Singapore được nhìn nhận là nước có sách lược thu hút nhân tài nước ngoài bài bản nhất. Việt Nam cũng không thể không nghĩ đến vấn đề “lưu thông chất xám”.
"/>Singapore được nhìn nhận là nước có sách lược thu hút nhân tài nước ngoài bài bản nhất. Việt Nam cũng không thể không nghĩ đến vấn đề “lưu thông chất xám”.
"/>

Singapore thu hút hiền tài

08:01 SA @ Thứ Bảy - 22 Tháng Mười, 2005

TT- Chưa bao giờ cạnh tranh thu hút nhân tài lại gay gắt như hiện nay, trong đó Singapore được nhìn nhận là nước có sách lược thu hút nhân tài nước ngoài bài bản nhất. Việt Nam cũng không thể không nghĩ đến vấn đề “lưu thông chất xám”.

Chủ tịch tập đoàn của 4.000 công ty nước ngoài tại Singapore được Hãng tư vấn Gallup phỏng vấn năm 2003 đều thừa nhận Singapore là một địa điểm hấp dẫn lao động nước ngoài hàng đầu trong số 29 nền kinh tế có dân số dưới 20 triệu người.
Ở đất nước 4 triệu dân này có đến gần 1 triệu người lao động nước ngoài. Người lao động nước ngoài tạo ra tới 41% GDP cho Singapore.

Cựu thủ tướng Goh Chok Tong xem việc thu hút nhân tài nước ngoài là một vấn đề sống còn, quyết định khả năng cạnh tranh kinh tế của Singapore.
Ông Lý Quang Diệu còn cho rằng 20 năm nữa, thậm chí nếu có năm thành viên nội các chính phủ không phải là người sinh ra từ mảnh đất này thì cũng là điều tự nhiên. Cần nhớ nội các đầu tiên gồm mười thành viên của Chính phủ Singapore chỉ có hai người bản địa.

Ưu đãi lao động giỏi

Đặc điểm chính của chính sách lao động Singapore là hạn chế tuyển dụng lao động nước ngoài có kỹ năng thấp, trong khi tạo mọi điều kiện thuận lợi và ưu đãi nhằm thu hút lao động có kỹ năng cao.
Theo qui định, lao động có tay nghề thấp có mức lương dưới 2.500 đôla Singapore (khoảng 1.500 USD). Việc tuyển dụng lao động loại này hướng vào một số nước, một số ngành cụ thể và chịu một số hạn chế.
Ví dụ, người lao động thủ công không được đưa người thân sang sống cùng và phải trả mức phí càng cao nếu tay nghề càng thấp. Chị Mai, chủ nhà hàng Mai, kể chị từng phát khóc khi đi xin cấp giấy phép lao động cho một đầu bếp Việt Nam sang làm việc tại nhà hàng.
Trong khi đó, chính phủ hết sức khuyến khích tuyển dụng những lao động có tay nghề cao với mức lương trên 2.500 đôla Singapore. Nếu được chủ lao động nhận, lao động diện này được cấp giấy phép làm việc ngay chỉ trong vài ngày và được quyền cho người thân sang sống cùng.

Singapore cũng rất chú trọng tuyển dụng nhân tài nước ngoài thông qua kênh giáo dục. Hiện tại, Singapore có 35.000 sinh viên nước ngoài theo học tại các trường đại học ở đây. Tại các trường như Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Đại học Kỹ thuật Nanyang, Đại học Quản lý Singapore, số sinh viên nước ngoài chiếm 20%.

Nhiều sinh viên Việt Nam theo học tại NUS cho biết sang học dưới dạng vay tiền của Chính phủ Singapore. Đổi lại, sau khi tốt nghiệp các bạn trẻ này có nghĩa vụ làm việc cho một công ty của Singapore (tại Singapore hoặc bất kỳ nước nào khác) trong thời gian tối thiểu ba năm để trả nợ.

Với cách làm này, Chính phủ Singapore luôn có nguồn lao động chất lượng cao được bổ sung hằng năm để làm việc cho các công ty Singapore. Các trường đại học của Singapore bù lại cũng có điều kiện và động lực để đầu tư hiện đại hóa trường học theo tiêu chuẩn quốc tế và nhu cầu của thị trường lao động.

Lưu thông chất xám
Cũng giống như người Việt Nam, người Singapore thích nói đến câu “tiền nào của nấy”. Họ tin rằng chỉ có nhờ sử dụng lao động chất lượng cao, trong đó có lao động nước ngoài, Singapore mới có thể làm ra hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao.

Quan niệm “chảy máu chất xám” nay đã lỗi thời. Gần đây các nước đều nói nhiều hơn đến khái niệm “lưu thông chất xám” nhằm tạo mọi điều kiện cho chất xám được di chuyển đến những nơi nào mà nó có thể được phát triển tốt nhất.

Trung Quốc đã nhận rõ được vấn đề này từ rất sớm và đang bắt đầu gặt hái thành quả của chính sách khuyến khích du học nước ngoài trước đây. Lớp các nhà khoa học được khuyến khích du học tại các nước tiên tiến từ những năm 1980 - 1990 nay đã trở về ngày càng nhiều do điều kiện và cơ hội làm việc trong nước tốt lên và họ đang đóng góp rất tốt cho nền kinh tế Trung Quốc.

Người lao động có kỹ năng khi đi làm việc ở nước ngoài không hẳn đã cắt đứt quan hệ với quê hương: đó là dịp để họ nâng cao tay nghề, chuyển giao công nghệ, tạo ra những kết nối với bên ngoài và chưa kể nguồn kiều hối họ chuyển về quê nhà.

Trên thực tế cũng khó ngăn cản sự di chuyển của lao động có tay nghề ra khỏi biên giới quốc gia, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) do Việt Nam sẽ phải tuân thủ nguyên tắc tự do hóa dịch vụ (nhất là đối với lao động có kỹ năng) trong tổ chức này.

Singapore coi việc tập trung phát triển, thu hút và sử dụng nhân tài là nhân tố sống còn đối với việc duy trì khả năng cạnh tranh trong giai đoạn phát triển mới. Chính điều này đã và sẽ tiếp tục giúp Singapore “đứng trên vai” những người khổng lồ như Trung Quốc và Ấn Độ.

Nguồn:Tuổi Trẻ
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: