Diệt phát xít - Bài ca ghi đậm dấu ấn lịch sử
Nhạc sĩ Phan Thanh Nam, tham gia cách mạng từ năm 1945, lúc tròn 18 tuổi. Nhớ về những ngày cách mạng hào hùng của dân tộc cách đây 59 năm, ông viết cho Báo Người Lao Động về ca khúc này.
Anh là nhà văn nhưng thực ra ở mọi lĩnh vực nghệ thuật, Nguyễn Đình Thiđều có mặt với nhiều tác phẩm có giá trị đích thực. Riêng đối với âm nhạc, ít nhất đã có 2 bài hát mà suốt hơn nửa thế kỷ nay hầu như không bao giờ vắng trong đời sống xã hội: Diệt phát xítvà Người Hà Nội. Hai bài hát không chỉ đã đi vào lịch sử của nghệ thuật âm nhạc mà còn ghi đậm dấu ấn lịch sử của thời kỳ tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám và những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Ở đây, tôi muốn nói riêng về bài Diệt phát xítmà giai điệu bài hát đã trở thành nhạc hiệu trên Đài TNVN từ hơn 50 năm qua.
Ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt
Nhớ lại những năm đầu thập kỷ 40 thế kỷ qua, phát xít Nhật đặt chân lên Đông Dương, cấu kết với thực dân Pháp áp bức bóc lột nhân dân ta. Nhưng đến ngày 9-3-1945, để trừ mối họa bị thực dân Pháp đánh sau lưng, giặc Nhật làm đảo chính độc chiếm Đông Dương. Ngay khi đó, Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng chủ trương thay đổi khẩu hiệu ‘ ’Đánh đuổi phát xít Nhật-Pháp’’ trước đây bằng khẩu hiệu “ Đánh đuổi phát xít Nhật”, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, tích cực chuẩn bị giành chính quyền toàn bộ. Trong lúc đó, nạn đói ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trở nên khủng khiếp. Hai triệu người đã ngã gục - hậu quả thảm khốc của chính sách bóc lột và gây chiến của Nhật - Pháp. Đảng ta phát động quần chúng phá kho thóc giải quyết nạn đói, cứu sống hàng triệu đồng bào.
Chính trong bối cảnh đó, bài Diệt phát xítra đời. Tác giả lúc bấy giờ được giao nhiệm vụ phụ trách Báo Độc Lập, in và phát hành bí mật. Bài hát viết xong tuy chưa được in nhưng được phổ biến nhanh chóng vì đáp ứng đúng nguyện vọng của dân chúng phải đứng lên tiêu diệt phát xít giành quyền sống.
Chất hành khúc hào hùng và nét trữ tình bi tráng
Bài hát còn thể hiện tình cảm thiết tha yêu đất nước. Ngay vào đầu bài hát đã bao hàm đầy đủ hai tính chất: chất hành khúc kêu gọi dõng dạc theo tiếng kèn đồng thúc giục (Việt Nam). Tiếp ngay sau đó là nét nhạc trữ tình da diết và bi tráng được lồng trong một tiết tấu có nhiều động lực (Bao năm ròng rên xiết lầm than). Nét nhạc trữ tình này được nhắc lại nhiều lần và mỗi lần lại được mở rộng ý theo từng cấp độ phát triển.
Đã đến ngày trả mối thù chung
. . .
Dưới bóng cờ đỏ ánh vàng sao
...
Ôi đất Việt yêu dấu ngàn năm
Cảm xúc yêu thương và da diết pha lẫn xót xa và căm giận vì đất nước bị giày xéo càng được nhấn mạnh. Sau mỗi lần trình bày xong một ý nhạc, để kết thúc, tiếng hát lại vút trào lên như khẳng định một sự thúc bách phải tiến lên hành động:
Đồng bào tuốt gươm vùng lên
...
Giành lại áo cơm tự do...
Trong chất hào hùng có cả chất bi tráng và ở đây thêm nữa cùng với tính khái quát cao, lại có những nét cụ thể phác họa qua lời ca bộ mặt của phát xít: cướp thóc lúa, cướp đời sống, nhà tù, trại giam, nhục hình... Vì thế, càng căm thù lại càng phải đứng lên “ diệt phát xít, giết bầy chó đê hèn...” Tác giả mắng thẳng vào mặt kẻ thù, nhưng khi hát lên, người ta cảm thấy lòng hả dạ chứ không hề thấy sống sượng.
Trong bản sáng tác đầu tiên, hai tiếng Việt Nam ở đoạn kết được nhắc lại ba lần đều cùng ở một cao độ. Tình cảm yêu thương Tổ quốc lắng lại, âm ỉ cháy trong lòng. Nhưng sau ngày cách mạng thắng lợi, một số anh em ở Hội Khuyến nhạc Hà Nội lúc bấy giờ đã nâng cao nét nhạc khi nhắc lại lần thứ hai như bản đang dùng hiện nay. Với cách xử lý này, tình cảm được biểu hiện ra ngoài, thanh thoát, dạt dào hơn. Phải chăng nó đã phù hợp với sự phấn chấn của con người khi cách mạng thắng lợi?
Lần công diễn đầu tiên
Vào cuối tháng 7 đầu tháng 8-1945, Nguyễn Đình Thi đi dự Đại hội Văn hóa Cứu quốc ở Tân Trào nên không về được Hà Nội trong ngày khởi nghĩa.
Ngày 17-8-1945, một cuộc mít tinh lớn ủng hộ Việt Minh của Tổng hội Viên chức được tổ chức ở quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội. Khi lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên phấp phới ở tầng ba của nhà hát, trước đông đảo quần chúng tụ tập, bài Tiến quân cavang lên. Tiếp đó, một thanh niên xung phong hoạt động trong một tổ chức bí mật ở nội thành nhảy lên bục hát bài Diệt phát xít trước loa phóng thanh. Đây là lần đầu tiên bài hát được chính thức trình bày trước quảng đại quần chúng lôi cuốn hàng vạn người tiến lên giành chính quyền. Sau ngày độc lập 2-9, dàn nhạc kèn đồng do nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên chỉ huy đã cử hành bài hát mở đầu cho Tuần lễ vàng.
Nhà văn - nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi giờ đây đã đi xa song bài ca Diệt phát xítvẫn còn đó và sống mãi trong lòng dân tộc.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá