Cảm ơn đau khổ

05:13 CH @ Chủ Nhật - 27 Tháng Tư, 2014

Nếu không có khổ đau
Biết đâu là hạnh phúc
Nhờ mê muội hôm nào
Ta tìm về tỉnh thức.

Giông bão đời người chẳng chừa bất cứ ai, những nỗi đau hiển hiện trong đôi mắt, hay trên làn môi có thấm vào đâu so với nỗi đau chúng ta giấu kín tận đáy lòng. Trước nỗi đau khổ cùng tột ấy, tâm chúng ta chợt bừng sáng, trí chúng ta hoát nhiên đại ngộ tìm được niềm an lạc tràn ngập trong tâm hồn mà trong kinh Đức Phật dạy: “Phiền não tức Bồ-đề”.

Con người sinh ra hiện hữu trên cuộc đời này có hàng nghìn, hàng vạn nỗi đau khổ khác nhau, nhưng chung quy không ngoài hai thứ:

1. Đau khổ tinh thần: Do hoàn cảnh bên ngoài tác động như làm ăn thất bại, người khác ganh tỵ quấy nhiễu, chồng ngoại tình, con bất hiếu ăn chơi trác táng, nghiện xì ke hút chích; hay nghĩ tới những hiện tượng thiên nhiên như bão lụt, động đất, sóng thần… mà băn khoăn, làm cho tinh thần người ta bất an, lo lắng sợ hãi đêm ngày.

2. Đau khổ thân thể: Bị bệnh tật hành hạ giày vò, bị đánh đập, hay bị tai nạn… khiến cho thân thể đau đớn ăn không ngon, ngủ không yên giấc.

Tất cả những nỗi đau khổ ở cõi Ta-bà này ai cũng nếm trải qua. Nếu chúng ta không hiểu Phật pháp, không biết tu tập thì than thân trách phận; có người tìm đến cái chết; có người tìm cách báo thù kẻ đã gây ra đau khổ cho mình. Nhưng chúng ta càng oán hận thì vết thương lòng càng sâu, nào có ích gì?

Còn chúng ta biết tu học, có thực hành theo lời Đức Phật dạy làm chất liệu trong cuộc sống, hiểu rõ nhân quả báo ứng, chỉ tự trách mình nên biết chuyển hóa nỗi đau khổ thành giải thoát an lạc ngay trong cuộc sống, điều mà Đức Phật đã thuyết giảng suốt cuộc đời giáo hóa của Ngài. Lúc này, chúng ta như đóa hoa sen thơm ngát vươn lên từ bùn lầy nước đọng, nở hoa tô thắm giữa cuộc đời.

Chính nhờ trải nghiệm nhiều nỗi đau khổ trong cuộc sống nên chúng ta dễ cảm thông những nỗi bất hạnh của người khác. Bởi vì, cuộc đời này “sống trong cảnh mới hiểu được người trong cảnh”. Bấy giờ, khi gặp ai đó có nỗi buồn không biết bày tỏ với ai, chúng ta dễ đặt mình trong hoàn cảnh của họ để sẻ chia, để an ủi vỗ về, giúp họ đứng lên sau lần sắp gục ngã.

Nếu như cuộc đời chúng ta mãi sống trong cảnh bình yên, luôn được mọi người tâng bốc, bợ đỡ thì chúng ta vẫn mãi mãi là một phàm phu tục tử, tham đắm trong hư ảo danh lợi, trôi lăn trong sinh tử, bị phiền não trần lao trói buộc thì làm sao thấy được bộ mặt thật của mình?

Vì thế, chúng ta hãy cảm ơn đau khổ, nhờ đau khổ mà tâm của chúng ta rộng mở nhiều hơn, biết quan tâm chia sẻ đến những mảnh đời bất hạnh, và có cơ hội để chúng ta tu tập hạnh nhẫn nhục. Đau khổ là con đường mà ai cũng phải trải qua, chỉ có khác nhau giữa kẻ mê và người ngộ. Mê thì trầm luân sanh tử, ngộ thì thấy được Niết-bàn giải thoát an lạc.

Tại sao Trời, Phật ... cứ để con người phải đau khổ trầm luân mãi?

Hỏi: Có nhiều người bày tỏ rằng họ tin vào đức Phật, đức Chúa Trời, các vị thánh khác có một quyền năng tối thượng. Họ tin các vị có thể biến thế gian từ đời sống này thành đời sống khác. Nhưng họ cũng băn khoăn - một băn khoăn hết sức trong sáng - tại sao các Ngài lại cứ để chúng sinh buồn khổ mãi, đấu tranh mãi như vậy? Tại sao không có một ngày các Ngài đưa bàn tay của mình trải dài hạnh phúc bất tận trên thế gian này? Để đến một ngày mới, có người già, người trẻ, người tin hay không tin, người tốt kẻ xấu đều được hưởng những gì đẹp đẽ nhất. Không chiến tranh thù hận, đói khát, nguyền rủa. Phải chăng có một thông điệp hay bí mật gì đó của đức Phật, Chúa Trời gửi cho con người trên thế gian này, rằng không thể dùng phép thiêng để thay đổi ngay mọi thứ trong khoảnh khắc? Rằng phép thiêng là chính ở các ngươi?

Gyalwang Drukpa: Đây vẫn là vấn đề nhiều người chưa hiểu tại sao con người đau khổ, tại sao Chúa, Trời, chư Phật ... cứ để con người phải đau khổ trầm luân mãi, mà không làm cho chúng sinh mở mắt ra đã thấy mọi sự thay đổi lớn, có sẵn đầy đủ an vui hạnh phúc.

Vì chúng ta chưa hiểu rõ quy luật nhân quả. Không ai tạo khổ đau cho ta ngoài bản thân ta. Có người nói, tôi không làm gì để tạo nên nhân khổ đau. Nhưng hãy thiết thực nhìn cái cách mà chúng ta đang sống bằng cách ăn thịt chúng sinh, giết hại chúng sinh, phá hủy môi trường, đẩy vào môi trường toàn những thứ độc hại ô nhiễm cả vật chất lẫn tinh thần, những từ trường của sân giận, ganh ghét, để rồi dẫn đến những bệnh dịch không thể chữa được. Chính chúng ta đang tạo nên nhân khổ đau nhưng ta lại lờ đi, không quan tâm. Nếu có ai đó kêu gọi ta bảo vệ môi trường, ta vờ như không biết hoặc không muốn biết là chính mình đang mang tai họa đến cho thế hệ mình và các thế hệ tương lai. Trong khi phải chịu đựng các hậu quả, ta vẫn chưa có tinh thần bảo vệ môi trường cho các thế hệ sau. Khổ đau là do ta tạo ra và ta phải gánh chịu. Không thể đổ lỗi.

Hãy quay lại cải thiện lối sống nơi chính mình. Hãy sống cởi mở, yêu thương chan hòa với cộng đồng, tập thể mà ta đang sống. Đức Phật đã dạy sống phải bớt hận thù, bớt sân giận. Học pháp Phật, ta sẽ cải thiện đời sống của mình.

Có người nói đến sự-gia-trì của đức Phật, nhưng thực ra, đức Phật chỉ là người hướng đạo, còn mọi thứ đều do chính chúng ta làm và tạo ra. Nương vào sự hướng dẫn đó, nếu ta áp dụng thực hành phát triễn lòng từ bi, biết yêu thương cởi mở, giúp đỡ trân trọng người khác thì ta có hạnh phúc đích thực. Ngay cả những người thân quen nhất, đôi khi do quá quen thuộc mà ta quên mất trang trải tình thương với họ. Hãy học để yêu thương những người mà ta tưởng như ta đã quá nhàm chán. Trải rộng tấm lòng tốt đẹp với tất cả những người mà mình có nhân duyên hạnh ngộ. Khi tâm mình thay đổi, hạnh phúc sẽ có mặt, đấy như là một điều kỳ diệu mà mọi người hằng mơ ước, mà chính chúng ta có thể diễn tả được. Hãy biết "tự tin và nương tựa vào chính mình!"

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Ý nghĩa của sự đau khổ

    23/11/2017Tagore, R.… Chúng ta đang trên con đường chiến thắng bệnh tật, chết chóc, đau khổ và nghèo đói; nhờ kiến thức khoa học, ta luôn luôn tiến bước về sự thực hiện cái phổ quát trên phương diện vật lý của nó.
  • Trẻ đau khổ thì sai

    25/09/2016Nguyễn TuấnNhiệm vụ lớn nhất, trong sáng nhất và cũng là thiêng
    liêng nhất mà tôi muốn nói tới trong giáo dục là phải bảo vệ lớp trẻ...
  • Nguyên nhân của đau khổ

    06/04/2016Cuộc đời là khổ đau hay không khổ? Câu trả lời tùy thuộc vào thái độ tâm lý, cảm thọ và nhận thức của mỗi người. Nguyên nhân của đau khổ - có cái phát sinh từ vật chất hay hoàn cảnh xã hội, nhưng khổ có nguồn gốc sâu xa trong tâm tưởng của con người.
  • Trò chuyện với Pháp Vương Drukpa

    10/04/2014Nguyễn Tất ThịnhĐức Pháp Vương trả lời sáng trong, gợi mở ý hướng cho mỗi chúng ta. Ngài không trả lời như bài tôi viết, chỉ là do tôi thẩm thấu được mà tự mình muốn bày tỏ thế… Như lời Phật dạy: Chúng sinh ai cũng có ‘chất Phật’ khi đắc ngộ được Giáo lý của Phật!
  • Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa: Hãy sống cân bằng và hiểu biết

    08/04/2014Mở đầu chuyến thăm Việt Nam lần thứ 5, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa- bậc thầy giác ngộ tâm linh quốc tế- vừa có cuộc trò chuyện với các đại diện Hội Nhà văn VN tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chọn và đọc câu hỏi...
  • Chào cuộc sống

    06/04/2014Nguyễn Tất ThịnhBài thơ này vốn sẵn có trong tôi hàng ngày, bây giờ chỉ là viết ra thôi. Cuộc sống không bao giờ là dễ dàng cả…rất nhiều điều phức tạp khó khăn như mọi người từng thấy dù mới là học sinh đến trưởng lão….Nhưng thế mới là Cuộc sống, nhưng cách thức là tại ta, từng người biết nên như thế nào mà thôi...
  • xem toàn bộ