Để dân góp ý chỉ tốt, không hại!

08:47 CH @ Thứ Hai - 08 Tháng Mười Một, 2010
Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng khóa XI, nhiều nhà khoa học cho rằng văn kiện còn thiếu vắng hơi thở của thời đại. Một trong những sự thiếu vắng ấy là vấn đề giám sát quyền lực của người dân đối với nhà nước, cán bộ, đảng viên mà ở Nghị quyết Đại hội X đã đề cập.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, Thiếu tướng, PGS-TS Lê Văn Cương nhấn mạnh: “Tôi đề nghị trong phần xây dựng Đảng, nhà nước của dự thảo văn kiện Đại hội XI dứt khoát phải bổ sung nội dung xây dựng và hoàn thiện cơ chế cụ thể đảm bảo cho người dân thực thi quyền giám sát đối với các cơ quan quyền lực cũng như hoạt động của Đảng và cán bộ, đảng viên”.

Hứa với dân thì phải làm

. Vì sao ông lại đề nghị như vậy?

+ Vấn đề này đã được đề cập khá rõ trong Nghị quyết Đại hội X. Trong đó có nêu rõ nhiệm vụ xây dựng nhà nước là xây dựng các biện pháp và quy chế giám sát của nhân dân đối với các hoạt động của Đảng, nhà nước và cán bộ, đảng viên. Đồng thời văn kiện Đại hội X cũng có nói rõ hoạt động của nhà nước phải chịu sự giám sát của nhân dân. Đó là mặt tích cực quyết tâm của Đảng trong Đại hội X nhưng rất tiếc trong dự thảo văn kiện Đại hội XI lại không đặt vấn đề này. Rõ ràng như vậy là tầm văn kiện Đại hội XI thấp hơn Đại hội X. Tôi thấy vậy là không nghiêm túc! Đảng đã hứa với dân từ năm 2006, nếu đến nay chưa làm được thì trong 10 năm còn lại phải làm cho bằng được. Phải chăng những người tham gia dự thảo văn kiện quên đi. Nếu thế thì Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và Đại hội XI phải được thảo luận chuyện này và đưa vào nghị quyết và chuyện này dứt khoát phải làm, không còn chỗ lùi nữa rồi.

. Ông nói không còn chỗ lùi nữa nghĩa là như thế nào?

+ Như dự thảo văn kiện Đại hội XI đánh giá, tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống trong bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhân dân và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực, tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy huân chương chưa được ngăn chặn, cộng với sự yếu kém của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong việc thừa hành nhiệm vụ,… làm tăng thêm bức xúc và giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, nhà nước. Rồi tình trạng chưa coi trọng việc kiểm tra, giám sát và thực hiện đường lối, chủ trương của nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Đại hội Đảng… cho thấy cần phải đặt ra vấn đề giám sát quyền lực một cách cấp bách.

Giám sát quyền lực để đẩy lùi tham nhũng

. Vậy phải chăng lâu nay quyền lực không được giám sát nên mới có tình trạng như vậy?

+ Hiến pháp đã nói rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhưng Đảng không đứng trên Hiến pháp, pháp luật. Đảng Cộng sản hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và chịu sự giám sát của nhân dân. Trong Điều lệ Đảng cũng khẳng định điều này và hoàn toàn đúng với tư tưởng của Lênin. Với tư tưởng đó, Đại hội X đề ra nhiệm vụ phải đặt hoạt động của Đảng, nhà nước và cán bộ, đảng viên dưới sự giám sát của người dân. Do vậy, đại hội lần này chúng ta phải xây dựng cho được một cơ chế để đảm bảo quyền giám sát của người dân đối với hoạt động của Đảng, nhà nước và cán bộ, đảng viên. Cơ chế này phải pháp điển hóa nó ra, pháp quy hóa nó ra để thực thi được. Đây cũng là một giải pháp quan trọng bậc nhất ngăn chặn, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu xài lãng phí của công, suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của bộ phận không nhỏ đảng viên.

. Theo ông thì cơ chế giám sát quyền lực phải chứa đựng những tư tưởng gì?

+ Trước hết phải dân chủ. Khâu đầu tiên trong dân chủ là để người dân tham gia bầu cử một cách thực sự dân chủ. Những ứng cử viên nơi ấy phải trình bày quan điểm của mình để cho đảng viên, cho người dân có ý kiến, đến cấp chủ tịch xã cũng vậy. Quyền lực của người dân là phải được giám sát bầu cử, ứng cử, phải biết rõ gốc tích của những người ứng cử từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh.

Việc thứ hai là phải minh bạch. Công khai, minh bạch trong mọi hoạt động, trừ những vấn đề bí mật như an ninh quốc phòng thôi. Phần lớn các chính sách đối nội, đối ngoại thì người dân phải được biết để tránh cái duy ý chí của mấy ông lãnh đạo địa phương. Những chương trình, những dự án, những kế hoạch phát triển kinh tế xã hội từ cấp xã, huyện… người dân phải biết. Cho nên tất cả hoạt động phải công khai, minh bạch để dân tham gia. Dân tham gia chỉ có tốt chứ không có hại gì cả!

Công khai cả chế độ dành cho lãnh đạo

. Vừa qua, Quốc hội có đề cập đến một số luật như Luật Tiếp cận thông tin, LuậtTrưng cầu ý dân nhưng sau đó không bàn nữa. Theo ông, những luật này có cần thiết giúp dân trong việc giám sát quyền lực?

+ Đồng ý rồi. Như tôi đã nói lúc nãy, những chuyện ấy phải được đưa ra và pháp điển hóa thành luật hẳn hoi. Người dân phải có quyền biết từ tổng bí thư đến thủ tướng, chủ tịch nước, chủ tịch tỉnh... lương bao nhiêu, chế độ ra sao. Phải công khai, minh bạch trong cả các chế độ, chính sách các quan chức được thụ hưởng.

Một vấn đề nữa, tạo điều kiện trong xét xử để mọi người bình đẳng trước pháp luật. Tội nào phải bị xử theo tội đó… Những vấn đề này hiến pháp đã nói cả rồi, chẳng có gì mới cả. Chúng ta chỉ cần làm đúng theo những điều ấy là đã góp phần vào việc giám sát của người dân đối với Đảng và nhà nước rồi. Làm được như thế là đã giảm hẳn bức xúc của xã hội rồi.

. Xin cảm ơn ông.


Lãnh đạo phải noi gương

Tổng thống Peru Alan Garcia ban hành quyết định cấm tất cả cơ quan nhà nước trên toàn quốc dùng công quỹ để mua rượu bia chiêu đãi hoặc mời khách bất kỳ ngày lễ nào. Ngay khi nhận chức tổng thống, để làm gương ông đã tự hạ mức lương tháng của mình từ 13.000 USD xuống còn 5.000 USD. Ông còn đem bán chiếc chuyên cơ dùng riêng cho tổng thống để lấy tiền xây bệnh viện cho người nghèo. Các quan chức đi nước ngoài đều phải đi bằng máy bay thương mại, ngủ tại các đại sứ quán hoặc nhà công vụ. Peru là một nước nghèo, họ làm được như vậy mà mình không làm được à? Và muốn làm được trước hết lãnh đạo phải noi gương như Peru đã làm.
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cán bộ là công bộc của dân

    06/11/2010Sưu tầmĐúng nửa tháng sau ngày đọc Tuyên ngôn độc lậpkhai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 17-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư với tư cách "một đồng chí già" gửi "các đồng chí tỉnh nhà", quê hương của mình...
  • Người cầm quyền ưa tập trung, người dân ưa dân chủ

    29/10/2010Minh QuangTập trung dân chủ không phải là đặc thù của một loại hình nhà nước nào. Điều cốt yếu là có cơ chế để đảm bảo người cầm quyền phải thượng tôn hiến pháp và pháp luật...
  • Nhiệm vụ then chốt và khâu đột phá không thể bỏ qua

    23/10/2010TS. Hồ Bá ThâmHiện nay quần chúng nhân dân, những người đảng viên của đảng còn tâm sáng vì dân nước quan tâm nhất, trăn trở nhất điều gì? Phải chăng là vấn đề tham nhũng, thất thoát, lãng phí, hay vấn đề lạm quyền, hay nói chung là nguy cơ suy thoái của đảng cầm quyền?
  • Độc đoán, chuyên quyền làm đắm con tàu lớn (...)

    22/10/2010Chí TùngCon tàu lớn (...) quyết định làm theo ý mình**) là một việc cố ý làm trái với chỉ đạo của Chính phủ...
  • Vấn đề phòng, chống suy thoái của Đảng cầm quyền phải là một vấn đề lớn trong Cương lĩnh

    15/10/2010TS. Hồ Bá ThâmVấn đề “suy thoái nhân cách, quyền lực của Đảng cầm quyền” là một vấn đề lớn, hệ trọng, có tính cương lĩnh, mà bất cứ đảng cầm quyền nào cũng phải đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, không ít đảng đã phải trả giá đắt. Những bài học lịch sử xưa nay vẫn còn mới và mang tính thời sự...
  • Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống cơ quan dân cử

    13/10/2010Minh Nam (thực hiện)Vai trò, vị trí của các cơ quan dân cử phải ở “đỉnh cao” thật sự trong hệ thống chính trị, trong hệ thống quyền lực nhà nước. Cần làm đậm nét điều này trong cương lĩnh, trong báo cáo chính trị, trong các định hướng chủ trương lâu dài cũng như trước mắt. Và, không chỉ thể hiện ở việc định hướng chung chung mà cần có những thể chế, quy định cụ thể...
  • Nhà nước của dân, do dân, vì dân

    09/10/2010Một Nhà nước phải là một Nhà nước có Đức, dưới sự lãnh đạo của một Đảng là đạo đức, là văn minh. Một Nhà nước có Đức là nói đến một Nhà nước hướng tới bảo vệ và phục vụ lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, đồng thời với việc trừng trị một cách nghiêm khắc những hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của dân tộc, của nhân dân...
  • "Mỗi bước tiến của thực tế quan trọng hơn một tá cương lĩnh"

    03/10/2010Trần Đông thực hiện"Mỗi bước tiến của cuộc vận động thực tế còn quan trọng hơn là một tá cương lĩnh". Điều đó có nghĩa là Đảng ta nên tập trung trí tuệ và sức lực vào các bước tiến trong thực tế. Những bước tiến trong thực tế mới chính là cái mà nhân dân ta cần trong lúc này. Sỡ dĩ cần như thế là vì hiện nay màu xám của lý luận còn đang cách xa màu xanh của thực tế đất nước" - đó là những đóng góp xây dựng của GS. TS. Dương Phú Hiệp...
  • Để người dân thực hiện quyền giám sát cán bộ

    28/09/2010TS Lưu Thị Bích ThuTrước hết cần khẳng định rằng, quyền lực là một khái niệm rất rộng, trong đó có quyền lãnh đạo, quyền quản lý. Trong một xã hội thực sự dân chủ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi quyền lực đều ở nơi dân; nói cách khác, nhân dân là chủ thể duy nhất của mọi quyền lực trong xã hội ta...
  • xem toàn bộ