“Chính sách đúng sẽ khơi dậy tiềm năng trí tuệ …!”

11:58 SA @ Thứ Bảy - 08 Tháng Mười Một, 2014

Lâu lắm rồi, hình như người Việt Nam ta đã chuyển từ tâm trạng “Ta là ta mà lại cứ mê ta” (Chế Lan Viên) trong những tháng năm tự hào là “lương tâm của thời đại” sang tự phê bình nhiều hơn.

  • Nào tư tưởng, đạo đức suy thoái.
  • Nào năng suất lao động thấp nhất Đông Nam Á.
  • Nào đống nợ công cao chót vót.
  • Nào chỉ 6 năm nữa đã phải cán đích công nghiệp hóa mà làm cái ốc vít không xong v.v… và v.v...

Còn nhớ những năm thuộc Pháp, cụ Phan Bội Châu cũng từng chỉ ra 5 điều dở của dân ta lúc bấy giờ:
Hay nghi kỵ lẫn nhau, không làm nên việc gì cả, đó là điều rất ngu thứ nhất. Tôn sùng những điều xa hoa vô ích, bỏ bễ những sự nghiệp đáng làm, đó là điều rất ngu thứ hai. Chỉ biết lợi mình mà không biết hợp quần, đó là điều rất ngu thứ ba. Thương tiếc của riêng, không tưởng đến việc ích chung, đó là điều rất ngu thứ tư. Biết có thân mình, nhà mình mà không biết có nước, đó là điều rất ngu thứ năm”.

Và hậu sinh của Cụ, nhà thơ yêu nước Tản Đà từng than thở: “Dân 25 triệu, ai người lớn - Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”.

Thiết tưởng những lời tự chỉ trích nói trên tuy có nặng nề nhưng vô cùng cần thiết. Thuở nô lệ, chê là để gióng tiếng chuông thức tỉnh người dân đồng lòng đứng lên rửa sạch nỗi nhục mất nước. Bây giờ, chê là để từ lãnh đạo đến người dân vươn lên, rửa cho được nỗi nhục lạc hậu, nghèo nàn.

Nhưng bên cạnh yêu cầu khắc phục những hạn chế cố hữu hoặc nhất thời như đã nêu, sự nghiệp phát triển đất nước rất cần phát huy những nhân tố tích cực, nhất là khi gánh nặng của sự nghiệp to lớn ấy đang chuyển dần lên những đôi vai trẻ.

Sự giúp đỡ của các nước anh em cũng không còn nữa từ khi hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã; Thời buổi này, ít ai còn ỷ vào “rừng vàng biển bạc” khi tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt dần, biến đổi khí hậu đang nổi lên như một thách thức nghiêm trọng.

Thay vào đó là cơ chế cạnh tranh của thị trường, là hợp tác trên cơ sở có đi có lại và cho vay vốn với những đòi hỏi khắt khe. Chỉ có con người là nhân tố quan trọng nhất đối với sự phát triển của đất nước.

Trước hết, phải nói đến những người quyết định chính sách. Chính sách đúng sẽ tạo ra bước ngoặt và bảo đảm cho phát triển bền vững. Chỉ cần nhìn sang các nước láng giềng cũng có thể thấy chính sách đúng đã đưa nước Singapore có diện tích nhỏ hơn Việt Nam tới 550 lần và không có bất cứ loại khoáng sản nào, đến nước ngọt cũng phải nhập khẩu từ Malaysia trở thành một nước phát triển với GDP bình quân cao gấp 25 lần nước ta.

Còn ở nước ta, chính sách khoán 10 trong nông nghiệp và đường lối Đổi mới của Đảng là những minh chứng rõ ràng về vai trò quan trọng của chính sách.

Có nhớ lại thời kỳ trước khoán 10, trước Đổi mới, mới thấy được sự dũng cảm của những nhà lãnh đạo dám đoạn tuyệt với cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, đi theo con đường nhân loại đã đi để vực dậy nền kinh tế, đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, bước sang thời kỳ phát triển mới.

Trong xã hội ta hiện nay, lớp trẻ – nguồn nhân lực chủ công của xã hội – là lớp có nhiều thế mạnh. Họ được đặt trên bệ phóng của tư duy mới, có kiến thức cập nhật hơn, tính cách năng động hơn, đầu óc thực tế hơn thế hệ cha anh, chắc chắn sẽ tìm ra được con đường tiếp tục đổi mới để đưa đất nước tiến lên, nếu được đặt vào vị trí những người ra quyết sách.

Nhìn vào không khí dân chủ, cởi mở của xã hội và ý thức xây dựng chính quyền ngày càng cao của người dân, chúng ta có đủ cơ sở tin rằng người dân sẽ chọn được những người ra gánh vác việc nước ngày càng xứng đáng hơn.

Chúng ta cũng có đủ cơ sở tin rằng chính sách đúng sẽ khơi dậy tiềm năng trí tuệ ở mỗi người dân và cả dân tộc, để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Đành rằng so với nhiều dân tộc khác, cho đến nay, chúng ta không có nhiều sáng chế, phát minh đóng góp cho sự tiến bộ của nhân loại. Nhưng một dân tộc đất không rộng, người không đông, suốt hàng nghìn năm lịch sử phải vật lộn với thiên tai, chống chọi với những đế quốc hùng mạnh nhất, đặc biệt là với tham vọng bành trướng của nước láng giềng khổng lồ phương Bắc mà vẫn tồn tại và phát triển, bảo vệ được độc lập, gìn giữ và phát triển được văn hóa, ngôn ngữ của mình; dân tộc ấy phải có tiềm năng trí tuệ ưu việt.

Trí tuệ dân gian Việt Nam đã sáng tạo ra những pho sử thi đồ sộ như Đăm San, Đẻ đất đẻ nước, Sống chụ son sao (Tiễn dặn bạn tình), những điệu dân ca đằm thắm, những kho tàng cổ tích, ca dao, tục ngữ giàu tính nhân văn và triết lý sâu sắc.

Nghệ thuật ẩm thực Việt Nam được mến mộ vì các món ăn vừa ngon miệng, vừa đẹp mắt, vừa phù hợp với quan điểm dinh dưỡng của xã hội hiện đại cũng là những minh chứng về trí sáng tạo của người Việt Nam ta.

Còn về nhân tài trong các lĩnh vực công nghệ và kinh tế, đúng như Nguyễn Trãi từng tổng kết, nước ta tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, song hào kiệt thời nào cũng có. Thời Trần có Nguyễn An (1381 – khoảng 1460), một kiến trúc sư tài năng, được sử sách ghi nhận là một trong những người thiết kế và chỉ huy xây dựng khu Cố Cung ở Bắc Kinh cùng nhiều công trình kiến trúc, trị thủy đời nhà Minh. Thời Hồ có Hồ Nguyên Trừng sáng chế hỏa pháo và thuyền chiến hai tầng. Thời Lê có Lương Thế Vinh (1441 – 1496), một Trạng nguyên Nho học viết cuốn Toán pháp đại thành với nhiều công thức tính toán, đo đạc không khác mấy so với kiến thức ở châu Âu lúc bấy giờ.

Thời thuộc Pháp có nhiều nhà kinh doanh tài giỏi, tiêu biểu là “vua tàu thủy” Bạch Thái Bưởi (1874 – 1932), người sở hữu hơn 30 chiếc tàu lớn nhỏ mang những cái tên lịch sử như Hồng Bàng, Lạc Long, Trưng Trắc, Trưng Nhị…, vượt lên hàng đầu trong một lĩnh vực mà ưu thế vốn thuộc về người Pháp, người Hoa. Từ khi đất nước ta giành được độc lập, cũng xuất hiện nhiều nhân tài trên những lĩnh vực khác nhau.

Đặc biệt là lớp trẻ hiện nay đã thể hiện tài trí của mình qua nhiều cuộc thi tài quốc tế. Nhiều bạn ra nước ngoài, có điều kiện phát triển thuận lợi, đã thành đạt và chắc sẽ còn tiến xa hơn nữa.

Vì sao một dân tộc có trí tuệ như vậy lại không có nhiều sáng tạo khoa học - công nghệ và nghệ thuật nổi bật? Phải chăng nguyên nhân là ở đường lối giáo dục tầm chương trích cú sai lầm và sự kìm hãm tự do tư tưởng, tự do cá nhân suốt hàng nghìn năm lịch sử? Nhiều nước cùng hoàn cảnh như ta nhờ cải cách kịp thời đã may mắn bứt ra khỏi quỹ đạo nhàm chán ấy, hòa vào dòng chảy của thời đại mà trở nên giàu có, hùng mạnh.

Thời kỳ Đổi mới vừa qua ở nước ta đã chứng kiến bước tiến dài về kinh tế - xã hội. Nhưng từ nhiều năm nay, giai đoạn đổi mới đầu tiên đã phát huy hết tác dụng của mình.

Vì tương lai dân tộc, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật xem điều gì đã làm chậm bước tiến của mình, những cơ chế nào đã làm nên sự phát triển thần kỳ của một số dân tộc khác, để tiếp thu bài học của các nước phát triển, phát huy tiềm năng trí tuệ của dân tộc mình, đưa đất nước nhanh chóng đuổi kịp và sánh vai cùng các cường quốc năm châu, làm kế sâu rễ bền gốc cho con cháu muôn đời.

Nguồn:Dân Trí
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Khơi dậy sức mạnh mềm

    29/04/2016Trần Trọng ThứcCho dù trọng tâm cuộc mưu sinh của người đời luôn gắn liền với chuyện cơm áo gạo tiền, nhất là trong thời kỳ kinh tế đang trên đà suy thoái, nhưng không ai trong chúng ta có thể phủ nhận các giá trị văn hóa vẫn chiếm một chỗ đứng quan trọng trong cuộc sống, không chỉ trên bình diện quốc gia mà cả quốc tế.
  • Tại sao hai triều đại Lý Trần lại đạt được sự thịnh vượng?

    22/08/2014Hà Thủy NguyênThời kỳ cầm quyền của nhà Lý (1009-1225) và nhà Trần (1226-1400) là hai triều đại thịnh vượng nhất trong lịch sử Việt Nam từ trước đến nay. Nhiều sách sử cho rằng triều đại nhà Lê mới là triều đại mạnh nhất, nhưng đa số người đọc đã bị nhầm lẫn giữa hai khái niệm: sự thịnh vượng và tập trung quyền lực...
  • Con đường dẫn đến sự thịnh vượng

    16/08/2014Nguyễn Trần BạtCó một khát vọng giống nhau giữa các cộng đồng dân tộc là khát vọng về sự thịnh vượng. Mỗi một dân tộc lại được hình thành bằng một lịch sử riêng, do vậy, mỗi dân tộc lại có một con đường riêng đi tìm kiếm sự thịnh vượng nhưng trong bối cảnh quá trình toàn cầu hoá đang diễn ra mạnh mẽ thì có gì chung giữa các con đường đi đến sự thịnh vượng của các dân tộc? Và nếu có thì con đường ấy như thế nào?
  • Nguồn gốc của Quyền lực, Thịnh vượng và Nghèo khó

    29/05/2014…Cái gì giải thích những sự khác biệt lớn này về nghèo khó và thịnh vượng và các hình mẫu tăng trưởng? Vì sao các quốc gia Tây Âu và các nhánh thuộc địa của chúng đầy người định cư Âu châu bắt đầu tăng trưởng trong thế kỷ mười chín, hầu như không nhìn lại? Cái gì giải thích sự xếp hạng dai dẳng về bất bình đẳng ở bên trong châu Mỹ? Vì sao các quốc gia Phi châu hạ-Sahara và Trung Đông đã không đạt kiểu tăng trưởng thấy ở Tây Âu, trong khi phần lớn Đông Á đã trải nghiệm tốc độ tăng trưởng kinh tế quá nhanh dễ gây tai nạn?
  • Thúc đẩy sự thịnh vượng

    12/05/2009Nguyễn Trần Bạt - Chủ tịch kiêm TGĐ Investconsult GroupCó thể nói, trên thế giới có bao nhiêu quốc gia, có bao nhiêu dân tộc và có bao nhiêu con người là có bằng ấy ước mơ, bằng ấy khát vọng. Mỗi một ước mơ, mỗi một khát vọng đều xuất phát từ những hoàn cảnh lịch sử riêng. Nhưng mơ ước về sự thịnh vượng luôn là mục tiêu chung của con người. Và nơi khởi nguồn cho sự thịnh vượng chính là tầng lớp đặc biệt trong xã hội - tầng lớp trí thức.
  • Thịnh vượng sẽ đến nhanh hơn, nếu...

    10/10/2006TS Nguyễn Sĩ Dũng13 tháng 10 - ngày của các doanh nhân VN, một ngày lễ mới tròn một tuổi. Ngày lễ này được xác lập như vậy là rất muộn, nhưng có lẽ, cũng không thể sớm hơn. Bởi vì rằng trái cây cần thời gian để chín, con người cần thời gian để vượt qua những định kiến của mình...
  • Giáo dục đại học: Khơi dậy và nuôi dưỡng tính ham học

    12/07/2005Nguyễn Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Sydney, AustraliaGần đây, nhân dịp được tham dự vài buổi giảng tại một trường đại học trong nước (theo lời mời của vài đồng nghiệp), tôi chợt nhớ đến kinh nghiệm của chính mình trong thời còn theo học đại học hơn 30 năm trước đây. Thời đó, mối quan hệ giữa người giáo sư và sinh viên chủ yếu là “thầy giảng trò chép”. Ở các trường đại học Tây phương từ hơn 50 năm trước giới nghiên cứu giáo dục đã chứng minh rằng một phương pháp giảng dạy như thế không đem lại hiệu quả cao cho người học, vì nó mang tính thụ động quá. Ngày nay, qua trao đổi với một số đồng nghiệp trong nước và trực tiếp tham dự nghe giảng, tôi cảm thấy mối quan hệ thụ động như thế vẫn còn tồn tại. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên thay đổi cách giảng dạy để đem lại hiệu quả tốt cho sinh viên và cả người dạy.
  • xem toàn bộ