Những biến đổi quan trọng giai đoạn 2011 - 2020 và vấn đề xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam

03:03 CH @ Thứ Năm - 05 Tháng Mười Một, 2009

Sự hình thành và phát triển đội ngũ trí thức luôn gắn liền với những điều kiện lịch sử của dân tộc và thời đại. Đội ngũ đó phải là sản phẩm của giai đoạn phát triển của dân tộc và thời đại. Vì vậy, nghiên cứu vấn đề xây dựng đội ngũ trí thức nước ta giai đoạn 2011 - 2020 cần chú ý đến giai đoạn ấy có thể có những biến đổi gì trong sự phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, phát triển kinh tế và xã hội. Đó là những biến đổi hình thành môi trường hoạt động và phát triển của trí thức. Do đó, phải xây dựng đội ngũ trí thức phù hợp với môi trường biến đổi giai đoạn 2011 - 2020. Trên cơ sở những dự báo biến đổi giai đoạn mới mà nhìn lại thực trạng đội ngũ trí thức hiện nay, từ đó tìm ra phương hướng và giải pháp phát triển trí thức cho giai đoạn tới.

Dự báo những biến đổi giai đoạn 2011 - 2020 có quan hệ trực tiếp đến vai trò và trách nhiệm trí thức và định hướng xây dựng đội ngũ trí thức. Bài viết chỉ nêu vắn tắt một số vấn đề chủ yếu sau đây:

1 - Biến đổi quan trọng nhất là đổi mới mô hình phát triển.

Kinh tế thị trường từ hướng phát triển phiến diện nhằm tăng của cải (cho chủ đầu tư) chuyển sang hướng phát triển đồng thời về kinh tế, xã hội, môi trường. Đây là sự thay đổi mô hình phát triển, do những khủng hoảng xã hội và tàn phá môi trường của tất cả các nền kinh tế thị trường. Cuộc đấu tranh cho tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường ngày càng sâu rộng ở phạm vi thế giới tạo ra sức ép thay đổi.

Ở nước ta, việc đổi mới mô hình phát triển cũng đã trở thành vấn đề cấp bách do những hậu quả về xã hội và môi trường trong quá trình công nghiệp hóa những năm qua. Chỉ có đổi mới mô hình phát triển thì mới chuyển quá trình tăng trưởng số lượng hiện nay sang quá trình phát triển chất lượng, trên cơ sở ấy mà đạt đến số lượng nhiều hơn. Nếu không, ngay số lượng đã đạt được cũng sẽ giảm dần, trong khi dân số tăng lên, vấn đề xã hội và môi trường sẽ trầm trọng hơn.

Đổi mới mô hình phát triển là vấn đề cuộc sống đặt ra và phải thực hiện trong giai đoạn tới, không thể chậm hơn. Nhìn vào thực tiễn kinh tế thế giới, mô hình phát triển bền vững phải dựa trên nền tảng kinh tế tri thức. Vì vậy, nhu cầu đổi mới mô hình gắn liền với nhu cầu xây dựng đội ngũ trí thức, và cả hai đều có tính cấp bách.

2 - Xu hướng mới trong khoa học và công nghệ

Bước vào thế kỷ XXI, xu hướng thâm nhập vào nhau giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội (cả về tri thức, phương pháp và sử dụng thành tựu khoa học và công nghệ) ngày càng tác động mạnh vào hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, vào mỗi người trí thức, dần dần hình thành thế hệ trí thức mới và người trí thức mới. Trong thế kỷ XX, xu hướng này đã được một số ít nhà khoa học tự nhiên, trong đó có nhà khoa học vĩ đại Anh-xtanh thể hiện trong hoạt động khoa học của mình. Ông là người phản đối Chiến tranh thế giới thứ nhất và việc sử dụng bom nguyên tử trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Anh-xtanh cho rằng "ở thời đại chúng ta, các đại diện của khoa học tự nhiên và giới kỹ sư phải chịu trách nhiệm đạo lý đặc biệt lớn"(1). Ông nêu phương hướng: Một nhà vật lý phải đồng thời là một nhà triết học và nên thành lập "Hiệp hội vì trách nhiệm xã hội trong khoa học". Trước đó, xu hướng này được C.Mác phát hiện trong nghiên cứu kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. C.Mác dự báo rằng: sau này, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội sẽ thâm nhập vào nhau, hình thành một khoa học - khoa học về con người.

Không nhận thức được xu hướng mới trong khoa học, tách rời khoa học tự nhiên với khoa học xã hội, coi khoa học chỉ là công cụ của chính trị là một nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô.

Hiện nay, xu hướng thâm nhập vào nhau giữa hai lĩnh vực khoa học đang trở thành nền tảng của nền khoa học và công nghệ mới của thế kỷ XXI, đó là cơ sở vững bền của định hướng phát triển bền vững về kinh tế, xã hội.

Định hướng phát triển kinh tế thị trường nước ta trong giai đoạn tới phải là phát triển bền vững - nội hàm của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế. Vì vậy, xây dựng đội ngũ trí thức theo hướng "khoa học về con người" mới có thể đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế trong giai đoạn tới. Nếu không, đội ngũ trí thức sẽ chỉ là những người làm công ăn lương, vô trách nhiệm trước những vấn đề xã hội và môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội.

3 - Xu thế chuyển hướng giáo dục, nhất là giáo dục đại học

Nhiều hội nghị thế giới về giáo dục đại học đã thảo luận vấn đề chuyển hướng giáo dục từ hơn 10 năm nay cho thấy, chuyển hướng giáo dục là vấn đề sống còn của phát triển kinh tế và xã hội. Tất cả các hội nghị thế giới đều nhấn mạnh: "Giáo dục đại học là công cụ cơ bản để đối đầu thành công với các thử thách của thế giới hiện đại và để đào tạo những công dân có khả năng xây dựng một xã hội công bằng... tôn trọng quyền con người, cùng chia sẻ sự hiểu biết và thông tin" (tài liệu UNESCO).

Định hướng mới của giáo dục đại học là vừa có chức năng vun trồng tài năng, vừa có chức năng phát hiện, thức tỉnh tài năng, hướng tới hình thành lực lượng lao động tri thức trên mọi lĩnh vực. Trong đó, trí thức là những người tích hợp được tiềm năng trí tuệ của dân tộc và thời đại.

Ba xu thế tất yếu về kinh tế, khoa học, giáo dục nói trên đang tác động ngày càng tăng đối với mọi nước trong phát triển và hội nhập. Đối với nước ta, đây vừa là cơ hội chưa từng có, đồng thời là thách thức chưa từng thấy. Biến thách thức thành cơ hội thực hiện ba xu thế trên là tiền đề cơ bản để xây dựng đội ngũ trí thức và chế độ mới. Trong điều kiện nước ta, chỉ có Đảng và Nhà nước mới có thể tạo ra những tiền đề cơ bản ấy.

Đặc điểm, tiềm năng và hạn chế chủ yếu của trí thức nước ta

Trí thức nước ta hiện nay được hình thành trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và công cuộc đổi mới hội nhập kinh tế thế giới. Vì vậy, họ có những tiềm năng và hạn chế chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, tinh thần dân tộc, yêu nước sâu sắc là đặc điểm, là tiềm năng nổi bật của trí thức nước ta.

Tinh thần yêu nước thương nòi là một phẩm chất nội sinh từ truyền thống dân tộc của mọi người Việt Nam. Với trí thức, yêu nước còn là một động lực sáng tạo, tìm tòi cái mới để xây dựng đất nước. Họ cũng là người biết kế thừa những giá trị tốt đẹp của cha ông và thế giới, biết phê phán những gì cản trở sự phát triển của dân tộc.

Từ những tấm gương của trí thức trong Cách mạng tháng Tám và kháng chiến có thể nhận rõ rằng, tiềm năng trí tuệ với lòng yêu nước của trí thức là tài sản quý giá của dân tộc, sẽ phát huy sức sống của nó trong môi trường tiến bộ.

Thứ hai, sự phát triển của mỗi người do tinh thần hiếu học là một ưu thế của trí thức, là cơ sở để xây dựng đội ngũ trí thức nước ta.

Khi nước ta chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế thì cơ hội cho sự phát triển cá nhân trong giao lưu, cạnh tranh sẽ lớn hơn bao giờ hết. Nhìn xa hơn, không có sự phát triển cá nhân thì không thể có tiến bộ xã hội và tăng trưởng kinh tế bền vững. Nhìn ra thế giới, sự phát triển cá nhân của trí thức trong môi trường kinh tế thị trường là nhân tố chủ yếu tạo ra các cuộc cách mạng khoa học và công nghệ thúc đẩy kinh tế thị trường và xã hội phát triển lên những nấc thang cao hơn. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy: chỉ trong môi trường tư tưởng, kinh tế và chính trị tiến bộ thì mới có sự phát triển cá nhân, mới xuất hiện những hiền tài đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Thứ ba, ảnh hưởng của văn hóa, tâm lý tiểu nông là những hạn chế của trí thức nước ta.

Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, chuyển sang kinh tế thị trường, đến nay gần 70% dân số nước ta còn là nông dân. Vì vậy, trí thức nước ta hầu hết đều xuất thân và hoạt động trong môi trường ấy, nên chịu tác động về văn hóa, tâm lý, lối sống của tiểu nông và của thị trường. Tâm lý tiểu nông thường kỳ thị với người hiểu biết hơn mình. Trong trường hợp có quyền lực, tâm lý đó có thể chuyển thành thái độ ngại sử dụng người giỏi, thậm chí có thái độ tả khuynh cực đoan, coi trí thức là "đối tượng số một". Tâm lý đó cũng biểu hiện ở không ít cán bộ trong đối xử với đồng nghiệp.

Hai nhân tố (tâm lý tiểu nông của trí thức và tác động của thái độ chính trị, chính sách không đúng) đã thúc đẩy mặt hạn chế của trí thức: một số sa vào con đường hám danh lợi; một số chỉ biết lợi ích riêng, không có thái độ hợp tác chân thành với người khác; một số chịu ảnh hưởng sâu sắc của chủ nghĩa giáo điều sách vở nên không có năng lực tư duy biện chứng trước thực tiễn biến đổi nhanh; một số sống kiểu "duy tình" mà không gắn với "duy lý" v.v..

Do những hạn chế từ môi trường, từ mỗi người nói trên nên đội ngũ trí thức hiện nay chưa phù hợp với vai trò và trách nhiệm của nó trong giai đoạn tới. Vấn đề xây dựng đội ngũ trí thứcđã trở thành một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách.

Phương hướng và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức nước ta giai đoạn 2011 - 2020

Những phương hướng và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức dưới đây đều căn cứ vào những biến đổi chủ yếu có thể thấy được ở giai đoạn 2011 - 2020, vào tiềm năng và hạn chế của trí thức nước ta và cần sát với hai lĩnh vực khác nhau là trí thức trong bộ máy đảng, nhà nước, và trí thức ở các lĩnh vực ngoài nhà nước.

Không có phương hướng giải pháp riêng cho hai bộ phận trí thức ở hai lĩnh vực khác nhau, thì không tránh khỏi rơi vào trạng thái chung chung về lý thuyết, cách xa thực tiễn cuộc sống. Bởi vì những người trí thức trong bộ máy cầm quyền là những công chức, sống và làm việc theo Luật Công chức và sự chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng. Còn đông đảo trí thức ngoài nhà nước (kể cả trí thức về hưu) ngày càng tăng thì làm việc theo nhu cầu của xã hội, Nhà nước, doanh nghiệp. Họ phải tìm tòi những giải pháp tối ưu cho những vấn đề thực tiễn do đối tác, hay Nhà nước và tổ chức xã hội đặt ra. Họ tồn tại và phát triển dựa vào năng lực cá nhân và hợp tác với đồng nghiệp và được đánh giá bằng chất lượng công việc trong quan hệ cạnh tranh về trí tuệ.

Ở đây, chúng tôi xin phân tích những vấn đề thuộc đội ngũ trí thức hiện đang hoạt động trong hệ thống khoa học và công nghệ trên cả nước với tên gọi là Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã hình thành 26 năm nay. Sự gắn bó trong hoạt động giữa trí thức trong và ngoài nhà nước là truyền thống lâu năm bắt đầu từ khi thành lập "Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam" vào năm 1963 được Bác Hồ dự và dặn dò trí thức. Đến nay, Liên hiệp đã bao gồm 68 Hội khoa học và kỹ thuật trên phạm vi cả nước với 245 Hội thành viên (trong đó có 4 Tổng hội: Y học, Xây dựng, Địa chất, Cơ khí với 80 Hội thành viên) và 55 Liên hiệp Hội khoa học và kỹ thuật của tỉnh, thành phố.

Từ thực tiễn hoạt động của trí thức ngoài nhà nước, có thể rút ra những phương hướng và giải pháp sau:

a - Hợp tác liên ngành khoa học và công nghệ là cách hoạt động có hiệu quả.

Sự hợp tác liên ngành của VUSTA ngoài giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ đặt ra, còn đưa đến sự phát triển các tổ chức khoa học và kỹ thuật. Hiện đã có: 43% số hội có chi hội trong các doanh nghiệp nhà nước; 15% số hội có chi hội trong các doanh nghiệp khác; 70% - 75% các chi hội ở trong các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu, các cơ sở nghiên cứu...; ở một số liên hiệp hội địa phương tỉnh, thành còn có sự tham gia của các thành viên thuộc Hội Văn học - nghệ thuật, Hội Nhà báo, Hội Kế hoạch hóa gia đình, Hội Nạn nhân chất độc da cam, Hội Sinh vật cảnh.

Ở đâu có nhu cầu về khoa học và công nghệ thì ở đó sớm hay muộn có các tổ chức khoa học và kỹ thuật. Do đó, gần đây Liên hiệp Hội ở Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Lâm Đồng đã phát triển tổ chức xuống các quận, huyện.

Phương hướng từ nhu cầu khoa học và công nghệ mà phát triển tổ chức của trí thức để đáp ứng, nên VUSTA đã thu hút được khoảng 1,8 triệu hội viên, trong đó có 80 vạn hội viên là trí thức, chiếm 1/3 tổng số trí thức cả nước.

b - Hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội các chủ trương, các dự án đầu tư.

Đây là một hướng quan trọng xây dựng đội ngũ trí thức từ thực tiễn được thực hiện gần 10 năm nay theo quyết định của Đảng và Nhà nước. Hoạt động này, một mặt, giúp các cơ quan đảng và nhà nước có cơ sở khoa học tin cậy trong thực hiện đường lối, chính sách; mặt khác, là phương thức bồi dưỡng, xây dựng trí thức trong thực tiễn. Phương hướng và giải pháp này có hiệu quả tốt thể hiện ở chất lượng tư vấn, phản biện các dự án thủy điện Sơn La; đường Hồ Chí Minh; thay nước Hồ Tây; bảo tồn khu di tích Hoàng thành Thăng Long và di tích Cột cờ; phòng, chống dịch cúm gia cầm; quy hoạch thành phố Hà Nội hai bên bờ sông Hồng; xây dựng nhà máy điện nguyên tử v.v..

Việc giám định xã hội của VUSTA cũng bước đầu có kết quả: Tổng Hội xây dựng Việt Nam công bố danh sách 43 dự án đầu tư có dấu hiệu thất thoát, lãng phí, 30 dự án có sai phạm trong sử dụng đất vào năm 2006; Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phát hiện xăng pha axeton, sữa nước chế biến từ sữa bột nhưng nhà sản xuất ghi là sữa tươi v.v.. và nhiều đóng góp của các hội, tổng hội trong lĩnh vực chuyên ngành. Riêng Liên hiệp Hội Thành phố Hồ Chí Minh đã tư vấn, phản biện cho 79 dự án phát triển Thành phố. Nhiều liên hiệp hội địa phương đang phát huy tác dụng trong hoạt động tư vấn, phản biện, giám định của địa phương.

c - Hoạt động khoa học và công nghệ theo hướng phát triển bền vững.

Hoạt động khoa học và công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và ổn định xã hội là phương hướng quan tâm thường xuyên của VUSTA và đã đạt những kết quả tốt:

  • Xây dựng thành công mô hình làng sinh thái ở nơi điều kiện sinh thái khắc nghiệt (đồi trọc, vùng cát trắng, vùng ngập nước) dựa trên sự hợp tác giữa trí thức với nông dân.
  • Thực hiện Chương trình mở phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở 20 tỉnh, trong đó có giải pháp liên kết "bốn nhà" (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, Nhà nước) trong đổi mới nông nghiệp, nông thôn.
  • Coi trọng việc thực hiện các dự án bảo vệ môi trường như: dự án thoát nước đô thị, hệ thống xử lý bãi rác thải Nam Sơn (Hà Nội), các khu công nghiệp ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương.
  • Hoạt động phát triển cộng đồng, xóa đói, giảm nghèo, nhất là ở vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa. Đông đảo các tổ chức khoa học và công nghệ đã tham gia thường xuyên và có kết quả. Nhờ đó nguồn tài chính huy động trong nước và tài trợ quốc tế ngày càng tăng (năm 2008 đã huy động được 4 triệu USD).

d - Hoạt động giáo dục, đào tạo và phổ biến kiến thức.

Đây là phương hướng mà đội ngũ trí thức có vai trò, trách nhiệm lâu dài. Nhiều hội khoa học và công nghệ đã thành lập hoặc bảo trợ thành lập gần chục trường đại học, cao đẳng, trung học dạy nghề, tham gia tích cực vào quá trình xã hội hóa giáo dục và đào tạo, tổ chức hàng vạn khóa đào tạo chuyên ngành.

Phổ biến kiến thức là giải pháp có hiệu quả, kiểu "mưa dầm thấm lâu". 197 tờ báo, tạp chí, tập san, bản tin, trang tin điện tử của VUSTA làm nhiệm vụ ấy. Đặc biệt Nhà Xuất bản Tri thức của VUSTA trở thành khâu chuyển tải những giá trị, tinh hoa của thế giới vào nước ta theo xu hướng gắn bó khoa học tự nhiên với khoa học xã hội.

e - Hoạt động hợp tác quốc tế là hướng phát triển rút ngắn dần trình độ của trí thức Việt Nam với thế giới.

Đây là nhu cầu bức thiết trong xây dựng đội ngũ trí thức nước ta. VUSTA đã thực hiện bằng nhiều hình thức như: Thiết lập quan hệ hoặc trở thành thành viên của các tổ chức như: Liên đoàn các Tổ chức kỹ sư ASEAN (AFEO), Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a; tổ chức một số hội nghị khoa học quốc tế; xây dựng mối quan hệ với một số tổ chức phi chính phủ của thế giới như: Quỹ Ford, Quỹ Rockerfeller, UNDP, Oxfam Anh, Hồng Kông, Care Đan Mạch, ICCO Hà Lan v.v.. nhằm thu hút tài trợ và nâng cao năng lực cán bộ hoạt động của Hội. Ngoài ra, VUSTA đã thực hiện một số hoạt động hỗ trợ cho sự phát triển của Liên hiệp Hội khoa học và công nghệ Lào.

Việc thực hiện các phương hướng và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức ngoài nhà nước vẫn còn ở mức độ thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu chiến lược xây dựng nền khoa học và công nghệ quốc gia - một điều kiện quyết định để phát triển bền vững và thắng lợi trong hội nhập quốc tế.

Từ góc nhìn xây dựng đội ngũ trí thức giai đoạn 2011 - 2020, những thành công và những hạn chế vừa qua có nguồn gốc từ nhận thức vai trò, trách nhiệm của trí thức trước yêu cầu phát triển của dân tộc, từ việc thực hiện các chỉ thị, nghị định của Đảng và Chính phủ của cơ quan quản lý nhà nước.

Kinh nghiệm rút ra là: Xây dựng và không ngừng nâng cao mối quan hệ giữa vai trò, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước với vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức. Nâng cao mối quan hệ này phải từ tầm nhìn giai đoạn 2011 - 2020, từ những xu hướng của thời đại và sự đòi hỏi cấp bách phải phát huy tối đa tiềm năng dân tộc, trước hết là tiềm năng trí tuệ của đất nước, nhất là ở đội ngũ trí thức, trong đó các chuyên gia đầu ngành có vai trò rất lớn trong xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam./.


(1) Albert Einstein: Thế giới như tôi thấy, Nxb Tri thức, 2005, tr 28

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Con người - Tiền đề của sự phát triển

    08/04/2020Nguyễn Trần BạtTrước khi nói về vai trò của nguồn lực con người trong một nền kinh tế, ta phải nói đến tính năng động của nền kinh tế. Tính năng động vô cùng quan trọng như thế nào trong điều kiện kinh tế thị trường, có lẽ không cần nhắc lại...
  • Xã hội cần những trí thức suy nghĩ độc lập

    01/02/2016Thượng Tùng thực hiệnTiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Phó Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, là một trong những chuyên gia trẻ được nhiều người biết. Anh là thành viên nhóm nghiên cứu của Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard (Hoa Kỳ), tham gia thực hiện bốn bài thảo luận chính sách theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam, là “cánh chim báo bão” nhẫn nại với nhiều bài báo đề cập những giải pháp tháo gỡ khó khăn từ một số chính sách của Nhà nước.
  • Phát huy nội lực

    02/04/2015Nguyễn Trần BạtTừ bao đời nay, người Việt ước mơ xây dựng một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh". Có thời người ta đặt hy vọng ở nguồn tài nguyên rừng vàng biển bạc, chẳng hạn như dầu mỏ phun lên ồ ạt nhiều hơn cả dầu mỏ Trung Đông. Cũng có người mơ tưởng sẽ có những lực lượng ngoại bang mang lại cuộc đổi đời cho dân tộc. Họ vừa thiếu thực tế vừa sai lầm về mặt lý luận. Chỉ có sức mạnh của chúng ta - nội lực Việt Nam - mới giải quyết được những vấn đề của chúng ta, mới là yếu tố quyết định để biến đổi một nước Việt Nam nghèo nàn lạc hậu thành một quốc gia hùng mạnh, một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
  • Cách mạng tháng Tám: những con người làm nên lịch sử

    01/09/2014Đoan TrangCách mạng tháng Tám 1945 là một cuộc hồi sinh vĩ của một dân tộc đoàn kết: thực sự đoàn kết, biết đoàn kết và đoàn kết đúng lúc, kịp thời. Hồi tưởng lại những tháng ngày sôi sục khí thế đấu tranh đó, chúng ta không thể bỏ qua vai trò lịch sử của những con người đã góp phần hội tụ của các nguồn xung lực mạnh mẽ của toàn dân tộc tại thời khắc bước ngoặt lịch sử...
  • Con đường dẫn đến sự thịnh vượng

    16/08/2014Nguyễn Trần BạtCó một khát vọng giống nhau giữa các cộng đồng dân tộc là khát vọng về sự thịnh vượng. Mỗi một dân tộc lại được hình thành bằng một lịch sử riêng, do vậy, mỗi dân tộc lại có một con đường riêng đi tìm kiếm sự thịnh vượng nhưng trong bối cảnh quá trình toàn cầu hoá đang diễn ra mạnh mẽ thì có gì chung giữa các con đường đi đến sự thịnh vượng của các dân tộc? Và nếu có thì con đường ấy như thế nào?
  • Luận bàn về trí thức

    17/06/2014TS. Nguyễn Quang AVài tháng nay các trí thức Việt Nam (trong và ngoài nước) sôi nổi đóng góp cho Đề án "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế" mà Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá X, dự kiến sẽ thảo luận và thông qua.
  • Đôi điều về quy luật phát triển của xã hội

    13/01/2014Nguyễn Văn ChiểnAi cũng biết trên thế giới ngày nay giàu mạnh nhất là 7 nước tư bản phát triển nhất mà người ta quen gọi là G.7. Vậy các nước ấy đã qua con đường phát triển như thế nào mà họ đạt được trình độ cao như vậy? Liệu các nước khác có hy vọng đuổi kịp trình độ phát triển của họ không?
  • Trí thức và công thức bổ nhiệm minh bạch

    23/06/2009TS. Nguyễn Ngọc HiếuĐể trí thức đóng góp tốt hơn vào sự nghiệp phát triển thì chúng ta cần có trí thức trưởng thành và chuyên nghiệp. Muốn có điều đó lại cần đề cao tính chuyên nghiệp, bổ nhiệm theo thực tài với cả những đối tác của trí thức, kể cả những người chủ, chính trị gia và nhà quản lý trong cả xã hội.
  • G.S Phan Đình Diệu: “Đừng vội nói chuyện đãi ngộ trí thức thấp, cao!”

    10/07/2008Thanh Phách thực hiệnTrao đổi về Đề án “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế” trình Hội nghị Trung ương 7, Giáo sư Phan Đình Diệu cho rằng, một khi chưa có quan niệm đúng đắn về trí thức và một cơ chế để tạo môi trường cho người trí thức phát huy hết năng lực thì rất khó bàn đến chuyện đãi ngộ thế nào là xứng đáng với những đóng góp của họ...
  • Về khái niệm tính đồng bộ và sự cần thiết phải tiến hành đồng bộ các cuộc cải cách

    14/04/2008Nguyễn Trần BạtKhông ít người cho rằng, đồng bộ là bản chất của cuộc sống nhưng tôi thì không. Cuộc sống không đồng bộ, không có cái gọi là sự đồng bộ của cuộc sống, nếu có thì chúng ta phải dùng từ "đồng bộ" để nói đến sự phát triển tự nhiên của cuộc sống. Cuộc sống là đa dạng. Đối với cuộc sống thì đó là tính cân bằng chứ không phải tính đồng bộ...
  • Xây dựng hệ tiêu chuẩn cải cách

    14/04/2008Nguyễn Trần BạtTất cả các cuộc cải cách đều có tiêu chuẩn và mục tiêu của nó. Các cuộc cải cách đều nhằm vào sự phát triển, nhưng mục tiêu cuối cùng chính là tự do vì chỉ có tự do mới đem lại sự phát triển thực sự. Thước đo sự thành công của các cuộc cải cách, do đó, chính là mức độ giải phóng con người, sự tiệm cận tới tự do của con người...
  • Nhân tài và sử dụng nhân tài

    18/04/2007Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupTrước khi bàn về việc làm thế nào để phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng nhân tài, cần xem xét lại quan niệm về nhân tài...
  • Thúc đẩy sự thịnh vượng

    12/05/2009Nguyễn Trần Bạt - Chủ tịch kiêm TGĐ Investconsult GroupCó thể nói, trên thế giới có bao nhiêu quốc gia, có bao nhiêu dân tộc và có bao nhiêu con người là có bằng ấy ước mơ, bằng ấy khát vọng. Mỗi một ước mơ, mỗi một khát vọng đều xuất phát từ những hoàn cảnh lịch sử riêng. Nhưng mơ ước về sự thịnh vượng luôn là mục tiêu chung của con người. Và nơi khởi nguồn cho sự thịnh vượng chính là tầng lớp đặc biệt trong xã hội - tầng lớp trí thức.
  • Chúng ta đang bỏ phí nhân tài ?!

    18/11/2003Hiện nay, về số lượng người có học hàm học vị cao, Việt Nam đứng đầu ở khu vực Đông Nam Á. Song vì sao các trường đại học (ĐH) tốt nhất của ta lại được xếp loại thấp hơn khoảng 50 bậc so với Thái Lan, còn khoa học công nghệ (KHCN) của ta tụt hậu so với Thái Lan khoảng 30 năm? Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ, "thực" - "ảo" trong khoa học vẫn còn lẫn lộn; các nhà khoa học thực sự chưa được nhìn nhận đúng và chưa được tạo điều kiện tốt nhất có thể để làm việc; trong khi đó, các nhà lãnh đạo lại chưa tỏ rõ quyết tâm trọng dụng người tài...
  • xem toàn bộ