Định chế hóa để ứng phó trước SREB

10:22 SA @ Thứ Ba - 28 Tháng Bảy, 2015

Căng thẳng trên Biển Đông ngày càng tăng cùng lúc với việc Trung Quốc triển khai “Vành đai Kinh tế Con đường tơ lụa” (SREB) đòi hỏi phải “định chế hóa” cả 5 biện pháp trong mô thức P&DOWN. Kiến nghị đưa ra nhằm xây dựng giải pháp tổng thể nhằm đối phó lâu dài với SREB. Chúng ta đã có Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, có chính sách hội nhập toàn diện, có chủ trương nhất quán đối với việc tham gia TPP, RCEP, AFTA-PA. Từ nay, cần tiếp tục đẩy mạnh dân chủ hóa, gấp rút điều chỉnh triết lý “an ninh mới” và chủ trương rõ ràng/nhất quán hơn về các cấp độ triển khai cuộc chiến pháp lý, cuộc chiến truyền thông trong đó có việc tiếp cận Tòa Trọng tài quốc tế và thúc đẩy COC...


"Con đường tơ lụa" thế kỷ XXI của Trung Quốc

Trong các kịch bản hiện nay về căng thẳng biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc, giới nghiên cứu nêu lên ba tình huống có thể xẩy ra trong những năm tới: Một, chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ; hai, chiến tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam; và ba, Trung Quốc bất chiến tự nhiên thành; Điều này có nghĩa là Trung Quốc cứ tiếp tục theo đuổi chính sách “tằm ăn dâu” trên Biển Đông và Việt Nam cứ tiếp tục nhẫn nhịn, cho đến một lúc nào đó, họ có được tất cả những gì họ muốn mà không cần gây chiến tranh. Cả ba tình huống ấy đều là những kịch bản xấu đối với ta. Tình hình “bồi đắp”, “thổ hóa” đảo của Trung Quốc đang vào hồi cao trào thì dư luận lại tiếp tục dấy lên về sáng kiến “Con đường tơ lụa” của Trung Quốc, viết tắt bằng tiếng Anh là SREB.

SREB (Silk Road Economic Belt) = Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa là một sáng kiến đúp, hay còn gọi là sáng kiến kép, bao gồm “Con đường Tơ lụa mới” (NSR) và “Con đường Tơ lụa trên Biển của Thế kỷ 21” (MSR). Các nhà hoạch định chính sách của nhiều nước đều đang đứng trước các nan đề không dễ dàng tìm lời giải. Một mặt, họ thấy khó cưỡng lại sức hút của “đại dự án” này, vì nó được quảng bá như một dự án kinh tế-thương mại. Mặt khác, không thể không nhận ra tham vọng truyền thống cũng như tính đơn nhất và ý đồ “chính trị hóa” của Trung Quốc thông qua hệ thống NSR&MSR. Độc chiếm Biển Đông và SREB có liên quan chặt chẽ với nhau. Để đối phó cùng lúc với cả việc Trung Quốc gây hấn trên biển đảo lẫn triển khai dự án “Con đường tơ lụa”, một Việt Nam tự cường chỉ có thể tránh một trong ba kịch bản bất hạnh nói trên bằng cách tiếp tục “định chế hóa” các nỗ lực được khuyến cáo từ cách đây mấy năm trước, thông qua pe-rơ-đam P&DOWN[2]. Cụ thể:

1) Củng cố/tăng cường hệ thống đối tác với bên ngoài (Partnership);

2) Đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa trong nước (Democratisation);

3) Kết hợp cuộc chiến pháp lý với cuộc chiến truyền thông (COC);

4) Xây dựng cách tiếp cận minh triết để “định chế hóa” mọi nỗ lực (Wisdom) và

5) Tận dụng tối đa mạng lưới tự do hóa thương mại khu vực lẫn toàn cầu (Networking) để ra với thế giới.

1) Bồi đắp hệ thống đối tác (P) để “trị bình”

- Trung Quốc đang theo đuổi một chiến lược dựa trên những nguyên tắc rất khác biệt so với tư duy thông thường. Triết lý cơ bản đằng sau chiến lược này có thể được tìm thấy trong Binh pháp Tôn Tử. Đó là ý tưởng “không đánh mà thắng” (Theo TS. Alexander Vuving[3]).

- Trước mắt, căn cứ vào những hình ảnh vệ tinh mới chụp được vào hôm 10/6/2015, các tàu hút cát của Trung Quốc tiếp tục tăng cường hoạt động, chuyển từ bồi lấp khu vực vành đai đảo nhân tạo sang san lấp những “lỗ hổng” bên trong để tạo thành những hòn đảo hoàn chỉnh. Động thái này khiến các nước lo ngại rằng chương trình “xây đảo” lớn nhất thế giới của Trung Quốc – với hơn 800 hecta đất đá đã được bồi lấp trên các bãi đá ngầm suốt cả năm qua – cuối cùng sẽ có kích thước lớn gấp 5 lần hiện nay.

- Theo TS. Patrick M. Cronin, Giám đốc Cấp cao tại Tổ chức Tư vấn Trung tâm An ninh mới của Mỹ (CNAS), Trung Quốc đang hành động với tốc độ khủng khiếp để tạo bàn đạp mở rộng ảnh hưởng trên khắp Biển Đông. Với những đảo nhân tạo này, Trung Quốc đang dịch chuyển phạm vi kiểm soát của mình từ 12 độ vĩ bắc xuống 10 độ vĩ bắc. TQ đã từ “bối đắp” nay chuyển sang “kiên cố hóa” và “thổ hóa”.

- Trước tình hình khu vực và quốc tế phức tạp như vậy, cần phải tính đến các chủ trương an ninh mang tính linh hoạt cao. Để đối phó với việc Trung Quốc đã ngang nhiên thay đổi hiện trạng về địa lý và an ninh trên Biển Đông, giờ đây, Việt Nam chỉ còn cách phòng thủ/ngăn chặn, vận động dư luận không cho Trung Quốc lấn chiếm tiếp và không để Trung Quốc dùng các căn cứ trá hình để kiểm soát/khống chế các đảo của mình. Không một nhiệm vụ nào trong các nhiệm vụ cấp bách này Việt Nam có thể thực thi đơn độc, một mình. Trước đây, Việt Nam từng có các triết lý an ninh như “hai phe bốn mâu thuẫn”, rồi “ba dòng thác cách mạng”… Tất cả triết lý ấy do những đảo lộn nhanh chóng của tình hình, buộc phải thay thế bởi đường lối “đa dạng hóa, đa phương hóa” và “hội nhập toàn diện” (Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị). Các hệ thống “đối tác chiến lược” hay “đối tác toàn diện” hiện nay thực chất phản ánh xu thế tiến tới các hình thức liên minh “mềm” trong kỷ nguyên “toàn cầu hóa” và “khu vực hóa”.

- Sau Tuyên bố giữa hai Bộ Quốc phòng, theo tiết lộ từ phía Mỹ, “Hoa Kỳ và Việt Nam cùng làm việc với nhau để bảo đảm hòa bình cũng như ổn định trong khu vực và xa hơn nữa (and beyond)”. Xem vậy, bồi đắp/nâng cấp các quan hệ đối tác ở đây không phải là để theo ai, chống ai, mà là nhằm mục tiêu để đạt được trạng thái “trị bình”. Thịnh trị và thái bình chính là tiền đề để Việt Nam giải quyết căng thẳng biển đảo cũng như đối phó lâu dài với SREB của Trung Quốc.

2) Thúc đẩy dân chủ hóa (D) để “tái cấu trúc”

- Lần đầu tiên trong lịch sử Đảng CSVN, Tổng Bí thư sẽ có chuyến thăm quan trọng đến Hoa Kỳ vào tháng 7/2015 (?) Cùng với chuyến thăm Bắc Kinh trước đó (tháng 4/2015), mỗi chuyến công du đều có các yêu cầu khác nhau nhưng cả hai có chung một mục tiêu bao trùm “chồng lấn”, đó là bảo đảm môi trường hòa bình và nền độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của đất nước. Chuyến thăm của Tổng Bí thư tại Washington là biểu tượng về sự thể nghiệm chính thức từ cả phía Mỹ lẫn Việt Nam, thúc đẩy quan hệ “đối tác toàn diện” trên căn bản phi ý thức hệ các quan hệ quốc tế của thời kỳ “hậu chiến tranh lạnh”.

- Trong tình thế lưỡng nan hiện nay, Việt Nam rất cần lượng định chính xác tình hình nội trị và các mối quan hệ quốc tế của mình. Làm thế nào để đánh giá được mức độ rủi ro của đất nước trên phương diện chính trị nội bộ và môi trường an ninh bên ngoài? Không có dân chủ hóa thì điều này là bất khả thi. Không có dân chủ hóa thì trong nước không thể tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính phủ; trên trường quốc tế, không tạo ra được “thang giá trị chung” với các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược; khi đất nước bị đe dọa về an ninh, khó có thể có được sự ủng hộ kịp thời và rộng rãi của thế giới (So sánh phản ứng quốc tế đối với hai vụ HD981 và bồi lắp/thổ hóa các đảo đá hiện nay). Đặc biệt phải chú ý đến hiện trạng “nhờn thuốc” ngay đối với dư luận trong nước lẫn dư luận quốc tế.

- Giờ đây là lúc mặt trận ngoại giao phải phát huy hơn nữa vai trò chủ động của mình. Văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ II (tháng 2/1951) đã ghi rõ: “Chính sách ngoại giao của ta là chính sách ngoại giao có tính dân tộc và dân chủ.Nguyên tắc cơ bản của chính sách đó là: bảo vệ toàn vẹn độc lập, dân chủ, chủ quyền lãnh thổ và thống nhất quốc gia”.

- Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế[4]nhấn mạnh 5 định hướng, trong đó định hướng thứ ba khẳng định: Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển và an ninh của đất nước; đưa khuôn khổ quan hệ đã xác lập đi vào thực chất, tạo sự đan xen gắn kết lợi ích giữa nước ta với các đối tác. Chủ động và tích cực tham gia các thể chế đa phương, góp phần xây dựng trật tự chính trị và kinh tế công bằng, dân chủ, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, củng cố hòa bình, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi.

- Muốn “tái cấu trúc” đời sống kinh tế lẫn chính trị thành công, không thể không dân chủ hóa. Vừa phải dân chủ hóa các sinh hoạt quốc nội lẫn dân chủ hóa các quan hệ quốc tế. Quốc hội vừa qua đã thảo luận và điều chỉnh một số bộ luật cho thấy xu hướng dân chủ hóa là một đòi hỏi khách quan của tình hình, nếu chủ động, các xu thế tích cực sẽ thắng thế. Để các xu thế này trở nên bền vững, tất yếu phải định chế hóa đồng bộ các biện pháp như đã khuyến nghị.

3) Phải kết hợp cuộc chiến pháp lý (COC) với cuộc chiến truyền thông

- Philippines kêu gọi Việt Nam cần hành động mạnh mẽ hơn nữa. Việt Nam và Philippines đang cùng xây dựng các quan hệ “đối tác chiến lược” là một đáp ứng lời kêu gọi của Manila. Tới đây, Philippines sẽ bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông tại tòa quốc tế. Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc tại La Haye sẽ nhóm họp từ ngày 7/7 để nghe trình bày về đơn kiện của Philippines, tố cáo Trung Quốc lấn chiếm biển đảo. Đơn kiện đã được đệ nạp hồi tháng 1/2013. Phái đoàn chính phủ và luật sư biện hộ cho Philippines sẽ từ Manila và Hoa Kỳ đến Hà Lan đúng hẹn. Chính phủ Philippines đã nhờ luật sư Mỹ trợ lý cho phái đoàn chính phủ và ngoại giao Philippines tại tòa án Liên Hiệp Quốc.

- Việt Nam tuy chưa kiện nhưng đã đệ trình quan điểm của mình lên LHQ, đã gián tiếp hoan nghênh thái độ dùng luật pháp quốc tế giải quyết các tranh chấp biển đảo của Philippines. Nhân dịp này, truyền thông Việt Nam nên “cập nhật” một cách hệ thống hơn vụ kiện này. Ở đây chưa đặt ra vấn đề thắng/thua. Bản thân việc nếu Tòa Trọng tài ra tuyên bố việc Trung Quốc giải thích một cách tùy tiện và mạo danh Luật Biển (UNCLOS) vì những mục tiêu phi pháp cũng sẽ là một thắng lợi to lớn.

- DOC đã không được Trung Quốc tuân thủ. COC đang bị đẩy lùi gần như vô thời hạn. Tham gia kiện trực tiếp như Phi khi chúng ta hội đủ các điều kiện. Nhưng ngay từ bây giờ cần để cho truyền thông chuyển tải đầy đủ và chi tiết các thông tin liên quan đến khía cạnh pháp lý mà Trung Quốc đã vi phạm một cách tùy tiện và có hệ thống. Đối với “Con đường tơ lụa” phải đề ra phương án đấu tranh ngay từ bây giờ nếu Trung Quốc dùng con đường trên biển (MSR) để hợp thức hòa đường lưỡi bò. Phải có quan điểm rõ ràng từ đầu đối với việc Bắc Kinh đã nạp hồ sơ lên UNESCO để đòi công nhận MSR là di sản văn hóa của Trung Quốc.

- Những gì Trung Quốc đang làm hiện nay là thiết lập nhiều vị trí khác nhau trên Biển Đông và xây dựng chúng thành những căn cứ được kiểm soát vững chắc. Trung Quốc muốn tạo ra một tình huống mà khi mọi người nhìn vào, họ sẽ phải nghĩ rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ là kẻ chiến thắng. Từ đó, các quốc gia khác sẽ thấy tốt nhất là không nên “dây” với Trung Quốc, nên từ bỏ cuộc chơi để tránh đụng độ với kẻ “lấy thịt đề người”. Đây chính là triết lý cơ bản của Trung Quốc. Triết lý này vừa là “khúc dạo đầu” cho tiến trình xây dựng hệ thống NSR&MSR, vừa là công cụ trực tiếp để triển khai SREB.

4) Tìm cách tiếp cận minh triết (Wisdom)

- Việt Nam đã/đang kín đáo hiện đại hóa lực lượng không quân và hải quân. Sức mạnh cứng là để răn đe. Nhưng phải có cách tiếp cận minh triết, đó là “định chế hóa” 5 nhân tố trong pe-rơ-đam P&DOWN để làm cơ sở cho sức mạnh mềm và sức mạnh thông minh. Nếu SREB là thử thách lâu dài tính bền vững của học thuyết đối ngoại lẫn tiềm năng ngoại giao của Trung Quốc thì việc “định chế hóa” 5 nhân tố của pe-rơ-đam P&DOWN sẽ là thước đo khả năng của Việt Nam kiến tạo thế quân bình trong quan hệ với các nước lớn. “Chính sách cân bằng” từ nay cần chủ động hơn và phải được thực thi khác với các động thái “đi dây” trên nhiều phương diện (Xem bài “Thế quân bình khác với đi dây” trong Kỷ yếu Nghiên cứu Lý luận số tháng 5/2015).

- Sức mạnh hợp trội (Emergence of Power) trong hệ thống toàn cầu chính là sự nổi lên của các cấu trúc và sự cố kết trong quá trình tự tổ chức của hệ thống. P&DOWN là mô thức tổng quát, nếu được khẳng định và áp dụng rộng rãi, có thể sẽ phù hợp với chủ nghĩa khu vực mở ở châu Á-TBD. Các lợi thế do sức mạnh hợp trội này mang lại (đấy là tính Minh triết) cụ thể là: i) Hệ thống các đối tác chiến lược/toàn diện sẽ trở thành sức mạnh chế ngự mọi tham vọng quá khích, hiếu chiến; sẽ là quyền lực bao quát cái toàn thể, chưa có điều kiện hội đủ trong từng đơn vị quốc gia hợp thành), ii) Dân chủ hóa sẽ đoàn kết được bên trong và tạo ra sự cố kết giữa bên trong với bên ngoài, bảo đảm độ bền vững của tiến trình phát triển kinh tế-xã hội, iii) Luật quốc tế và truyền thôngtạo cơ sở và gây sức ép để Trung Quốc phải đi vào Bộ Quy tắc ứng xử (COC), sau này có thể hòa nhập với các cấu trúc khác đang định hình trong khu vực, như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), hay TPP, RCEP… iv) Tư duy minh triếtsẽ hội tụ, liên kết và mở rộng mạng lưới như một quá trình tiến hóa, chứ không gây ra các đột biến cách mạng (gây sốc/đổ vỡ) và v) Kết nối kinh tế trong nước với kinh tế khu vực/toàn cầu mang lại tính đại diện cao nên dễ được cộng đồng quốc tế và khu vực chấp thuận.

- Cách tiếp cận minh triết hiện nay là Nhà nước Việt Nam cần bổ sung/hoàn thiện “định chế hóa” cả 5 biện pháp trong mô thức P&DOWN để tạo thành bộ giải pháp tổng thể nhằm đối phó lâu dài với SREB. Chúng ta đã có Nghị Quyết 22 của Bộ Chính trị, có chính sách hội nhập toàn diện, có chủ trương nhất quán đối với việc tham gia TPP, RCEP, AFTA-PA. Từ nay, cần gấp rút điều chỉnh triết lý “an ninh mới” và chủ trương rõ ràng/nhất quán hơn về các mức độ triển khai cuộc chiến pháp lý, cuộc chiến truyền thông trong đó có việc thúc đẩy COC và tiếp cận Tòa Trọng tài quốc tế.

5) Nối vòng tay lớn (Networking): TPP, RCEP và AFTA-AP

- Mong muốn kết nối các nền kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong khuôn khổ một hiệp định thương mại tự do (FTA-AP) duy nhất không phải là một ý tưởng hoàn toàn mới. Thực tế, ý tưởng này đã được đưa ra ngay tại hội nghị thượng đỉnh APEC 1994 ở Bogor, Indonesia. Tại hội nghị APEC-1994, các nền kinh tế thành viên đã thống nhất sẽ thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2010 đối với các nền kinh tế phát triển và năm 2020 đối với các nền kinh tế đang phát triển. Đến năm 2006, 21 nền kinh tế thành viên APEC đã nhất trí sẽ xem xét triển vọng dài hạn của FTA-AP và trong năm 2010, các nhà lãnh đạo APEC đã cùng nhau đưa ra “Lộ trình hướng tới FTA-AP” (Pathway to FTA-AP), trong đó nêu rõ rằng các nền kinh tế thành viên của APEC sẽ theo đuổi một hiệp định tự do thương mại toàn diện trong khu vực, thông qua việc phát triển các hiệp định hiện có hoặc đang trong tiến trình đàm phán như ASEAN+3, ASEAN+6 (RCEP) và TPP.

- Sự xuất hiện các sáng kiến mới như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB), Quỹ Con đường Tơ lụa và Hệ thống Thương mại Tự do châu Á-TBD (FTA-AP) đang có xu hướng đặt Trung Quốc vào vị trí trung tâm địa chính trị-kinh tế toàn cầu; điều này buộc Mỹ phải chủ động hơn nữa trong việc duy trì/thúc đẩy vai trò lãnh đạo ít nhất là trong khu vực và cả trên toàn cầu. SREB thách thức vị thế vượt trội của Mỹ trong khu vực bao gồm việc triển khai chính sách “xoay trục” và Hiệp định TPP.

- Hai tổ chức thương mại: Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) không chỉ cho thấy cạnh tranh trong việc giành ảnh hưởng tại châu Á của hai nước lớn Trung Quốc và Hoa Kỳ, mà còn bộc lộ cách tiếp cận của hai tổ chức này có khác nhau[5]. Một bên là mô hình thị trường tự do kiểu Hoa Kỳ (ưu đãi chất lượng cao, đòi hỏi tiêu chuẩn cao về luật lao động, bảo vệ môi trường và quyền sở hữu trí tuệ) một bên là mô hình chỉ huy tập trung kiểu Trung Quốc (quy định tiêu chuẩn thấp hơn để giảm hàng rào thương mại đối với từng quốc gia, đặc biệt là giữa các nước thành viên kém phát triển với nhau và cũng hạn chế nhu cầu cho hài hòa hóa).

- Các nguyên tắc định hướng của RCEP thừa nhận sự khác biệt, đặc biệt ở các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và sẽ có sự linh động trong chính sách đối với các nước này. Điều kiện này cho phép thu hút các nền kinh tế kém phát triển vào khối và đảm bảo có số thành viên đông đảo ở RCEP. Tuy nhiên, chính sách khác nhau sẽ là cản trở cho hội nhập sâu hơn về kinh tế.

- Hy vọng rằng TPP sẽ đặt nền tảng cho sự hình thành FTA-AP trong tương lai, đặc biệt là khi TPP đã trải qua 19 vòng đàm phán (tính đến hết tháng 12/2014) và được dự kiến sẽ kết thúc trong năm 2015. Nếu đàm phán về Hiệp định TPP kết thúc theo đúng kế hoạch thì TPP sẽ có nhiều khả năng đặt nền móng cho sự hình thành của FTA-AP hơn là RCEP, hiện mới đang trong giai đoạn đầu của quá trình đàm phán.

-Tổng thống Barack Obama đã nhấn mạnh trong một thông điệp gần đây: “TPP đảm bảo Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, là nước viết ra các quy tắc kinh tế thế giới”. Cho dù, sau đó, ông Obama cho biết các quan chức Trung Quốc cũng đã bày tỏ ý định tham gia TPP trong thời gian tới với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew.

- Đứng trước TPP và RCEP, Việt Nam cần phải có những thay đổi nhanh chóng cho phù hợp với tình hình mới, thích ứng với từng tổ chức để tận dụng được những lợi ích thiết thực và ổn định nhất để phát triển kinh tế-xã hội, nhằm đối phó lâu dài với SREB./.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Hiện tượng kinh tế Trung Quốc vượt kinh tế Mỹ

    16/04/2015Tưởng Hồng Ninh thực hiệnQuỹ tiền tệ quốc tế IMF vừa cho biết, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông đánh giá như thế nào về khả năng kinh tế Trung Quốc vượt mặt Mỹ và những hệ lụy của chuyện này?
  • 10 "thói hư tật xấu" của người Trung Quốc dưới mắt phương Tây

    17/10/2014Lê ThuCó những điều mà mọi người ở Trung Quốc cảm thấy bình thường, nhưng về mặt xã hội lại không được chấp nhận ở phương Tây.
  • Các quốc gia đều tránh va chạm với Trung Quốc

    25/09/2014Nhật Nam (Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ)Tất cả các quốc gia vừa phải, thậm chí các quốc gia lớn cũng đều tránh va chạm với Trung Quốc. Không phải là người ta sợ Trung Quốc, nhưng người ta tránh va chạm với Trung Quốc để tránh những rắc rối không cần thiết. Việt Nam cũng vậy, những chữ trong tuyên bố của chúng ta cũng rất bình tĩnh...
  • Phạm Hoàng Quân: Đừng học Trung Quốc "lấy sách đè người"

    01/08/2014Huỳnh PhanHiện nay, đa số học giả Trung Quốc căn cứ vào loại tư liệu du ký, nhiều hơn là chính sử và địa chí, để nêu quan điểm và lập luận của họ về chủ quyền đối với Biển Đông và hai quần đảo. Điều đó không hề có tính pháp lý, bởi chính sử và địa chí là do nhà nước chủ trương thực hiện, còn du ký là của những nhà hàng hải và thương buôn. sự kiện nóng...
  • Ảo tưởng về sức mạnh Trung Quốc

    24/07/2014David SambaughNhững nhà tiên tri về sự nổi lên của Trung Quốc (TQ) đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ vừa qua. Họ đều tô vẽ hình ảnh của thế giới vào thế kỷ thứ 21 với TQ là một tác nhân thống soái. Sự tin tưởng này là một điều có thể hiểu được, và rất phổ biến; nhưng thực ra, đó là một sai lầm...
  • Muốn vượt lên Trung Quốc, Việt Nam cần một mô hình phát triển vượt trội hơn

    14/07/2014Lê Thọ BìnhVới sự hiện diện của giàn khoan HD 981, những tiếng nói yêu cầu “thoát Trung”, dù đã vang lên từ lâu nhưng ít nhận được sự quan tâm đầy đủ, giờ đây trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Những phê phán về ảo tưởng “đồng minh ý thức hệ” giữa Việt Nam và Bắc Kinh đang được nhiều người cảnh báo...
  • “Trung Quốc mộng” và căn tính sói

    09/07/2014Lê Vũ Quý Linh (thực hiện)GS. Trần Ngọc Vương từng có thời gian giảng dạy tại đại học Bắc Kinh và đang tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu và tìm hiểu văn hoá Trung Quốc. Học giả này đã có cuộc trò chuyện thẳng thắn và cởi mở với Người Đô Thị.
  • Người dân Việt không lạ gì dã tâm của Trung Quốc!

    01/07/2014TS. Trần Thị Phương HoaTrong 2000 năm lịch sử thành văn của Việt Nam, có đến hơn 9/10 thời gian Trung Quốc hiện lên như kẻ thù xâm lược Việt Nam. Đặc biệt dã tâm đồng hóa văn hóa Việt Nam và muốn biến Việt Nam thành một bộ phận của Trung Quốc là điều làm người Việt Nam luôn cảnh giác và hoàn toàn mất niềm tin vào Trung Quốc...
  • 'Trung Quốc đang triển khai mọi lực lượng để xâm lăng'

    30/06/2014Hoàng Thùy thực hiện"Chúng ta đang ở trong một thời kỳ cực kỳ nguy hiểm, thậm chí như là đang trong thời chiến vì cuộc chiến tranh này không tiếng súng nhưng đã gây tác hại cho chúng ta ở tất cả các mặt", ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ trả lời VnExpress.
  • Trung Quốc đang thật sự muốn gì?

    19/06/2014Hải ĐăngHơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua biển Đông, nên nếu xung đột nổ ra ở đây sẽ gây khó khăn cho nhiều nước...
  • Con đường tơ lụa trên biển

    06/06/2007Nguyễn Tường BáchTrong một thời kỳ, khi con đường xuyên TrungÁ trở nên bất ổn và khikỹ thuật đóng tàu của hai phía Đông Tây đã phát triển, lũ khách bắt đầu khởi hành từ miền Nam Trung Quốc, tiếp theo bờ biển Việt Nam ngày nay và hẳn đã ghé HảiPhòng, Hội An, SàiGòn ngày nay. Sau đó đoàn hải thuyền vòng qua Indonesia đe tiền đến Ấn Độ Dương rồi từ đó đi vào Hồng Hải đến Ai Cập và ChâuÂu.
  • xem toàn bộ