Lênin hay Stalin làm cho Liên Xô tan rã?
Chính Lênin mới là người đã làm cho Liên Xô tan rã
Đọc bài “Stalin là người đã làm cho Liên Xô tan rã” của Peter Rutland và Philip Pomper do Phạm Nguyên Trường dịch đăng trên Bauxite Việt Nam, tôi sực nhớ đến một cuốn sách rất thú vị, được xuất bản ngay sau ngày nổ ra cuộc Cách mạng Tháng Mười với tiêu đề “Mười ngày rung chuyển thế giới” của John Reed, một nhà nghiên cứu xã hội học người Mỹ, người đã có mặt trong những ngày bão táp của Cách mạng Tháng Mười. Cuốn sách được dịch ra tiếng Việt từ năm 1960 và được tái bản năm 1977.
Điều đặc biệt gây ấn tượng với tôi, là trong cuốn sách đó đã trích dẫn những văn kiện quan trọng cảnh báo Lênin về sự tan rã của Nhà nước Xô-viết, và họ đã dự báo, sự tan rã đó được manh nha ngay từ trong mô hình tổ chức Nhà nước của Lênin: Ngay từ những ngày đầu tiên ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, hàng loạt nhà lãnh đạo của các đảng cộng sản đã phê phán đường lối của Lênin và dự báo sự sụp đổ của Nhà nước Xô-viết. Chẳng hạn, các Ủy viên Hội đồng Dân ủy của Lenin như Noguin, Rưkov, Miliutin, Teodorovitch, Shliavnikov đã ra văn bản tuyên bố:
“Chúng tôi tán thành một chính phủ xã hội gồm mọi đảng phái xã hội. Chúng tôi cho rằng chỉ có một chính phủ như vậy mới có thể củng cố được những thành quả to lớn do giai cấp công nhân và quân đội cách mạng giành được trong những ngày tháng 11 vừa qua. Ngoài chính sách đó ra, chúng tôi chỉ nhìn thấy có một khả năng, là duy trì một chính phủ hoàn toàn bolshevitch bằng chính sách khủng bố chính trị. Hội đồng Dân ủy đã đi theo con đường đó. Chúng tôi không thể và cũng không muốn đi theo họ. Chúng tôi nghĩ rằng con đường đó sẽ dẫn tới sự loại trừ ra khỏi sinh hoạt chính trị những tổ chức vô sản lớn, thiết lập một chế độ vô trách nhiệm và đưa cách mạng và nước nhà tới chỗ bị tiêu diệt. Tự thấy không thể chịu trách nhiệm về một chính sách như vậy, chúng tôi xin từ chức Ủy viên nhân dân trước Ủy ban Xô-viết toàn Nga” [[1]].
Đồng thời, Kameniev, Rưkov, Miliutin, Zinoviev và Noguin đã có thư xin rút khỏi Ban chấp hành Trung ương Đảng [[2]]:
“Chúng tôi nghĩ rằng, thành lập một chính phủ như vậy (gồm tất cả các đảng xã hội) là cần thiết để tránh một cuộc đổ máu mới, tránh nạn đói đe doạ… Chúng tôi không thể nào chấp thuận chính sách tai hại của Trung ương, chính sách chống lại ý nguyện của đại đa số giai cấp vô sản và binh lính, là những người mong muốn hòa bình giữa các nhóm khác nhau của nền dân chủ, và không muốn có đổ máu nữa. Bởi vậy, chúng tôi từ bỏ chức vụ Ủy viên Trung ương để được quyền nói ý kiến của chúng tôi với quần chúng công nông và binh lính… Chúng tôi rời Ban chấp hành Trung ương giữa lúc thắng lợi, giữa lúc đảng của chúng tôi lên nắm chính quyền, bởi vì chúng tôi không thể chịu đựng được lâu hơn nữa và đứng nhìn chính sách của những người lãnh đạo trong Ban chấp hành Trung ương dẫn chúng tôi đến chỗ mất những thành quả của cách mạng và dẫn đến chỗ tiêu diệt giai cấp vô sản”.
Sau này (1935), Trosky cũng đã dự báo sự sụp đổ của Nhà nước Xô-viết của Stalin. Ông viết: “Những người Leninist đã không thể bảo vệ chế độ Xô-viết khỏi tan rã và rơi vào chế độ quân chủ”. Và “Sự sụp đổ của chủ nghĩa Stalin là điều có thể đoán trước được và nó sẽ là sự trừng phạt đích đáng cho hàng loạt tội ác chống lại giai cấp công nhân thế giới [[3]].
Rosa Luxemburg, một nhà lý luận Marxist, nhà triết học xã hội người Đức gốc Ba Lan-Do Thái cũng có nhiều ý kiến về nền độc tài Xô-viết của Lênin [[4]], trong đó gây tranh luận nhiều nhất là hai tác phẩm “Vấn đề tổ chức của Đảng Xã hội Dân chủ Nga” (1904) và “Bàn về cách mạng Nga” (1918).
Trong bài này, bà mạnh dạn phê phán quan điểm sợ giới trí thức có ảnh hưởng nguy hiểm tới phong trào vô sản và phê phán cách tiến hành “chế độ dân chủ tập trung tàn nhẫn” là “chủ nghĩa tập trung cực đoan”, kết quả “Ủy ban trung ương trở thành hạt nhân tích cực thật sự, còn tất cả các tổ chức khác chẳng qua chỉ là công cụ chấp hành của trung ương mà thôi.”
Năm 1918, khi đang ở trong tù, bà viết bài “Bàn về cách mạng Nga”. Bản thảo chưa hoàn tất này đưa ra những ý kiến mạnh mẽ phê bình Đảng Cộng sản Bolshevich Nga, chủ yếu nói đảng này đã đối lập chuyên chính với dân chủ, nhấn mạnh chuyên chính mà thủ tiêu dân chủ.
Bà viết: chuyên chính vô sản là “chuyên chính của giai cấp chứ không phải là chuyên chính của một đảng hoặc một tập đoàn. Đó là chuyên chính thực hành dân chủ không hạn chế... tiến hành công khai với mức độ tối đa, được quần chúng nhân dân tham gia một cách tích cực nhất và không bị ngăn trở.”Bà luôn cho rằng bản chất của xã hội XHCN là ở chỗ đa số quần chúng lao động không còn là quần chúng bị thống trị mà là người chủ toàn bộ đời sống chính trị kinh tế của mình, làm chủ một cách có ý thức trong sự tự do, tự quyết.
Về dân chủ XHCN, Rosa Luxemburg bao giờ cũng liên hệ nó với khái niệm tự do và dùng khái niệm ấy để giải thích. Trong “Bàn về cách mạng Nga”, bà viết: “Tự do bị hạn chế thì đời sống công cộng của nhà nước sẽ khô khan, nghèo nàn, công thức hóa, không có hiệu quả. Đó là do thủ tiêu dân chủ mà bịt mất nguồn của mọi tài sản tinh thần và sự sôi nổi trong đời sống”.
Bà viết: “Cùng với sự áp chế đời sống chính trị của cả nước, đời sống Xô-viết nhất định sẽ ngày một tê liệt. Không có bầu cử, thiếu vắng ngành xuất bản không bị hạn chế và sự tự do hội họp... thì đời sống của bất cứ tổ chức công cộng nào cũng dần dần bị tiêu diệt, trở thành đời sống không có linh hồn, chỉ có tầng lớp quan liêu vẫn là nhân tố hoạt động duy nhất”.
Bà vạch rõ, phải cảnh giác với việc chuyên chính vô sản diễn biến thành “sự thống trị của một tập đoàn nhỏ”, “chuyên chính của một nhóm nhà chính trị”, “chuyên chính trên ý nghĩa thống trị của phái Jacobin”.
Bà cảnh báo: nếu cứ để tình trạng đó phát triển thì nhất định sẽ dẫn đến “sự dã man hóa đời sống công cộng”, gây ra sự cưỡng chế, nỗi sợ hãi và nạn tham nhũng, sự “suy đồi đạo đức”.
Rõ ràng, sự sụp đổ của Nhà nướcXô-viết đã được cảnh báo và dựa trên nền độc tài theo mô hình tổ chức Nhà nước của Lênin và càng được khoét sâu thêm bởi sự dã man hóa đời sống công cộng của Stalin.
Lời dẫn của bản dịch “Mười ngày rung chuyển thế giới” cũng cho biết, năm 1919 Lênin đã đọc John Reed một cách hứng thú và đã viết thư cổ vũ Nhà xuất bản ở Mỹ và không có ý kiến gì bác bỏ những sự kiện về lời cảnh báo của những nhà cách mạng cùng thời với ông.
[1]John Read: Mười ngày rung chuyển thế giới, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1960, Bản dịch tiếng Việt của Đặng Thế Bính và Trương Đắc Vỵ, tr. 336 (đã đối chiếu bản tiếng Anh).
[2]John Read: Mười ngày rung chuyển thế giới, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1960, Bản dịch tiếng Việt của Đặng Thế Bính và Trương Đắc Vỵ, tr. 337 (đã đối chiếu bản tiếng Anh).
[3]Trotsky: Stalin đã đánh bại cánh tả như thế nào? Báo Sự thật, Tháng 11/1935, http://www.marxists.org/vietnamese/trotsky/1935/11/taisao.htm
[4] Xem: http://en.wikipedia.org/wiki/Rosa_Luxemburg
Stalin là người đã làm Liên Xô tan rã
Peter Rutland và Philip Pomper
Hai mươi năm sau cuộc đảo chính làm tan rã Liên Xô, cần phải trở lại với câu đố về sự cáo chung bất ngờ của nó. Nhân vật nào phải chịu trách nhiệm nhiều nhất về sự sụp đổ của Liên Xô? Câu trả lời thường là nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev (đối với những người theo phái tự do) hay Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (đối với những người bảo thủ). Nhưng trên thực tế, chỉ có một nhân vật xứng đáng được quan tâm mà thôi: đấy là Josef Stalin.
Stalin thường được người ta mô tả như là một thiên tài độc ác nham hiểm, người đã lợi dụng sự kém cỏi của phương Tây và sự hiện diện của Hồng quân ở Berlin vào năm 1945 nhằm mở rộng đế chế Xô Viết vào sâu trong lãnh thổ châu Âu.
Trên thực tế, sự phóng chiếu sức mạnh của Liên Xô vào Trung Âu là sai lầm chiến lược, đã đưa nhà nước Xô Viết đến chỗ diệt vong. Stalin chấp nhận hoàn toàn luận cứ của Vladimir Lenin, cho rằng chủ nghĩa đế quốc là “giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản”.
Điều này có nghĩa là còn tồn tại thì chủ nghĩa tư bản còn tìm cách bành trướng bằng những cuộc chiến tranh đế quốc và chinh phục lãnh thổ. Để bảo vệ Liên Xô trước cuộc tấn công như thế, Stalin quyết định giữ lại những đội quân khổng lồ ngay cả trong thời bình và đầu tư nhằm bảo đảm an ninh cho một dải đất rộng lớn ở Đông Âu, coi đấy là vùng đệm trước những cuộc đột kích trong tương lai.
Nhưng tư duy chiến lược của Stalin là tư duy cổ lỗ. Trong những thập niên sau năm 1945 đã không hề có một cuộc tấn công đế quốc chủ nghĩa nào. Việc triển khai tên lửa đạn đạo xuyên đại dương có gắn đầu đạn hạt nhân làm cho chiến tranh giữa các siêu cường trở thành phi lý. Hơn nữa, não trạng đế quốc chủ nghĩa đã tự tan vỡ sau những vụ tắm máu liên tiếp trong Thế chiến I và Thế chiến II. Trong suốt thập kỷ sau năm 1945 các đế chế ở châu Âu rơi vào tình trạng phân rã, còn Mỹ thì không quan tâm tới việc xây dựng đế chế hay khởi sự những cuộc chiến lớn trên bộ nữa.
Như vậy là, Stalin đã bảo vệ mình trước mối đe dọa không tồn tại nữa và ông ta đã biến Liên Xô thành đế chế đa sắc tộc trong thời đại khi mà việc xây dựng đế chế đã trở thành lỗi thời và chủ nghĩa dân tộc đang ngày càng có thêm sức mạnh.
Những người bảo vệ Stalin - ở nước Nga đương đại hiện vẫn còn nhiều người như thế - mô tả ông ta là nhà lãnh đạo có con mắt nhìn xa trông rộng, người đã cứu Liên Xô khỏi cuộc tấn công của chủ nghĩa quốc xã. Họ biện hộ cho những đau khổ mà nhân dân Liên Xô phải chịu đựng dưới thời Stalin, coi đấy là giá phải trả cho quá trình công nghiệp hóa đất nước một cách nhanh chóng và bảo đảm an ninh cho quốc gia trước kẻ thù – hai điều kiện tiên quyết hằm bảo đảm cho các công dân một tương lai tươi sáng. Nhưng trên thực tế, Stalin đã rơi vào bẫy của những giả định cổ lỗ sỹ của thế kỷ XIX về tính chất của chiến tranh và bản chất của quyền lực trong hậu bán thế kỷ XX.
Medvedev phát biểu hôm 9/5/2010 ở Quảng trường Đỏ. Ảnh Reuter.
“Bất cứ ai cũng có quyền đánh giá Stalin theo cách của mình, nhưng quan điểm của chính phủ Nga là rõ ràng, Stalin đã phạm những tội ác chống lại nhân loại và điều này là không thể tha thứ được, dù dưới sự lãnh đạo của ông ta, đất nước đạt được một số thành tựu”.
Trong khi tìm cách bảo vệ mình trước chủ nghĩa đế quốc phương Tây, Stalin lại đưa nước Nga vào con đường tự hủy diệt. Liên Xô đã è cổ gánh khoản ngân sách quân sự quá lớn, ngốn ít nhất cũng khoảng 25% GDP và phải triển khai mấy triệu binh sĩ để kiểm soát những khu vực thuộc địa ở Đông Âu.
Trước khi Thế chiến II kết thúc, Stalin đã sát nhập các nước vùng Baltic, Moldova và Tây Ukraine vào Liên Xô. Đa số tuyệt đối dân chúng những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng này không muốn trở thành một phần của Liên Xô, thậm chí sau này những nhà lãnh đạo cộng sản của các nước đó cũng có những tình cảm như thế. Nếu Stalin không khăng khăng sát nhập các nước vùng Baltic mà để cho họ đi theo con đường của Phần Lan – tức là độc lập với Nga từ năm 1918 – thì có khả năng là những cố gắng cải cách của Gorbachev trong giai đoạn perestroika đã thu được thắng lợi rồi. Như đã thấy, công cuộc cải cách của ông ta đã chệch hướng vì những cuộc bạo loạn mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa ở các nước vùng Baltic và khu vực Caucasus. Hơn thế nữa, việc Gorbachev sẵn sàng chấp nhận sử dụng bạo lực một cách có giới hạn nhằm đè bẹp những người có tinh thần dân tộc chủ nghĩa ở Liên Xô, từ Azerbaijan đến Lithuania, đã làm cho những lực lượng dân chủ ủng hộ Boris Yeltsin rời bỏ liên minh cải tổ.
Gorbachev được trao Huân chương Nobel Hòa bình vào năm 1990 vì ông đã tự nguyện lãnh đạo công cuộc giải tán đế chế Xô Viết ở Đông Âu một cách hòa bình. Nhưng quyết định quan trọng nhất về việc không sử dụng quân đội Liên Xô nhằm bảo vệ khối cộng sản thì không phải là của Gorbachev, được đưa ra vào năm 1988, mà là của Yury Andropov, được đưa ra vào năm 1981. Đối mặt với phong trào Đoàn Kết ở Ba Lan, chủ tịch KGB lúc đó là Andropov đã thuyết phục Tổng bí thư Đảng Leonid Brezhnev rằng đưa quân vào Ba Lan, tức là lặp lại các sự kiện ở Praha năm 1968, sẽ chỉ có hại cho Liên Xô – đấy là chưa kể quân đội đang bị sa lầy ở Afghanistan. Các lãnh tụ cộng sản Ba Lan phải tự giải quyết lấy công việc của mình – chủ yếu dựa vào thiết quân luật, điều này đã giúp họ giữ được chính quyền thêm vài năm nữa. Năm 1988 Gorbachev chỉ làm một việc là công khai tuyên bố chính sách đã có hiệu lực trên thực tế từ năm 1981 mà thôi.
Các cường quốc phải thích ứng với những đặc tính luôn thay đổi của hệ thống thế giới, đấy là nói nếu họ vẫn muốn dẫn đầu. Các nhà lãnh đạo phải lo trước thiên hạ chứ không thể chỉ dựa mãi vào những thành tích của quá khứ. Cả các chính khách lẫn các viên tướng đều không được đánh mãi cuộc chiến đã qua. Trong những lựa chọn chiến lược của mình, Stalin đã mắc chính cái sai lầm mà người ta thường mắc như thế. Ông ta tưởng là sẽ còn một Thế chiến II nữa và sẽ còn một hiệp đấu nữa trong trận xung đột mang tính đế quốc chủ nghĩa. Những người kế tục ông ta cũng như hai thế hệ người Nga đã phải trả giá quá đắt.
Peter Rutland là Giáo sư về Quản lý nhà nước của Đại học Wesleyan University ở Middletown, Connecticut. Philip Pomper là tác giả cuốn: Lenin’s Brother: The Origins of the October Revolution.”
Nguồn: Stalin Caused the Soviet Collapse
Phạm Nguyên Trường dịch
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý