Việc đối xử với người già

08:00 SA @ Thứ Năm - 21 Tháng Mười Hai, 2006

Thưa tiến sĩ Adler,
Vấn đề những công dân có tuổi trong xã hội chúng ta thì khá cấp bách. Những người làm công tác xã hội, các lĩnh tụ chính trị, và những người quan tâm khác đã bình luận về nó. Các xã hội trong quá khứ đã gặp vấn đề này chưa? Vị trí của người già trong những thời đại trước là gì? Các tác gia vĩ đại trong quá khứ có soi sáng bất kỳ điều gì cho chúng ta về vấn đề quan trọng này không?

F.W.B.

F.W.B. thân mến,

Thái độ đối với người già đã thay đổi tùy theo các thời đại và nền văn hóa khác nhau. Nói chung là người già vẫn được kính trọng sâu sắc và thậm chí là sùng bái trong xã hội nguyên thủy cổ xưa. Tuổi già được xem như thời điểm của sự thông thái và quyền lực tinh thần. “Những người già” cai trị trong cả cộng đồng chính trị lẫn tôn giáo là một thông lệ chung.

Vấn đề những gì phải làm hiện nay đối với “các công dân lớn tuổi” của chúng ta là chuyện chỉ xã hội hiện đại mới có. Nó phát sinh từ những thay đổi về xã hội và kỹthuật hàng trăm năm qua. Tuổi thọ của con người đã được kéo dài, nhưng ích dụng của họ đối với nền kinh tế đã trở nên không cần thiết trong những năm tháng sống thêm mà họ có được. Người già trở thành những kẻ thừa trong xã hội chúng ta. Chúng ta đã lấy “lão khoa” (việc nghiên cứu người già và những vấn đề của họ) thay cho “chế độ lão trị” (cai trị bởi người già).

Các tác gia trong quá khứ không có lời khuyên nào cho chúng ta về vấn đề xã hội của chúng ta, vì họ chưa từng đối mặt với nó, dù chỉ là một khả năng. Montaigne, trong thế kỷ mười sáu, ghi nhận rằng hầu hết con người đều không sống quá bốn mươi. Người già, như một tầng lớp đông đảo, không phải là vấn đề.

Tuy nhiên chúng ta vẫn tìm được những đoạn trích của các nhà thơ cổ mà chúng giống như suy nghĩ của riêng chúng ta về tình cảnh của người già. Một trong những vở kịch của Sophocles, phần đồng ca của những người già đã gọi tuổi già là “không được tán dương, ốm yếu, khó gần, không thân thiện”. Một đọan đồng ca khác, trong một vở kịch của Aristophanes, than vãn: “Chúng ta những con người đã đánh mất âm nhạc của chúng ta, yếu đuối, lờ đờ, bị bỏ rơi.”

Jonathan Swift, trong Gulliver phiêu lưu ký, cũng vẽ nên một bức tranh ảm đạm về tuổi già. Trên hòn đảo huyền thọai Luggnagg, vài người trong mỗi thế hệ sống trong tuổi già bất tận. Bên cạnh tính khí “ương bướng, dễ cáu, thèm muốn, rầu rĩ, kiêu ngạo, lắm điều, khó kết bạn, chai lì mọi cảm giác tự nhiên,” họ chỉ có thể nhớ những gì họ đã học hồi nhỏ, và thậm chí điều đó cũng không chính xác. Ở tuổi tám mươi, họ bị coi như đã chết về mặt pháp lý, được lãnh một món trợ cấp còm cõi, và được xem như không có khả năng cho những vụ giao dịch kinh doanh hay làm việc.

Một số triết gia cổ như PlatoCicerocó một cái nhìn tươi sáng hơn về tuổi già. Họ xem nó như giai đoạn mà hoạt động trí tuệ và sự thông thái ở mức cao nhất và thay thế cho sức mạnh cùng niềm vui thú thể xác đang suy tàn. Họ cũng xem tuổi già như thời kỳ mà óc phán đoán thiết thực ở mức tốt nhất của nó và con người có đủ khả năng nhất để tham gia chỉ đạo những công việc chung. Việc nghiên cứu triết học, theo Plato, sẽ không bắt đầu cho đến khi qua tuổi năm mươi.

Ngược lại, Montaignecho rằng chúng ta được hình thành đầy đủ khi chúng ta hai mươi, làm công việc của chúng ta tốt nhất trước khi chúng ta ba mươi và sau đó thì mọi thứ đều suy tàn, kể cả đầu óc chúng ta. Ông hoài nghi quan điểm truyền thống cho rằng sự hiểu biết và thông thái của chúng ta càng tăng khi chúng ta càng già đi, và có phần tin rằng lúc đó chúng ta trở nên trì trệ hơn. Tuy nhiên ông đề xuất những mẹo tâm lý khác nhau để khắc phục tình trạng u mê của tuổi già và nêu ra hy vọng rằng những sở thích và khả năng thẩm định của chúng ta phát triển khi chúng ta già đi.

Nhiều tác gia khẳng định rằng những suy kém về trí nhớ, sự bén nhạy, và niềm hứng khởi mà người ta cho là sẽ xảy đến với người già là đều có thể tránh khỏi hoặc khắc phục được. Samuel Johnsonkhẳng định quyết liệt rằng việc mất nhạy bén về trí tuệ là kết quả của ý chí yếu đuối và sự lười biếng, chứ không phải của tuổi già. W.B. Yeats(1)đã làm một số bài thơ tuyệt nhất của ông ở tuổi già, còn William Carlos Williams(2)vẫn viết say sưa và ngon lành. Và thậm chí trong thời đại thiếu tôn trọng tuổi già này, dân Mỹ, Đức, Anh và Pháp đều chọn những quý ông đã có tuổi để lãnh đạo họ.

(1)William Butler Yeats(1865-1939) Nhà thơ, kịch tác gia, nhà văn Ireland đọat giải Nobel văn chương năm 1923, được xếp vào hàng ngũ những nhà thơ viết tiếng Anh lớn nhất thế kỷ 20.
(2)William Carlos William(1883-1963) nhà thơ Mỹ thường biến những cái bình thường thành khác thường qua khả năng tưởng tượng độc đáo và bút pháp trong sáng của mình. Ông còn viết nhiều tiểu thuyết, tiểu sử và truyện ngắn.


FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: