Chuyện của nền giáo dục Việt có còn nóng?
Mặc dù đã “đánh tiếng” tham khảo ý kiến dư luận về những thay đổi sắp tới của nền giáo dục từ cuối năm ngoái, song do “người lớn” còn đang đau đầu về lương thưởng èo uột, kinh tế khó khăn, sức mua suy giảm nên các vấn đề giáo dục vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Thế nhưng, chuyện thi tốt nghiệp 4 môn còn ‘dùng dằng” chưa dứt thì mới sang đầu năm 2014, clip thầy đánh trò hay học sinh lớp 11 chỉ vì không có hộ khẩu Hà Nội mà bị đình chỉ học tập đã phải gửi thư đến Chủ tịch nước… ngay lập tức đã khiến dư luận xôn xao tự hỏi, giáo dục Việt sao lại để những việc buồn đến thế này sao?
Môi trường giáo dục bất an
Không biết trước đây khi con cái đi học, các phụ huynh nhà ta có lo cho lũ trẻ nhiều đến thế không, chỉ biết giờ đây, chúng ra đường thì lo đụng xe rồi bị bắt cóc, bị rủ rê chơi điện tử rồi bỏ học… Đến trường, tưởng con được an toàn thì lại mới dấy lên nỗi lo bị thầy cô bắt phạt. Lứa mầm non thì lo bị bạo hành, ép ăn, lứa phổ thông thì sợ bị tát, bị thầy “thẳng tay” phang như trong clip tại trường THPT Nguyễn Huệ, Tây Sơn, Bình Định.
Báo chí cũng đã phân tích nhiều chiều, cho rằng học sinh ở trường này cũng không phải đối tượng “ngoan ngoãn” gì, nhưng cho dù lũ học trò ra sao, thầy giáo cũng không nên “giáo dục” kiểu “dã man” như vậy. Nhất là khi khiến học trò bức xúc “tấn công” lại thì hình ảnh người thầy trong mắt trò chẳng còn chút tôn trọng nào nữa, khiến người ta dễ nghĩ thầy đã quen với môi trường giáo dục “vũ lực” nên đem ra xử sự y nguyên với học sinh của mình? Nhưng đáng ngạc nhiên nhất là sau khi vụ việc xảy ra, bà Quách Thị Huyền Trân, hiệu trưởng nhà trường cho biết trên báo Đất Việt rằng vẫn để thầy tiếp tục đứng lớp, dù có thừa nhận mối quan hệ thầy trò không còn được như xưa, vậy chẳng hóa ra họ coi chuyện thầy trò “dùng vũ lực” với nhau cũng… bình thường, không có gì phải ầm ĩ?
Có thể nói, so với ngày trước, môi trường giáo dục rõ ràng là có nhiều bất an hơn. Nguyên nhân thì dư luận và truyền thông cũng đã phân tích nhiều nhưng chung quy cũng bởi sự “cải cách” quá đà khiến giáo dục mất gốc, đi lạc đường… Nhưng thực tế, ngành giáo dục cũng không đứng một mình để chịu những trách nhiệm trong việc hình thành tính cách con người, mà đôi khi ngành này cũng phải chịu tác động của những cải cách hành chính.
Không hộ khẩu không được học trường công
Điều đó đã gây nên câu chuyện “trở đi mắc núi, trở về mắc sông” của Đỗ Hồng Sơn, cậu học sinh lớp 11A5, trường THPT Trần Hưng Đạo, Thanh Xuân, Hà Nội. Vì mắc Luật thủ đô nên cha mẹ em không nhập được hộ khẩu Hà Nội, điều này dẫn đến chuyện cậu bé bị đình chỉ học tập khi hồ sơ không đủ giấy tờ theo quy định phải có hộ khẩu Thủ đô, nên không được học trường công lập. Mà xin học trường dân lập thì gia đình em không đủ tiền cho con ăn học, đồng nghĩa với chuyện cậu học sinh lớp 11 sẽ phải nghỉ học.
Hóa ra chuyện người ta không nhìn xa trông rộng, để Thủ đô đông đúc, không quản nổi số lượng người nhập cư vào thành phố rồi “chữa cháy” bằng những quy định dễ làm cho chính quyền quản lý, nhưng lại làm khó người dân nên mới dẫn đến những vấn đề kể trên. Chuyện của em Sơn nghe thì tưởng chừng vô lý, nhưng khi chiếu theo các quy định thì chẳng ai sai, chỉ có điều sao thấy nó lạnh lùng quá. Nhất là khi Bộ GD-ĐT đã ban hành việc phổ cập giáo dục THPT từ năm 2012, thì việc đẩy một học sinh lớp 11 ra đường với những quy định đúng chỉ đạo có mâu thuẫn lẫn nhau không?
Giáo dục tìm đường ra không có nghĩa là rút ngắn thời gian
Những câu chuyện trên xảy ra ngay đầu năm đã khiến nhiều người không khỏi suy ngẫm. Trong khi giáo dục đang vật lộn tìm đường đi, quyết định nhanh những chuyện như không giao bài tập về nhà, không dạy thêm học thêm, không dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1, không cho điểm đối với học sinh lớp 1… rồi ra các quy định về thi cử gây tranh cãi vào năm ngoái… thì giáo dục vẫn chưa khá khẩm hơn chút nào. Đồi Ngô vẫn hứa hẹn những tập tiếp theo, còn kỳ thi tốt nghiệp thì vẫn đang tranh luận có thi 4 môn hay không, môn ngoại ngữ khuyến khích hay tự chọn… trong hội nghị ngày 13/2 của Bộ GD-ĐT, cho thấy quả là những người làm giáo dục thời nay cũng mệt mỏi lắm thay. Một năm, các thầy cô cũng phải uốn theo quy định không biết bao lần, những gì làm trước đây có thể bị xóa bỏ hoàn toàn, rồi cập nhật quy định mới, chưa làm quen đã áp dụng… gây hoang mang, lo lắng cho cả thầy cô, học sinh lẫn phụ huynh.
Với những nỗ lực xoay trở của Bộ GD-ĐT, ai cũng biết ngành này đang cố gắng, nhưng khi giáo dục là nền tảng căn bản của nhân cách con người thì có thay đổi cũng nên từ từ, không phải cứ muốn là làm được ngay. Còn đã làm thì cũng phải lường trước hậu quả, đừng để chuyện cải cách giáo dục sau mấy chục năm, giờ bắt xã hội phải gánh chịu bằng nhiều thế hệ công dân. Chưa kể, trong quá trình thay đổi, những câu chuyện như thầy đánh trò, không hộ khẩu thì thất học như trên cũng cần được giải quyết triệt để. Bởi nếu cứ cố giấu để coi không có chuyện gì thì hậu quả trong tương lai sẽ còn lớn hơn.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiNếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn Quân