"Chạy án” và...
Nếu có một cuộc thi chạy tầm thế giới, có lẽ một số kha khá quan chức ở ta sẽ tham gia và sẽ có giải. Bởi họ "chạy" giỏi quá, "chạy" bất kể ngày đêm và trong mọi điều kiện thời tiết chính trị và xã hội. Người ta đã nói đến một "công nghệ chạy" ở xứ mình: chạy các cửa, chạy đủ thứ, chạy các kiểu, từ cái nhỏ đến cái lớn, cứ muốn được là phải "chạy".
Đúng là không ai cho không ai cái gì, nhưng sự nghiệt ngã ở ta đã khiến "công nghệ chạy" ăn sâu vào tiềm thức rất nhiều người, dĩ nhiên chiếm số đông nhất là quan chức - những người có việc phải "chạy" và có khả năng để "chạy". Nhưng nói qua thì phải nói lại, sẽ không có "công nghệ chạy" nếu không có những "ban giám khảo" và những "trọng tài" trong bóng tối thường xuyên khuyến khích cho "công nghệ" này phát triển. Bởi các cuộc chạy đều có đích đến, đều có mục tiêu và đều cần phải đạt hiệu quả. Nếu chuyện "chạy chức" hay nói rõ ra, là chuyện "mua quan bán chức" không hề là "độc quyền công nghệ" ở ta, thì chuyện "chạy án" - một kiểu "chạy" đầy nguy hiểm và chấp nhận năm ăn năm thua, lại có vẻ như ta đang giữ "bí quyết công nghệ". Phải nói, từ lâu nay, đã có không ít những vụ "chạy án" thành công, chí ít cũng thành công một nửa. Nếu không, "công nghệ" này chẳng thể phát triển như vậy. "Đích đến" của những cuộc chạy này dĩ nhiên là các cơ quan bảo vệ pháp luật, các "công bộc" bảo vệ pháp luật. Nguyễn Mậu Thôn - cái tên nghe rất dân dã - chỉ là “một trong số” những "chuyên gia" chạy án. Thuyết "chăn voi" cũng vậy. Ma trận nào cũng có đường vào, và mê cung nào cũng có lối thoát, nhưng giải được bài toán đó là cực khó. Trong khi, các cơ quan bảo vệ luật pháp của ta, về danh chính ngôn thuận là rất rõ ràng, rất minh bạch, nhưng trong thực tế lại luôn có những chỗ khá "nhòe mờ", hàm chứa một kiểu "lô-gích mờ" rất nước đôi mà lắm khi người ta phải hiểu "dzậy mà không phải dzậy" hay "không phải dzậy mà dzậy". Khuyến khích cho kiểu nước đôi này là những "ban giám khảo" giấu mặt, những "trọng tài" thường không xuất hiện trên "sân bóng" nhưng luôn theo dõi diễn tiến vụ việc bằng những "thiết bị từ xa" ngày càng tinh xảo. Có những kẽ hở nhìn thấy ngay như những vết nứt ở hầm chui Văn Thánh, nhưng có những kẽ hở không phải ai cũng có điều kiện và vị trí quan sát để nhìn thấy, và những "người đi xuyên tường" sẽ qua lại ở những kẽ hở đó, dĩ nhiên là dưới sự giám sát của "trọng tài". Khi những "trọng tài" có quyền lực lớn, khi "ban giám khảo" ở vị trí cao, thì những "người đi xuyên tường" càng muốn tiếp cận, càng khát khao tiếp cận, và "đạn" họ mang theo khi tiếp cận càng "nặng". Đã nhiều lúc tôi ngạc nhiên khi nghĩ: làm sao mà "chạy án" được nhỉ? Hay đây chỉ là "mánh lừa” của những "chuyên gia" trước những "khách hàng" đang hoảng loạn và bí phương "chạy thuốc" ? Các "trọng tài" và "giám khảo" càng cho tôi thêm tin tưởng ở nhận định của mình khi họ thẳng thừng bác bỏ mọi khả năng tiếp cận họ để chạy án của những "người đi xuyên tường". Cho tới khi mọi chuyện vỡ lở. Hóa ra, những trận đấu tennis, những bữa trưa nhà hàng, bữa tối khách sạn... thực ra là những “sân bóng" hoàn toàn "mở" cho những "giao dịch", theo kiểu như các doanh nhân hay làm khi muốn ký kết hợp đồng. Chuyện "chạy án" ở ta hóa ra cũng không quá khó.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt