Xin Ấn đền Trần – Văn hóa hay mê tín?
Tín ngưỡng Thánh Trần bắt đầu có từ bao giờ, cho đến nay chưa ai làm rõ được nhưng chắc chắn chỉ xuất hiện sau khi Trần Hưng Đạo qua đời. Một người đức độ tài ba như Trần Hưng Đạo ắt “sinh vi tướng, tử vi thần” là điều không phải ngạc nhiên, mà đã là thần thì nên thờ. Cho nên đền thờ trần Hưng Đạo (Kiếp Bạc) bao giờ cũng tấp nập người đến cầu con, cầu của, cầu an.
Trong thời kỳ cao trào xây dựng văn hóa mới, các đền chùa khác bị bỏ quên hoặc được trưng dụng vào việc khác như kho chứa, lớp học v.v… thì nơi đây vẫn được bảo tồn để duy trì sự linh thiêng. Tuy nhiên, việc cúng lễ của dân địa phương diễn ra âm thầm, lặng lẽ chứ không uyên náo lộn xộn, tranh giật như bây giờ. Còn đền Trần - tên gọi chung của cụm di tích gồm: đền Thiên Trường thờ 14 vị vua Trần, được khởi dựng từ thời Hậu Lê, đền Cố Trạch thờ Trần Hưng Đạo, được dựng từ thời Nguyễn thuộc thôn Tức Mặc, xã Lộc Vượng, ngoại thành Nam Định lại mang ý nghĩa rộng hơn. Đây là cụm di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng được tạo lập ngay trên đất cũ, nơi dấy nghiệp của nhà Trần.
Theo sử sách, đời vua Trần Nhân Tông, sau khi chiến thắng giặc Nguyên Mông nhà vua cho mở tiệc mừng suốt ba ngày liền gọi là "Thái Bình diên yến" và phong tước cho người có công. Từ đó các vua nối nghiệp hàng năm làm theo thành lệ khai ấn đầu năm để thưởng công, phong tước cho các triều thần.
Theo trí nhớ của các bậc cao tuổi ở đây thì vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, đúng rằm tháng giêng, trước sân đền Thượng tổ chức nghi lễ Khai ấn với sự tham gia của bảy làng: Vọc, Lốc, Hậu Bồi, Bảo Lộc, Kênh, Bái, Tức Mặc. Các làng rước kiệu các vị thần về tụ tập ở đền Thượng để tế các vua Trần. Nghi thức này phản ánh một tập tục nghi lễ cổ: sau những ngày nghỉ Tết, từ rằm tháng Giêng thì triều đình trở lại làm việc bình thường. Sau này, người dân nơi đây tiếp tục duy trì mỹ tục để tưởng nhớ công đức của các vua Trần, đồng thời giáo dục con cháu truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông xã tắc. Khai ấn theo nghi thức cổ không có tục xin Ấn.
Những năm gần đây, được sự quân tâm của chính quyền lễ hội truyền thống được khôi phục, trong đó có lễ khai ấn đền Trần. Lễ Khai ấn đền Trần được khôi phục lại nhưng đã mang màu sắc khác mà mục đích là xin dấu ấn Thiêng. Nếu đã là phục hồi cổ tục thì nên làm cho ra cổ tục. Ví dụ : nếu xưa kia vua khai ấn thì nay Chủ tịch nước, xưa kia không có xin ấn thì nay không có phát (thậm chí là bán) ấn… Do không theo cổ tục lại cộng thêm với sự tuyên truyền lệch lạc khiến một số người mê tín dị đoan sẵn có tâm lý thực dụng, ỷ vào sự phù trợ của thánh thần đã đổ về đền Trần mong cầu tài lộc. Khách thập phương nô nức đua chen về đền xin ấn để thăng quan, tiến chức, đắc tài sai lộc. Số lượng khách hành hương về đền Trần mỗi năm một gia tăng ngoài sức tưởng tượng của Ban tổ chức lễ Hội. Lễ Khai ấn năm 2010 dự kiến có khoảng 10.000 người nhưng con số thực tế tăng lên 5 lần, tức 50.000 người (báo CAND đưa con số 200.000 người). Dọc tuyến đường 10, các tuyến đường ngang dẫn vào đền, gần 1.000 ô tô xếp hàng nối đuôi nhau thành dãy kéo dài gần 10km. Nhiều ô tô bị chủ bỏ mặc bên vệ đường, không người trông coi. Công an tỉnh Nam Định đã phải huy động tới 2000 cán bộ chiến sĩ công an, dựng lên 5 hàng rào để đảm bảo an ninh và an toàn cho buổi lễ mang tầm quốc gia. Mặc dù đã cố gắng tới mức tối đa nhưng không tránh khỏi thảm họa biển người xô đổ cả 5 hàng rào, làm 2000 công an bảo vệ phải bất lực để xông vào cướp ấn. Hậu quả của sự tranh cướp này là có chục người bị ngất phải cấp cứu, người khóc, kẻ la vì bị móc túi, mất điện thoại hoặc bị mắc kẹt cầu cứu giải thóat nhưng chưa chắc “cướp” được dấu.
Hả hê với tấm ấn bằng lụa đóng dấu ấn của vua nhà Trần -
Ảnh Thuận Thắng, Tuổi trẻ
Khách hành hương về đây cam chịu thảm cảnh trên đây chỉ vì “cái ấn”. Khai ấn như trên đã nói, chỉ là bắt đầu ngày làm việc của năm mới sau kỳ nghỉ tết kết thúc năm cũ. Nhưng không biết từ bao giờ và ai nghĩ ra rằng ấn linh thiêng, nếu có cái dấu đóng từ nó sẽ được thăng quan tiến chức, đắc tài lộc nên người cả tin (dị đoan) mới ra nông nỗi.
Qua tìm hiểu được biết hiện nay ở đền Trần có hai loại dấu cùng đóng từ một “ấn”. Ấn được đóng trên giấy điệp vàng là dành cho "thường dân". Ấn được đóng trên tấm lụa đỏ là dành cho quan chức. Nhưng ấn đóng cho bình dân thì đồng hạng, còn dấu cho quan chức lại chỉ đồng về hình thức. Bởi vì, cứ 10 dấu trên lụa đỏ chỉ có 1 tấm duy nhất là có giá trị vì được cắt ra từ tấm áo hoàng bào của các đời vua, có nghĩa là mới thiêng, 9 cái còn lại chỉ được làm phép thiêng sau khi đóng ấn. Nhưng dù sao nhận được tấm lụa đỏ là may lắm rồi vì hơn ấn đóng lên giấy và coi như đắc lộc đắc thọ. Hơn thế, mỗi năm “nhà đền” chỉ phát ra số dấu bằng nửa lượng người đến xin .
Số lượng cán bộ, công chức, doanh nhân về đây xin dấu có thể chiếm tới hơn 40% tổng số khách về xin ấn. Rút kinh nghiệm năm trước, năm nay nhiều cán bộ, công chức (nhờ các mối quan hệ của mình) đã về xin ấn từ sáng ngày 11/2 (chứ không chờ đến giờ khai ấn). Nhiều xe công đã dùng báo che biển số để ngụy trang tránh ống kính nhà báo.
Từ lễ khai ấn và xin dấu nhà Trần có thể rút ra một số điểm chính sau đây.
1. Nguyên nhân nào khiến một lễ hội làng quê thuần phác lại biến tướng thành “nghi lễ tâm linh” có qui mô toàn quốc với nội dung mang tính thực dụng không còn ý nghĩa văn hóa như vậy? Phải chăng mấy năm gần đây quan chức cao cấp của Chính phủ về trực tiếp đóng ấn? Bởi vì trước khi họ xuất hiện, đền Thiên Trường vẫn còn tĩnh lặng làm nơi “đi về” của vua quan tướng lĩnh nhà Trần mà lặng lẽ độ quốc an dân.
2. Ai là người nhờ ấn vua mà thăng quan tiến chức, tăng tài tấn lộc hay chỉ là lời đồn về sự thiêng. Vì lời đồn mà từ Lai Châu, Lào Cai…rong duổi xe công về tận Nam Định để chen lấn tranh cướp ấn thánh là sướng hay khổ? Đây là tín ngưỡng hay dị đoan. Nếu tỉnh Nam Định không chủ trương “bán” dấu ấn (ấn đóng trên lụa đỏ giá 20.000đ, đóng trên giấy 2.000) thì liệu người dân có đổ xô về “cướp” dấu ấn không? Thiết nghĩ, việc cần làm là tìm ra nét văn hóa hay, đẹp của đền Trần mà quảng bá về nó, quê hương của dòng họ Trần, một triều đại viết nên trang sử hùng tráng của dân tộc Việt Nam để nhân dân cả nước biết, hành hương về tri ân thay vì bán ấn dấu như hiện nay.
3. Hiện tượng dùng xe công rồi ngụy trang đi lễ là vi phạm qui định của chính phủ nhưng lại muốn thánh độ để thăng quan. Liệu Thánh linh thiêng thật thì có phù hộ cho các quan chức không chấp hành lệnh của Thủ tướng Chính phủ. Tôi không tin các bậc vua sáng tôi hiền nhà Trần công minh chính trực như Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo lại độ trì cho những kẻ dối trá thực dụng đang làm hư hoại xã tắc mà các ngài đã góp phần dựng nên. Nếu thánh phù hộ cho những người dối trá đó thì có nên thờ không?
Lễ khai ấn đền Trần là một sự lãng phí vô cùng lớn về thời gian và tiền của, một chuyện không thể tồn tại ở thời đại văn minh. Hoạt động này chỉ nói lên sự mê tín, biểu hiện trình độ dân trí thấp của một quốc gia, không thể gọi là nét đẹp văn hóa truyền thống. Nếu lấy thứ “văn hóa” này làm “nền tảng, động lực” cho sự phát triển của đất nước thì hướng đi sẽ ngược lại phía sau. Để đất nước chóng thoát nghèo, xã hội văn minh hơn cần chấm dứt ngay hiện tượng mê tín dị đoan: xin ấn đền Trần.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá