng Thổ Hà- Bắc Ninh cảm thấy sững sờ vì nông dân ở đây sống chen chúc đến nghẹt thở trong không gian tù túng, chật hẹp không khác gì phố cổ giữa lòng Hà Nội. Đi khắp các làng quê đồng bằng Bắc Bộ giờ đây tôi khó tìm thấy nhà có sân rộng, vườn cây đủ lớn, ao hồ bị san lấp gần hết và đặc biệt là hình ảnh lũy tre Việt Nam cứ thưa vắng dần. Rác thải và nước thải sinh hoạt không có chỗ tiêu thoát. Ở các làng nghề còn thêm nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sạch và khói bụi thải ra từ các lò than…
Vấn nạn thứ ba, chưa bao giờ trong lịch sử nước ta kể từ Cách mạng mùa thu năm Ất Dậu các tệ nạn mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh, lừa bịp tâm linh và các sinh hoạt phản văn hóa khác lại lan tràn phổ biến, hoạt động công khai ở nông thôn như hiện nay. Đi viết bài hoặc làm phim tài liệu ở nhiều nơi, tôi đã tận mắt chứng kiến vài hiện tượng mất dân chủ trong bầu cử HĐND xã, bầu các chức vụ lãnh đạo cấp thôn, cấp xã diễn ra trắng trợn bằng gian lận phiếu, thủ đoạn đe dọa hoặc mua chuộc cả bằng tiền làm nhức nhối tâm thế cộng đồng làng xã…
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005