Mấu chốt “tam nông”
Mưu sinh là chuyện của muôn đời. Chính quyền muốn bền vững thì phải an dân, tạo điều kiện cho họ làm ăn sinh sống. Mọi sự chuyển hóa, đổi thay không thể “dục tốc bất đạt”, mà luôn phải lấy người dân làm gốc, suy ngẫm kỹ càng xem ai được ai mất nhiều hơn trong những cuộc “con tạo xoay vần”, rồi từ đó mà định hướng chủ trương, chính sách cho thấu đáo.
Xem thế thì câu chuyện “tam nông” đang được bàn thảo đúng là việc nóng bỏng, có tính chiến lược bây giờ. Đất nước hơn 80% là nông dân, phần lớn người thành phố cũng từ nông thôn, nông dân mà ra. Nếu đời sống của hơn 80% dân số không được cải thiện, công cuộc mưu sinh còn trắc trở thì đất nước chưa thể nào “cất cánh“.
Tại sao chính quyền thu đất của dân để làm khu công nghiệp, xây sân golf nhằm tăng nguồn thu, tăng hiệu năng sử dụng đất đai mà nhiều nơi người dân lại bất bình? Tại sao ngày càng nhiều người dân vẫn phải đổ ra thành phố kiếm việc làm, lang thang với hai bàn tay trắng, không nghề cho những công việc không cố định, trong khi chính mảnh đất quê hương họ đang diễn ra những cuộc đổi thay: công nghiệp hóa, khu công nghiệp, nhà máy mới mọc lên? Suy cho cùng nông dân đang đứng ở đâu trong công cuộc “phố hóa” xóm làng?
Chầm chậm nhìn kỹ vào đời sống người nông dân thời hiện đại mới thấu hiểu và cảm thông với bao nỗi lo toan đau đáu. Giá cả tăng, dịch bệnh, thiên tai, người nông dân phải “chịu trận” đầu tiên. Gia sản phơi ra giữa đồng trắng mênh mông, cây lúa, củ khoai bén rễ xuống đất cũng gian nan. Con cái học hành, lo đến tương lai, chi phí lắm khi vượt qua tầm tay. Thế nhưng, có thửa ruộng trong tay, cũng còn cái mà bấu víu. Nay đất lấy làm khu công nghiệp, ôm vài chục triệu đền bù để bó mình vào ở những gian nhà bốn phía bê tông, không vườn, không ruộng, không nghề nghiệp, nỗi lo đắng lòng: làm gì để sống? Có ít tiền đền bù cả đời mơ không thấy, nhưng tiền vào nhà khó, không mở mang cơ nghiệp dài lâu thì họa hay là phúc? Doanh nghiệp đầu tư chỉ nhăm nhăm nhìn vào mảnh đất sinh lời mà không quan tâm đến đời sống người chủ đất. Chính quyền địa phương nhiều khi chỉ say sưa với con số tăng trưởng GDP và nguồn thu ngân sách mà chưa “với” tới chuyện mưu sinh của những nông dân thuần chất giờ không ruộng. Nghịch lý là khu công nghiệp mở ra sáng láng, doanh nghiệp rộn rã mà nông dân lại khốn khó, bị đẩy ra bên lề cuộc canh tân. Không hiếm nơi, nông dân di rời để làm nhà máy điện, nhà máy đã vận hành, điện lên lưới mà những “chủ nhân ông” vẫn phải chịu cảnh đèn dầu, đơn giản vì ngành điện tính thiệt hơn đầu tư đường dây cho những khách hàng ít dùng thì không có lãi.
Con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu của mọi sự phát triển, người nông dân phải là trung tâm của chính sách “tam nông”. Nông nghiệp hiện đại, nông thôn khởi sắc mà nông dân lại khốn khó thì sự phát triển chỉ là bề nổi. Chỉ riêng việc thủ đô phải vất vả như thế nào trong việc giải quyết lao động nhập cư, người làm thuê, bán hàng rong tràn ra hè phố, đủ thấy vấn đề mang tầm quốc gia chứ không chỉ “gói” lại là chuyện của “nông nghiệp, nông thôn”…
Đặt vấn đề “tam nông” lên bàn nghị sự là quyết tâm khai phá nguồn lực tiềm tàng của dân tộc để đi lên hiện đại. “Dĩ dân vi bản”, nông dân là mấu chốt, là trọng tâm của “tam nông”. Mọi chính sách phải hướng đến cuộc sống nông dân khấm khá, để người nông dân phát huy được trí lực của mình, không tụt hậu trong dòng chảy vận hành đi lên của cuộc sống thời hội nhập.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005