Cho nghìn xưa... lơ lửng với... nghìn sau

08:21 CH @ Thứ Năm - 02 Tháng Ba, 2017

Đầu xuân, mượn ý và đảo thơ của thi sĩ Hồ Dzếnh. Lịch sử cần đi lên vững chãi, không bị cái bóng của nghìn xưa đè nặng lên tâm tư và cuộc sống. Nghìn xưa chỉ nên lơ lửng để nghìn sau tươi sáng hơn, nhìn vào đó mà soi rọi những giá trị nhân văn của cuộc sống...

Lịch sử không có chữ “nếu”

Vẫn biết lịch sử là dòng thời gian miên man. Lịch sử không có chữ “nếu”. Nhưng giả dụ như có chữ “nếu” thì sao nhỉ?

Chuyện viễn tưởng đâu chỉ ở thì tương lai. Viễn tưởng có thể đặt vào quá khứ, để cỗ máy quay ngược thời gian, nếu có, sẽ soi sáng nhiều điều của hiện tại và tương lai.

Nếu như dòng giống Bách Việt đi thật xa về phương Nam, có bản đồ Google thì có thể bây giờ chúng ta là chủ nhân của châu Úc, đúng không các bạn?

Máu hải hồ tốt hơn máu giang hồ. Cứ quanh quẩn ao làng, hay lũy tre làng, hay dòng sông thơ ấu thì chân trời luôn hẹp và cũ. Sau mấy ngàn năm, chúng ta hiểu được giá trị của chân trời rộng và mới, dù thế giới có phẳng hay gồ ghề.

Tầm nhìn có thể thay đổi Singapore, Nhật Bản, Dubai và rất nhiều nước khác trong một thời gian ngắn hơn giấc ngủ Nam Kha. Tầm nhìn phải dựa trên trí tuệ và sự bao dung, để mọi quốc gia dù chỉ là nhỏ và vừa cũng đều hài hòa một hợp chủng quốc. Chỉ riêng phương Đông của châu Á cũng đã mấy trăm dân tộc rồi. Đường xa nghĩ lại sau này mà kinh (Nguyễn Du) .

Đúng vậy, nếu không có sự bao dung thì có lẽ sẽ có thêm rất nhiều thiên đường ở đây đã bị xóa sạch, nhiều ngôn ngữ độc đáo bên dòng sông Mẹ đã mai một, nhiều chủng tộc chỉ còn khoảng non một trăm người và nhiều nét đẹp của nền văn minh sơ khai đã bị hủy hoại.
Lịch sử là một xâu chuỗi của những sai lầm?


Ảnh: Uyên Viễn

Mẹ thiên nhiên nổi giận...

Nếu chỉ nhìn dòng lịch sử là 30.000 cuộc chiến tranh giành đất đai, tài nguyên, gái đẹp và thống trị nô lệ thì quả là hạn hẹp, vì lịch sử còn là sự tiến hóa khoa học, kỹ thuật, công nghệ, của sự lớn lên hoặc suy đồi về đạo lý, pháp lý và tâm lý của loài người. Lớn lên theo cái nghĩa mạnh mẽ của sự “nên một” nhưng cũng là sự thống nhất trong đa dạng của đa văn hóa và cả sự hài hòa tôn giáo. Suy đồi trong vô số dạng thức của sự băng hoại, hủy hoại, tha hóa, ảo hóa những giá trị một cách vô thức hoặc ý thức tàn độc nhất.

Lịch sử cũng ghi nhận cách đối xử của loài người đối với thiên nhiên.

Lịch sử địa chất đã cho thấy những chu kỳ của trái đất, nhưng biến đổi khí hậu đang chủ yếu do loài người gây ra, làm nước biển dâng nhanh hơn (với 1 cen ti mét mỗi năm là 1 mét trong vòng một thế kỷ), và trái đất nóng lên vì hiện tượng nhà kính.
Loài khủng long đã bị tuyệt chủng cách đây 65-66 triệu năm vì trái đất nóng lên, có thể do núi lửa phun trào, có thể do cả thiên thạch va vào trái đất.

Hàng loạt sông băng khổng lồ ở Alaska gần như biến mất hoàn toàn trong mấy thập kỷ qua. Biển Aral bị thu hẹp. Những cánh rừng ở Rondonia (Brazil), rừng Uruguay nổi tiếng đã bị chết dần.

Nhìn ra Hạ Long với những hòn đảo bị xâm thực hàng mấy thước ở chân, rõ nhất là vùng hòn Gà Chọi.Tương tự như thế ở vùng Hòn Đất (Kiên Giang).

Mùa xuân là mầm bác ái và bình an. Chỉ ước mong một điều đơn giản như câu thơ của vua Trần Nhân Tông sẽ đến với mọi người, mọi nhà: Trăng vô sự soi người vô sự.

Do đâu?

Rồi đây, số phận của châu thổ sông Hồng và nhất là châu thổ đồng bằng sông Cửu Long sẽ ra sao? Liệu sẽ phải di cư lên Tây Nguyên? Liệu việc nuôi cá lồng trên biển sẽ lấn át nuôi cá nước ngọt? Liệu cây lúa nước sẽ thu hẹp một nửa diện tích?

Trong cách nhìn ra thế giới thì mối tương quan, nhận thức và tầm nhìn đối với thiên nhiên rất quan trọng. Viễn tượng di cư thoát khỏi trái đất bị già cỗi, bị bóc lột, bị tàn phá và bị hủy hoại như nhà bác học Stephen Hawking dự báo đang là một kế hoạch nghiêm túc, dù chưa biết phải đi về đâu. Thomas Robert Malthus cũng đã cảnh báo: Lương thực thực phẩm tăng theo cấp số cộng, dân số tăng theo cấp số nhân. Vậy 9 tỉ người của năm 2050 và 11 tỉ người của năm 2100 sẽ sống ra sao? Thiên nhiên có còn kham nổi cõi trần gian này không?

Con người và thế giới

Thời gian qua rộ lên câu hỏi “Thế nào là nơi đáng sống? làm sao để quê hương mình đáng sống?”. Câu hỏi to tát nhưng phương Tây đã trả lời hơi chút tiếu lâm. Một nơi văn minh cần xét dưới ba khía cạnh: một là con người đối xử với nhau như thế nào, hai là con người đối xử với thiên nhiên ra sao, ba là con người đối xử với các loài vật nuôi như chó, mèo... ra sao.

Thế là rõ! Văn minh tới đâu và lạc hậu còn ở mức nào?!

Quá trình hội nhập thế giới là thách thức và cũng là cơ hội để thiết kế lại cấu trúc thoát ách lệ thuộc và để hài hòa các nền văn minh, các nền văn hóa vốn là thế mạnh của người Việt từ mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Câu chuyện lịch sử thành công của nước Mỹ, nước Nhật, Hà Lan và cả Israel chỉ mới đây thôi sau khi trở về “miền đất hứa” là hướng ra thế giới, học hỏi từ thế giới để làm giàu trí thức cho chính mình.

Cái thiếu trầm trọng của chúng ta vẫn còn là tinh thần tự chủ, tự cường và nhất là khoa học.

Khoa học và công nghệ

Lịch sử đã có những bước ngoặt lớn đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào đời sống. Đặc biệt, các phát minh lớn của thế kỷ 20 như bán dẫn, tia laser, năng lượng hạt nhân, máy tính điện tử và Internet đã thay đổi thế giới thật sự: từ thói quen trong sinh hoạt, làm việc... đến cách tổ chức cuộc sống và cả nhận thức nhìn ra thế giới.

Các quốc gia phát triển thần kỳ, vượt đói nghèo và xóa dần sự lạc hậu đều nhờ vào cải cách giáo dục hướng về khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Nhưng ở ta, một thời quá dài, ai hay chữ theo nghĩa rành điển tích hàn lâm, rành thất ngôn bát cú, giỏi câu đối thì được chọn làm quan, sở học mênh mông được gói lại trong vài cuốn sách rất xưa, được mệnh danh là sách Thánh Hiền.

Giá như tinh thần khoa học ngấm vào máu dân ta thì giờ đây đã đi rất xa rồi, đâu tụt hậu đến mức “bắt chước” cũng đã trầy vi tróc vẩy, chứ nói gì đến việc “bắt trước” một thành quả khoa học và công nghệ nào thực sự lớn lao. Vấn đề không phải là đâu đó, năm nào đó có vài cá nhân xuất sắc, mà phải được phổ cập trong hàng vạn, hàng triệu nhà khoa học, kỹ sư và sinh viên ưu tú để thực sự có “đội ngũ hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Xin nhấn mạnh là “đội ngũ”.

Lương tâm

Trong lịch sử tiến hóa của loài người, lương tâm đã được rao giảng ở mọi lúc mọi nơi, như một sự cần thiết để gìn giữ những giá trị tốt đẹp của nhân loại. Đó là cuộc chiến đấu chống lại bản năng thấp hèn, lòng tham quyền lực, tiền bạc và mọi thứ cám dỗ có thể dẫn đến cái ác.

Hơn cả việc rao giảng là cấy mầm lương tâm ở mọi lúc, mọi nơi. Nhất là trong gia đình và trường học. Cấy mầm để sinh sôi, nảy chồi, ra hoa, kết trái. Vẫn biết con người sinh ra đều bình đẳng (nhưng thường là chỉ ngụ ý “trước pháp luật”) nhưng chẳng ai có được quyền chọn vào nhà giàu, nước giàu, cha mẹ tốt, phúc lợi xã hội tốt. Vì không có sự công bằng tự tại, công bằng tự thân, công bằng cho mọi số phận... Shakespeare đã viết “vì công lý rất là chậm chạp và nhóm cầm quyền thường rất ngạo mạn...”. Bởi thế, gieo mầm lương tâm là để lập trình nó trong mỗi con người và mọi thể chế. Lương tâm đang bị chà đạp ở nhiều nơi, nhất là ở “nhà thương”, nơi có những người cha, người mẹ lặng người nhìn con mình chết dần trong từng giây phút đau đớn, vì không còn tiền mua thuốc.

Bất tri tam bách dư niên hậu!

Mỗi năm, vào mùa xuân, ai cũng hy vọng có nhiều điều tốt lành sẽ đến cho bản thân, gia đình và mọi người.
Thử thả trí tưởng tượng bay cao, và xin đừng hỏi những lý do nào tạo nên sự đổi đời lớn lao khi cuộc đời có thể trở thành ác mộng hay giấc mơ đẹp. Cứ xem như sẽ có phép lạ, sẽ có những phát minh còn tuyệt vời hơn cả Internet và khoa học vũ trụ, khoa học vật liệu mới, trí tuệ nhân tạo và sinh học đầy nhân văn... Cứ xem như tri thức và “lòng tốt đã trở nên thừa thãi” (Bertolt Brecht).

Chỉ nhìn riêng vào nước Việt Nam thì sẽ có nhiều kịch bản từ xấu đến tốt cho thế giới 300 năm nữa.
Kịch bản 1 (Ác mộng): Trái đất kiệt quệ tài nguyên. Khủng hoảng lương thực và năng lượng triền miên. Những người giàu di cư sang các hành tinh khác, làm lại từ đầu với sự trợ lực của những bình oxy.
30 tỉ người còn lại rơi vào những cuộc chiến tranh giành nguồn nước. Nạn di cư tránh ô nhiễm bầu trời là một đại thảm họa. Nhiệt độ đã tăng thêm gần 10 độ C so với thời tiết trung bình là 33-35 độ C ở miền Nam nước ta hiện nay. Kẹt xe từng cen ti mét và triều cường vượt mức 3 mét. Rất nhiều thành phố lớn đã teo lại thành những hòn đảo nhỏ.

Kịch bản 2 (Mộng bình thường): Thiên nhiên và con người được bảo vệ. Thế giới bình ổn được lương thực và năng lượng nhờ kiểm soát được mức tăng dân số tối ưu cho từng vùng miền. Khoa học và công nghệ phát triển vượt bậc, giúp con người có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Lương tâm thì vẫn chưa được kiểm soát tốt như thế nên vẫn còn xung đột, khủng bố và chiến tranh. Và chiến tranh nghĩa là hủy diệt trong nháy mắt, và mọi bên tham chiến trở về ngay với thời đại nguyên thủy. May lắm thì trở về thời kỳ đồ đá.

Kịch bản 3 (Giấc mơ hoa): Thiên nhiên xinh đẹp tuyệt vời như tranh vẽ. Những cánh rừng nguyên sinh được phục hồi. Đủ thứ hoa cỏ từ thời xa xưa, khi trái đất tiếp thụ ánh nắng mặt trời để làm ra những lá xanh đầu tiên. Muông thú đều ở trong hàng trăm ngàn khu rừng như những chiếc thuyền Noé thoát nạn đại hồng thủy.

Nơi nào cũng đáng sống vì con người đối xử quá văn hóa, quá văn minh với nhau, vì môi trường sống không chê vào đâu được. Thật là đáng sống!

Niềm vui lớn nhất là không có khủng bố hay chiến tranh. Mọi chuyện đã được khoa học công nghe giải quyết. Robot, trí tuệ nhân tạo làm thay con người hầu như mọi chuyện. Quan trọng nhất là lương tâm đã được tự kiểm soát để mãi mãi hướng thiện.

Chao ôi, cái thời mà hàng rào ngôn ngữ bị xóa sạch vì ai cũng đã được gắn chip đa ngôn ngữ, cái thời mà sự tiếp thu trí thức hàng triệu năm của loài người bằng một cái bấm chuột, cái thời mà Internet đã nhường chỗ cho cosmosnet và tuổi thọ trung bình của một đời người sẽ khoảng 300 năm.

Vâng, 300 năm sau nữa, từ đây, thưa cụ Nguyễn Du. Hay nghìn sau nữa, những căn bệnh ấu trĩ, những suy nghĩ thô thiển, lạc hậu, lạc điệu, lạc loài, lạc lối sẽ được đẩy lùi đến đâu?!

Mùa xuân là mầm bác ái và bình an. Chỉ ước mong một điều đơn giản như câu thơ của vua Trần Nhân Tông sẽ đến với mọi người, mọi nhà: Trăng vô sự soi người vô sự.

Nội dung liên quan

  • Suy ngẫm trong đêm Giáng sinh

    22/12/2017Tô Vĩnh HàĐúng 2013 năm trước đây, Đức Chúa Jesus Christ ("Đấng Cứu chuộc lỗi cho Thế gian = Đấng Cứu Thế) đã Giáng Sinh để cứu chuộc rất nhiều lầm lỗi của loài người, theo giáo lý Thiên Chúa. Ngay tên gọi của Đức Chúa đã nói rất rõ rằng loài người nhiều tội lắm...
  • Ngẫm chuyện thợ, chuyện nghề của người Việt

    16/04/2018Vương Trí NhànĐã nhiều ý kiến ghi nhận con người thời nay suy thoái so với ngày xưa. Dối trá lừa lọc làm bậy bất chấp luật pháp… Còn một khía cạnh khác đơn giản hơn: Sự lỏng lẻo trong mối quan hệ con người với công việc. Sự kém cỏi trong chất lượng công việc mà họ hoàn thành...
  • Khai sáng, suy ngẫm từ một điển hình Nhật Bản

    02/04/2018Nguyễn Trang NhungTrong những bước đường đưa nhân loại tới nền văn minh hiện tại, một trong những cột mốc quan trọng là phong trào khai sáng bắt nguồn từ Âu châu, mà khởi đầu tại Anh quốc vào cuối thế kỷ 17, và tiếp sau tại Pháp, Mỹ và Nhật Bản vào các thế kỷ 18, 19...
  • "Hiểu sử xưa mới ngẫm được những việc thời nay"

    03/04/2016Nhật Minh (thực hiện)Phan Duy Kha vốn là một kỹ sư đo vẽ bản đồ. Thế nhưng người ta biết đến ông lại với tư cách là nhà nghiên cứu lịch sử. Sự ngược đời ấy bắt nguồn từ niềm đam mê lịch sử. Ông đã viết và đặt ra nhiều vấn đề về lịch sử. Tất cả những thành tựu ông đạt được ấy đều là kết quả của quá trình tự học...
  • Ngẫm về Tín ngưỡng người Việt

    23/02/2016Nguyễn Tất ThịnhKhu tôi ở có cả nhà giàu và nhà bình thường. Tôi là người có tín ngưỡng nhưng quan niệm Phật tại tâm, nên cũng ít đi chùa chiền miếu mạo...
  • Bạn sẽ không ngừng suy ngẫm khi nhìn 10 bức ảnh sâu sắc này

    17/08/2015Mỗi bức tranh giúp bạn mở rộng khung hình hạn hẹp, thông thường của mình, nhìn ra được nhiều ý nghĩa sâu sắc khác...
  • Suy ngẫm về triết lý quân sự của nước mạnh

    04/03/2015Nguyễn Tất ThịnhKhẩu ngôn của Alexandros vĩ đại (vị vua gần như cả đời trên lưng ngựa chiến, kiến tạo Đế Quốc rộng lớn của Hy Lạp): ‘Ta suy nghĩ ! Ta đi đến ! Ta nhận ra ! Ta chinh phục ! Ta ghi danh !’ – tuy ngắn gọn thế, nhưng có thể nói là ‘phương châm quân sự’ của các nước lớn mạnh (rộng ra là tư tưởng quân sự của các nước còn lại khi thực hành chiến tranh một cách chính thống)...
  • Suy ngẫm về giá trị sống

    02/03/2015Matsushita KonosukeNếu ngồi ngẫm nghĩ tại sao chúng ta phải làm việc, có người cho rằng nếu không làm việc sẽ không có gì để ăn, nhưng tôi nghĩ không chỉ là như vậy. Không chỉ vì miếng cơm, mà để cho cuộc sống trong tương lai tốt đẹp hơn, mọi thứ đều phải bắt đầu từ ngày hôm nay. Vì vậy, con người phải lao động.
  • Sống và Suy ngẫm

    13/04/2014Sống và suy ngẫm tập hợp những câu chuyện nhỏ về muôn vàn góc cạnh cuộc sống mà ông ghi chép, lượm lặt trên những nẻo đường đã qua, những trải nghiệm thực tế được ông kể lại với phong cách hóm hỉnh, trào phúng, mang lại thật nhiều thi vị để ngẫm ngợi...
  • Từ sự kiện Tiên Lãng, nhớ lại và suy ngẫm

    02/02/2012GS. Tương LaiGiờ đây, trước sự kiện Tiên Lãng vừa xảy ra mở đầu cho năm 2012 gây bức xúc trong dư luận, nhìn lại “Sự kiện Thái Bình” năm 1997 để suy ngẫm càng thấy rõ cái logic tất yếu của sự bùng nổ từ những nung nấu tiềm ẩn trong đời sống nông thôn và trong tâm trạng của người nông dân bị đẩy đến bước đường cùng.
  • Trông người lại ngẫm đến ta

    24/11/2010TS Nguyễn Quang AKhông có sự phẫn nộ của dư luận, không có sự cạnh tranh, thì chắc ông Bộ trưởng Hàn Quốc cũng chẳng phải từ chức. Đáng tiếc các điều kiện về dư luận, dân trí và cạnh tranh như ở Hàn Quốc chưa có ở Việt Nam...
  • Cùng đọc và suy ngẫm

    21/04/2008N.H. sưu tầmNếu như thu gọn nhân loại toàn thế giới xuống thành một cái làng nhỏ (100 người), chúng ta sẽ có một ngôi làng với: 57 người châu Á, 21 người châu Âu, 14 người châu Mỹ, 8 người châu Phi...
  • xem toàn bộ