Mắc nợ nông thôn
Mình còn mắc nợ nông thôn những gì và phải làm gì để bù đắp cho những mất mát của làng quê Việt Nam trước những đổi thay của thời cuộc...
Tôi hiểu những nỗi niềm của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư khi chị viết về “Tám mươi phần trăm” dân Việt đang sống ở nông thôn: “hễ viết về nông thôn là nói ngay đến cái cơ cực, thiệt thòi, nghèo đói” và: “Tôi nhận ra tám mươi phần trăm dân số Việt Nam, con số này giống như cua óp, nghĩa là có vẻ hùng hồn, to tát vậy chứ trong ruột teo, rỗng không”.
Nhưng không chỉ ở những vấn đề về kinh tế. Đường về quê tôi xưa kia hai bên rợp bóng dừa và dòng mương nước trong xanh, dịu mát. Giờ đây, thay vào đó là trơ trọi những con rãnh đầy rẫy rác thải với vô vàn túi ny lông, xực mùi xú uế. Đập vào mắt là những ngôi nhà xưởng lô nhô khung sắt vừa mọc lên từ ruộng lúa.
Màu xám xịt vô cảm của bê tông đã thay cho màu đỏ thâm trầm của gạch lát đường, lát tường và thay cho cả cái mầu đỏ thẫm cổ xưa của mái ngói truyền thống ngàn năm. Những ngôi nhà bê tông mái bằng nhan nhản mọc lên khắp các làng quê Việt Nam đã ám ảnh tôi nhiều năm nay, giống như nhà văn Đỗ Kim Cuông từng mô tả: “Chúng hăm hở mọc lên giữa cánh đồng lúa xanh giống như những vết sẹo để lại trên đôi má mịn màng của những người con gái mới lớn”. Những ao làng xưa kia nơi chúng tôi từng thỏa sức ngụp lặn mỗi khi chiều về giờ chỉ còn là những vũng nước đen ngòm, đầy muỗi vo ve bay lượn.
Trước đây, mỗi khi bức xúc về tình trạng ô nhiễm và xuống cấp của môi trường đô thị, tôi thường tự an ủi: “Thôi thì cũng vẫn còn nông thôn còn nguyên sơ để làm hậu phương, làm lá phổi xanh nuôi dưỡng sự trong lành cho đất nước”. Nhưng bây giờ, cái môi trường hậu phương đó cũng đang từng ngày bị ô nhiễm với tốc độ chóng mặt.
Nhưng băn khoăn, day dứt hơn cả là những biến chất của văn hóa. Xét về khía cạnh lịch sử, không thể nói gì khác về cái chất “làng xã” của bản sắc văn hóa Việt nam. Những đặc trưng tốt đẹp truyền thống hàng ngàn năm của văn hóa làng xã như “tình làng, nghĩa xóm” ngày càng phai nhạt trong khi những nhược điểm cố hữu về “tầm nhìn hạn hẹp” gắn với những khuôn khổ nhỏ bé của mỗi làng quê thì chưa được cải thiện là bao. Những sản phẩm của thời mở cửa hào nhoáng bề ngoài như xe máy, tivi, quần bò, áo phông tràn ngập đã và đang làm nông thôn Việt Nam vồ vập, ngỡ ngàng và ngơ ngác.
Có lẽ rồi sẽ phải đợi đến hàng chục năm nữa, khi bước chân mệt mỏi của những người nông dân ly hương đã thấm đủ và nếm đủ những bất trắc của đời sống đô thị rồi thì khi đó, cái bản sắc văn hóa làng xã tiềm ẩn trong họ mới lại có dịp trỗi dậy chăng? Đúng là văn hóa của một dân tộc đóng vai trò như bộ gien quy định đặc tính và cung cách phát triển của dân tộc đó. Nhưng văn hóa cũng sẽ biến đổi và chịu tác động ngược lại của cung cách và chính sách phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.
Nông thôn Việt Nam còn cần những người con học thức của mình tích cực đi tìm, đề xuất và thực hiện các giải pháp, chính sách phát triển nông thôn tổng thể thật thông minh để cho nông thôn Việt Nam hiện đại, văn minh nhưng vẫn gìn giữ được cái cốt cách văn hóa của dân tộc Việt. Nếu không được như vậy thì chí ít, các nhà trí thức Việt xuất thân từ nông thôn, cũng đừng bao giờ “mất hút” giữa chốn đô thành phồn hoa để rồi có thể bị “mất gốc” ngay chính trên mảnh đất quê hương mình.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan Đăng