“Hoặc là chết, hoặc là sách”
Trong tác phẩm mới nhất vừa ra mắt Viết, cô đơn và sức mạnh, chị đã thẳng thắn nhìn vào những mặt tối của ý thức cộng đồng và số phận cá nhân trong thời hiện đại, nhìn ra những tương đồng về ý thức hệ của một dân tộc từ xa xưa, sự tương đồng đã trì kéo cả một dân tộc.
Chúng ta nói nhiều đến sự khủng hoảng của các giá trị sống, và đổ lỗi cho nhiều thứ, từ giáo dục, kinh tế thị trường, đến sự thực dụng…
Nhưng chị lại nhìn thấy nguyên nhân chính là bi kịch về sự yếu đuối của cá nhân trước sức mạnh của ý thức cộng đồng đã khiến cho con người trở nên bất lực, bị từ chối, và lớn hơn nữa là tự từ chối quyền làm người.
Cô đơn, “giá trị quý báu nhất đang bị nghiền nát bởi cái áp đảo hiện diện khắp nơi”, đó phải chăng là nguy cơ lớn nhất, khi cái riêng tư không còn được bảo vệ?
Sức viết, sức nghĩ dài, sâu của chị được hình thành nhờ sự giao thoa, đi về giữa hai thế giới.
Viết, nghiên cứu, giảng dạy… chỉ là nhiều mặt của một bản thể con người của chị.
Chị đã giành cho Thế giới tiếp thị cuộc trò chuyện ngay trước khi lên đường sang Pháp.
Nguyễn Thị Từ Huy
Đề cập đến mối quan hệ của nhà văn và nhà phê bình, theo chị, vì sao ở Việt Nam, ít có các nhà văn “chịu” để cho nhà phê bình thuyết phục?
Có lẽ vì nhà văn Việt Nam tin vào cái gọi là tài năng trời phú, tin vào sức mạnh của cảm xúc tức thì, và ít quan tâm tới kỹ thuật, tới nghệ thuật viết, tới tư tưởng và các các phẩm chất tư duy.
Hoặc có thể họ cũng để một số nhà phê bình thuyết phục, nhưng đối với đa số thì đó vẫn luôn là Hoài Thanh, hoặc là thầy giáo trung học hay đại học của họ.
Nếu nhà văn coi viết là một nghề, một nghề chuyên môn hóa như bất kỳ nghề nào khác, họ sẽ coi trọng tất cả những gì liên quan đến kỹ năng nghề nghiệp, và lúc đó họ sẽ có nhu cầu tìm đọc các nhà phê bình, hoặc các nhà nghiên cứu.
Vấn đề còn là ở chỗ: bao giờ đại học của chúng ta có thể đào tạo được các sinh viên đủ trình độ để đọc (nghĩa là đọc và hiểu) các lý thuyết gia tầm cỡ và các nhà văn tầm cỡ của thế giới?
Bởi những học sinh, sinh viên ngày nay còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ là các nhà văn của ngày mai.
Giáo dục xuống cấp như thế này, văn hóa xuống cấp như thế này, làm sao có thể mong mỏi có những nhà văn “chịu” để cho các nhà phê bình thuyết phục?
Tôi còn nhớ, khi dạy về Samuel Beckett tôi thường hỏi sinh viên, trước khi bắt đầu dạy, rằng họ có thấy tác phẩm của ông ấy hay không, và câu trả lời tôi nhận được từ sinh viên, cả ngoài Bắc lẫn trong Nam, luôn luôn là: không hay.
Rồi họ ngỡ ngàng khi tôi nói cho họ biết Beckett từng được trao giải Nobel. Và rất trung thực (những sinh viên mà tôi từng dạy vẫn còn là những người trung thực) họ tự nhận rằng khả năng đọc của họ có vấn đề.
Thêm nữa, xã hội của chúng ta được xây dựng trên các ảo tưởng. Những ảo tưởng đó ăn sâu vào tâm thức của từng người.
Thực tế thì tồi tệ như vậy, nhưng thành tích lại luôn chói ngời. Những thành tích không có thực đó củng cố những ảo tưởng dĩ nhiên không có cơ sở thực tế, ở trong đầu mỗi người.
Nhà văn cũng không phải ngoại lệ. Khi các nhà văn tự thấy không cần đọc các nhà phê bình, thì một trong những lí do là họ thấy rằng các nhà phê bình không hiểu họ, rằng họ chẳng cần đến phê bình cũng chẳng cần đến nghiên cứu để làm công việc của họ.
Điều này cũng xuất phát từ sự coi thường học vấn và đề cao trực giác.
Trong khi nhà văn chỉ có thể bay lên cao bằng cả đôi cánh: học vấn và trực giác. Thiếu đi một cánh, họ sẽ bay như thế nào?
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại: chúng ta có bao nhiêu người đáng được gọi là nhà phê bình hay là nhà nghiên cứu?
Liệu các sản phẩm được gọi là “phê bình văn học” hiện nay có đáng để các nhà văn quan tâm hay không?
Dù sao sách dịch đang càng ngày càng một nhiều lên, và nhà văn không đọc của người này thì cũng vẫn có thể đọc của người khác.
Toàn bộ câu chuyện là ở chỗ họ có “chịu” đọc hay không mà thôi.
Để tiếp cận được với những tư tưởng và hình thức mang tính khai phá, đòi hỏi người thưởng thức phải có cái nhìn như thế nào, để tránh khỏi thói quen phán xét một cách ngu xuẩn, đáng ghét, độc hại… đã cản trở sự hình thành của văn chương hiện đại?
Chỉ khi có sự tự do tiếp nhận này người thưởng thức mới có thể hiểu và tiếp cận được với tự do sáng tạo của nghệ sĩ. |
Thói quen phán xét hình thành trên cơ sở những chuẩn mực mà người thưởng thức tin là đúng và đủ, rồi quy chiếu về đó mọi đánh giá về các tác phẩm nghệ thuật.
Tất cả những gì vượt ra ngoài những chuẩn mực ấy đều có nguy cơ bị chối từ, hay thậm chí tệ hơn là còn có nguy cơ bị quy kết, bị trừng phạt, như chúng ta đã thấy trong thực tế đáng buồn của chúng ta.
Muốn tránh được những thói quen phán xét phi nghệ thuật và tai hại đó, ít nhất phải có hai điều (mà tôi đã nói rõ trong bài giới thiệu cuốn “Thế mà là nghệ thuật ư?” của Cynthia Freeland): người thưởng thức phải được giáo dục về thẩm mỹ, và phải có một khoảng trống tự do trong tiếp nhận nghệ thuật, nơi mà mọi định kiến về văn hóa, tôn giáo, chính trị, thẩm mỹ… cần được đặt sang một bên.
Chính khoảng trống này mang lại tự do cho người tiếp nhận.
Và chỉ khi có sự tự do tiếp nhận này người thưởng thức mới có thể hiểu và tiếp cận được với tự do sáng tạo của nghệ sĩ.
Dĩ nhiên, điều cơ bản này thì ai cũng biết: không có nghệ thuật nếu không có tự do sáng tạo, là thứ tự do mà người nghệ sĩ tự ban cho mình, chấp nhận trả giá vì nó, và chẳng ai có thể tước đoạt được của anh ta, trừ chính bản thân anh ta. Tự do thưởng thức cũng vậy.
Chị nghĩ gì về tình yêu, về sức mạnh của tình yêu trong cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa hạnh phúc và bất hạnh?
Cho phép tôi được trả lời câu hỏi này bằng một số câu hỏi khác, nảy sinh khi tôi quan sát mọi thứ đang mục nát và đang trong quá trình suy vong, thậm chí diệt vong, của chúng ta hiện nay: “Chúng ta còn biết yêu không, còn biết thế nào là tình yêu không?”
“Có phải sự phá sản của chúng ta trên mọi phương diện đời sống và xã hội hiện nay, có phải việc chúng ta thua đậm và sắp mất hết vào tay Trung Quốc, là hậu quả của sự tàn lụi tình yêu trong lòng mỗi người chúng ta?
Liệu có phải vì trong chúng ta chỉ còn lại nỗi sợ hãi, lòng tham, sự độc ác và mù quáng, và vắng bóng tình yêu?
Có phải vì chúng ta đã không còn biết yêu cái thiện, cái chân thật, cái đẹp, lương tri, không còn biết yêu đất nước, đồng loại, không còn biết yêu cả chính bản thân mình?”
Nàng Mỵ Châu xưa, vì “trái tim nhầm chỗ để trên đầu” mà làm mất nước.
Chúng ta ngày nay, vì đặt trái tim vào vật chất mà tự đẩy mình vào nguy cơ mất nước. Vật chất chỉ nên xem là công cụ phục vụ cho đời sống của con người.
Khi con người lấy vật chất làm mục đích sống thì tình yêu sẽ phá sản, đời sống sẽ đánh mất các giá trị tinh thần và chúng ta sẽ đánh mất sức mạnh tinh thần.
Nhưng rốt cuộc khi các giá trị tinh thần đã mất thì chúng ta cũng không giữ nổi vật chất. Đó là tình thế của chúng ta hiện nay.
Chị hy vọng điều gì ở lần ra đi này?
Victor Hugo, trong tác phẩm “Những người khốn khổ”, đã để cho nhân vật Jean Valjean nói trước khi chết: “chết có sao đâu, không sống được mới thật là đau đớn”. |
“Ra đi là chết trong lòng một ít” (Partir, c’est mourir un peu). Tôi mượn câu thơ này của Edmond Haraucourt để nói rằng sẽ tốt hơn nếu tôi không phải ra đi, sẽ tốt hơn nếu tôi có thể ở lại.
Trên thế giới này có bao nhiêu người đã ra đi vì không thể ở lại nơi họ muốn ở?
Tôi ra đi lần này không mang theo hy vọng, chẳng có hy vọng nào để mang theo, mà là để tìm kiếm hy vọng, niềm hy vọng có thể xuất hiện vào lúc nào đó trong những ngày sẽ tới.
Tôi cũng chưa biết nó sẽ xuất hiện dưới hình hài nào, trong dạng thức nào, cụ thể như thế nào. Điều duy nhất có thể nói là sẽ phải tìm kiếm cho đến khi nhìn thấy nó.
“Hoặc là chết, hoặc là sách”? Chị chọn cách nào?
Thế lựa chọn của Marguerite Duras là như vậy: “Hoặc là chết hoặc là sách”. Đã từng có lúc tôi chia sẻ với Duras tình thế này.
Có những giai đoạn mà mỗi ngày tôi đều phải đối diện với câu hỏi này: “Có phải tôi đang thực sự sống không? Có phải là tôi đang không sống được?”.
Victor Hugo, trong tác phẩm “Những người khốn khổ”, đã để cho nhân vật Jean Valjean nói trước khi chết: “chết có sao đâu, không sống được mới thật là đau đớn”.
Bao nhiêu người đã phải tiêu phí những năm tháng của đời họ trong tình cảnh “không sống được”?
Còn trong thời điểm này, tôi, một người Việt Nam, vấn đề hiện tại của tôi, điều mà tôi cần lựa chọn, phải là: “Hoặc là mất nước, hoặc là sách”.
Bởi, nếu mất nước thì thử hỏi mỗi chúng ta còn có thể SỐNG được không? Hoặc câu hỏi được đặt theo một cách khác: nếu mất nước, chúng ta sẽ sống như thế nào? Cả dân tộc sẽ rơi vào tình trạng “không sống được”, chắc chắn như vậy.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự Lập