“Báo hóa tạp chí” là gì?

09:27 SA @ Thứ Bảy - 16 Tháng Mười Một, 2019
“Báo hóa tạp chí thực ra là một cách nói dân dã,” - Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định khi đăng đàn Quốc hội sáng nay 8/11/2019, “thực ra đó là việc vi phạm pháp luật báo chí,[…] là việc vượt tôn chỉ mục đích”. Có thể hiểu vế đầu trong câu nói của Bộ trưởng là “báo hóa tạp chí” là cách nói khá đại khái, chưa tường minh, có thể làm chúng ta lạc đường khi dùng nó để miêu tả hiện thực và vạch giải pháp nhằm cải thiện hiện thực.
.

Sạp báo của thời xa xưa
.

Trước tiên, xin tán thành nhận định của Bộ trưởng bằng việc dẫn lại một câu văn viết nhịu rút từ một cuốn sách sửa lỗi Việt văn: “Trong cửa hiệu có bán sách, báo, tạp chí và các loại tiểu thuyết khác.”

Nhà ngữ học Cao Xuân Hạo nhận xét: Câu này chứa đựng một tiền giả định sai là cho rằng “Sách, báo và tạp chí đều là những loại tiểu thuyết”. Vậy trước tiên phải bỏ chữ “khác” sau chữ “tiểu thuyết”. Ngoài ra phải bỏ luôn cả mấy chữ “và các loại tiểu thuyết”, vì “tiểu thuyết” cũng chỉ là “sách” mà thôi. Kế đến, “tạp chí” cũng chỉ là một thứ báo, cho nên hoặc phải bỏ hai chữ “tạp chí”, hoặc phải thay “báo, tạp chí” bằng “nhật báo, tạp chí”.

Rồi nhà ngữ học tiên phong này đề xuất câu sửa: “Trong cửa hiệu có bán đủ các thứ sách báo (trong đó có cả tiểu thuyết – thứ sách mà anh muốn mua)”.

Tĩnh tâm đọc đến đây chắc hẳn tuyệt đa số bạn đọc đều sẽ gật gù tán thưởng cái ví dụ về một kiểu câu viết sai đi kèm lời bình giải sắc bén cùng lời gợi ý chỉnh sửa giàu sức thuyết phục của nhà ngữ học huyền thoại Cao Xuân Hạo.

Thật vậy, trong cảm giác ngôn ngữ tự nhiên của người Việt bình thường cũng như người Việt bác học, “tạp chí” chỉ là một thứ báo, “nhật báo” cũng chỉ là một thứ báo mà thôi. Nhật báo và tạp chí là hai tiểu phạm trù của một phạm trù rộng hơn là báo (cũng gọi là “báo chí”) nói chung. Nói theo ngôn ngữ của khoa học phân loại, “báo” là thượng danh (hypernym), còn “nhật báo” và “tạp chí” là những hạ danh (subordinate) của “báo”.

Hạ danh và thượng danh (để đặt tên cho những tiểu nhóm và nhóm, tiểu phạm trù và phạm trù tương ứng) là những thế lưỡng phân xuất hiện phổ biến trong ngôn ngữ phân loại, ngôn ngữ phạm trù hóa, vốn gắn bó hữu cơ với con người trong hoạt động chia cắt thế giới bằng tư duy để nghĩ và nói về nó, nhận thức và cải tạo nó. Gió là thượng danh còn gió bấc, gió nồm là những hạ danh tương ứng. Cá là thượng danh, cá voi cá chuồn là những hạ danh. Gạo là thượng danh, gạo nếp gạo tẻ là hạ danh. Văn xuôi là thượng danh, văn tự sự, văn chính luận là những hạ danh tương ứng, vân vân và vân vân.

Trở lại cách nói “báo hóa tạp chí”, cách nói này không ổn vì nó tiền giả định rằng “tạp chí” không phải là “báo”. Trong khi ai nấy đều biết rằng “tạp chí” chính là một thứ “báo”, chỉ không phải là một thứ “nhật báo” mà thôi, cũng như “nhật báo” cũng là một thứ báo chính danh, chỉ không phải là một thứ “tạp chí” mà thôi vậy.

Thuở báo chí mới xuất hiện ở nước ta, năm 1865, Gia Định báo có khuôn khổ 25cm x 32 cm, ra hàng tuần tại Sài Gòn. Theo phân loại hiện nay, tờ báo này thuộc tiểu nhóm tạp chí. Nhưng ở thời đó cũng như ngay hôm nay ai nấy đều có thể gọi nó là tờ báo, tờ báo Gia Định, hay Gia Định báo, đây là những cách dùng thượng danh để gọi tên sự vật hoàn toàn bình thường và phổ biến, cũng bình thường như khi ta chỉ một chú “cá voi” rồi nói “chú cá” này chắc phải dài tới 25m…vậy ! “Cá voi” cũng chính là “cá” y như “nhật báo” hay “tạp chí” cũng đều là báo cả.

Ở thời kỳ đầu, những tờ như Gia Định báo, Nông cổ mín đàm, Nữ giới chung đều mang đặc điểm của loại hình báo mà sau này ta hay gọi là tạp chí: xuất bản thưa kỳ, phạm vi đề tài hẹp. Bấy giờ ở Việt Nam phạm trù báo nói chung chưa được phân tách ra thành nhật báo và tạp chí. Sự đối lập giữa nhật báo và tạp chí (hai tiểu phạm trù ngang cấp của phạm trù lớn hơn là “báo”) chưa ra đời. Nhưng kể cả sau này khi báo chí đã phân ra thành nhật báo và tạp chí thì ta vẫn có thể trỏ một tờ báo như Nhân Dân chẳng hạn để khi thì nói “tờ nhật báo này” khi thì nói “tờ báo này” tùy thuộc ta đang dùng hạ danh hay thượng danh của phạm trù báo để gọi tên nó cho phù hợp với ngôn cảnh (context) hay văn cảnh (co-text).

Tương tự ta có thể chỉ vào tờ Tia sáng để khi thì nói tờ “tạp chí” này khi thì nói “tờ báo này” tùy thuộc ta muốn dùng hạ danh hay thượng danh để gọi tên nó cho phù hợp với tình huống giao tiếp. Dù gọi là báo Nhân dân hay nhật báo Nhân Dân, báo tia sáng hay tạp chí Tia sáng thì những ai làm việc ở hai cơ quan này khi đã vững tay nghề và khi đã gắn bó đủ thâm niên đều sẽ được cộng đồng ghi nhận và Nhà nước công nhận là nhà báo cả (đương nhiên không ai nói “nhà tạp chí” hay “nhà nhật báo”!)

Trở lên chúng ta đã làm rõ tạp chí và nhật báo đều là những thứ báo, chỉ khác nhau về tần suất phát hành và phạm vi đề tài. Vậy khi cần thì có thể nói đến chuyện “nhật báo hóa tạp chí” chứ không nên và không thể nói “báo hóa tạp chí”, là cách nói chứa đựng một mâu thuẫn khá gay gắt tương đương như nói “kiềm hóa natri”, “khí hóa ô xy”, “công an hóa cảnh sát” v.v.

Song đến đây cũng lại phải nhấn mạnh thêm rằng hiện thực báo chí giờ đây đã có những thay đổi lớn lao, rằng sự phân loại báo chí thành những tiểu nhóm với những thuộc tính định nghĩa và tên gọi chuyên môn như người viết vừa nêu cũng chỉ thực sự phù hợp với hiện thực báo chí Việt Nam cho đến cách nay mươi năm.

Sạp báo của cách đây hai chục năm

.

“Tương lai không phải là đường thẳng kéo dài của quá khứ”, đúng như Bộ trưởng Hùng thường khái quát chuẩn xác và rất giàu sức hấp dẫn:

thời chưa có internet, “nhật báo” là thứ báo ấn hành hàng ngày, và nhờ ra hàng ngày nhật báo có điều kiện đưa những tin tức cập nhật hơn, có tính thời sự hơn so với tạp chí là thứ báo có tần suất ấn hành thưa hơn (thường là hàng tuần, hàng tháng). Do thưa kỳ, tạp chí không có khả năng đưa tin cập nhật nhưng bù lại có khả năng bình luận phân tích vấn đề sâu hơn, có tính tổng kết hơn. Nhật báo Nhân Dân, Nhật báo Quân đội, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Tia sáng, nhật báo Nữu ước (the New York Times), Nhật báo Bưu điện Hoa Nam buổi sớm (South China Morning Post), tạp chí Time, tạp chí Newsweek, v.v. là những ví dụ.

Khi báo chí internet ra đời, báo giấy (cả nhật báo và tạp chí) đã từng bước nhường chỗ báo chí điện tử, các nhật báo và tạp chí giấy giờ cũng đều đã có phiên bản điện tử và đều hướng tới điện tử là chủ yếu, vấn đề tần suất phát hành giờ đây đã được giải quyết triệt để. Bất kể cơ quan báo chí điện tử nào, dù tiền thân là nhật báo hay tạp chí, giờ cũng đều có thể xuất bản tin, bài với tần suất rất cao, từng giây, vấn đề chỉ còn là làm sao để có tin bài đúng và hay để mà xuất bản. Các cơ quan báo chí giờ đều dùng những thành tựu kỹ thuật chung của thời đại (internet cao tốc, desktop, laptop, tablet, smart phone, social media, thậm chí big data, AI, machine learning) để tăng tần suất thông tin, mở rộng đối tượng và phạm vi phát hành phục vụ bạn đọc.

Công cuộc chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà Việt Nam đang chủ động xúc tiến đang khiến những tờ nhật báo và tạp chí trước kia giờ trở nên hoàn toàn giống nhau về phương diện tần suất phát tin. Tần suất như nhau lại tạo tiền đề cho các cơ quan báo chí điện tử mở rộng phạm vi đề tài. Cũng có thể nói ranh giới giữa nhật báo và tạp chí giờ đã khác xưa rất xa. Time, Newsweek vốn là hai tạp chí in lừng lẫy thế giới, ra hàng tuần, giờ đây cũng đã trở thành tạp chí điện tử và giống hoàn toàn với The New York Times hay The Washington Post về phương diện tần suất phát tin. Báo chí điện tử giờ đã giống nhau về tần suất thông tin. Sự khác nhau lúc này chỉ còn là đề tài có rộng và tin bài có sâu có tính khái quát hay không, mà điều này lại chỉ tùy thuộc nguồn lực con người và vật chất và cách vận hành của từng tờ chứ không phụ thuộc nó có tên gọi gì.

Những điều nói trên đây tuy sơ sài nhưng chắc cũng đủ để nêu rõ “báo hóa tạp chí” là một cách nói dân dã, nôm na không phù hợp nếu dùng làm tên gọi cho những khái niệm căn cốt của quản lý báo chí, truyền thông hiện đại. Chúng ta hãy dùng cách nói cụ thể như Bộ trưởng Hùng khuyến nghị: cần nói rõ là vi phạm pháp luật báo chí, như đưa tin sai sự thật, trái pháp luật, trái thuần phong mỹ tục. Và giải pháp cũng đúng như Bộ trưởng trình bày sáng nay: Quy định cụ thể thế nào là chuyên ngành, thế nào là tần suất. Viết lại thật cụ thể, tường minh tôn chỉ mục đích của tất cả mọi tờ báo (nhật báo, tạp chí, đài truyền hình, đài phát thanh, báo chí điện tử) trên toàn quốc sao cho 868 báo trên cả nước mỗi tờ phải có phần cốt lõi chuyên trách nói những đề tài chuyên môn, để nền báo chí nước nhà phải cung cấp được một bức tranh toàn diện về đời sống đất nước và thế giới. Đi kèm là tăng cường vai trò và trách nhiệm của cơ quan chủ quản.

Tất cả mọi cơ quan báo chí đều phải làm tốt tôn chỉ mục đích đã quy định tường minh trong giấy phép, trước khi (và trong khi) sản xuất những tin bài không thuộc tôn chỉ mục đích nhưng được tự do ngôn luận (miễn không vi phạm điều cấm của pháp luật), không thuộc diện bị Nhà nước cấm hay hạn chế. Nhiệm vụ sau cũng hết sức quan trọng để phục vụ sứ mạng của báo chí như Bộ trưởng mong muốn là phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, góp phần tạo ra niềm tin, đồng thuận xã hội, nuôi dưỡng khát vọng dân tộc về một đất nước Việt Nam hùng cường trong bối cảnh mạng xã hội đang lấn lướt báo chí chính thống trong việc chi phối tâm trí của cộng đồng bạn đọc hôm nay.

Nguồn:Viettimes
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tờ báo Facebook

    29/10/2019Thảo DânFb đã mở ra cho tôi, và có lẽ, nhiều người khác nữa, những góc nhìn mới lạ, khác biệt, tiệm cận sự thật. Vì thế, tôi coi fb là một tờ báo độc lập, thuộc về và bao gồm tất cả các tầng lớp nhân dân, không phân chia lề lối. Nói về một tờ báo, là nói về người viết và bài viết...
  • Thư gửi một nhà báo tương lai

    24/06/2018Lê HoàngXã hội không phải thiếu các “nhà”. Nào nhà văn, nhà thơ, nhà tạo mẫu, nhà triết học và nhà thầu. Nhưng nhà báo vẫn có một giá trị riêng...
  • Sự thật với nhà báo

    20/06/2018Ngòi bút viết ngược sự thật, dù với mục đích nào, cũng đều không thể biện minh trước lương tri của người cầm bút và niềm tin của người đọc. Bởi ngòi bút viết ngược sự thật sẽ như con dao đâm ngược vào niềm tin và cả kỳ vọng mà người đọc dành cho báo chí và người cầm bút...
  • Giá trị mới của báo chí và trí tuệ tập thể

    25/01/2018Michael Skoler - Thúy Hiền (dịch từ Nieman Reports)Mạng xã hội đang dần đáp ứng được nhu cầu của chúng ta bởi chúng hội tụ được nhu cầu của những người khác. Nền văn hóa báo chí mới này giá trị ở chỗ nó có thể giúp cho mọi người có được cơ hội chia sẻ thông tin, khiến họ bị kinh ngạc trước những thông tin, kinh nghiệm, kiến thức của những người khác cùng chia sẻ thông tin với họ.
  • Tại sao trên báo chí lại thưa vắng các bài điểm sách?

    13/01/2018Vương Trí NhànMột mặt trong tâm thức của nhiều người, văn chương là một cái gì ghê lắm, danh giá để đời, tên tuổi đi vào lịch sử. Mặt khác thông tin trên mặt báo về văn học lại nghèo nàn nhạt nhẽo. "Kính nhi viễn chi", người ta lảng tránh. Trong sự thông tin kém cỏi như vậy, riêng phần đọc sách vì không màu mỡ riêu cua câu khách được tí nào, nên càng bị ghẻ lạnh.
  • Báo chí hiện đại ngày càng lá cải

    09/01/2018Alex S. Jones - Hoàng Thư (biên dịch)Nhà khoa học chính trị Robert M. Entman đã tìm ra một số cách vừa sâu sắc vừa thú vị để chỉ ra sự khác biệt giữa các thể loại báo chí Mỹ. Theo ông, truyền thông có thể được chia thành 4 loại: báo chí truyền thống, báo chí lá cải, báo chí cổ súy, và giải trí. Cách đầu tiên mà Entman đưa ra để phân biệt 4 loại báo này với nhau là dựa vào mức độ chúng tuân thủ 5 tiêu chuẩn căn bản của báo chí.
  • Nguyễn An Ninh với đạo làm báo

    04/12/2017Hồ Ngọc NhuậnNguyễn An Ninh là người làm báo Việt Nam duy nhất mà tôi biết có mười điều răn cho người An Nam đồng bào đồng đạo của mình...
  • Một số quan điểm về tính khách quan, chân thật trên báo chí hiện nay

    21/06/2017Trần Thị Cẩm ThúyVề lý thuyết, uy tín và hiệu quả của báo chí phụ thuộc vào tính khách quan, chân thật của những thông tin mà nó đem đến cho công chúng. Một tờ báo đưa tin sai, dù sau đó đính chính, sẽ tự hạ thắp vị trí của mình trong lòng độc giả.
  • Báo chí - nhà báo và sự hình thành tầng lớp trí thức hiện đại đầu thế kỷ XX

    21/06/2017Trần Văn ToànKhái niệm trí thức hiện đại ở đây được hiểu trong sự đối nghĩa với trí thức - kẻ sĩ trong xã hội Việt Nam truyền thống. Sự hiện diện của tầng lớp trí thức hiện đại, trên thực tế, mới chỉ xuất hiện ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Bài viết này sẽ tập trung làm sáng tỏ vai trò của báo chí - một thiết chế văn hóa có nguồn gốc phương Tây - đã đóng vai trò như một dung môi, một tiền đề vật chất cho sự xuất hiện của tầng lớp trí thức hiện đại như thế nào...
  • Có cần báo chí tư nhân ở Việt Nam?

    14/08/2016Nguyễn Hữu ĐổngBáo chí tư nhân tương tự như “lề trái” của con đường; còn báo chí nhà nước tương tự như “lề phải” của con đường…
  • Đọc lại Mác về báo chí tự do

    03/05/2016Nguyễn Khắc MaiBáo chí nói chung là sự thực hiện tự do của con người. Do đó ở đâu có báo chí ở đó có tự do báo chí. Bản chất của báo chí tự do – đó là bản chất dũng cảm, có lý tính, có đạo đức của tự do. (Các Mác)
  • Báo chí đang vô tình “cổ súy” cái xấu?

    24/10/2014Hà TrangNhững
    hình ảnh khoe da thịt được “phơi bày” tràn lan, các vụ án được miêu tả
    bằng những tình tiết tỉ mỉ, rùng rợn trên mức cần thiết trên các báo
    đang gây ra những hệ lụy xấu trong xã hội. Thực trạng này là một trong
    những vấn đề được các nhà nghiên cứu, nhà báo nghiêm túc nhìn nhận, phân
    tích trong hội thảo “Văn hóa truyền thông trong thời kỳ hội nhập” diễn
    ra ngày 22/2 tại ĐH KHXH&NV, Hà Nội.
  • Trao cho báo chí

    17/05/2011Trần Dĩ HạThưa các vị đại biểu. Tình hình tham nhũng đã đến lúc báo động hết cấp. Nếu chúng ta không tích cực chống tham nhũng thì nước ta sẽ rơi vào tình trạng thắng trong chiến tranh, thua trong hòa bình, quá khứ hào hùng nhưng tương lai thì tụt hậu...
  • Thực trạng báo chí điện tử tại Việt Nam

    03/07/2004Đăng Bền2003 là năm xuất hiện chóng mặt của các tờ báo điện tử, hầu hết là những toà soạn báo giấy truyền thống nay nhận rõ tầm quan trọng và vị trí trong lòng độc giả của báo điện tử, và thế là những Tuổi trẻ Online, Thanh Niên Online, Hà Nội Mới Online, Thể thao VN Online,.. xuất hiện trên Net, đưa thông tin theo một cách riêng...
  • xem toàn bộ