Dẫn nhập về Người Hời Hợt

03:49 CH @ Thứ Hai - 08 Tháng Hai, 2021

Xem thêm:

.

Nếu bạn đã từng tiếp xúc với nhiều người đến từ các nền văn hóa hoặc quốc tịch khác nhau, bạn sẽ thấy được rằng đa phần người Việt Nam có lối tư duy khá hời hợt, thiếu chiều sâu. Không kể đến những người thuộc tầng lớp lao động bình dân ít học, những người được xem là trí thức có trình độ đại học trở lên cũng rất nông cạn hời hợt nếu xét với những người cùng tầng lớp ở những dân tộc khác. Đừng vội nổi nóng hay tự ái khi tôi nhận xét như vậy. Hãy đọc kỹ bài viết dưới đây để xem mình có những đặc điểm của một người hời hợt hay không nhé?

Mười hai đặc điểm của một người hời hợt:

1. Có hiểu biết nông cạn và sơ sài về một vấn đề: Các bạn trẻ bây giờ hiếm có ai hiểu một cách thấu đáo về một vấn đề nào. Tôi nhiều lần cảm thấy rất bất ngờ vì có những kiến thức tưởng chừng rất phổ thông, rất cơ bản các bạn đều không biết hoặc hiểu biết rất sơ sài. Nếu bị bắt buộc phải tìm hiểu thì các bạn trẻ thường làm qua loa cho có, chứ không hề đào sâu vào. Họ thường có khuynh hướng chọn những gì ngắn gọn và sợ đọc dài. Chính vì tính hời hợt qua loa này mà rất nhiều người chỉ cần đọc tiêu đề của một bài báo thôi đã vào phán như mình hiểu hết mọi chuyện.

2. Không có hứng thú hoặc sự tò mò đối với kiến thức mới lạ: Kiến thức là vô hạn nên chúng ta chỉ có thể biết nhiều hoặc biết ít chứ không thể nào biết hết được mọi việc. Tuy nhiên con người chỉ học được và tiến bộ khi có sự tò mò và hứng thú với những điều chưa biết. Khi con người trở nên thờ ơ và không hề có đam mê với kiến thức thì việc học chỉ đơn thuần là nhai lại những gì mà người khác cho mình chứ không có sự tìm tòi học hỏi. Các bạn học sinh sinh viên ngày nay dường như thiếu hẳn niềm đam mê với kiến thức. Tôi thường chia sẻ cách học tiếng Anh của mình lúc trẻ là luôn tò mò với những gì có tiếng Anh mà tôi bắt gặp ở bất cứ nơi đâu: một câu slogan trên bảng quảng cáo, một bao bì sản phẩm, một hướng dẫn bằng tiếng Anh ở nơi công cộng… nhưng hầu như rất ít học viên của tôi chịu để ý đến những điều này. Mỗi ngày tôi đều đọc rất nhiều về nhiều đề tài để tự nâng cao kiến thức của mình mà vẫn thấy mình còn quá nhiều điều chưa biết và muốn tìm hiểu.

3 . Lười suy luận, không thích thử thách: Khi phải đối diện với những vấn đề hóc búa cần suy luận nghiêm túc, phần lớn các bạn học viên của tôi thường đưa ra một câu trả lời ngẫu nhiên theo kiểu ăn may rồi chờ câu trả lời của tôi để ghi chép lại. Nhiều bạn luôn chuẩn bị câu trả lời: “Em không biết!” mỗi lẫn được hỏi tới như một phản xạ vô điều kiện bất kể câu hỏi đó dễ hay khó. Nhiều lúc tôi phải nửa đùa nửa thật nói rằng bạn không sợ lương tâm mình cắn rứt khi trả lời tôi rằng “em không biết” một cách nhanh chóng và dứt khoát như thế. Lười suy nghĩ là một thói quen giết chết khả năng tư duy của con người và biến họ thành những kẻ chỉ biết nghe lời người khác bất kể đúng sai.

4. Không có khả năng kết nối và tổng hợp thông tin: Những người hời hợt thường chỉ nhìn thấy những thứ nổi trên bề mặt mà ít khi nào chịu khó đào sâu vào những tầng dưới của một vấn đề. Chính vì vậy họ thường không nhận thức được những ẩn ý bên trong, không thấy được mối liên hệ giữa những vấn đề có liên quan, không áp dụng được những kiến thức cũ đã học vào thực tế và cũng không có khả năng khái quát hóa những điều cụ thể để rút ra một khái niệm chung. Ngược lại, khi học một khái niệm mang tính chất trừu tượng, họ không có khả năng tự mình liên tưởng đến những ví dụ cụ thể liên quan đến khái niệm đó. Nói một cách khác, những người hời hợt học một biết một, học hai biết hai chứ hiếm khi tự mình liên kết hay tổng hợp những kiến thức rời rạc đã học được.

5. Tranh luận theo cảm tính, ít khi thấy được tính logic của vấn đề: Thật đáng buồn là hầu hết các bạn sinh viên, thậm chí thạc sĩ hoặc đã ra đi làm đều không có khả năng trình bày hoặc lý giải vấn đề một cách có logic. Chính vì lười suy nghĩ và lười tra cứu tìm tòi, những luận điểm các bạn đưa ra thường rất ngây ngô, thiếu thực tế và đầy cảm tính như kiểu tư duy của các em học sinh tiểu học. Những lý do đưa ra thường rời rạc chắp vá, kiểu bất chợt nghĩ tới cái gì thì nói cái đó chứ không hề có sự sắp xếp hoặc liên kết chúng với nhau theo một thứ tự hợp lý. Nhiều lúc tôi tự hỏi những năm tháng học đại học đã dạy được cho sinh viên Việt Nam những kỹ năng gì hay thực sự đã giết chết những kỹ năng quan trọng nhất của một sinh viên?

6. Sợ nói đến những chủ đề “nhạy cảm”: Có rất nhiều bạn “trí thức trẻ” (tạm gọi là thế nếu chỉ dựa vào trình độ học vấn) rất ngại đụng chạm đến những vấn đề nghiêm túc hoặc nhạy cảm như kinh tế, chính trị, lịch sử, khoa học… vì những đề tài này rất nhức đầu. Có người còn rất tự hào khi tuyên bố mình không thích nói về chính trị hoặc quan tâm đến những chuyện “không phải của mình” mà chỉ quan tâm tới những gì liên quan tới công việc hiện tại là đủ. Nếu bạn chú ý nghe những câu chuyện của các cô cậu sinh viên thì mới thấy thế giới quan của họ thực sự nhỏ hẹp một cách đáng lo ngại. Câu chuyện của họ xoay quanh những việc chơi game, cua gái, cua trai, ăn gì, chơi đâu...thì không có gì nghiêm túc cả. Gần đây có một bạn trình độ thạc sĩ hỏi tôi BOT là cái gì, em nghe người ta nói man mán nhưng không hiểu lắm. Tôi hỏi nếu vậy tại sao em không tự mình tìm hiểu. Bạn đó cười cười không nói gì và tôi cũng không chắc là bạn có về tìm hiểu không nữa?

7. Thích theo những trào lưu mới nổi nhưng không bền: Hễ có trào lưu nào mới, bất kể là có ý nghĩa hay không thì những bạn trẻ đều theo một cách hăng say nhưng chỉ cần vài tuần khi có trend mới hơn thì họ lại chạy theo trend mới. Đây không phải là sự tò mò cầu tiến mà chỉ đơn thuần là sự hời hợt ham vui bên ngoài, cái gì hot, cái gì dễ thì mình theo nhưng nhanh chóng vứt bỏ nó để đi tìm một món đồ chơi mới vui hơn, lạ hơn. Còn cái gì cần phải tốn nhiều thời gian để tìm hiểu thì chắc chắn sẽ không có phần của các bạn. Điều này sẽ giết chết sự kiên nhẫn và lòng đam mê đối với một điều gì đó nghiêm túc, những đức tính rất cần thiết cho sự thành công lâu bền.

8. Tin theo những gì hợp ý mình bất kể tính xác thực: Khái niệm tìm hiểu thông tin đa chiều để kiểm chứng tính xác thực của thông tin mình nhận được dường như không hề tồn tại đối với rất nhiều người Việt Nam. Điển hình là trên facebook, rất nhiều người share hoặc viết những status mà chỉ cần đọc sơ qua là biết là fake news nhưng họ share bởi vì họ thích nội dung đó. Khi được nhắc nhở, có nhiều người tìm mọi cách cãi chày cãi cối hoặc công kích cá nhân để bảo vệ sự thiếu hiểu biết của mình. Chia sẻ thông tin là một điều tốt, nhưng chỉ chia sẻ những gì hợp ý mình mà thiếu kiểm chứng tính xác thực hoặc không đọc kỹ để tìm ra những điểm ngụy biện hoặc vô lý chứng tỏ sự hời hợt và lười tư duy của người chia sẻ.

9. Khả năng sử dụng ngôn ngữ kém: Muốn đánh giá khả năng tư duy của một người, hãy quan sát cách họ sử dụng ngôn ngữ nói và viết vì ngôn ngữ là tấm gương phản chiếu rõ nét nhất của tư duy. Những người sâu sắc là những người có khuynh hướng sử dụng từ ngữ chính xác, cấu trúc câu gãy gọn và các thức biểu đạt hợp lý. Vì họ chú trọng đến hiệu quả của việc truyền tải thông tin của mình đến người nghe nên khi nói hoặc viết họ sẽ tìm cách để đối phương hiểu được thông điệp một cách rõ ràng, cụ thể và đúng đắn nhất. Họ không nói thừa và cũng không nói thiếu, không dùng những từ ngữ dễ gây hiểu lầm hoặc khó hiểu và điều chỉnh giọng nói của mình về âm lượng cũng như biểu cảm hợp lý. Khi viết họ sẽ chú ý đến cấu trúc câu, lỗi chính tả, cách sử dụng dấu câu, cách viết hoa và hiếm khi viết tắt. Ngược lại những người hời hợt thường không chú ý đến hiệu quả của việc truyền tải thông tin qua kênh nói và viết. Họ thường có khuynh hướng nói tắt nói gọn và hy vọng người nghe phải hiểu những gì mình không nói hoặc nói dài dòng lê thê những điều không quan trọng. Khi buộc phải phát biểu ý kiến, họ thường nói một cách miễn cưỡng, không đầu không đuôi với âm lượng chỉ đủ cho bản thân họ nghe khiến cho người đối thoại phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần hoặc đặt ra nhiều câu hỏi gợi ý nếu muốn nghe được câu trả lời hoàn chính. Khi viết, những người hời hợt thường viết sai chính tả những từ đơn giản, chấm phẩy hoặc viết hoa tùy tiện và thường hay viết tắt theo thói quen của mình.

10. Kém ngoại ngữ: Để học tốt một ngoại ngữ, bạn không thể hời hợt qua loa vì mỗi ngôn ngữ đều chứa đựng một logic riêng của nó. Học ngôn ngữ không đơn thuần là học thuộc mẫu câu, từ vựng hoặc công thức rồi lặp lại như cái máy mà phải học cách tư duy của ngôn ngữ đó. Tôi dạy tiếng Anh nhiều năm nên hiểu rất rõ sự qua loa và hời hợt trong cách tư duy của người Việt Nam khi học tiếng Anh. Nếu đổ lỗi hết cho chất lượng đào tạo tiếng Anh ở bậc phổ thông và đại học ở Việt Nam quá kém thì cũng không hẳn vì khi có điều kiện học nghiêm túc và hướng dẫn tận tình, đa số người Việt vẫn rất ẩu tả trong các phát âm, dùng thì, sử dụng danh từ theo số ít số nhiều….nói chung là đều là những lỗi rất đơn giản và rất dễ khắc phục nếu chịu chú ý. Có những lỗi rất cơ bản được tôi phân tích kỹ, cho rất nhiều ví dụ cụ thể nhưng sau đó thì các bạn học viên của tôi vẫn sai đúng những lỗi đó hết lần này tới lần khác. Điều này chứng tỏ rằng các bạn vẫn học tiếng Anh bằng tư duy của người Việt nên không có sự tiến bộ cho dù học rất lâu.

11. Trình độ thẩm mỹ thấp: Để cảm nhận được những giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật như văn học, âm nhạc, hội họa, điện ảnh hoặc kịch nghệ, người thưởng thức phải có một trình độ văn hóa và một độ tinh tế nhất định. Những người hời hợt không có chiều sâu sẽ không thích những tác phẩm đòi hỏi kiến thức cũng như trình độ để có thể cảm thụ được và thường có khuynh hướng chọn những gì đơn giản dễ dãi chủ yếu là để giải trí là chính. Và chính sự dễ dãi thiếu chiều sâu của những sản phẩm giải trí đó tác động ngược lại khiến cho người xem hoặc người nghe trở nên hời hợt và cảm tính hơn. Nhạc não tình, truyện và phim ngôn tình, các gameshow truyền hình là những thứ giết chết tư duy logic của con người hiệu quả nhất vì nó chỉ đánh vào cảm xúc thuần cảm tính chứ không đòi hỏi suy luận hoặc cảm thụ sâu sắc.

12. Không có tính sáng tạo: Để sáng tạo, con người cần có một nền tảng kiến thức sâu rộng về một hoặc nhiều lĩnh vực cùng với một trí tưởng tượng phong phú. Đồng thời một người sáng tạo là một người có tinh thần cầu toàn và kiên nhẫn rất cao. Đây là những đức tính những người hời hợt thiếu chiều sâu không có vì cái gì phải mất công mất sức mà không mang lại kết quả nhanh chóng cho họ đều khiến họ nản lòng và bỏ cuộc. Sinh viên học sinh Việt Nam học giỏi chủ yếu là học vẹt và rập khuôn chứ sáng tạo thì không thể vì kiến thức các bạn học chỉ là bề nổi và sự sáng tạo thì bị bóp chết từ trong trứng nước.

.

Xem tiếp:

Nguồn:FB cá nhân
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Người Việt hời hợt (phần 8, 9, 10)

    08/04/2020Barry Huỳnh Chí ViễnNhìn chung, đời sống tinh thần và tâm linh của người Việt Nam chúng ta khá hời hợt và chứa đầy những mâu thuẫn nội tại trải qua suốt bao nhiêu năm tháng nhưng lại có rất ít những thay đổi mang tính chất bước ngoặc...
  • Người Việt hời hợt (phần 7)

    26/11/2019Barry Huỳnh Chí ViễnTôi muốn phân tích sơ lược những yếu tố này để xem chúng đã ảnh hưởng tới tính cách của người Việt Nam ta như thế nào trong suốt chiều dài lịch sử...
  • Người Việt hời hợt (phần 11)

    18/04/2020Trong chiến tranh, trí thông minh và sức mạnh tiềm ẩn của người Việt có đất để phát huy tối đa nhưng khi ở thời bình, người Việt lại trở về an phận thủ thường với con trâu cái cày hoặc cảm thấy tự mãn với quan chức bổng lộc...
  • Người Việt hời hợt (phần 3, 4, 5, 6)

    12/03/2020Barry Huỳnh Chí ViễnKhi tiếng Anh là một ngôn ngữ mang tính chất giao tiếp quốc tế và người Việt Nam trên lý thuyết bỏ ra rất nhiều thời gian và tiền bạc để học tiếng Anh cả trong chương trình chính quy và ngoại khóa mà kết quả vẫn rất tệ, đó là một sự lãng phí rất lớn...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Nông nổi, hời hợt, tín ngưỡng xen hoài nghi

    01/12/2018Vương Trí NhànNhững phong trào ở nước ta, bất cứ phong trào gì, đều có một tính chung là nông nổi, hời hợt bề ngoài. Cái mà chúng ta thiếu nhất là sự sâu sắc. Bởi ta không chịu phân tích và suy xét kỹ nên bất cứ vấn đề gì chúng ta cũng không biết được rõ ràng và chu đáo, biết một cách thấu suốt...
  • 'Ơ hay, sao mình hời hợt quá'

    08/05/2017Nhật HạHằng ngày, một bộ phận bạn trẻ thường thốt lên: “Chán thiệt, sao mình hời hợt quá”...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Gì cũng cười, Nói năng lộn xộn, Học hời hợt

    04/03/2016Vương Trí NhànAn Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì, phải cũng hì mà quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng mọi việc hết nghiêm trang...
  • 'Thưa sinh viên - những người sống hời hợt và vô bổ'!

    21/07/2015Đ.Q tổng hợp"Thưa các anh chị sinh viên - trí thức cao - mong các anh chị sống bớt hời hợt và vô bổ cho xã hội nhờ!"
  • Về sự hời hợt

    09/07/2009Quốc BảoSự hời hợt được sinh ra bởi tính xuê xoa, ít trách nhiệm, chiếu lệ. Nhưng nó cũng là con đẻ của thói tò mò, sự ỷ lại và môi trường nhiễu loạn thông tin.
  • xem toàn bộ