Nông dân nghèo - mối nguy của xã hội
Sau hơn 20 năm đổi mới, lần đầu tiên hiện tượng đầu cơ gạo xuất hiện không chỉ làm giá gạo tăng vọt mà còn tạo nên cú sốc toàn xã hội.
GDP của công nghiệp tăng khoảng 20% đầu những năm 1990 lên 40 % trong những năm gần đây, trong khi GDP của nông nghiệp, từ 38% giảm còn khoảng 20%. Tốc độ đô thị hóa diễn ra khá mạnh mẽ nên chỉ trong vòng 15 năm, dân số đô thị từ 20% tăng lên 27%, dân số nông thôn từ 80% giảm còn còn 72%.
Vẫn là xã hội nông dân
Tuy nhiên, cho đến năm 2006, nông dân vẫn là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội Việt Nam. Có tới 72% dân số sống ở nông thôn và gần 70% dân số sống dựa vào nông nghiệp. Vì thế, có thể nói, nền kinh tế Việt Nam về căn bản vẫn là nông nghiệp, và xã hội Việt Nam hiện nay vẫn là xã hội nông dân. Điều đó cho thấy công cuộc đổi mới trong nông nghiệp và nông thôn chưa đạt được những thành tựu căn bản trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế để trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020. Thậm chí nông nghiệp Việt Nam còn thể hiện một xu hướng đáng lo ngại, đó là sự giảm sút về tốc độ tăng trưởng, thể hiện rõ nhất ở khu vực trồng trọt, tức thành phần trọng yếu nhất của nông nghiệp. Chỉ số tăng trưởng của trồng trọt chỉ luôn ở mức 3,2 - 3,3% (năm 2005 và 2006 chỉ đạt 1,4 và 2,7%), trong khi chỉ tiêu là 3,5%.
Mất đất, thiếu đầu tư
Để lý giải cho sự giảm tăng trưởng trong nông nghiệp, các nhà kinh tế đã phân tích những yếu tố được coi là nguyên nhân trực tiếp. Đó là sự giảm thiểu của 300.000 ha trong tổng diện tích 4 triệu ha đất lúa; đó là sự di cư lao động nông nghiệp ra khỏi nông thôn, và sự gia tăng giá nguyên liệu đầu vào... Tình trạng đó phản ánh các chính sách kinh tế vĩ mô đã không đủ sức khuyến khích sự tăng trưởng nông nghiệp, do đó ảnh hưởng đến đời sống nông dân.
Thực vậy, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chính sách đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp đang giảm mạnh. Vốn đâu tư cho nông - lâm nghiệp từ 11,39% năm 2000 giảm còn 7,17% năm 2005. Các ngành kinh tế khác như công nghiệp chế biến từ 19,30% tăng lên 21,56%. Đặc biệt là các ngành vận tải và thông tin có mức tăng đầu tư vốn cao nhất: từ 13,17% lên 16,13%. Trong khi đó, cơ cấu sử dụng lao động lại tập trung cao nhất ở nông nghiệp, chiếm 53,3% (2005), thấp hơn nhiều là công nghiệp, chỉ chiếm 12,9%, và gần như thấp nhất ở ngành vận tải, thông tin, chỉ với 2,9%. Cơ cấu đâu tư vốn không tương xứng với cơ cấu sử dụng lao động, cho thấy chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước hướng tới tăng trưởng hơn là hướng tới sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội. Giá trị sản lượng nông-lâm-thủy sản bình quân của một hộ nông dân chỉ đạt 17.974,900 đồng (3.994,200 đồng/người/năm). Trong khi đó các hộ kinh doanh phi nông-lâm-thủy sản đạt 35.282,900 đồng/ hộ, tức gấp hai lân. Sự chênh lệch đó, đã khiến người nông dân hiểu rằng, trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường, chỉ có đầu tư hay mở rộng đầu tư vào các hoạt động kinh tế phi nông là giải pháp tối ưu để tăng thu nhập. Nhưng do ít có khả năng ấy nên một số lớn nhân công nông thôn đã phải làm thuê trong các hoạt động phi nông. Con số này lên tới 19,26% trong nông thôn, ở đô thị là trên 50%.
Nông dân vẫn nghèo khó
Hiện nay trên 60% số hộ nông dân sống bằng kinh tế hộ gia đình. Các nghiên cứu về nguồn nhân lực nông nghiệp và nông thôn VN cho thấy đa số nông dân hiện vẫn còn thiếu vốn để duy trì sản xuất.Các nhóm nghèo và cận nghèo trong nông thôn thiếu vốn, lao động và kinh nghiệm sản xuất nhiều nhất. Nếu tính mức nghèo dựa trên mức chỉ tiêu dưới 2 USD/ngày, năm 2004, VN vẫn còn trên 50% dân số thuộc diện nghèo. Đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long vẫn có trên 40% số hộ thuộc diện nghèo. Thu nhập từ nông nghiệp ở đa số vùng nông thôn chỉ bảo đảm phần tự túc về lương thực, năm 2003 chiếm khoảng 30% chi phí ăn uống trong gia đình và chiếm khoảng 20% tổng thu nhập gia đình, nếu không tính thu nhập từ chăn nuôi.
Các con tính kinh tế của nông dân đều cho thấy tính hiệu quả của trồng trọt là không đáng kể và thậm chí có thể bỏ qua do điều kiện thời tiết, biến động thị trường, giá vật tư nông nghiệp và nông sản không thuận lợi. Do vậy, thái độ của người dân với ruộng đất cũng bắt đầu thay đổi . Với các hộ khá giả, người ta vẫn nhận ruộng nhưng cho người khác làm (chỉ để giữ ruộng), hoặc vẫn canh tác nhưng thuê mướn từ đầu đến cuối, không cần biết hiệu quả ra sao vì diện tích quá nhỏ. Với các hộ trung bình hay nghèo, đầu tư cho nông nghiệp chỉ ở mức trung bình hay thấp để tránh thua lỗ, còn ưu tiên đầu tư cho các hoạt động phi nông. Kết quả là theo số liệu của Tổng cực Thống kê, trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất của trồng trọt liên tục giảm từ trên 79% năm 1990 xuống còn trên 73% năm 2005 và 2006.
Áp lực vẫn tiếp tục
Sự chuyển đổi nghành nghề với đa số nông dân hiện nay trước quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa là có tính áp đặt, đang đặt ra những vấn đề rất phức tạp. Chính quyền vừa phải thuyết phục người dân đóng góp ruộng đất, chấp nhận đền bù, vừa phải giúp họ chuyển đổi ngành nghề từ nông nghiệp sang công nghiệp hay kinh tế đô thị. Các hộ nông dân ở đây vừa không có kinh nghiệm, vừa không hiểu biết nghề mới và sự quan hệ như ở các làng nghề nên không biết xoay xở ra sao. Nhiều người chỉ biết lấy tiền đền bù để xây nhà, mua phương tiện đi lại và đồ dùng đắt tiền mà không biết đầu tư kinh doanh theo hướng nào. Kết cục là khi hết tiền họ lại trở thành dân nghèo đô thị, thậm chí cực nghèo.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005