Phải dám so mình với thế giới bên ngoài

09:50 SA @ Thứ Năm - 05 Tháng Bảy, 2018

"Không muốn góp thêm lời phàn nàn, không mơ ước sự kỳ diệu của Gióng" PGS.TS Phạm Duy Nghĩa "góp vài thiển nghĩ tản mạn vì những trường đại học xứng đáng cho thế hệ con cháu chúng ta".

Từ mười năm nay tôi đón Ngày nhà giáo như đón gió đông về. Những bó hoa, những lời chúc chen giữa những thế hệ học trò nhọc nhằn mưu sinh.

Người ta trở nên nhiều lời một đôi ngày, để rồi “lối cũ ta về”, chỉ còn lại vô vàn lời chất vấn cho ngành giáo dục. Từ sách giáo khoa cho đến đồng phục đại học, sức ép cải cách sự dạy và học đã nổi đầy trên mặt báo.

Không muốn góp thêm lời phàn nàn, không mơ ước sự kỳ diệu của Gióng, bài viết dưới đây góp vài thiển nghĩ tản mạn vì những trường đại học xứng đáng cho thế hệ con cháu chúng ta...

Yếu vì chưa bao giờ dám so mình

Các trường đại học nước ta yếu, yếu vì chúng ta chưa bao giờ dám so mình với thế giới bên ngoài. Không thể lọt vào danh sách 55 trường có uy tín ở Đông Nam Á, hi hữu có bài nghiên cứu đăng đàn quốc tế, hàng trăm trường đại học VN trở thành “ngoại hạng” chẳng thể so sánh với ai. Để ganh đua giành giật lấy thịnh vượng thời nay, ngoài cơ bắp, một dân tộc chỉ mạnh nếu có trí tuệ.

Nếu 180 người dân sẽ có một nhà kinh doanh, khi ấy tương lai của đất nước này tất yếu phải nhờ cậy vào sự lèo lái thông minh của giới doanh nhân, trí thức và quan chức. Đã quá muộn để so chúng ta với thế giới bên ngoài, và cũng đã quá muộn để suy nghĩ về những cái nôi dung dưỡng nên những người quản trị đó cho xã hội tương lai.

Không chỉ thiếu tiền, thiếu cả không gian sáng tạo

PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa

- Sinh năm 1965 tại Xuân Trường, Nam Định
- Tốt nghiệp thủ khoa đại học và bảo vệ luận án Tiến sĩ Luật tại Leipzig, CHLB Đức năm 1991
- Từ năm 1995 làm nghề dạy học tại Khoa Luật của Đại học Quốc gia Hà Nội
- Năm 2003 ông tham gia chương trình học tại Trường Luật – ĐH Harvard (Hoa Kỳ) theo học bổng quốc tế Fulbright.
- Ông có nhiều năm kinh nghiệm dạy học tại các trường ĐH nổi tiếng của Hoa Kỳ và Nhật Bản.
- Hiện nay, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa đang là Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Chủ nhiệm Bộ môn Luật kinh doanh – Khoa Luật – ĐHQG Hà Nội.

"... Một dân tộc biết suy tư, mơ ước và hành động để chế ngự đói nghèo và ganh đua với các dân tộc láng giềng là một dân tộc đang sống. Đóng cửa lại, tự cấp tự cung với đồng lúa và lệ làng, tự mãn với sự lạc điệu của riêng mình có lẽ là kẻ thù đáng sợ nhất của dân tộc chúng ta."

>> Xem trang tác giả: Phạm Duy Nghĩa

Chen lấn trong số phụ huynh đầy ưu tư tìm kiếm thông tin trong các triển lãm đại học Anh, Hoa Kỳ, Đức, Singapore và thậm chí triển lãm của vô số đại học từ Trung Hoa lục địa trong vài tuần qua, tôi hiểu người VN không chỉ thiếu tiền mà thiếu cả dũng khí dám nhìn thẳng vào sự thật để từng bước tìm cách xây dựng các ĐH đẳng cấp cho tương lai.

Hàng triệu đôla Mỹ tần tảo tích góp được chuyển ra nước ngoài để mua lấy chữ nghĩa cho con cháu mai sau. Việc ấy dễ hiểu, song cũng cho thấy rõ nước ta không có một đại học có đẳng cấp không phải chỉ bởi thiếu tiền.

Một Vụ Đại học lo lắng cho các trường đến mức nghĩ thay cho họ từ chương trình khung đến định hướng giáo khoa, giáo án đã làm giảm đáng kể sự tự tin của các đại học VN. Thậm chí có quan chức đầu ngành giáo dục cẩn thận soi xét tính mới của từng luận án tiến sĩ, bất chấp kết luận của các hội đồng chấm.

“Một người ốm bắt cả làng uống thuốc”, lo sợ vài nhà giáo làm sai, người ta tìm đến sự can thiệp rộng khắp. Nhà trường, nhà giáo thiếu đi sự tự tin, thiếu sáng tạo, thiếu cạnh tranh, và thiếu cả trách nhiệm với người học.

Cũng như khoán 10 trong nông nghiệp, cần trả lại sự tự quản cho trường và tự do nghiên cứu giảng dạy cho nhà giáo cũng như hối thúc cạnh tranh giữa họ. Khi ấy trường phải chăm chút cho người học xứng đáng với đồng học phí họ đã bỏ ra. Nếu không làm như vậy thì ngân sách cho giáo dục năm nào cũng gia tăng; song những cây đu đủ đực vẫn được bón thêm phân mà chẳng thể kết trái.

Hiệp hội đại học và định chuẩn

Bên cạnh gia tăng sự tự quản, việc giám sát các trường đại học nên từng bước chuyển sang cho các hiệp hội đại học và hội nghề. Ví dụ, nước Mỹ có hơn 200 trường dạy luật, song chỉ 190 trường được Hiệp hội Các trường dạy luật và Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ công nhận khi đáp ứng tiêu chuẩn về: (1) chương trình giảng huấn, (2) qui trình tuyển chọn giáo viên, (3) số lượng giáo viên trên tổng số sinh viên, (4) qui trình tuyển chọn sinh viên, (5) các điều kiện về cơ sở vật chất, và đặc biệt (6) tiêu chuẩn về thư viện.

Trường sẽ không được công nhận nếu có quá 30 sinh viên trên một giáo sư (cách qui đổi như sau: cứ một phó giáo sư tính tương đương với 0,7 giáo sư, trợ giảng 0,5 và nhân viên hành chính 0,2). Tuy so sánh là khập khiễng, song đối chiếu với thực tế đào tạo luật ở VN mới thấy các trường ở ta “ngoại hạng” đến mức nào.

Một cuộc điều tra của Bộ Tư pháp năm 2005 cho thấy trung bình một thầy cô phải giảng huấn 101 sinh viên, cá biệt có nơi đào tạo 4.000 sinh viên luật mà không hề có một giáo viên chuyên trách (tạp chí Khoa Học Pháp Lý, 5-2005, tr. 55).

Thế mới biết bắt cả làng uống thuốc chưa thể mang lại hiệu quả bằng sự tẩy chay của hiệp hội và người đi học; cạnh tranh mới là kỷ luật khắc nghiệt nhất buộc các trường phải phục vụ người học.

Tư duy tự học

Nếu vị trí trang trọng nhất của Đại học Harvard, MIT là các thư viện, của Stanford là một nhà thờ cổ kính, bạn sẽ thường thấy đằng sau cổng trường đại học ở VN sừng sững các khu hiệu bộ và nhà điều hành. Sách vở nghèo nàn, ghế gỗ cứng và chật hẹp, thời gian mở cửa chẳng khác giờ hành chính làm cho thư viện ở nước ta chẳng khác công sở là bao.

Người ta bảo trí thức nghĩa là người hiểu biết và dùng trí hiểu biết của mình thức tỉnh xã hội. Ngơ ngác trước thời thế mới, không hiếm khi người ta đóng cửa trong những quán tính cũ mà làm cho nền đại học VN ngày càng dị biệt với bên ngoài. Biết ơn lắm những bó hoa dành cho nhà giáo và ước ao những người mong chờ cải cách không còn cảm thấy cô đơn trong cái chớm lạnh mùa đông.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • So sánh giáo dục Đại học Việt - Mỹ

    17/12/2017TS. Vũ Quang ViệtBài viết tóm tắt những khác biệt cơ bản giữa giáo dục đào tạo cấp cử nhân (BA) ở Mỹ và ở Việt Nam hiện nay. Những nét cơ bản này dựa vào so sánh chương trình học kinh tế ở VN và chương trình học khoa học cơ bản, xã hội hoặc nhân văn (trong đó có kinh tế, toán, vật lý, hoá học, văn chương, tâm lý học…)
  • Cảm nhận về nền giáo dục đại học của Singapore

    17/09/2012ThS. Hoàng Thái HàChúng tôi thật sự ngạc nhiên với các bạn sinh viên của họ mới học năm thứ 2 thôi mà các bạn đã rành rọt quy chế về đào tạo khi họ trả lời thắc mắc của đoàn công tác, vì sao họ lại rành quy chế đào tạo? Tìm hiểu kỹ hơn chúng tôi được biết việc tổ chức công tác cố vấn học tập của NUS rất quy củ, ngoài các giáo sư cố vấn học tập chính, mỗi sinh viên năm cuối được làm cố vấn học tập cho một hoặc hai nhóm (khoảng 5-6 sinh viên) khóa sau…
  • Cải thiện chất lượng giáo dục đại học bằng tư duy

    14/03/2009Phạm Trần LêViệc cải thiện chất lượng giáo dục đào tạo đại học được nhắc đến thường xuyên trong công luận như một vấn đề bức thiết nhưng cho đến nay vẫn chưa có những giải pháp mang tính toàn diện và triệt để, vừa đạt được mục tiêu về cải thiện chất lượng dạy và học đồng thời giúp cho bài toán quyền lợi của các cá nhân liên quan được giải quyết hợp lý. Một giải pháp như vậy đòi hỏi được xem xét qua tư duy kinh tế với ba câu hỏi căn bản là: xã hội có nhu cầu gì ở giáo dục đại học; hiện trạng đào tạo đại học hiện cung ứng tới đâu; lộ trình nào để từng bước giúp cung và cầu gặp nhau.
  • Lối thoát nào cho giáo dục Đại học Việt Nam?

    04/06/2007GS,TS Trần Đình Sử“Trước thực trạng xuống cấp của giáo dục Đại học nước nhà, đã có ý định thả nổi hệ thống Đại học hiện có. Đâu là lối thoát cho giáo dục Đại học Việt Nam. Có niềm tin, biết tháo gỡ các vướng mắc, bổ khuyết các thiếu sót, nhất định chất lượng Đại học sẽ lên”.
  • Giáo dục đại học và cơ chế thị trường

    22/03/2007Giáo sư Phạm PhụCụm từ "Giáo dục đại học và cơ chế thị trường" đang được tranh luận sôi nổi trên mọi diễn đàn về GD trong hơn một năm qua. "GDĐH có là một loại hàng hóa công?", "Trường học không phải là chợ", "Có hay không có thị trường GD?"... Thanh Niên xin được giới thiệu với bạn đọc bài viết của GS Phạm Phụ - Trường ĐH Bách khoa TP.HCM về vấn đề khá nóng bỏng và cũng khá nhạy cảm này.
  • Vài góp ý về chất lượng giáo dục Đại học

    01/01/1900Nguyễn Văn TuấnQua theo dõi loạt bài thảo luận và góp ý về giáo dục đại học ở Việt Nam trên các báo trong nước và qua trao đổi với một số đồng nghiệp trong và ngoài nước tôi nhận thấy một trong những vấn đề lớn nhất về giáo dục Đại học ở Việt Nam hiện nay là vấn đề chất lượng: chất lượng đội ngũ giảng dạy, chất lượng đào tạo và chất lượng Sinh viên.
  • Vị cá nhân trong giáo dục Đại học

    28/09/2006Bùi Trọng LiễuMột xã hội muốn phát triển thì những tàn dư của cách tổ chức có "tính chất vị cá nhân" phải được huỷ bỏ và thay thế bằng cách tổ chức hợp lý hơn, công bằng hơn, lợi ích cho xã hội hơn. Trong nền giáo dục Đại học của nước ta "vị cá nhân ở điểm nào lợi ích cho cả xã hội" ở chỗ nào?
  • 7 kiến nghị cấp bách về phát triển giáo dục Đại học

    21/06/2006GS Hoàng TụyTrước đây ta xây dựng Đại học theo mô hình Liên xô cũ, nay nềnĐại học đó không còn thích hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước, song những biện pháp sửa đổi chắp vá thời gian qua đã phá vỡ tính hệ thống của nó, rốt cuộc tạo ra cảnh tượng lộn xộn, không còn chuẩn mực, không theo quy củ, tuỳ tiện, và kém hiệu quả. Muốn thoát ra khỏi tình trạng này, cần có thời gian và một lộ trình hiện đại hoá thích hợp.
  • Giáo dục đại học Việt Nam: Một vài con số

    21/10/2005LTS. Nhà báo Lê Hạnh, trên Lao Động số ra ngày 23.06.2004, đã ghi nhận từ hội thảo quốc tế " Đổi mới giáo dục đại học và hội nhập quốc tế ", tổ chức trong hai ngày 22 – 23.6.2004 tại Hà Nội, một vài thông tin so sánh đại học Việt Nam và thế giới. Chúng tôi xin trích đăng dưới đây một số đoạn của bài báo – dù biết rằng các so sánh thường khó tránh khỏi phần khập khiễng !
  • Giáo dục đại học: phải cải cách triệt để!

    12/07/2005Nguyễn PhanHội thảo “Các giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Báo Giáo dục & Thời đại tổ chức ngày 5-11-2004, đã thu hút gần 50 tham luận của các đại biểu.
  • Giáo dục đại học: Cần một hệ tư duy quản lý khác?

    04/01/2004Chất lượng đào tạo (ở đây tôi chỉ xin trình bày ý kiến của mình trong giới hạn lĩnh vực đào tạo đại học) liên quan đến nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là chất lượng của đội ngũ cán bộ giảng dạy, cơ sở vật chất, chương trình cùng phương pháp giảng dạy và bao trùm trên hết là chất lượng quản lý. Các yếu tố khác đã được đề cập nhiều. Ở đây, chúng tôi chỉ xin nhấn mạnh đến yếu tố bao trùm. Nhưng vì sao quản lý là yếu tố bao trùm?
  • xem toàn bộ