Nhà thơ Du Tử Lê của Khúc Thụy Du đột ngột qua đời

10:27 CH @ Thứ Tư - 09 Tháng Mười, 2019

Theo tin từ gia đình nhà thơ của những bài thơ danh tiếng như Khúc Thụy Du, Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời – nhà thơ Du Tử Lê - vừa qua đời cách đây hơn một tiếng tại Mỹ, sau một giấc ngủ...

Trả lời PLO, bà Trần Lê Diệp Khanh (em vợ thi sĩ Du Tử Lê) đang sống tại TP.HCM khẳng định nhà thơ đã qua đời tại nhà riêng. Trước đó nhà thơ từng bị ung thư tá tràng, phổi.


Từ trái qua, nhà thơ Du Tử Lê, nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, và một thân hữu tại Đường Sách TP.HCM trong một sự kiện vào năm 2016. Ảnh: Hòa Bình.

.

Du Tử Lê (Lê Cự Phách) sinh năm 1942 tại Kim Bảng, Hà Nam. Ông là tác giả của 70 tập thơ, văn xuôi. Ông học Đại học Văn khoa Sài Gòn, tu nghiệp báo chí tại Indianapolis, Indiana (1969). Giải thưởng Văn chương toàn quốc tại Sài Gòn năm 1973 (tập Thơ tình Du Tử Lê 1967-1972).

Clip bài hát KHÚC THỤY DU, thơ: Du Tử Lê, nhạc: Anh Bằng, hát: Tuấn Ngọc và Quang Hà

.

Theo Wikipedia: Cho tới nay, ông là nhà thơ châu Á duy nhất được phỏng vấn và có thơ đăng trên hai nhật báo lớn của Hoa Kỳ: Los Angeles Times (1983) và New York Times(1996).[1] Thơ ông cũng đã và đang được đưa vào giảng dạy, làm tài liệu nghiên cứu, đọc thêm tại một số trường đại học Hoa Kỳ và châu Âu.
.
Năm 1998, nhà xuất bản W. W. Norton, New York đã chọn Du Tử Lê vào một trong năm tác giả Việt Nam để in vào phần "Thế kỉ 20: thi ca Việt Nam" khi tái bản tuyển tập World Poetry An Anthology of Verse From Antiquity to Our Present Time (Tuyển tập Thi ca thế giới từ xưa đến nay).
.

Nhà thơ Du Tử Lê (1942-2019)
.
Trong cuốn Understanding Vietnam, tác giả, giáo sư Neil L. Jamieson đã chọn dịch một bài thơ của Dư Tử Lê viết từ năm 1964. Cuốn sách này sau trở thành tài liệu giáo khoa, dùng để giảng dạy tại các đại học Berkeley, UCLA, và Cambridge, London.
.

Ông cũng là nhà thơ có nhiều tác phẩm được phổ nhạc. Trong số đó có nhiều ca khúc nổi tiếng như của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, với "Đêm nhớ trăng Sài Gòn", "Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển", "Quê hương là người đó" ("Xa nguồn yêu thương"), Trần Duy Đức với "Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời", "Em hiểu vì đâu chim gọi nhau", Nguyên Bích với "Hiến chương yêu", Đăng Khánh với "K. khúc của Lê", Anh Bằng với "Khúc Thụy Du", Phạm Duy với "Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau", Hoàng Quốc Bảo với "Người về như bụi", Từ Công Phụng với "Trên ngọn tình sầu"... Từ những ca khúc này, ông đã tuyển chọn để thực hiện 3 CD K Khúc của Lê năm 2001.

Năm 2016, ông về Việt Nam, bắt đầu có mối giao lưu với giới văn chương trong nước. Ở trong nước cũng bắt đầu xuất bản thơ của ông. Đầu năm nay bạn bè văn chương còn thấy ông đi về Việt Nam khỏe mạnh. Vậy nên cái chết của ông gây bàng hoàng, thương tiếc đối với giới văn chương và công chúng.

Chùm thơ Du Tử Lê

.

CHẲNG LỚN LAO NÀO HƠN CÔ ĐƠN

Cảm ơn kỷ niệm nuôi em lớn.
như bóng nuôi hình lúc thiếu nhau.
cảm ơn ngực ấm nuôi thương bạn.
giọt lệ nuôi tình sâu kiếp sau.

cảm ơn xa, vắng nuôi em lớn.
như lá nuôi rừng thuở thiếu niên.
cảm ơn chăn, gối cho mưa, nắng.
quá khứ như người có tuổi, tên.

cảm ơn định mệnh nuôi em lớn.
hạt giống u tình kia, tự tâm.
cảm ơn lênh láng / đêm / da, thịt.
những ngón tay thơm chọn lựa, mình.

cảm ơn thần thánh nuôi em lớn.
như gió nuôi trời lúc bão lên.
cảm ơn núi nhắc sông xa, nhớ.
chẳng lớn lao nào hơn cô đơn.

cảm ơn sách vở nuôi em lớn.
con chữ nuôi người trong giấc mơ.
hồn nuôi rưng rưng từng khối đá.
tôi trầm mình trong em, đời sau.

cảm ơn hiện tại không sau, trước.

.
CÕI TÔI

cõi tôi, cõi nát, cõi tàn
cõi hoang mang, vội, cõi bàng hoàng, qua
cõi vui thân thể cỗi già
cõi lang thang mượn mái nhà hư, không
cõi xanh, cõi lạnh, cõi cùng
cõi con, muốn bỏ, cõi chồng, vợ, xa
cõi em muốn dạt chân về
cõi đau nhân thế, cõi thề thốt, quên
cõi nào, cõi thật ? tôi riêng ?
cõi đêm máu, chảy, cõi thương nhớ, trùng
cõi tôi, cõi mịt, cõi mùng
thôi em có ghé xin đừng nghỉ, lâu
cõi đời đó, có chi đâu!

.
ĐÊM TREO NGƯỢC TÔI DẤU CHẤM THAN!

Mưa chưa đi khuất, ngày chưa tới
đêm, treo ngược tôi: dấu chấm than!
mùa hoen đôi mắt, như vừa khóc
gọi hết tàn phai, gõ một lần.
.
trời đem mây xuống neo chân sóng
gió hú đường bay ngang ngọn cây.
tử / sinh vốn dĩ như hình / bóng.
linh hồn nào còn quẩn quanh đây?
.
nến tôi cháy đỏ mùa chia, biệt
người ghé qua rồi, cũng bỏ đi
những con dế sớm khan, khô tiếng:
cũng tự chôn mình theo tiếng ve.
.
sương nhìn tôi xa dần sớm mai.

.
KHÚC THỤY DU
1.
như con chim bói cá
trên cọc nhọn trăm năm
tôi tìm đời đánh mất
trong vụng nước cuộc đời
.
như con chim bói cá
tôi thường ngừng cánh bay
ngước nhìn lên huyệt lộ
bầy quạ rỉa xác người
(của tươi đời nhượng lại)
bữa ăn nào ngon hơn
làm sao tôi nói được?
.
như con chim bói cá
tôi lặn sâu trong bùn
hoài công tìm ý nghĩa
cho cảnh tình hôm nay
trên xác người chưa rữa
trên thịt người chưa tan
trên cánh tay chó gặm
trên chiếc đầu lợn tha
tôi sống như người mù
tôi sống như người điên
tôi làm chim bói cá
lặn tìm vuông đời mình
trên mặt đất nhiên lặng
không tăm nào sủi lên
đời sống như thân nấm
mỗi ngày một lùn đi
tâm hồn ta cọc lại
ai làm người như tôi ?

2.
mịn màng như nỗi chết
hoang đường như tuổi thơ
chưa một lần hé nở
trên ngọn cờ không bay
đôi mắt nàng không khép
bàn tay nàng không thưa
lọn tóc nàng đêm tối
khư khư ôm tình dài
ngực tôi đầy nắng lửa
hãy nói về cuộc đời
tôi còn gì để sống?
.
hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa
sẽ mang được những gì
về bên kia thế giới
thụy ơi và thụy ơi
.
tôi làm ma không đầu
tôi làm ma không bụng
tôi chỉ còn đôi chân
hay chỉ còn đôi tay
sờ soạng tìm thi thể
quờ quạng tìm trái tim
lẫn tan cùng vỏ đạn
dính văng cùng mảnh bom
thụy ơi và thụy ơi
.
đừng bao giờ em hỏi
vì sao mình yêu nhau
vì sao môi anh nóng
vì sao tay anh lạnh
vì sao thân anh rung
vì sao chân không vững
vì sao anh van em
hãy cho anh được thở
bằng ngực em rũ buồn
hãy cho anh được ôm
em, ngang bằng sự chết
.
tình yêu như ngọn dao
anh đâm mình, lút cán
thụy ơi và thụy ơi
không còn gì có nghĩa
ngoài tình anh tình em
đã ướt đầm thân thể
anh ru anh ngủ mùi
đợi một giờ linh hiển.

.

TRƯỚC KHI THÀNH QUÁ MUỘN.

cảm ơn em yêu dấu!
những ngày sống bên nhau.
em dịu hiền con suối,
theo tôi vào đời sau,
đêm nao rừng tóc, thơ,
bảo dưỡng tôi thuở đó.
.
cảm ơn em yêu dấu!
những ngày sống bên nhau,
em, vui phần khánh kiệt.
những mùa mưa xanh xao,
ta không một mái nhà,
vòng tay em vẫn, biếc.
.
cảm ơn em yêu dấu!
những ngày sống bên nhau,
em, từ tâm. tội nghiệp!
biển. gập ghềnh. vực sâu.
hải đăng. người chói lọi,
soi tìm tôi mỗi khuya.
(môi mím chặt buồn. đau.
miệng vẫn cười. thao thiết!)
.
hôm nay tôi thả tôi
chìm. sâu. trong mắt ấy.
.
hôm nay tôi bảo tôi
cách gì rồi cũng hết!
hãy cảm ơn cuộc đời:
- em và tôi, đã một.
.
yêu dấu, ngay phút này,
tôi ngỏ lời ơn em
trước khi thành quá muộn!

.

KHI TÔI CHẾT HÃY ĐEM TÔI RA BIỂN

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đời lưu vong không cả một ngôi mồ
vùi đất lạ thịt xương e khó rã
hồn không đi, sao trở lại quê nhà
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
bên kia biển là quê hương tôi đó
rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi
cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối
biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi
những năm trước bao người ngon miệng cá
thì sá gì thêm một xác cong queo
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
cho tôi về gặp lại các con tôi
cho tôi về nhìn thấy lệ chúng rơi
từ những mắt đã buồn hơn bóng tối
.
khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
đời lưu vong tận huyệt với linh hồn /.

(12-1977)

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhà thơ Dương Soái và câu chuyện 'Gửi em ở cuối sông Hồng'

    05/02/2019Hoa ChanhXuất hiện trong trường quay Giai điệu tự hào, nhà thơ Dương Soái - tác giả bài thơ Gửi em ở cuối sông Hồng đã có những chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của bài thơ mang tâm hồn người lính và sự biết ơn với cố nhạc sĩ Thuận Yến khi biến bài thơ thành một tác phẩm âm nhạc bất hủ đi cùng năm tháng...
  • Lưu Quang Vũ – nhà thơ khát khao hòa bình *)

    24/08/2018Giang NamNhà phê bình Phạm Xuân Nguyên vẽ ra một Dáng đứng Lưu Quang Vũ “Người nổi gió. Người đập cửa. Người mở cửa”. Anh là nhà thơ nhân dân, nhà thơ yêu nước – danh hiệu cao quý nhất chỉ dành cho rất ít người...
  • Nhà thơ Nguyễn Duy nói về đề thi văn: Để đừng đánh mất tiềm lực

    27/06/2018Nhà thơ Nguyễn DuyBài thơ Đánh thức tiềm lực của nhà thơ Nguyễn Duy được đưa vào đề thi quốc gia cho các bạn trẻ tuổi 18 khiến nhiều người mừng vui vì cho rằng đề thi sẽ khơi gợi tinh thần công dân...
  • Nguyễn Lộ Trạch - nhà cải cách, nhà thơ

    29/05/2018Mai Cao ChươngNguyễn Lộ Trạch (1853 - 1898) là nhà cải cách có tên tuổi ở nước ta vào cuối thế kỉ XIX .Tác phẩm của ông chứa chan lòng ưu thời mẫn thế, niềm phẫn uất đối với sự ươn hèn bất lực của triều đình nhà Nguyễn và một tinh thần tự nhiệm rất cao của người trí thức đối vận mệnh của đất nước...
  • Bài thơ Nếu của nhà thơ Rudyard Kipling

    10/05/2016Nếu (tiếng Anh If) – là bài thơ nổi tiếng nhất của Rudyard Kipling sáng tác năm 1895 và in năm 1910 trong cuốn Phần thưởng và tiên (Rewards and Fairies), gồm truyện và thơ. Bài thơ này nằm trong truyện Chiến hữu giày vuông (Brother Square-Toes). Theo kết quả thăm dò dư luận của đài BBC năm 1995, bài thơ này được coi là bài thơ tiếng Anh hay nhất mọi thời đại...
  • Trả lại tên cho một nhà thơ tiền chiến đất Thăng Long

    02/09/2010Hoàng Thư NgânTôi cầm trên tay tập thơ “Hương sắc Yên hòa” do phường Yên hòa-quận Cầu giấy xuất bản nhân kỷ niệm 10 năm thành lập CLB thơ (1995-2005). Không có gì đáng nói nhiều về tập thơ này, vì nó cũng như bao tập thơ khác sinh ra từ rất nhiều câu lạc bộ thơ tương tự ở các phố phường Thủ đô gần đây, nếu không có phần 2 của tập thơ nhan đề: “Hương xưa”(trang 187). Thoáng một chút thú vị , vì trong phần này có nhắc đến một người mà tên đã trở thành tên một đường phố của Hà nội : “Hoa-Bằng”...
  • Nhà thơ Lê Đạt: Người lạc quan ngoan cố

    20/03/2008Sưu tầmSau hơn một tháng rét đậm, rét hại kỷ lục thế kỷ, Ngày Thơ Việt Nam 2008 bỗng rực nắng bất ngờ, như một minh chứng cho sức sống vượt mọi thử thách của thơ Việt. Minh chứng thứ hai, lão tướng thơ Lê Đạt, chân bước cà nhắc vào tuổi bát tuần, vẫn có mặt làm rộn một góc sân Văn Miếu - Hà Nội với tiếng cười "lạc quan” ngoan cố rất đặc trưng...
  • Nhà thơ Lê Đạt và Tình U75

    20/03/2008Hữu ViệtTuổi 80 “lão tướng” Lê Đạt lại tiếp tục lên đường vào trận thơ mới có tên gọi “U75 từ tình” (NXB Phụ Nữ, 2007). Có lẽ để giúp bạn đọc khỏi phải vắt óc đoán trận chữ rất biến hóa của mình ngay từ cách đặt tên tập thơ, ông đã dành phần phi lộ để định nghĩa từ tình...
  • Hai vợ chồng nhà thơ

    01/01/1900Đỗ Thanh- Anh chỉ là người thường, chứ không phải thiên tài. Hiểu chưa?
    - Hiểu, nhưng tại sao em lại nói thẳng ra cái điều đó? Phải chăng anh không có quyền mơ ước?
    - Em mệt mỏi lắm rồi.
    Đừng khóc nữa, em yêu! Anh tin vào thiên tài của mình nhưng anh chưa nói điều đó với mọi người.
  • Trò chuyện với nhà thơ Lão Thực

    09/12/2006Vũ Ngọc TiếnCó một thời ấu trĩ, hễ ai nhắc đến Hiện sinh còn bị chuốc vạ vào thân, đã kìm hãm sự phát triển văn học Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ XX. Đáng tiếc, bước vào đổi mới, có một số người, để tỏ ra mình cấp tiến hơn các bạn viết, đã cố gồng cây bút lên cho có vẻ Hiện sinh, mà có khi Hiện sinh là gì họ còn chưa hiểu hết, sách Hiện sinh chắc gì đã đọc cho nghiêm túc. Ngược lại, có không ít người lại tỏ ra dị ứng, ác cảm với Hiện sinh. Triết học nào lập ra cũng vì con người, hướng dẫn con người đi tìm đến cội nguồn của hạnh phúc...
  • Nhà thơ trong thiên văn học

    11/10/2006
  • Nhà thơ - người thợ lành nghề hay nhà tiên tri?

    08/09/2005Những lý thuyết về thơ từ những thời kỳ xa xưa đều xoay quanh ý niệm nhà thơ như người thợ thủ công khéo léo, như nhà tiên tri đầy cảm hứng, hay như một sự kết hợp thế nào đó của cả hai. Trong thế giới cổ đại, từ “thơ” nguyên nghĩa là “chế tác”, và bao gồm mọi hình thái sáng tạo sinh sôi của con người – chế tác những cái hũ cũng như chế tác những bài thơ. Nhưng nó sớm mang ý nghĩa nghệ thuật “chế tác” văn chương, sự trình bày có tính chất tưởng tượng về hành động, tính cách, và cảm xúc con người – thông qua từ ngữ. “Sự chế tác” như vậy bao gồm những tác phẩm kịch, ...
  • xem toàn bộ