Mê tín và chuyện kinh doanh tâm linh
Chưa bao giờ việc "phong thần" lại dễ dàng như hiện nay. Một con cá, rắn, cây cảnh, tảng đá,... đều có thể được thờ cúng, chiêm bái như những bậc thánh thần. Phải chăng chúng ta đang bị khủng hoảng niềm tin hay đó chỉ là chiêu trò của những người thích "kinh doanh tâm linh"?
Các loại vàng mã phong phú đủ loại: ô tô, nhà lầu, máy tính, quần áo...
.
Con cá sống dở chết dở do bị chích điện đến dị tật bỗng chốc được bái vọng, được thờ cúng như thần. Người ta mang đồ tế lễ, rải tiền bạc,... thờ con cá tội nghiệp để cầu mong danh lợi tiền tài. Khốn nỗi, ngay đến cái thân mình, con cá còn không thể lo nổi thì nói gì đến chuyện cứu nhân độ thế. Thế nên, việc chú "cá thần" được mang om dưa như cách để kết thúc một huyền thoại thêu dệt.
Gần đây nhất, hai con rắn xuất hiện trên một nấm mộ vô chủ cũng được hàng nghìn người mang lễ phẩm đến cúng bái lạy tạ. Thế mới biết, việc lựa chọn vị trí xuất hiện có ý nghĩa quan trọng. Nếu đôi rắn này xuất hiện không phải trên ngôi mộ này, rất có thể, nó đã phải trẫm mình trong một bình rượu nào đó.
Không chỉ vậy, một phiến đá, một gốc cây, một đám mối,... cũng có thể trở thành "thần thánh" trong sự thêu dệt của nhiều người.
Thực ra, "trào lưu rắn thần", "cá thần" đã có từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, sự "tiếp sức" của mạng xã hội khiến cho trào lưu này lại được bùng phát và gây sự chú ý cho cộng đồng.
Vàng mã được bày bán ở khu vực gần các chùa. Ảnh: Huy Thanh/NLĐ
.
Ngoài việc "phong thần" cho những con vật tội nghiệp, rất nhiều người còn kéo đến các đình, miếu, chùa chiền nổi tiếng để cầu danh lợi tiền tài. Đi lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, việc chen chúc nhau ở đền Bà Chúa Kho, tranh cướp "ấn" ở Đền Trần với mong muốn tài lộc, vinh hiển lại là một hành động "phản văn hóa".
Dường như càng ngày càng có nhiều người tin vào sức mạnh của các thế lực siêu nhiên. Càng có nhiều người tin thì càng xuất hiện nhiều những rắn thần, cá thân hay... tảng đá thần ở khắp nơi.
Nhiều người cho đó là sự "khủng hoảng niềm tin". Tuy nhiên, nó chưa hẳn đã phải là khủng hoảng niềm tin mà xuất phát từ sự "mê tín", sự cả tin của nhiều người.
Mê tín ở đây được hiểu là việc quá tin tưởng vào một điều gì đó mà không cần biết đúng sai, phải trái. Thấy ai đó bảo có "rắn thần" ngay lập tức người ta tin đó là sự thật. Sự tiếp sức của mạng xã hội khiến cho bệnh mê tín càng trở nên nghiêm trọng. Chỉ cần ai đó đăng một câu chuyện lên mạng xã hội facebook mang tính tâm linh, thần kỳ, ngay lập tức có hàng ngàn lượt like, chia sẻ, bình luận,...
Trong số ấy, không ít người vì tò mò, vì tin tưởng mà sắm sanh lễ vật đến tận nơi để "bắt tận tay day tận mặt". Cũng chính những người tò mò ấy đã đẩy câu chuyện đi xa thêm. Nhiều người đến vô tình tạo nên niềm tin cho nhiều người khác.
Cứ như thế, từ một thông tin vu vơ, người ta thêu dệt, thêm thắt để thành một câu chuyện thần kỳ. Cũng cứ như thế, một con cá chép bị chích điện dở sống dở chết, một cặp rắn chọn ngôi mộ vô danh làm nơi ở trở thành... thần rắn, thần cá.
Sự cả tin và mê tín ấy đang được tận dụng một cách triệt để. Người ta lấy chuyện tâm linh, thánh thần để câu view, câu like. Nếu lướt qua trang cá nhân của các bà mẹ bỉm sữa bán hàng online, sẽ thấy có rất nhiều người biết "xem chỉ tay", xem tướng, nhiều người kể chuyện mình "gặp ma" hay những câu chuyện tương tự như vậy.
Nhiều ngôi đền, ngôi miếu, chùa chiền cũng đang trở thành nơi cung cấp "dịch vụ tâm linh". Dù chẳng phải đạo giáo nhưng nhiều ngôi chùa sẵn sàng tổ chức "dâng sao giải hạn" cho nhiều người. Ngôi chùa ở làng tôi là một ví dụ. Đầu năm, nhiều người mang tiền đến "đóng" để nhà sư làm lễ dâng sao giải hạn, đọc một loạt những người "đóng tiền" ấy để cầu mong họ "tai qua nạn khỏi" trong năm mới.
Cũng chính sự mệ tin ấy khiến cho chúng ta bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng làm vàng mã để "đốt" hàng năm. Làm vãng mã trở thành một nghề "hái ra tiền" trong vài năm trở lại đây.
Việc "buôn thần bán thánh" đã trở thành "nghề" của không ít người. Chính vì vậy, rắn thần, cá thần hay những câu chuyện khác cũng chỉ giống như những chiêu trò nhằm gây sự chú ý để kéo người ta đến với những "dịch vụ tâm linh" mà thôi. Chừng nào những hoạt động "kinh doanh tâm linh" vẫn còn tồn tại thì những câu chuyện thêu dệt ấy vẫn còn đất sống.
Đương nhiên, những người đi vái lạy "thần rắn", "thần cá" cũng mang theo những lời khấn nguyện cho tiền tài, sự thăng tiến, mong muốn vinh thân phì gia. Họ bỏ tiền "đút lót" thánh thần để được mãn nguyện. Sẽ không quá nếu cho rằng việc lễ bái ấy thực chất chỉ là cuộc "mua bán". Người bỏ tiền ra để cầu cho được... nhiều tiền hơn. Việc làm ấy vô tình làm giàu cho những người cung cấp các "dịch vụ tâm linh". Như vậy, cả kẻ "bị lừa" và kẻ "đi lừa" đều cảm thấy thỏa mãn.
Chắc hẳn sẽ có nhiều người cảm thấy xấu hổ khi lỡ cúi đầu trước con cá chép sống dở chết dở đã bị om dưa. Bớt đi sự cuồng tín, tự tin vào chính bản thân mình, chúng ta sẽ không trở thành nạn nhân của những trò mê tín. Bởi trên thực tế, không có bất kỳ ai có thể đem đến hạnh phúc, may mắn và an nhiên cho chúng ta ngoài sự nỗ lực của chính bản thân mình.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015