Buông mình rời sợi dây đời

06:31 CH @ Thứ Tư - 01 Tháng Mười Một, 2017
Có những con người trí tuệ và sâu sắc, hiểu thấu tim đen cuộc sống nên không còn phù hợp với thân phận làm người... và họ đã ra đi...

Điểm đến của mỗi người không phải là một nơi chốn mà là một cách nhìn mới về mọi vật...(Henry Miller)

Khi tình cờ đọc một câu của Henry Miller sau, tôi bỗng rùng mình chợt nhớ đến Nietzsche và William Saroyan: “Để vượt qua đau đớn và khổ sở, vượt qua đấu tranh, con người phải học nghệ thuật của người làm xiếc trên dây. Trong lúc bước đi trên sợi dây chùng căng giữa hai đối điểm, con người trở nên tỉnh thức hoàn toàn và mãnh liệt – tỉnh thức một cách liều lĩnh. Ý thức này trải rộng để bao trùm hai đối điểm nghịch nhau rõ ràng. Tỉnh thức tuyệt đối, có nghĩa chấp nhận sự sống vì nó là thế, thì sẽ loại trừ những kinh hãi về sự sống và tiêu diệt những ảo vọng . Tôi nên nói cách khác, tiêu diệt hy vọng, vì nhìn từ xa hy vọng có vẻ như một họa hại hơn là một thiện phúc. (The Enormous Womb, Henry Miller)”
Có một sự trùng hợp về hình ảnh gã đu dây trong các tác phẩm để đời của họ. Với William Saroyan, ông quan niệm mỗi hành vi trong cuộc sống hàng ngày đều như cách chúng ta đi trên sợi dây đu bay đến cõi vĩnh hằng, nhẹ nhàng và đơn giản như hơi thở . Quyển truyện đầu tay của ông với tựa đề “Chàng tuổi trẻ gan dạ trên chiếc đu bay”, bằng văn phong giản dị, thanh thoát đã được độc giả nhiệt liệt đón nhận.
Ông thản nhiên nói như một tuyên ngôn cho chính mình: ” Nhà văn là kẻ dễ bị xem thường, dễ bị chế giễu, bị bỏ rơi, và dễ bị khinh thị nhất. Điều đó cũng dễ hiểu và cũng phải vậy thôi. Nhà văn cũng hơi điên một chút, nhưng lại sáng suốt hơn ai hết, một sự sáng suốt bậc nhất, sự sáng suốt sống động, sáng tạo, can đảm, vô úy và ngạo mạn của một con người tự do. Tự do bát ngát“. Với ông, “ sự thù ghét, sợ hãi, sự ham quyền lực không phải là sống. Những nhà đạo đức, luân lý, những kẻ hèn nhát và những hiền nhân, thánh nhân, hiền triết không phải là sống.” (W. Saroyan, Myself upon….). Chính hình ảnh chàng tuổi trẻ gan dạ trên chiếc đu bay đã định nghĩa sự sống theo cách nghĩ của Saroyan. Không có ngôn ngữ nào là sự sống, im lặng là sự sống. sự trọn vẹn là sự sống . “Hãy cố gắng tập thở cho nồng nàn, khi ăn cho ra ăn, khi ngủ thì cho ra ngủ, hết sức cố gắng trọn vẹn và khi cười, cứ cười ầm lên, và khi giận cứ giận điên lên. Cố gắng sống. Chẳng bao lâu anh sẽ chết” (W. Saroyan) . Như chàng tuổi trẻ đi trên đu bay, chàng chỉ chăm chăm một việc lấy thăng bằng, cố gắng lấy thăng bằng. Cuối cùng cùng chỉ là để đi đến cái chết sau khi đã tận lực thể hiện mình trên đu bay đời.
Và Nietzsche, thông qua Zarathoustra để đưa ra những thông điệp của mình. Con người phải vượt thoát chính mình. Đám đông xem chàng đu dây làm trò xiếc trên cao như hình ảnh nhân loại và con người, cá nhân con người, đang bước trên đường từ quá khứ đến tương lai chính mình. Đám đông thì hiếu kỳ và chàng đu dây chỉ là thú tiêu khiển của đám đông. Khi chàng đu dây sẩy tay té xuống thì đám đông cũng tan hàng. Trò vui đã xếp lại. Tất cả những cố gắng vượt lên chẳng còn chút giá trị gì trước đám đông. Nhưng bi kịch đời là một suy tàn, con người vẫn phải sải chân băng qua những ngọn núi cao nhất để cười vào mọi bi kịch đời. “Ta yêu những con người không biết sống ra sao trừ phi bằng cách chết, vì họ là những người vượt qua bên kia” (Nietzsche). Ám ảnh sự sống và nỗi chết cứ treo lơ lững trên hai đầu dây đời. Và đó cũng là bi kịch của những nhà văn chân chính. Với đôi cánh tự do rộng mở, họ lao vào bầu trời xanh thẳm không chút ngần ngại, và cùng với tinh thần khoáng đạt, họ viết nên những tác phẩm bằng chính máu thịt tự do họ. Họ quá yêu cuộc sống để ngày đêm trăn trở cùng. Họ quá đỗi yêu con người đễ mãi thất vọng khôn nguôi vì đám đông lao xao, “Cái lớn lao trong người là ở chỗ nó là một cây cầu chứ không là một mục đích: cái ta có thể yêu thương nơi con người là một chuyển tiếp và một sự phá hủy” (Nietzsche). Và cứ như thế, những kẻ dấn thân cứ hoài cơn thất vọng để cuối cùng quyết định một suy tàn khi nỗi niềm đã quá lớn lao.
Trong văn học, sự thất vọng cuộc đời không bởi một bi kịch tình cảm hay vật chất cuộc sống, nhưng chính là sự bế tắc của tấm lòng thương yêu cõi sống quá sức chịu đựng. Bản thân càng sâu lắng, sự bế tắc về cuộc sống càng lớn, như sự thất vọng của bậc phụ huynh về đứa con mình sau khi đặt niềm tin quá nhiều. Và đã đến lúc họ phải suy tàn khi thất vọng vút cao...
Ngày 24/7/1927, nhà văn Ryunosuke Akutagawa (1892-1927) là nhà văn cận đại Nhật Bản nổi tiếng với thể loại truyện ngắn, là thủ lĩnh của văn phái Tân hiện thực Nhật Bản, một khuynh hướng dung hòa được những tinh hoa lý trí của chủ nghĩa tự nhiên và sắc màu lãng mạn phóng túng của chủ nghĩa duy mỹ đã dùng thuốc ngủ cực mạnh tìm đến cái chết năm chỉ 35 tuổi. Trong di chúc để lại “Vài dòng cho người bạn cũ nào đó”, ông viết: “Tôi là kẻ trong suốt như băng, sống trong một thế giới của những sợi dây thần kinh bị đốt nóng. Cái chết tự nguyện này có thể đưa lại cho chúng ta một chút bình yên, nếu không phải là hạnh phúc. Giờ tôi đã sẵn sàng, tôi thấy thiên nhiên đẹp hơn bao giờ hết…Tôi đã được trải nghiệm, yêu và thấu hiểu thế giới hơn bất kỳ người nào khác…
16 tháng 4 năm 1972, nhà văn Yasunari Kawabata (1899 –1972) với những tác phẩm như Nhật ký tuổi mười sáu, Ngàn cánh hạc, Xứ tuyết, Người đẹp say ngủ, Nỗi buồn và cái đẹp… là tiểu thuyết gia Nhật đầu tiên đoạt Giải Nobel Văn học năm 1968, trong một căn nhà nhỏ ven bờ biển Zushi (Kanagawa, Nhật) lặng lẽ đi vào cõi vĩnh hằng bằng cách mở bình khí gas. Ông không để lại bất cứ chúc thư hay lời trăng trối nào. “Không bao giờ tôi trút được ám ảnh rằng mình là một người lang thang ưu sầu. Luôn luôn mơ mộng tuy rằng chẳng bao giờ chìm đắm hoàn toàn trong mơ, mà vẫn luôn tỉnh thức giữa khi mơ…” (Kawabata)
Ngày 25/11/1970, nhà văn Nhật Yukio Mishima (1925-1970) với những tác phẩm nối tiếng The Temple of the Golden Pavilion (Kim các tự), bộ bốn tác phẩm The Sea of Fertility (Biển cả muôn màu).quyết định kết thúc đời mình bằng nghi thức seppuku. Với thanh kiếm, ông tự mổ bụng, moi gan và chết một cách đau đớn. Trong cuốn Mishima’s Sword (Lưỡi kiếm của Mishima), tác giả Christopher Ross miêu tả: “Lưỡi kiếm đã ngập sâu vào khoang bụng cỡ 10 cm, ông ấn lưỡi kiếm chầm chậm từ trái qua phải, từ trên xuống dưới, mở toác từng lớp da. Máu tràn ra lênh láng trên sàn nhà. Một cuộn nội tạng màu hồng hồng xam xám nhờ nhờ thòi ra từ vết thương. Mùi tanh nồng xông lên khắp căn phòng“.
Ngày 2 tháng 7 năm 1961, Ernest Miller Hemingway (1899 – 1961), là một tiểu thuyết gia người Mỹ, một nhà văn viết truyện ngắn, một nhà báo, và là một trong những cựu quân nhân trong Chiến tranh thế giới I, được biết đến qua “Thế hệ bỏ đi” (Lost Generation). Ông đã nhận được Giải Pulitzer năm 1953 với tiểu thuyết Ông già và biển cả, và Giải Nobel Văn học năm 1954.Vào buổi sáng, vài tuần trước sinh nhật lần thứ 62 của mình, ông đã chết tại nhà riêng tại Ketchum, Idaho, sau khi tự bắn vào đầu mình bằng một khẩu súng săn “Tôi có thể chết giống như bất kỳ người đàn ông nào.” “I can die as well as any man“, Hemingway).
Kitamura Tokoku (1868-1894) Năm 1894, quẫn bách vì căn bệnh tâm thần, nhà thơ Kitamura Tokoku đã tìm đến cái chết. lúc đó, ông chỉ mới 25 tuổi.
Dazai Osamu (1909-1948) ngày 13/6/1948, người ta tìm thấy xác của nhà văn và cô tình nhân tại một hồ nước ở Tokyo. Nhà văn đã nhảy xuống hồ trẫm mình, để lại tác phẩm Goodbye (Từ biệt) còn viết dở.
Stefan Zweig (1881-1942) là một nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch và nhà viết tiểu sử người Áo nổi tiếng trên thế giới. Stefan Zweig và vợ Lotte tự tử cùng nhau. Trong lá thư tuyệt mệnh, ông viết: “Tôi cho rằng mình nên kết thúc khi mọi thứ vẫn còn tốt đẹp, khi cuộc sống vẫn còn trong khả năng chịu đựng, ở đó, lao động trí óc vẫn còn là niềm vui thích trong trẻo và sự tự do cá nhân là mục đích tối thượng trên trái đất này”.
Và danh sách còn dài, với Jack London, Kurt Vonnegut, Hunter S.Thompson, Sylvia Plath, Edgar Allan Poe…..
Jack London từng viết: “Cuộc sống là một điều lạ lùng. Tại sao lại khát khao cuộc sống như vậy? Đó là trò chơi mà không người nào thắng. Sống là lao lực vất vả và chịu đựng khổ đau, cho tới khi tuổi già trườn tới và chúng ta đặt tay xuống tro lạnh của lửa tàn. Sống thật khó khăn. Đứa trẻ đau đớn hít hơi thở đầu tiên, người già đau đớn hổn hển hơi thở cuối cùng, và tất cả ngày tháng tràn đầy rắc rối và buồn thương; và vậy mà con người tiến vào vòng tay rộng mở của cái chết, loạng choạng, ngã díu, đầu quay về sau, chiến đấu tới giây phút cuối cùng. Và cái chết đầy tử tế. Chỉ cuộc sống và những điều của cuộc sống mới đau đớn. Thế nhưng chúng ta vẫn yêu cuộc sống và căm ghét cái chết. Thật lạ lùng” . Và tác giả Nanh trắng nổi tiếng, trong lứa tuổi 40 tràn đầy sinh lực đã dụng đến thuốc độc để quyên sinh khi còn dang dở quyển truyện The Assassination Bureau, Ltd. Ông đã tự ám sát ông để tỏ thái độ với xã hội đương thời. Đã vận vào những giòng văn của ông:
“Tôi thà làm tro chứ không làm bụi! Tôi thà rằng tia lửa của tôi sẽ cháy tẫn trong ánh hào quang chói lọi chứ không muốn nó âm ỉ lụi dần. Tôi thà làm ngôi sao băng tuyệt hảo, từng nguyên tử tỏa sáng rực rỡ, còn hơn làm một hành tinh ngái ngủ và vĩnh cửu. Sứ mệnh của con người là sống, không phải chỉ tồn tại”.
Phải, sứ mệnh của con người là sống, không phải chỉ tồn tại. Đó cũng là sứ mệnh thiêng liêng của người cầm bút. Có thể bẻ bút chứ không thể bẻ cong ngòi viết. Những giòng văn, những bài viết phải xuất phát từ trái tim để cùng cuộc sống chảy tuôn một giòng. Tôi chợt nhớ đến Nhất Linh, Tam Ích cũng một lần phản kháng cuộc đời. Họ giải quyết bằng sự biến mất mình , biến khỏi nơi mà mình quá đỗi yêu thương. Bốc hơi như một giọt sương mai. Tồn tại hay không tồn tại tùy thuộc từng cá nhân, nhưng phải chăng sự sống đối với nhiều người nặng nợ văn chương còn hơn là gánh nặng, khi mỗi ngày sống, mỗi lần nhìn lại, chỉ thấy nhiều sự ngậm ngùi hơn là một niềm hứng khởi lạc quan
Voltaire cũng đã từng tâm sự:
“Tôi từng muốn tự sát hàng trăm lần, nhưng không biết vì sao tôi vẫn yêu cuộc đời. Điểm yếu nực cười này có lẽ là một trong những thiên hướng u sầu ngu xuẩn của chúng ta, bởi có điều gì ngu xuẩn hơn khi háo hức muốn đi tiếp vác theo gánh nặng mà mình sẽ vui sướng được vứt đi, khi căm ghét sự tồn tại của bản thân nhưng lại níu giữ nó, khi vuốt ve con rắn đang ngấu nghiến ta cho tới khi nó nuốt hết tim ta?(Voltaire)”
Thập giá đời mỗi người riêng mang. Đong đưa trên hai điểm đi và đến của sợi dây đời, nào mấy ai đủ sức chèo chống thăng bằng cho đến đích cuối. Mỏi mệt rồi thì đành chìm trôi. “Giờ đây ta đi một mình; ta hằng mong muốn như thế. Hãy đi xa một mình, và chính các người cũng phải đi một mình; ta hằng mong muốn như thế. Hãy đi xa ta! Hãy tránh xa ta! Hãy đừng nghe Zarathustra!” (Nietzsche, Zarathustra đã nói như thế).
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhà văn và xã hội

    26/02/2020Thanh ThảoTrong những cuộc chiến tranh vệ quốc, vai trò, tác phẩm, tiếng nói của nhà văn Việt Nam là đặc biệt quan trọng đối với nhân dân và xã hội. Chiến tranh không chỉ cô đặc và làm chói sáng những phẩm chất yêu nước trong mỗi nhà văn, mà còn là thử thách khắc nghiệt đối với những nhà văn chấp nhận dấn thân, chấp nhận hy sinh vì đại nghĩa...
  • Nhà văn mang lại cuộc sống thứ hai

    02/10/2018Nguyễn Duy BìnhTrong một xã hội cởi mở, dân chủ, nhà văn là người cho bạn đọc sống cuộc sống thứ hai. [...] Mặc dù ngày nay có sự cạnh tranh của truyền hình, internet, nhưng tôi không hề bi quan về tương lai của văn học. Bởi vì cuộc sống thứ hai mà văn học ban cho chúng ta không chỉ giới hạn ở khía cạnh giải trí. Văn học mang lại cho chúng ta ước mơ, cho phép chúng ta lánh xa đời thường nhưng cũng đặt ra cho chúng ta một số câu hỏi...
  • Sự sống sau cái chết- Bí ẩn lớn nhất của sự sống

    08/08/2015Khánh PhươngSự sống sau cái chết là cuốn sách quan trọng trong sự nghiệp của bác sĩ chuyên khoa thần kinh đồng thời là nhà tâm linh học Deepak Chopra, chọn chủ đề cái chết, nghiên cứu nó trên góc độ những năng lượng siêu tự nhiên để soi sáng lại mối quan hệ giữa con người và vũ trụ bao la, đồng thời tạo lập một chủ thuyết nhân sinh táo bạo và chấn động...
  • “Hoặc là chết, hoặc là sách”

    07/05/2015Kim Yến thực hiệnTrong tác phẩm mới nhất vừa ra mắt Viết, cô đơn và sức mạnh, chị đã thẳng thắn nhìn vào những mặt tối của ý thức cộng đồng và số phận cá nhân trong thời hiện đại, nhìn ra những tương đồng về ý thức hệ của một dân tộc từ xa xưa, sự tương đồng đã trì kéo cả một dân tộc...
  • Einstein là nhà văn ?

    19/10/2014Ai cũng biết Albert Einstein là nhà bác học vĩ đại, cha đẻ của thuyết tương đối, nhưng nhiều người không biết rằng ông còn là một nhà văn đa tài.
  • Thời vắng những nhà văn hoá lớn?

    25/09/2014Trần Hữu DũngTrong một lần gặp gỡ một nhóm sinh viên trẻ ở Hà Nội vài năm trước, tôi hỏi các em: Trong xã hội Việt Nam ngày nay, đặc biệt là trong lãnh vực văn hoá, các em ngưỡng mộ ai nhất? Và tôi ngạc nhiên khi chẳng em nào trả lời tôi được! Nhớ lại hồi còn trẻ, tôi có thể kể năm bảy người mà tôi ngưỡng mộ, những Đào Duy Anh, những Nguyễn Mạnh Tường, những Trần Đức Thảo, những Hoàng Xuân Hãn, những Nguyễn Hiến Lê... Còn ngày nay? Có thể chăng chúng ta đang sống trong thời vắng những nhà văn hoá lớn?
  • Trách nhiệm của nhà văn

    17/06/2014Võ Thị Hảo (2005)... Nhà văn phải có trách nhiệm "dọn dẹp", "sám hối" những sai lầm, tội
    lỗi của quá khứ, trong lịch sử của một đất nước, một dân tộc... Đó là
    cái nghiệp của nhà văn nó quy định thế...
  • “Veronika quyết chết” – khúc tráng ca về sự sống

    30/05/2014Hải Hoàng“Veronika quyết chết” là một cuốn sách viết về cái chết, nhưng ngay và bên trong cái chết lại là khúc tráng ca về sự sống, mãnh liệt, kiên cường...
  • Garcia Marquez - 'người khổng lồ không bao giờ chết'

    20/04/2014Hoàng AnhVới “Trăm năm cô đơn” cùng hàng loạt tiểu thuyết, truyện ngắn phong cách hiện thực huyền ảo, Garcia Marquez được mệnh danh là "người khổng lồ của văn học thế kỷ 20".
  • Thực chất của "Gọi vong người chết"

    30/01/2014Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngThời gian qua, tại nước ta nổi lên hiện tượng “gọi vong” hay “nói chuyện với người chết”. Qua đó cô đồng hay nhà ngoại cảm (chính xác hơn là nhà tâm linh) dường như thu được một số thông tin chưa ai biết, góp phần giúp thân nhân tìm thấy hài cốt người đã khuất. Đó là hiện tượng cầu hồn hay “gọi vong”...
  • Tội "giết người" không có người chết?

    21/02/2012TS. Nguyễn Sĩ Phương (CHLB Đức)Nếu
    coi thực tế là thước đo của chân lý, thì sự kiện Tiên Lãng chấn động cả nước,
    đã được Thủ tướng kết luận, cần được dùng làm thước đo để kiểm tra lại rất
    nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật hiện hành có liên quan...
  • Nhà văn và những vấn đề xã hội hiện đại

    17/03/2011Trần HậuNữ văn sĩ Nga nổi tiếng Dina Rubina là một trong những tác giả đọat giải thưởng "Cuốn sách lớn" năm 2007 với tiểu thuyết "Phía đường phố có ánh mặt trời". Các nhà phê bình văn học coi chị là một trong những nhà văn thành công nhất trong thể loại "văn xuôi phụ nữ", cùng với Lyudmila Petrushevskaya, Viktorya Tokareva và nhiều người khác...
  • xem toàn bộ