Chủ nghĩa Duy lý kỹ thuật và sự khủng hoảng các giá trị nhân văn

11:04 SA @ Thứ Bảy - 06 Tháng Năm, 2017

Bàn về khái niệm “lý tính kỹ thuật”, giới triết học, giới nhân học, giới văn học không thể bỏ qua vai trò của giáo dục giá trị nhân văn cho con người. Giá trị nhân văn trong giai đoạn Hậu công nghiệp không còn dừng lại ở các tiêu chí thẩm mỹ trong mối qua hệ giữa con người với con người như thời Phục hưng thế kỷ 17 hay chủ nghĩa nhân văn Pháp thế kỷ 18, và cũng không phải là sự phát triển một thứ nhân văn duy lý trong thời đại công nghiệp hoá thế kỷ 19 - 20, mà thực chất nhấn mạnh đến một kiểu nhân văn mới: nhân văn kỹ thuật...

.

Vậy thế nào là Chủ nghĩa nhân văn kỹ thuật? Nó khác biệt với Chủ nghĩa nhân văn duy lý thế kỷ 19 và Chủ nghĩa nhân văn Phục hưng như thế nào? Việc phê phán đối với bản chất của kiểu con người kỹ thuật cần được hiểu ra sao? Chúng ta cần chống lại sự khủng hoảng các giá trị nhân văn trong xã Hậu công nghiệp ở khía cạnh nào?... đó là những vấn đề triết học cần được giải quyết một cách cụ thể.

Có thể nói, Chủ nghĩa nhân văn Phục hưng ra đời đã giải phóng con người ra khỏi thế giới thần quyền ngự trị thế giới phương Tây suốt thời kỳ Trung cổ kéo dài hàng trăm năm(1), đưa nhận thức con người từ “trên trời xuống dưới mặt đất”, hướng ý niệm về vai trò của nhân loại từ sự phụ thuộc vào đấng tối thượng như là trung tâm của thế giới đến việc xem chính con người là hạt nhân của thế giới. Vì vậy, các giá trị của con người được đề cao như là sự tổng hoà các giá trị giữa tự nhiên và thần học, giữa khoa học và đức tin, giữa cảm xúc và nhận thức lý tính. Do đó, những sản phẩm của nghệ thuật phục hưng ra đời là để tôn vinh sự có mặt của con người trong vũ trụ, tôn vinh các vẻ đẹp cá nhân mà thời Hy Lạp - La Mã đã góp phần xây dựng nên các kiểu mẫu chuẩn mực cho chủ nghĩa nhân văn này.

Việc Chủ nghĩa nhân văn Phục hưng ra đời đã giải quyết mối quan hệ trung dung, đa chiều khi đánh giá về phẩm chất, sức mạnh chinh phục tự nhiên, chinh phục thế giới tinh thần mà con người đã làm. Những bức hoạ của Leonardo da Vinci([2]), hay các tác phẩm điêu khắc của Michelangelo([3]) được xem là biểu trưng cho các giá trị nghệ thuật chuẩn mực về cái đẹp, về sự cao cả của con người trong giới tự nhiên và xã hội. Con người được đề cao không phải như một hoạt động duy lý một chiều, mà là sự duy lý cộng sinh các giá trị cuộc sống.

Tuy nhiên, bước sang thế kỷ 18 và 19, chủ nghĩa duy lý phương Tây dường như đã trở thành một hoạt động chống lại chủ nghĩa nhân văn, chống lại các giá trị cộng đồng, cộng hữu giữa tự nhiên và xã hội, giữa thần học và khoa học, đưa đến sự khai sinh của một thứ nhân văn cá nhân chủ nghĩa. Các giá trị cộng đồng hay các giá trị tổng hợp được thay thế bởi kinh nghiệm cá nhân. Chúng đề cao sức mạnh của cá nhân con người theo nghĩa mà Friedrich Nietzsche([4]) đã khởi sướng: “Chúa đã chết”([5]); và con người có quyền năng sức mạnh ý chí như một vị Chúa. Sức mạnh cá nhân đã đem lại cho nền công nghiệp thế kỷ 19 một sự thay đổi toàn diện về chất. Nền văn minh vật chất được chú trọng và cùng với đó là vai trò cá nhân con người cũng được đề cao.

Tuy nhiên, cũng chính từ việc đề cao lý trí con người như vậy đã đưa đến sự hình thành của kiểu “con người đơn độc”, mọi phán đoán cá nhân được xem như là thước đo của sự điều phối cuộc sống bên ngoài. Cái ý chí tối thượng của con người đã biến họ trở thành bức tường ngăn cách đối với các cá nhân, cộng đồng khác, để có thể giao tiếp, đối thoại nhằm đưa đến hiểu biết lẫn nhau, giảm thiểu các ảo tưởng duy lý. Sự duy lý cá nhân này thực sự đã đưa con người vào một “tình thế triết học” là sự vắng bóng của tính người trong hiện hữu thực tại, điều mà E. From đã cảnh báo, rằng: “Con người đã chết”([6]). Những gì mà nhân loại đã làm trong thế chiến I và thế chiến II, chính là cách để chúng ta hình dung về sự đơn độc của con người trong thế giới, một thế giới của sự nghi hoặc và sát hại lẫn nhau. Thế giới đó không thể có sự bao dung và đối thoại, lại càng không thể tồn tại các giá trị nhân đạo và nhân văn.

Và thực thế ngày nay, những di chỉ từ quá khứ thế chiến I và thế chiến II, như: Thảm cảnh Holocaust([7]), chấn thương tâm lý Hiroshima-Nagasaki, đã cho thấy tính chất một chiều trong việc đánh giá lý trí cá nhân của con người. Con người đã xem lý trí ấy như là sức mạnh tối thượng, cắt bỏ các chiều kích của duy cảm và duy tình. Kiểu con người duy lý, một chiều như thế, ngày này không những không mất đi mà nó đã biến đổi về bản chất theo cấp độ duy lý hơn - một thứ duy lý vô cảm của kiểu thức nhân bản kỹ thuật, khi mà loài người bước sang giai đoạn mới của chủ nghĩa kỹ trị: Giai đoạn Hậu công nghiệp.

Ngay từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 các nhà Marxist phương Tây như T.Adorno, H.Marcuse, J.Habermas, J. Baudrillard, M.Foucault đã phê phán rất mạnh mẽ về sự duy lý kỹ thuật này. Thậm chí Michel Foucault đã nhắc đến sự vắng bóng của con người([8]) trong hoạt động sống của nó. Kiểu “con người một chiều” như Marcuse đề xướng trong xã hội kỹ nghệ ngày nay không chỉ nhắm vào sự nhận thức mang tính duy lý nữa, mà thực sự trở thành một sự xoá bỏ các chiều kích của tư duy, trở thành loại hình “nhân bản robot”. Con người trong thế giới công nghệ ngày nay thực sự đã trở thành kiểu thức con người không chiều kích, không còn mang tính duy lý tự chủ như trong triết học truyền thống thế kỷ 19, mà đã trở thành một thứ “duy lý bị động”, “duy lý tai biến”([9]) trong thế giới máy móc công nghệ.

Jean Laloup và Jean Nélis đã nhắc đến con người và máy móc trong cuốn sách thú vị Người và Máy: Nhập môn nhân bản kỹ thuật([10]) như là quan điểm về sự hoán đổi không tách rời giữa thế giới hữu cơ và thế giới vô cơ. Nhưng sự hoán chuyển ấy, giờ đây, không còn là hai chiều biện chứng nữa, mà trở thành đơn cực, theo nghĩa: máy - người. Con người không còn là chủ nhân của máy móc, mà giữa chúng đã có sự hoán chuyển trong thực tiễn: Máy móc là chủ nhân của con người - một sự phụ thuộc không lý do.

Một kiểu ngôn ngữ mang tính lập trình trong các dây truyền công nghệ đã đặt con người vào tình huống buộc phải theo, đã chính thức chấm dứt vai trò “sinh động của nhận thức thực tiễn” ở con người. Con người sống, hưởng thụ, quan niệm về hạnh phúc, về lẽ sống, nhân sinh như một cái máy. Sinh hoạt nhân văn cũng bị lập trình. Giấc mơ về một sự hưởng thụ nghệ thuật như thế kỷ nhân văn Phục hưng, giờ chỉ còn là dĩ vãng. Con người đã “điện tử hoá” các giá trị thẩm mỹ. Nghệ thuật cũng bị “điện tử hoá” về mặt ý niệm. Hội họa, giờ đây, là hội họa điện tử. Âm nhạc, giờ đây, cũng là âm nhạc điện tử. Thưởng thức nghệ thuật giờ đây không phải là cảm xúc, sự nghiền ngẫm, trầm tư, mà thay vào đó là cảm giác “nhanh”, “mạnh”, là chạm đến bản năng khoái dục… Mối quan hệ giữa con người với con người không còn ràng buộc bởi ngôn ngữ sống động đời thường khi có sự đối thoại trực tiếp, mà thay vào đó, chiếc máy tính trở thành cánh cửa “cho phép” con người nhìn nhau nhưng không thể thấy nhau, cho phép con người gọi nhau nhưng không nghe thấy lời nói của nhau, cho phép con người tương tác với nhau nhưng thật khó để có thể hiểu nhau.

Con người đã thực sự bước vào giai đoạn khủng hoảng các giá trị tính người. Vai trò của cộng đồng xã hội trở nên vắng bóng trong các hoạt động cá nhân. Con người luôn nghĩ mình đang đối thoại với cộng đồng một cách dễ dàng thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, nhưng thực tiễn lại ngược với điều đó, chính các phương tiện truyền thông này đã “đặt” con người vào tình huống “dễ dàng” được đối thoại, nghĩa là tác nhân quy định sự đối thoại ngày nay không phải từ phía con người mà là từ phía kỹ thuật. Cộng đồng xã hội, giờ đây, được định nghĩa như là một thứ “cộng đồng ảo”; cuộc sống sinh động giờ đây cũng được thay bằng thuật ngữ “đời sống ảo”, “lối sống ảo” .v.v… tất cả thực tiễn trên đã đẩy các phán đoán, nhận thức, cũng như các tiêu chí sống của con người vào một thứ Chủ nghĩa cá nhân duy kỹ thuật.

Các giá trị nhân bản mà con người hiện thời đặt ra dường như chỉ là thước đo “ảo tưởng” do họ tự “lập trình” nên: Con người “có cảm giác” được tự do tuyệt đối, nhưng trên thực tiễn, con người thường xuyên phải lâm vào cảnh “trốn thoát tự do”([11]); con người có “cảm giác” được thực hiện các quyền dân chủ tuyệt đối, nhưng trên thực tiễn trong xã hội kỹ nghệ, con người luôn phải lâm vào cảnh “được ban phát các quyền dân chủ”([12]).v.v… Không còn các tiêu chí để hướng đến một thứ nhân văn đích thực([13]), khi mà các chiều nhận thức của con người luôn trong tình huống “không chiều kích”. Những chiều kích mà con người đương thời vẽ ra chỉ là các dạng thức khác nhau của một thứ “chủ nghĩa hư vô”. Không có căn nguyên. Không có kết quả. Tự sản sinh rồi tự kết thúc. Không có lý tưởng. Không có đức tin. Không hướng đến sự hy vọng.v.v…Những nhận thức theo kiểu lý tính công nghệ ấy đã đưa thế giới tinh thần con người vào trạng thái “đóng băng” cảm xúc. Sự vô cảm trong một xã hội công nghệ, chính là minh chứng cho một thế giới “âm tính” về các giá trị.

Các cuộc khủng bố. Các vụ thảm sát. Những cảnh tượng cha giết con .v.v… đã đẩy xã hội đương thời vào sự lạc hướng về mặt giáo dục giá trị. Các nhà triết học, các nhà nhân học đã từng đặt ra các tiêu chí chống lại sự khủng hoảng nhân văn, khủng hoảng nhân tính; các tuyên bố nhân văn Amsterdam 2002([14]) hay tuyên bố 10 điểm về chủ nghĩa nhân đạo năm 2000([15])dường như cũng chỉ là các nguyên tắc mang tính lý thuyết hơn là sự thực hành. Thực tiễn khủng hoảng nhân văn trong thế kỷ 21, cho thấy, chúng ta cần thiết phải trở về với những thành tựu truyền thống Phục hưng; tự mỗi cá nhân cần thiết phải phản tư và phê phán đối với chính các hành động của mình. Sự tự phê phán ấy không phải là một tác động thực hành nhằm phủ nhận thực tiễn đương thời, mà đó là quá trình để mỗi cá nhân tự giảm bớt “các ảo tưởng” về nhận thức khi chung sống trong thế giới công nghệ. Đồng thời với sự phê phán ấy, con người cần tăng cường đối thoại văn hoá, hướng tới xây dựng một xã hội đại đồng, lấy các nguyên tắc trung dung truyền thống làm cơ sở đạo đức để thực hành nhận thức.

Việc đánh giá con người từ góc độ triết học cần được xuất phát từ thực tiễn lao động, thực tiễn sống của con người, vì, đúng như Marx nói: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội”([16]) và cũng chỉ “những người sản xuất mới có thể liên kết với nhau một cách tự do”([17]). Cái “Quan hệ sản xuất” như Marx nói, cần được hiểu không chỉ là quá trình sản xuất tạo ra của cải vật chất, mà còn là quá trình sáng tạo các giá trị văn hoá, trong đó, mối quan hệ trực tiếp giữa con người với con người trong Quan hệ ấy là thước đo xây dựng các nguyên tắc giá trị cuộc sống. Hơn lúc nào hết, và ngay lúc này đây, con người cần phải thoát ra khỏi tình trạng “đóng băng cảm xúc”, cần bước ra khỏi cánh cửa tư duy “không chiều kích”, cần vượt qua giới hạn của tình trạng “vô cảm kỹ thuật” để trở về với chính mình trong tư cách của một “hiện hữu người” (M.Heidegger) sinh động đa chiều kích.

***

Sự ảnh hưởng của lý tính kỹ thuật đối với hiện thực khủng hoảng đa chiều hiện nay, đặc biệt là sự khủng hoảng về quan niệm tự do và dân chủ, khủng hoảng về các giá trị nhân văn, cho thấy, việc phê phán đối với tinh thần duy lý kỹ thuật là cần thiết. Những bài học được rút ra từ triết học của các triết gia phát triển chủ nghĩa Marx giai đoạn đầu, đặc biệt là lý luận phê phán xã hội của ông, khẳng định thêm một lần nữa sự thắng thế của chủ nghĩa Duy vật lịch sử và chủ nghĩa Duy vật biện chứng đối với “Quý ngài kỹ thuật”([18]) (chữ dùng của Martin Hedegger). Từ đó góp phần giảm bớt những ảo tưởng của con người về một đời sống “dư thừa” các giá trị vật chất bên trong “Thế giới ảo” của một “Hiện thực phì độn”, để con người cần trở về là chính mình trong vai trò cá nhân sáng tạo “vật chất theo qui luật của cái đẹp” (K.Marx - Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844); để các giá trị nhân văn truyền thống được phục hưng thêm một lần nữa trong tinh thần hiện đại đương thời.

Ngô Hương Giang


[1] Thời kỳ Trung Cổ ở phương Tây kéo dài suốt 10 thế kỷ bắt đầu từ sự sụp đổ của Đế quốc Tây Rôma vào thế kỷ V cho tới thế kỷ XV. Xin tham khảo thêm tại: https://vi.wikipedia.org/wiki/Trung_C%E1%BB%95.

[2] Leonardo da Vinci (1452 -1519), tên đầy đủ là Leonardo di ser Piero da Vinci - một họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhà giải phẫu, nhà sáng tạo và triết học tự nhiên. Ông là tác giả của nhiều sáng chế có tầm nhân loại, đồng thời là tác giả của nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, như: Báo tin mừng (1475-1480);Thánh mẫu Benois (1478-1480);Đức mẹ đồng trinh trong hang đá (1483-86);Người đàn bà và con chồn (1488-90);Chân dung một nhạc sĩ (khoảng 1490);Madonna Litta (1490-1491);Bữa ăn tối cuối cùng (1498);Mona Lisa (1503-1505/1507);Leda và thiên nga (1508);St. John the Baptist (khoảng 1514).

[3] Michelangelo (1475 - 1564), tên đầy đủ là Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni - Một hoạ sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhà thơ và kỹ sư thời kỳ Phục hưng Ý. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, như: Tượng David, Trần Nhà nguyện Sistine, Sự phán xét cuối cùng….

[4]Friedrich Nietzsche (1844 – 1900), là nhà triết học lớn thế kỷ 19. Ông là triết gia mở đầu cho tư tưởng triết học hiện sinh, lấy ý chí như là quyền năng phê phán đối với sự “ấu trĩ” về tư tưởng. Những tác phẩm nổi tiếng của Nietzsche, như: Zarathustra đã nói như thế, Buổi hoàng hôn của các thần tượng, Tôi là ai, Ý chí quyền lực.v.v…

[5] “Bởi vì vị Thượng Đế xa xưa đó không còn sống nữa: Thượng Đế đã thực sự chết rồi”. (Friedrich Nietzsche (1999), Zarathustra đã nói như thế. Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 482.).

[6] E. From đã cảnh tỉnh con người hiện đại, rằng: “Vấn đề của thế kỷ XIX là “Chúa đã chết”, còn vấn đề của thế kỷ XX là “con người đã chết”. (Dẫn theo Hồ Bá Thâm trong “Vấn đề con người, nhân văn trong triết học phương Tây hiện đại và chủ nghĩa duy vật nhân văn hiện nay”. Nguồn: /nd/tu-lieu-tra-cuu/con_nguoi_trong_triet_hoc_phuong_tay_va_chu_nghia_duy_vat_nhan_van-e.html

[7] Sự kiện Holocaust theo chỉ dẫn của Wikipedia là: “Tên gọi của cuộc tàn sát chủng tộc đối với sáu triệu người Do Thái trong thời gian Thế chiến thứ hai do Phát-xít Đức gây ra […] Có khoảng 200.000 người dân Di-gan (Sinti và Roma) bị sát hại (theo những ước tính khác, con số này lên đến 800.000). Những nhóm khác bị Quốc xã xem là "chủng tộc hạ đẳng" hoặc "đáng ghét" gồm có người Ba Lan (6 triệu người bị giết, trong đó có 3 triệu là tín hữu Cơ Đốc, phần còn lại là người gốc Do Thái), người Serbia (ước tính số người thiệt mạng là từ 500.000 đến 1,2 triệu, phần lớn bị sát hại bởi tổ chức Ustaše của người Croatia), khoảng 500.000 người Bosnia, những tù binh Liên Xô cùng thường dân sống trong vùng bị chiếm đóng, trong đó có người Nga và người thuộc chủng tộc Slav miền Đông, những người khuyết tật (tâm thần hoặc thể xác), người đồng tính luyến ái, người châu Phi, tín hữu Nhân Chứng Giê-hô-va, người Cộng sản và những người bất đồng chính kiến, thành viên nghiệp đoàn, hội viên Hội Tam Điểm, tín hữu Chính thống giáo, cùng các chức sắc Công giáoKháng Cách, đều bị bách hại hoặc sát hại. Một số học giả không tính số nạn nhân thuộc các thành phần kể trên vào vụ Holocaust, chỉ giới hạn trong cuộc tàn sát diệt chủng nhắm vào người Do Thái. Nhưng nếu tính cả những nhóm thiểu số, tổng số nạn nhân gia tăng đáng kể; một số ước tính cho rằng tổng số người thiệt mạng trong vụ Holocaust là từ 9 đến 11 triệu người, mặc dù theo những ước tính khác, con số này lên đến 26 triệu” (Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Holocaust).

[8] Trong tác phẩm kinh điển Chữ nghĩa và sự vật,Michel Foucault đã bàn về sự hiện hữu của con người trong cuộc sống như sau: Trong thế kỷ XIX, sự cáo chung của triết học và sự báo trước văn hóa tương lai thống nhất với tư tưởng về sự cáo chung của bản thể con người và sự xuất hiện của con người trong tri thức [...] con người đang biến đi, giống như khuôn mặt vẽ trên cát đang biến đi”. Dẫn theo: J. K. Melvil (1997), Các con đường của triết học phương Tây hiện đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.142 - 143.

[9] “Duy lý bị động” hay “Duy lý tai biến” là thuật ngữ của Chủ nghĩa Hậu hiện đại nhằm nhấn mạnh đến tính chất đột ngột, ngẫu nhiên, bị động, không xác định trước các mục tiêu của tư duy, phản ánh sự nhận thức theo kiểu lắp ráp, hỗn độn về thế giới.

[10] Xin tham khảo: Jean Laloup, Jean Nélis (1971), Người và Máy: Nhập môn nhân bản kỹ thuật, Ủy ban dịch thuật - Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn.

[11] Xin xem thêm tại mục: “2.1. Lý tính kỹ thuật và Sự khủng hoảng về tự do”.

[12] Xin xem thêm tại mục: “2.2. Lý tính kỹ thuật và Sự khủng hoảng về dân chủ”.

[13] Chủ nghĩa nhân văn đích thực là thuật ngữ được sử dụng lần đầu tiên tại Đức năm 1806 với ý nghĩa như là “chương trình giáo dục các phẩm chất Người của con người trong các nhà trường”. Năm 1856, Georg Voigt đã sử dụng thuật ngữ này để nói về văn hóa thời kì Phục hưng (Renaissance) ở phương Tây (thế kỉ XIV - XVI) theo nghĩa: “là môn học nghiên cứu về con người, nghiên cứu bản chất, vị trí, giá trị, cá tính của con người. Khởi nguyên của humanism như là một chương trình giáo dục - văn hóa được các nhà triết học xây dựng nên bởi các bài học, lí luận triết học, đạo đức học về đạo làm người, được khai sinh lần đầu tiên ở Hi Lạp vào khoảng thế kỉ V - IV TCN. Chương trình này nhằm phát triển một cách toàn diện tài năng và sự sáng tạo cao nhất những năng lực bản chất của con người”.

[14] Tuyên bố nhân văn Amsterdam 2002 bao gồm các điểm 07 điểm như sau:

1-Chủ nghĩa nhân văn mang tính đạo đức. Nó khẳng định giá trị, sự tôn nghiêm và tính tự chủ của cá nhân, khẳng định quyền của mọi người đối với tự do lớn nhất có thể khi quyền đó tương hợp (không mâu thuẫn) với quyền lợi người khác. Nhà nhân văn có nhiệm vụ chăm lo cho toàn nhân loại kể cả thế hệ tương lai. Nhà nhân văn tin tưởng rằng đạo đức là một phần cố hữu của bản tính con người dựa trên sự hiểu biết và quan tâm đến người khác không cần đến tác động (thưởng phạt) từ bên ngoài.

2- Chủ nghĩa nhân văn mang tính chất lý tính. Nó tìm cách sử dụng khoa học một cách sáng tạo chứ không phá hoại. Nhà nhân văn tin tưởng rằng con đường giải quyết các vấn đề của thế giới nằm trong tư tưởng và hàn động của con người hơn là sự can thiệp của thần thánh. Chủ nghĩa nhân văn tán thành việc áp dụng các phương pháp khoa học và tự do chất vấn những vấn đề phúc lợi cho con người. Nhưng nhà nhân văn cũng tin rằng việc ứng dụng khoa học kỹ thuật phải tuân theo những giá trị của con người. Khoa học cho con người phương tiện nhưng những giá trị con người phải quyết định mục đích.

3- Chủ nghĩa nhân văn ủng hộ dân chủ và quyền con người. Mục tiêu của chủ nghĩa nhân văn là sự phát triển đầy đủ nhất theo khả năng mỗi người. Chủ nghĩa nhân văn luôn chủ trương rằng dân chủ và phát triển con người là bản chất của quyền con người. Nguyên tắc của dân chủ và quyền con người có thể áp dụng cho nhiều mối quan hệ giữa người và người và không đi ngược lại với chính sách của Chính phủ.

4- Chủ nghỉa nhân văn chủ trương tự do cá nhân phải đi đôi với trách nhiệm xã hội. Chủ nghĩa nhân văn nỗ lực xây dựng một thế giới dựa trên cơ sở ý tưởng về con người tự do có trách nhiệm xã hội, con người chấp nhận sự lệ thuộc và trách nhiệm của mình đối với thế giới tự nhiên. Chủ nghĩa nhân văn không giáo điều, cũng không áp đặt giáo điều cho những người tin theo Chủ nghĩa nhân văn. Vì thế Chủ nghĩa nhân văn đặt toàn tâm vào một nền giáo duc tự do không giáo hóa.

5- Chủ nghĩa nhân văn là một đáp ứng đối với yêu cầu rộng rãi nhằm thay thế cho những tôn giáo giáo điều. Những tôn giáo lớn trên thế giới đều khẳng định là được đặt nền tảng của những chân lý vĩnh hằng và luôn tìm cách áp đặt thế giới quan của mình lên tất cả mọi người. Chủ nghỉa nhân văn nhìn nhận rằng những hiểu biết chân thực về thế giới và bản thân con người có được và từ quá trình liên tục quan sát, đánh giá và rà soát điều chỉnh.

6- Chủ nghĩa nhân văn coi trọng sáng tạo nghệ thuật và trí tưởng tượng, thừa nhận sự chuyền đổi sức mạnh nghệ thuật. Chủ nghĩa nhân văn khẳng định tầm quan trọng của văn học, âm nhạc và nghệ thuật hình ảnh, sân khấu đối với sự phát triển và thành đạt của con người.

7- Chủ nghĩa nhân văn là cách sống nhằm đến sự thành đạt lớn nhất trong khả năng có thể bằng cách trau dồi một cuộc sống đạo đức và sáng tạo, cung cấp những phương tiện đạo đức và hợp lý đối với những thử thách của thời đại chúng ta. Chủ nghĩa nhân văn có thể là một cách sống cho tất cả mọi người cho tất cả mọi nơi.

Nguồn: Dẫn theo Hồ Bá Thâm trong: “Vấn đề con người, nhân văn trong triết học phương Tây hiện đại và chủ nghĩa duy vật nhân văn hiện nay”. Nguồn: /nd/tu-lieu-tra-cuu/con_nguoi_trong_triet_hoc_phuong_tay_va_chu_nghia_duy_vat_nhan_van-e.html

[15] Tuyên bố về chủ nghĩa nhân đạo năm 2000 bao gồm 10 điểm, như sau:

“1- Chủ nghĩa nhân văn này là kết hợp cả quan niệm đạo đức, khoa học và triết học, có cội nguồn trong lịch sử tư tưởng nhân loại, tin tưởng sức mạnh của con người, tiếp tục khám phá về con người; chủ nghĩa nhân đạo hiện nay thống nhất với chủ nghĩa hiện đại;

2- Chủ nghĩa nhân văn tin tưởng vào tương lai tươi đẹp của con người, có khả năng làm chủ thành tựu khoa học và công nghệ để thay đổi thân phận của con người, thúc đẩy hạnh phúc và tự do của họ, nâng cao cuộc sống cho tất cả mọi người trên hành tinh này;

3- Chủ nghĩa nhân đạo xã hội lại thống nhất với chủ nghĩa tư nhiên khoa học chứ không phải chủ nghĩa nhân đạo thần bí, thần học; chủ nghĩa tự nhiên khoa học cho phép xây dựng quan niệm nhất quán về thế giới trên nền tàng khoa học thoát khỏi siêu hình học và thần học;

4- Chủ nghĩa nhân đạo bảo vệ một cách nhất quán các giá trị hữu ích của khoa học công nghệ, phát huy vai trò của khoa học công nghệ vì sự tiến bộ, tự do và hạnh phúc của nhân loại; lạc quan về tương lai loài người và năng lực của con người giải quyết những vấn đề toàn cầu; chủ nghĩa nhân đạo mới được đảm bảo bằng công nghệ mới có ích cho con người;

5- Chủ nghĩa nhân đạo mới là sự thống nhất giữa lí trí và đạo đức, giữa chúng không còn bức tường ngăn cách;

6- Nhu cầu cao nhất hiện nay của nhân loại là xây dựng một chủ nghĩa nhân đạo toàn cầu mới. Chủ nghĩa nhân đạo này trung thành phổ quát với toàn nhân loại như một tổng thể, bảo vệ các quyền con người, thúc đẩy nhân phẩm và tự do của con người và bảo vệ nó cho tất của mọi thành viên trong cộng đồng thế giới, toàn nhân loại, tôn trọng nhân phẩm tất cả mọi người;

7- Chủ nghĩa nhân đạo mới yêu cầu có đạo luật về quyền và trách nhiệm toàn cầu, chứ không chỉ phạm vị dân tộc; trung thành với hạnh phúc của nhân loại toàn cầu.

8- Đòi hỏi một chương trình hành động toàn cầu mới, để phối hợp hành động thông qua các trung tân quyền lực nhằm cải thiện sự công bằng, tính ổn định, giảm đói nghèo, giảm xung đột, và bảo vê môi trường.

9- Nâng cao, hoàn chỉnh các thể chế đã có (thị trường tự do và các quĩ quốc tế), cải tạo các thể chế lỗi thời, xây dựng thể chế toàn cầu, lập ra hai cơ quan lập pháp tại Liên Hợp quốc với một Quốc hội toàn cầu do nhân dân bầu ra, một thuế thu nhập giúp các nước kém phát triển, chấm dứt quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an,một cơ quan môi trường và một tòa án thế giớí với quyền cưỡng chế.

10- Đó là một chủ nghĩa nhân đạo lạc quan về tương lai của nhân loại. Những thành viên của cộng đồng thế giới phải nuôi hy vọng và lạc quan về khả năng giải quyết những vấn đề toàn cầu, tin tưởng vào các thế hệ tương lai, dù rằng trước mắt còn nhiều nan giải.”

Nguồn: Dẫn theo Hồ Bá Thâm trong: “Vấn đề con người, nhân văn trong triết học phương Tây hiện đại và chủ nghĩa duy vật nhân văn hiện nay”. Nguồn: /nd/tu-lieu-tra-cuu/con_nguoi_trong_triet_hoc_phuong_tay_va_chu_nghia_duy_vat_nhan_van-e.html

[16] C.Mác và Ph.Ăng-ghen (1993). Toàn tập. Tập 3. Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội. Tr.11.

[17] Dẫn theo Bùi Văn Nam sơn trong: Jean – Francois Lyotard (2007). Hoàn cảnh hậu hiện đại. Ngân Xuyên dịch. Nxb Tri thức, Hà Nội, tr.49.

[18] Martin Heidegger đã bàn về “Quý ngài kỹ thuật” như sau: “Con người sẽ đi đâu, sẽ ra sao? Con người như là một cây mai đương nở hoa: Quý ngài kỹ thuật gia sẽ dẫn con người đi đâu! Không phải tôi nói về bộ óc đâu, tôi nói là nói về con người tiến hóa kia: Một sớm mai nó sẽ bị tiêu diệt” (Dẫn theo Tam Ích. Sartre và Heidegger trên thảm xanh. Nxb Hồng Đức, Sài Gòn, 1969, tr. 216 – 217.).

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tùy bút nhỏ về hậu hiện đại

    22/05/2020Văn GiáChưa bao giờ tôi lại có cảm giác sốt ruột đối với nền văn chương ở ta như hiện nay. Sốt ruột bởi vì, có một bộ phận lớn văn chương vẫn yên lòng trong những nhận thức cũ, những cách biểu đạt cũ. Sốt ruột vì những cách làm mới cho văn học chưa đủ mạnh để tạo ra những làn sóng ảnh hưởng, cao hơn là những cú hích cho văn học thay đổi theo hướng phát triển...
  • Tư duy hậu hiện đại và những cách thu nhận kiến thức

    14/06/2019Nguyễn Hào HảiCó thể thấy hai kiểu để tìm hiểu, thu nhận kiến thức. Cách thứ nhất: cách học để biết nhằm gia tăng thêm kiến thức (La savoir) hay nói cách khác kiến thức có được nhờ sự học và đặc điểm của cái sự học này là phát huy trí óc từ khả năng thuộc, nhớ...
  • Mặt trái của cuộc cách mạng kỹ thuật số

    09/04/2018Eric Schmidt và Jared Cohen, Phạm Vũ Lửa Hạ dịchBàn về mảng u ám của cách mạng kỹ thuật số khi bị các chế độ độc tài lợi dụng để theo dõi và đàn áp những người bất đồng chính kiến, đồng thời đề cập đến khả năng phe chống đối nhà nước chuyên quyền có thể vận dụng kỹ thuật số để tạo thay đổi tích cực, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn...
  • Đơn điệu đời sống tinh thần hậu hiện đại

    11/09/2017Ngô Tự LậpTrong nhiều cuốn sách, đặc biệt là sách về triết học và luật học, cho đến tận ngày hôm nay, người ta vẫn còn truyền tụng câu nói của Voltaire về cuốn “Luận về nguyên do của sự bất bình đẳng” của Rousseau: “Tôi hoàn toàn không đồng ý với anh, nhưng tôi sẵn sàng hy sinh tính mạng để bênh vực quyền tự do phát biểu của anh”.
  • Nhân dân rụt cổ và hai tên tội phạm “thời tiết thất thường” và “lỗi kỹ thuật”

    27/03/2010Trực NgônĐùa dai với dân là hiện tượng tưởng phải là chuyện cũ rồi hoá ra vẫn mới nguyên hôm nay; còn những văn bản luật cũ giờ đều không xử được hai tên tội phạm mới xuất hiện.
  • Nhận biết về chủ nghĩa hậu hiện đại trong nghệ thuật

    14/09/2009Hồ Sĩ VịnhChủ nghĩa hậu hiện đại (post modernisme) xuất hiện cuối những năm 70, đầu tiên là ở Mỹ. Những đồ đệ của khuynh hướng này quan niệm rằng, nghệ thuật cần phải đến với tầng lớp bình dân nhiều hơn, cần những chất liệu "tầm thường - thô nhám", những biện pháp đa thanh, đa sắc, nhiều "sân chơi" và trò giải trí để dễ đi vào lòng người.
  • Hậu hiện đại: Vũ khí chống hậu hiện đại

    08/07/2009S. Kornev - Ngân Xuyên dịchChủ nghĩa hậu hiện đại đem lại cho con người phương Đông cơ hội chiến thắng văn hóa Tây phương trong chính mình, chiến thắng tính duy lý Tây phương đã bóp méo ý thức hắn, nhờ chính thuốc trị Tây phương. Không tốn quá nhiều thời gian, dưới mặt nạ “cuộc trình diễn hậu hiện đại”, logic học tự nhiên của phương Đông đã được phát sáng.
  • Kỹ thuật của người An Nam

    05/07/2009Cao Việt DũngTrong ngành xuất bản có chuyện là một số cuốn sách được… mong đợi nhiều hơn so với những cuốn khác. Thời gian vừa qua, việc in trở lại bộ "Kỹ thật của người An Nam" của Henri Oger là cả một sự kiện của giới nghiên cứu lịch sử và khoa học xã hội Việt Nam, và chắc hẳn thời gian sẽ càng nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của tác phẩm này.
  • Hoàn cảnh hậu hiện đại

    26/11/2007
  • Chủ nghĩa duy kỹ thuật phương Tây và quan niệm của nó về tự do và tất yếu

    18/11/2006Dương Thị LiễuVấn đề con người, vai trò của nó trong tiến trình lịch sử là một trong các vấn đề quan trọng nhất đối với triết học phương Tây hiện đại. Xét từ góc độ định hướng thế giới quan của triết học phương Tây hiện đại, có thể tách biệt thực chứng chủ nghĩa và chủ nghĩa duy lý trong việc khảo cứu con người...
  • Kết nối kỹ thuật số: Biết chữ trong thế kỷ 21

    05/09/2006Barbara R.Jones-Kavalier và Suzanne L.Flannigan (Mỹ Hằng lược dịch - Tạp chí EDUCAUSE Quaterly số 2/2006)Trước thế kỷ 21, "biết chữ" được định nghĩa là khả năng biết đọc biết viết của một người. Nhưng bây giờ, trong thế kỷ 21 của chúng ta - xã hội đang tiến nhanh như vũ bão, bị bao bọc bởi truyền thông, được tự động hoá rất nhiều - thì đòi hỏi phải có một kiểu biết chữ mới, một kiểu biết chữ được định nghĩa rộng rãi hơn nhiều so với khả năng đọc và viết thông thường...
  • Chủ nghĩa hậu hiện đại và ảnh hưởng ở nước ta

    22/08/2006Đông LaTinh thần hậu hiện đại đã và đang phảng phất đâu đó trong văn chương Việt Nam cũng là lẽ thường tình, nhưng không có tài, không hiểu biết đến nơi đến chốn mà mê muội bắt chước, thì chỉ làm ra được những bản sao tồi mà thôi...
  • Cái đẹp trong khoa học, kỹ thuật

    16/05/2006Tạ Quang BửuCó hai ngành mà quan hệ giữa kỹ thuật và nghệ thuật thể hiện khá rõ nét là ngành chế tạo máy và ngành xây dựng, vừa có nhiều thành tựu vừa được đầu tư ngày càng lớn. Ở hai ngành này, quan hệ giữa cái đẹp và cái chính xác không phải để tự phát và phải được chuẩn bị ngay từ trường học...
  • xem toàn bộ