Từ chức: sao khó vậy?!
“Tôi xin từ chức”- một câu nói rất đỗi ngắn gọn. Hàng ngày, hàng tháng có biết bao những sai phạm của các vị lãnh đạo ở nhiều cơ quan, đơn vị, gây ra hậu quả không nhỏ. Thế nhưng, câu nói ngắn gọn ở trên nghe vẫn cứ... “lạ tai” làm sao.
Có thể nói “ngại” từ chức giống như một căn bệnh do “thiếu thốn” về ý thức trách nhiệm mà lâu nay chúng ta chưa “bốc” được thuốc hữu hiệu... Các đại biểu quốc hội, các giảng viên đại học, các doanh nhân sẽ cùng nhau bàn luận về vấn đề nêu trên trong diễn đàn của Báo Khuyến học & Dân trí.
Từ chức để nâng nhân phẩm lên
Ông Dương Trung Quốc:Ngày xưa thường có hành vi từ quan. Người từ quan thường lấy rất nhiều lí do khác nhau, trong đó có cả lí do để “che đậy” lí do thật, chẳng hạn về “chăm sóc mẹ già”. Các giá trị xã hội được đưa ra làm lí do như vậy đã thể hiện sự từ chối quyền lực, bổng lộc một cách rất nhẹ nhàng. Hạt nhân của văn hoá từ chức ấy là cái liêm sỉ được hệ thống giáo dục truyền thống nhấn mạnh tạo nên phẩm chất, uy tín, quan cách của người từ bỏ quyền lực.
Chính vì văn hoá từ chức ấy mà người thoái lui được xã hội đánh giá cao và được trọng dụng... Ngày nay, quyền lực gắn quá chặt với quyền lợi nên người ta ngại giã từ quyền lực mình đang đảm nhận. Đã có một vài người nói “tôi xin từ chức” nhưng quyết định ấy chỉ diễn ra trong hoàn cảnh họ không còn cách nào khác.
Sự từ chức của họ không thể hiện cho ứng xử của con người trước quyền lực và quyền lợi, không tạo ra những giá trị xã hội quan trọng. Anh “chết đến đít” rồi mới chịu giã từ quyền lực, rồi phủ lên trên nó bằng đủ thứ ngôn ngữ- đó không phải là văn hoá từ chức, đó chỉ là ứng xử khôn ngoan.
Hiện nay, Quốc hội đang đặt ra vấn đề soạn thảo Nghị định về quy trách nhiệm cá nhân; kì họp tới của Quốc hội sẽ thảo luận về Luật chống tham nhũng. |
Điều cần hơn là anh cảm thấy mình không còn đủ năng lực hoặc nhận ra ngay lỗi lầm vừa mắc phải, đặt lợi ích chung lên trên hết để dũng cảm rời bỏ quyền lực. Trong trường hợp này, giá trị xã hội không coi từ chức là một sự hạ thấp nhân phẩm con người mà đôi khi còn nâng lên...
Chúng ta cần xây dựng một qui chế để người ta có quyền từ chức và làm cho việc từ chức trở nên có văn hoá, đó là Văn Hoá Từ Chức
Nên áp dụng theo “luật” bóng đá
Thực tế, ở VN cũng có những qui định về trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng những qui định đó nằm rải rác trong các luật của Nhà nước mà nhiều khi chúng ta không “vạch” ra thôi. ở đây có 2 trách nhiệm, đó là nguời phụ trách trực tiếp và người lãnh đạo gián tiếp.
Các vấn đề lớn đều được đưa ra tập thể bàn luận nhưng đến khi quyết định thì người thủ trưởng quyết định, vì vậy trách nhiệm cao nhất vẫn phải là ông thủ trưởng. Ví dụ “ông” phụ trách đường sắt, khi có tai nạn thì ông phải chịu trách nhiệm, mặc dù ông không trực tiếp gây ra.
Biện pháp quy chịu trách nhiệm cá nhân theo tôi nên áp dụng theo kiểu “luật” bóng đá: khi đội bóng thua thì người huấn luyện viên phải chịu trách nhiệm và nếu thua nữa thì người ta sẽ thay huấn luyện viên luôn.
Đây là biểu hiện của cách đặt trách nhiệm lên cao mà nhiều khi người huấn luyện viên đã chủ động xin dừng cuộc chơi nếu thấy mình không cáng đáng nổi áp lực được tạo ra là không nhỏ nhưng đó là áp lực tích cực cho người đứng đầu.
Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng chúng ta ủng hộ những người từ chức để thể hiện tình thần trách nhiệm, lòng tự trọng chứ không đồng tình với kiểu từ chức để chạy trốn trách nhiệm, hậu quả.
Nhiều người “đáng” xin từ chức lắm
Ông Đỗ Trọng Ngoạn, đại biểu QH tỉnh Bắc Giang: Chúng ta đang mắc bệnh “chung chung” chủ nghĩa. Ví như, mỗi khi đầu tư sai, đặt ra vấn đề ai quyết định? Câu trả lời lại là “Thường vụ quyết định, không phải tôi! Tập thể quyết định, không phải tôi!”
Đáng ra, ai ký đầu tư gây ra thất thoát, làm thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm, cho dù ai thực hiện đi nữa. Hiện nay, nước ta chưa có pháp lệnh quy trách nhiệm cá nhân - đó là nhược điểm... Nhưng điều cốt lõi là ở chỗ: pháp luật của chúng ta chưa nghiêm, cá nhân thiếu tự trọng và trách nhiệm trước dân không cao.
Nhiều khi quan chức của chúng ta chỉ biết “cai trị” dân chứ không đặt vấn đề là mình chịu sự xử lý của dân. Như vừa qua, bác sĩ mổ quên gạc trong bụng bệnh nhân để người ta chết thì trước hết Giám đốc bệnh viện ấy phải xin lỗi dân rồi đến Bộ trưởng Y tế xin lỗi dân...
Việc ông giám đốc Công ty Điện lực TPHCM xin từ chức mới đây là một trong số lần hiếm hoi tôi thấy trong những năm qua, nhưng tiếc thay ông này không “xin” thì cũng không được nữa, vì sức ép đã quá lớn.
Chúng ta còn thấy nhiều vụ việc khác như vụ phá rừng ở Bình Thuận, vụ hồ Trị An, Phú Quốc, Hải phòng, Tổng công ty Hàng hải... tất cả đều rất đáng để những người phụ trách từ chức nhưng chẳng thấy ai dũng cảm đứng ra làm việc này.
Cũng phải nói thêm rằng, từ chức là tự nguyện nhưng không phải cứ từ chức là xong. Người mắc lỗi còn phải bị xử lý bởi tổ chức: có thể kỷ luật hành chính, cách chức, khiển trách, thậm chí đưa ra tòa xử án.
Theo tôi, muốn đẩy “từ chức” lên, các tổ chức, đơn vị phải thường xuyên lấy phiếu tín nhiệm cá nhân- cách này sẽ buộc người lãnh đạo phải có trách nhiệm hơn trước nhân dân.
Hai quan chức hiếm hoi xin từ chức trong những năm gần đây | |
Tháng 4/2004, ông Lê Huy Ngọ lúc đó là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã xin từ chức, sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định cảnh cáo ông về việc “buông lỏng quản lí, để cho công ty Tiếp thị - Đầu tư Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do Lã Thị Kim Oanh làm giám đốc vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng”. | |
Ngày 23/07/2005, ông Lê Minh Hoàng, Giám đốc Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh đã xin từ chức, sau khi để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng trong việc mua sắm, lắp đặt điện kế điện tử tại thành phố. |
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiNếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn