Khi người ta trẻ
1
Giỗ cô tôi vào khoảng tháng sáu âm lịch. Tôi không nhớ rõ ngày, chỉ biết trong cái tháng âm ấy, vào gần những ngày tang tóc ấy, bà tôi như một người khác, lờ đờ, uất ức, lẫn lộn...
Cô tự tử bằng thuốc ngủ. Không ai cứu được vì cô là sinh viên y và lại hay đọc tiểu thuyết, nên cô dùng thuốc với liều chết thật chắc chắn, ở một nơi không ai có thể can thiệp được. Còn lại mình bà sống trong căn nhà rộng, hằng ngày đốt nhang cho hai bàn thờ của ông và của cô.
Bà tôi nói với mẹ : "Để con Hoàn về với bà". Mẹ tôi không vui nhưng biết sao ! Công việc của tôi là đi học, đi chợ, làm vài việc vặt. Bà tôi nấu ăn, nuôi gà, tưới phong lan và gắng giữ sao cho cả một ngày dài lúc nào hương cũng lập loè trên hai bàn thờ.
2
Cô là một người đầy mâu thuẫn, ngông nghênh mà lại sợ dư luận ; ăn nói ác độc, kiêu căng mà rất tự ti, chơi rất nhiều mà học cũng rất nhiều. Cô nhiều bạn nhưng chỉ thích tiếp bạn ngoài quán cà phê ; là một người không bao giờ làm được việc gì đến nơi đến chốn, trong ngăn kéo còn lại vô số những bản tự cam kết. Sẽ
không... Nếu không... Trong tủ đầy những mảnh vải thêu cắt dở dang, những cuốn tiểu thuyết gập góc ở những trang gần cuối. Thích đấy rồi chán đấy, cô làm khối kẻ điên tiết...
3
Rồi cô cũng dừng chân lại. Người cô yêu (hơn là người yêu cô) cả tính tình lẫn dáng vẻ đều còn rất trẻ con. Tôi gọi Vỹ bằng thằng vì nó bằng tuổi tôi, nghĩa là thua cô hai tuổi. Sau lưng, cô cũng gọi nó là thằng - thằng Vỹ. Hẹn, nó không đến, cô chửi : "Đồ khốn nạn !". Nó đến, cô lại ngỏn ngoẻn đi chơi, không hề dám giận. Mười một giờ đêm cô về, có bữa vui vẻ kể đủ chuyện, có bữa lặng lẽ lên giường ngủ thẳng. Bố tôi bảo : "Coi chừng !". Bà tôi chỉ cười. "Nói thì nó làm ngược lại. Thôi kệ !".
4
Kệ ! Cô tôi vẫn đi đi về về cùng Vỹ dù rằng anh "công tử Bạc Liêu" này đã có một già nhân ngãi, non vợ chồng dưới Long Xuyên. Hằng ngày, từ Sài Gòn, anh chàng phóng như bay trên cái xe đẹp nhất trường về tỉnh, mặc kệ điểm danh thực tập, mặc kệ những buổi học giảng đường, mặc kệ cô tôi ở lại trơ vơ tráo váo. Dăm bữa sau anh chàng lê lại với tiền đầy túi không rõ từ đâu, với những bộ quần áo thật model. Cô hỏi "Về làm gì ?" "Hết tiền !". "Có gặp Ngân không ? Vui không ?". "Không, chán rồi ! Nó cà chớn lắm !". Cô tôi tự lừa mình mà vui được ít ngày, để rồi sau đó tự an ủi : "Nó còn nói thật là còn yêu !". Khi Vỹ nhịn không được, liền kể cho cô nghe về một căn nhà ở dưới đó, trong một đường hẻm có bán cơm tấm thật ngon, Ngân và Vỹ nằm dài tán dọc. "Mệt lắm, chẳng muốn tí nào !". Cái câu than thở này thật chẳng thích hợp tí nào với khuôn mặt rạng rỡ của Vỹ. Mẹ tôi hỏi. "Sao em có thể chịu đựng được cảnh một gà hai mề thế hả Xuyên ?". Cô ngồi băm thịt như chém vào mặt thớt, cười nhạt : "Nó có phải chồng em đâu, chơi cho vui vậy thôi. Đi với ai cũng được, ngủ với ai cũng được, em không quan tâm !". Mẹ tôi lí nhí : "Đừng có đùa, em ! Rồi khó dứt ra lắm !".
Khó dứt thật, cô tôi ngày ấy thật khó trở lại với những quán cà phê khiêm tốn, với những buổi đi chơi "chay" ít xu. Thế giới sách vở của cô thu lại bé tí, cô làm những bài thơ tình quanh quẩn chẳng ai thèm đăng, cô viết những trang nhật ký u uẩn chỉ ba nhân vật : cô, Vỹ, Nhân. Cô không dám đề nghị một sự chọn lựa thẳng thừng ở Vỹ, sợ rồi Vỹ sẽ thẳng thừng chọn Ngân khi bị dồn vào chân tường.
5
Hồi ấy, tôi hay sang chơi với bà, phụ bà hái xoài, vú sữa, thông ống máng hay xách nước khi cúp điện... là những công việc không bao giờ cô làm. Cô ngồi ở cái bàn gần cửa sổ có cây hồng xiêm thò cành lá vào, vui thì chơi với hai bà cháu, buồn thì mở nhạc, ngồi viết nhật ký, thư từ, ai đụng đến cũng quạu quọ. Bà bảo tính cô thất thường như ông. Có điều ông không mê chơi, phù phiếm như cô.
Bà bảo cô dễ tủi thân, buồn bã nhưng uất quá đến nỗi không khóc được, mặt chỉ lì ra, u ám. Tôi đã từng chứng kiến và hoảng hồn trước bộ mặt này khi cô đợi Vỹ trễ hẹn. Nó dữ tợn và tang tóc. Tôi kể lại, mẹ tôi bảo : "Mày chỉ khéo tưởng tượng !".
6
Bạn bè cô xa dần. Những anh học trò nghèo hiền lành. Những anh văn nghệ sĩ nửa mùa đang say sưa với cái nghèo tài tử chợt giật mình khi thấy cô đánh đổi tất cả để đến với Vỹ. Họ phân tích bằng cách này hay cách khác, xa hay gần, cho cô thấy rằng Vỹ chỉ là "thằng Vỹ" mà thôi. Một thằng Vỹ ít nói vì không biết gì để nói, một thằng nhà giàu ích kỷ, chơi bời và tàn bạo. Mặc kệ, cô gọi những cái ấy là đàn ông, là amateur. Cứ như vậy, giảng đường trở nên xa lạ với cô và Vỹ. Cúp học liên miên. Thi lại cũng liên miên. Trong ngăn tủ lại thêm rất nhiều những mẩu giấy kể từ mai phải học, phải... nếu không...
7
... Rồi những tháng hè đến. Cậu Vỹ thì biến đâu mất. Cô tôi càng lầm lì, bỏ cà phê, ca nhạc... Hằng ngày cô vẫn ngồi bên cái bàn cạnh cây hồng xiêm, học bài và viết những trang giấy bé như bàn tay. Bà hỏi : "Con chưa nghỉ hè à ?" "Thi lại !". Đây là chuyện cơm bữa, bà tôi cũng chẳng nói gì, lại nhờ tôi làm giúp các việc vặt để cho cô nấu sử sôi kinh.
Sinh nhật cô, không mưa sụt sùi, không nắng chói chang nhưng cũng chẳng ma nào đến ngoài hai bạn gái cùng lớp khệ nệ mang đến một bó hoa với vài cục xà bông. Cô tôi cắm hoa vào cái ly cũ không cần sửa sang, rồi đặt vào một góc bàn. Ngày ấy, tôi mang quà của bố mẹ tôi sang và nấu cho cô nồi chè. Cô nằm trong màn không thức, không ngủ. Tôi hỏi : "Cô đi uống cà phê với cháu không ?". Cô bật dậy ngay : "Đi, ở nhà mệt quá !". Tôi dẫn cô ra quán cà phê Phi Vân là nơi tôi hay uống. Cô ngơ ngáo nhìn đường mới, nhìn xe qua lại, không nói năng gì. Rồi cô hỏi : "Hoàn, cháu có bồ chưa ?" "Bạn thôi cô !". Tôi hạnh phúc và ngượng ngùng khi cô hỏi đến "người" của tôi. Cô hỏi : "Làm gì ? Có tốt không ?""Học cùng với cháu. Hiền lắm, nông dân lắm, tốt lắm !". Cô cau mày : "Nông dân lắm là sao ?" "Là thật lắm, cháu đùa sao cũng tin là thật !". Cô cười một cái cười xanh xao, đôi mắt u ám chợt trở nên buồn và trong veo kỳ lạ. Tôi "lịch sự" hỏi lại : "Tối chú Vỹ mới đến hả cô ?" Cô sa sầm : "Không, chẳng ai đến cả. Cô bây giờ ít bạn lắm rồi !". ít bạn lắm rồi, có thế, vào cái ngày này tôi mới được ngồi với cô ở đây chứ !
8
Bà tôi nhớ lại, trước khi chết vài ngày, cô vui vẻ lại, đi uống cà phê, mua quà bánh, chở bà đi chơi lung tung : "Con thi xong hết rồi !". Rồi như các tiểu thuyết vẫn có mà chẳng ai ngờ, cô xin đi Long Hải hai ngày. Để ít ngày sau, bà tôi nhận xác cô từ một khách sạn ở Vũng Tàu. Không một cái thư tạ lỗi như người ta hay làm, không trách móc ai, bên cạnh cũng không có ảnh của ai, chữ của ai. Chỉ có cô và vỉ thuốc trống rỗng.
Bà tôi mặc cho cô cái áo màu rêu cô hay mặc, cái quần thùng thình cô hay diện đi chơi, chải cho cô cái đầu bụi đời. Cô út đã cho bà một đòn nặng. Cô đi không để lại lý do làm cho mọi người đâm áy náy, mọi người đều kiểm tra lại xem đã có chuyện gì để cô tôi - cái người hay hờn dỗi ấy - tủi thân không ?
Đám tang cô không có "chú Vỹ". Nghe đâu "chú" đi Quy Nhơn chưa về. ở ngoài ấy, tôi chỉ mong sao sóng cuốn phăng nó đi !
9
... Hai năm rồi, chẳng còn ai nhớ về cô rõ ràng nữa, ngoài bà. Nếu biết ra điều này hẳn cô đã chẳng tự tử làm gì cho mất công ! Bố tôi kết luận : "Con điên ! Điên như nó không chết trước cũng chết sau !". Mẹ tôi bảo : "Chắc có gì với thằng Vỹ rồi !". Có hay không, chẳng ai biết được. Nhật ký cô để lại không ghi cái gì cụ thể, chỉ thấy u ám. Mưa hay nắng cũng u ám, đi chơi cũng u ám, đi học cũng u ám. Cái gì cũng có vẻ như không lối thoát. Đến nỗi đọc xong, tôi có cảm giác : "Chết đi là vừa !". Với cái đầu tò mò mà ấm ớ, tôi thử làm một bản tổng kết và qui ra rằng cô đã đổi tất cả đề rồi Vỹ ta cao chạy xa bay ; rằng cô đã không chịu nổi cảm giác ở lại thêm một năm học để bị bạn cười thương hại. Mẹ tôi lại
bảo : "Vớ vẩn, có đáng gì đâu". Có đáng gì đâu ?
Đáng lắm chứ. Tôi bám vào cánh cửa, ngoài vườn mưa như giông. Nếu mẹ tôi hiểu, ở cái tuổi này người ta điên đến mức nào, ngông cuồng đến mức nào và cần có bạn bè để an ủi biết bao nhiêu, người ta lại thích trả thù nữa chứ ! Khi chết, hẳn cô đã tưởng tượng ra mọi người khóc lóc, Vỹ hoảng sợ, hối hận, ôm lấy quan tài như muống xuống mồ theo... Than ôi, ngày đám tang cô, Vỹ ta tắm biển.
Vui lắm và nắng lắm !
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường