Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa: Hãy sống cân bằng và hiểu biết

02:09 CH @ Thứ Ba - 08 Tháng Tư, 2014

Mở đầu chuyến thăm Việt Nam lần thứ 5, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa- bậc thầy giác ngộ tâm linh quốc tế- vừa có cuộc trò chuyện với các đại diện Hội Nhà văn VN tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chọn và đọc câu hỏi...


Với tất cả những gì mà Ngài thấu hiểu được qua những gương mặt, ánh mắt đang hướng về Ngài của những người ngồi đây, Ngài có thể nói một điều ngắn gọn về… tương lai của dân tộc này?

Tương lai của chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của chúng ta trong đời sống hiện tại. Nói một cách chính xác, sống là một nghệ thuật. Mỗi chúng ta là một kiến trúc sư của đời mình, hoàn toàn làm chủ đời mình. Nếu mỗi người đem hết tâm nguyện, nỗ lực hướng cách sống vào mục tiêu đem đến hạnh phúc, an vui cho mọi người thì sẽ có tương lai tốt đẹp.

Chủ đề của chuyến thăm lần này của Ngài là Yêu thương trong hành động. Xin giải thích thêm về thông điệp này.

Đời sống của chúng ta cần phải được vạch hướng đi đúng đắn bằng chính hành động của chúng ta. Những hành động này không bừa bãi bản năng mà phải dựa trên động cơ tích cực. Cần hiểu biết rằng không chỉ loài người mà rất nhiều loài động vật khác đều có quyền làm chủ thế giới này. Bởi vậy cần hành động một cách hiểu biết, trân trọng quyền làm chủ và bảo vệ sự tồn tại của mọi loài.

Hết lòng bảo vệ thế giới, bảo vệ mọi loài, đó là ý nghĩa “Yêu thương trong hành động”. Yêu thương phải được thể hiện một cách không vị kỷ. Được như vậy mới có thể tồn tại trong một thế giới an bình và hạnh phúc.

Xã hội hiện đại nói nhiều đến “giá trị tâm linh”, vậy “tâm linh” cần được hiểu đúng như thế nào và làm sao để ứng dụng trong đời sống hiện đại?

Cái gọi là “giá trị tâm linh” có rất nhiều cách giải thích. Nhưng với sự hiểu biết của riêng tôi, thì tâm linh là sự hiểu biết, có trí tuệ, nhận thức về nguồn gốc của mọi sự vật hiện tượng một cách đúng đắn, chính xác. Bởi vậy người không có tâm linh là người không hiểu biết về các sự vật hiện tượng trong vũ trụ này. Hiểu được giá trị tâm linh là phát triển sự hiểu biết trọn vẹn, ngọn ngành sự tồn tại của toàn thể vũ trụ.


“Tôi là người buồn nhất và cũng không bao giờ biết buồn” (Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)

Giá trị tâm linh vô cùng quan trọng trong đời sống hiện đại. Ví dụ nếu chúng ta không hiểu rằng cây cối rất quan trọng vì chúng tạo ra oxy, chúng ta sẽ chặt phá rừng. Không hiểu nước sạch quan trọng thế nào, chúng ta sẽ làm ô nhiễm nguồn nước. Không hiểu mối tương quan giữa thiên nhiên và con người thì sẽ không biết bảo vệ môi trường. Những giáo lý của Đức Phật luôn được gìn giữ và phát triển tại Việt Nam là vì phần nào ta hiểu được giá trị tâm linh.

Ngài luôn quan tâm tới bình đẳng giới, tạo điều kiện cho nữ giới phát huy khả năng vì hạnh phúc của bản thân và cộng đồng. Xin chia sẻ về điều này?

Cuộc đời này còn nhiều khổ đau chỉ bởi sự không ổn định, mất cân bằng. Không biết trân trọng bình đẳng giữa con người với thiên nhiên, kết quả là chúng ta phải chịu nhiều khổ đau vì thiên tai, lũ lụt. Cũng như vậy, chúng ta thường quan niệm sai lầm rằng chỉ nam giới mới quan trọng, mới làm được nhiều việc lớn. Khi biết cân bằng, biết trân trọng lẫn nhau thì xã hội sẽ dần ổn định, khổ đau sẽ dần chấm dứt. Giáo pháp của Đức Thích Ca đã chỉ rõ sự bình đẳng giác ngộ giữa người nam và người nữ. Người nữ có khả năng làm tất cả những gì mà người nam làm được.

Một câu hỏi tôi vừa nhận được qua tin nhắn. Một nhóm những bạn văn đang ngồi ở Huế gửi lời kính chào đến Đức Pháp Vương. Một phần ba trong nhóm khẳng định Đức Pháp Vương không bao giờ buồn. Hai phần ba khẳng định Đức Pháp Vương là một trong những người buồn nhất thế gian vì Ngài là một trong những người thấu hiểu nhất đời sống trên thế gian này. Vậy Ngài có nỗi buồn không, nỗi buồn lớn nhất của Ngài là gì, và làm thế nào để đi qua nỗi buồn?

Tôi nghĩ cả hai đều đúng. Cá nhân tôi không bao giờ buồn. Tôi không quan tâm đến thực phẩm của tôi, tôi cũng chẳng quan tâm đến tương lai của tôi, ngay cả ngày mai tôi cũng không nghĩ đến. Trong lòng tôi chỉ trăn trở nghĩ tới chúng sinh, đặc biệt là tất cả những người vô minh, những người không biết trân trọng giá trị nhân quả. Hôm rồi, tôi đã nhìn thấy từ cửa sổ khách sạn tôi ở một người đánh cá. Ông ấy giăng lưới bắt được con cá, và để nó khỏi giãy giụa, ông ấy nhanh chóng chặt nó thành mấy khúc rồi ném vào khoang.

Lúc đó nỗi buồn sâu thẳm dâng lên trong tôi, tôi đã không thể dừng được dòng nước mắt. Người đánh cá không làm hại gì tôi cả nhưng tôi nhìn thấy và tôi thương xót. Người đánh cá đã không hiểu được quyền bình đẳng giữa họ và con cá, nên đã tạo nên một việc làm trong đạo Phật gọi là ác nghiệp. Theo lời Phật dạy, ác nghiệp này sẽ phải trả gấp trăm, gấp nghìn lần so với cái nhân đã gieo.

Cho nên, tôi cũng là người buồn nhất vì tôi thấy quá nhiều người sống không hiểu biết, quá nhiều người sống vô tình với nỗi khổ đau của người khác, loài khác. Bởi vậy tôi luôn tìm cách đưa giáo pháp của Đức Phật tới tất cả mọi người, để họ có thể ứng dụng cho cuộc sống của họ tốt hơn, hạnh phúc hơn.

Tấm gương trong hành động của Ngài rất gần gũi, cụ thể với những thiện hạnh đời sống như đi bộ, trồng cây, nhặt rác, cứu trợ người bệnh… Xin nói thêm về động cơ thôi thúc Ngài tiến hành các thiện hạnh này?

Đúng như bạn nói, tôi không làm được nhiều mà chỉ cố gắng làm ví dụ, làm tấm gương để mọi người thực hành theo. Đức Phật từng dạy, khi thấy một người làm một việc tốt dù rất nhỏ, cũng nên học tập theo. Trong xã hội hiện tại, mọi người đang dần quên đi sự bình đẳng của môi trường đối với con người, bởi vậy tôi đã cố gắng hết sức để tạo nên những hình ảnh, bài học để nhắc nhở, thôi thúc mọi người quan tâm hơn đến vấn đề này. Ví dụ tôi đã có những hành trình đi bộ hàng 500 cây số. Trong suốt chuyến đi, tôi khuyến khích tăng ni, Phật tử gom nhặt những loại rác không thể tiêu hủy cho các nhà máy tái chế. Số rác gom được rất nhỏ so với số rác mọi người trên thế giới thải ra mỗi ngày.

Tôi đã trồng hàng triệu cây xanh nhưng cũng không là gì cả so với số cây mỗi ngày các vị chặt xuống. Nhưng tôi hy vọng đó là tấm gương để mọi người nhìn vào mà quay trở lại bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái Đất cho thế hệ mai sau.

Trước khi Ngài rời Văn Miếu, xin hỏi nếu Ngài muốn viết một dòng bí mật trên tường Văn Miếu thì đó là câu gì?

Bí mật ấy là chúng ta cố gắng phát triển đạo Phật. Các Phật tử cần phải hiểu đạo Phật không phải là một tôn giáo. Đạo Phật không chỉ ở trong chùa, không chỉ dành cho tăng ni, đạo Phật chính là tâm linh, là trọn vẹn sự hiểu biết.

Vậy những người không sát sinh trực tiếp, không ăn chay nhưng nỗ lực làm điều tốt đẹp cho xã hội, nên được nhìn nhận như thế nào?

Câu hỏi này liên quan rất nhiều đến quy luật nhân quả. Nói về nhân quả cần rất nhiều thời gian mới thấu đáo được. Tôi xin giải thích một cách vô cùng đơn giản. Cuộc sống hiện tại thiếu sự cân bằng giữa loài người và loài vật cho nên có nhiều đau khổ. Một số người sống rất tốt với con người thì lại thiếu tốt với loài vật, người tốt với cây cối thì lại thiếu tốt với nguồn nước… Tôi nghĩ đó là chúng ta làm sai giáo pháp. Trải qua bao thế kỷ, người Việt đã phải chịu khổ đau qua chiến tranh, qua đó chúng ta thấm phần nào triết lý đạo Phật. Lời khuyên của tôi là cố gắng sống một cách hiểu biết, cân bằng cho mình, cho xã hội. Cân bằng chính là phương pháp tốt nhất để chấm dứt những khổ đau không cần thiết.

Nguồn:Tiền Phong
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • 66 câu Phật học làm chấn động Thiền ngữ thế giới

    10/05/2017Đọc được gì là tùy mỗi người…Nhưng xin hãy đọc thật chậm, nghĩ thật kỹ và nhớ thật lâu. Cuối cùng là làm theo được càng nhiều càng tốt…
  • “Tâm tình sen trắng” cùng GS Cao Huy Thuần

    07/04/2014Lam ĐiềnSen trắng là nhân vật, mà cũng là hình ảnh tác giả vào cái thời mới lớn. Nay đã trải bao dông bão cuộc đời, “đóa sen Cao Huy Thuần” ngày xưa giờ đã là vị giáo sư cao niên...
  • Chào cuộc sống

    06/04/2014Nguyễn Tất ThịnhBài thơ này vốn sẵn có trong tôi hàng ngày, bây giờ chỉ là viết ra thôi. Cuộc sống không bao giờ là dễ dàng cả…rất nhiều điều phức tạp khó khăn như mọi người từng thấy dù mới là học sinh đến trưởng lão….Nhưng thế mới là Cuộc sống, nhưng cách thức là tại ta, từng người biết nên như thế nào mà thôi...
  • Kinh lời dạy cuối cùng của Đức Phật

    16/08/2013Trước khi nhập Niết bàn, Phật dạy: "Không được chặt đốn cây cối, đào đất, móc hang, điều chế dược liệu, đoán quẻ tốt xấu, xem sao đoán mạng, nghiên cứu địa lý, tìm tòi hưng suy, hay coi lịch đoán số".