Tờ báo Facebook

02:59 CH @ Thứ Ba - 29 Tháng Mười, 2019

Tôi dùng Facebook khá muộn, và cũng từ đó mới thực sự được tiếp xúc với nhiều thông tin đa dạng, giàu màu sắc, khác hoàn toàn báo chí nhà nước. Fb đã mở ra cho tôi, và có lẽ, nhiều người khác nữa, những góc nhìn mới lạ, khác biệt, tiệm cận sự thật. Vì thế, tôi coi fb là một tờ báo độc lập, thuộc về và bao gồm tất cả các tầng lớp nhân dân, không phân chia lề lối. Nói về một tờ báo, là nói về người viết và bài viết.

1. Người viết

Vì coi Fb là một kênh thông tin nên tôi đọc gần như tất cả những bài của bạn bè hiện lên bảng tin, không kén chọn hay dở, không khoanh vùng đề tài. Đọc hết và đọc kỹ. Ngay cả những bài viết dạng xe cán chó, chó cán xe, cũng có nhiều điều đáng suy ngẫm, không phải ở bài viết, mà từ cái tưởng chừng sàm xí đó gợi ra.

Đọc lâu thì sẽ nhận ra không những phong cách viết, mà còn thấy phần nào tâm tính con người đằng sau câu chữ. Có người nghiêm cẩn, thao thiết, tâm huyết. Có người khách quan, sắc sảo, quyết liệt. Có người hài hước, trí tuệ, công tâm. Có người điềm tĩnh, dân chủ, tôn trọng bạn đọc. Có người nóng nảy, vội vã, nhiệt tình kiểu phá hoại. Có người viết thật thì ít bịa tạc thì nhiều, kỳ thị vùng miền cốt yếu khoe khoang cái tôi để thỏa mãn sự tự ti sâu kín, bợ đỡ fan một cách thiếu tự trọng. Có người khiêm cung tuy uyên bác, có người khệnh khạng tinh vi chả khác gì đại vương Ếch Cốm trong truyện cụ Hoài. Có người điềm đạm nhu hòa, có người độc tài hơn cộng sản, có người chất phác, thiện lương, có người nanh nọc, độc địa, có người thích giấu mình, có người thích cưa bom....

Như thế, đọc hết các bài, là thấy những chân dung tự họa xã hội người Việt, với các tầng bậc văn hóa độc lập, chả phải thật thú vị hay sao. Và, văn cũng là người. Văn vẽ người bằng ngôn ngữ.

2. Bài viết.

Nhiều người mặc định, độc giả fb thường đọc lướt, không thích những bài dài, nên cố gắng viết ngắn nhất có thể để bạn đọc nhìn thấy không ngại. Thành ra những vấn đề cần phải diễn giải cho thấu đáo, lại cố vo tròn bằng cái nắm tay. Rút cuộc, người đã hiểu thì người ta hiểu từ lâu, không phải chờ dăm ba hàng chữ không đầu không cuối, vì đâu có chứa cái gì mới mẻ. Nhưng các bạn trẻ, hoặc những người mới tìm hiểu sự thật, họ đọc, họ sẽ hiểu vấn đề chơi vơi, nửa chừng nửa đoạn, như thế thật đáng tiếc.

Rất ít người viết ngắn mà câu từ mang sức công phá của bom tấn, hay ít nhất, như một cú đấm thôi sơn... Đại đa số, đều là những câu vô thưởng vô phạt, nhưng cố tỏ ra nội hàm sâu sắc. Có nhiều người mấy năm trước viết những bài rất giá trị, rất hay, nhưng rồi cạn vốn, chỉ còn viết dăm ba câu chửi đổng nhưng lại lý luận rằng viết thế mới có người đọc. Rất khó tránh việc bài viết nhạt dần, thành vô vị nếu khai thác hết mỏ kiến thức có sẵn mà không làm đầy thêm bằng cách đọc sách. Tôi có anh bạn, độ dăm năm trước hay khoe, anh đọc Đèn cù, Bên thắng cuộc....Em phải đọc những cuốn đó cuốn đó. Mình phục lăn. Dăm năm sau, gặp lại, vẫn, Em phải đọc Đèn cù, Bên thắng cuộc...

Quay lại chuyện đọc trên fb. Theo dõi nhiều bài viết dài, hàm lượng tri thức nhiều của các fbker nổi tiếng, vẫn thấy có lượng tương tác cực lớn với những cmt nếu không mang tính học thuật thì cũng mở ra không khí tranh luận nhiều chiều, rất thú vị. Đặc biệt, tác giả có thái độ kiên nhẫn. Mở xem trang cá nhân của những người like, thì rất thích ở chỗ, văn hóa nền của họ ít nhất ở mức khá. Nhiều người hiểu biết sâu sắc vô cùng. (Điều này, trái với một số người viết, ngoài thể hiện cái tôi ra thì giá trị khai trí ở bài viết không đáng gì, nhưng hễ ai có ý kiến khác người viết là bị mạt sát, rỉa rói hết lời hoặc fan vào ném đá. Fan giống y như idol vậy. Mây tầng nào gió tầng nấy. Mỗi mình tài nhất thì đừng dùng fb. Về mà chơi với đảng của bác Mao). Mở rộng thêm ý này: Trừ trường hợp đã không biết thì không chịu học cho mở mắt, lại cãi cùn, thậm chí chửi bới tục bậy. Loại này thì cần nhốt vô chuồng cho trật tự.

Lẽ ra, cần hướng đạo người đọc, để họ quan tâm vấn đề một cách nghiêm túc, sâu sắc, từ đó chịu khó đọc những bài viết có chiều sâu, để hình thành và tôn cao nền tảng tri thức (là biểu hiện của dân trí cao), thì người viết lại chạy theo sự hời hợt của đám đông, chiều ý đám đông, viết ngắn nhất, bình dân nhất, thậm chí, tục tĩu để hút fan.Những ồn ào ném đá giữa quân ta với quân mình về nhiều vụ việc, chứng tỏ một điều, người ta có thể biết nhiều chuyện, nhưng thiếu sự hiểu biết sâu sắc, cặn kẽ về một vấn đề để điềm tĩnh, tôn trọng đối phương, cũng chính là tôn trọng mình. Đó là khoảng trống tri thức ở độc giả mà những người viết báo tự do cần lấp cho đầy. Đó mới là nâng cao dân trí chứ không phải chuyện số lượng like.

Sẽ là nói dối khi viết mà không cần like. Cái like của bạn fb nó cũng giống như số lượng người mua báo giấy, chứng tỏ sự thu hút của người viết. Nhưng nếu chỉ chạy theo like để thỏa hiệp với đám đông, thì đám đông sẽ mãi dễ dãi. Cũng cần nói thêm, có những bài viết chỉ độ hơn chục like, nhưng xem người like là những ai thì đúng là giật mình kính nể.


Đám đông đang bị hấp dẫn bởi những bài FB hời hợt, chiều ý đám đông, ngắn, ngôn từ bình dân, thậm chí tục tĩu...

.

Cá nhân tôi, dù đọc hết bài của bạn bè hiện lên bảng tin, nhưng vẫn trung thành với những người có bài phân tích, tổng hợp vấn đề thấu đáo chứ không nhìn vào độ ngắn dài. Những người đó có tư chất nhà báo. Đọc họ, mình học thêm được nhiều điều.

Câu chuyện loài người thất bại khi xây tháp Babel, chính là ẩn dụ tuyệt vời cho tình trạng ngôn luận trong xã hội Việt Nam hiện nay. Có nhiều tiếng nói vang lên. Nhưng chẳng mấy ai chịu nghe ai, vì bất đồng ngôn ngữ. Thứ ngôn ngữ từ trí tuệ và trái tim. Và nó sẽ chỉ cải thiện khi dân trí nâng cao, mà muốn vậy, rất cần những bài viết, những cuốn sách thật sự có giá trị, không câu nệ ngắn dài.

* Xác định, viết ra trần trụi thế này, là vô hình gây thù chuốc oán. Thậm chí sẽ có những câu hỏi kiểu Bạn đã viết được gì chưa mà dám nói thế (?)... Em xin trịnh trọng thưa, em chỉ là một độc giả trên tờ báo fb mênh mông, có cắm cổ gõ thì mỗi stt vớ vẩn lèo tèo vài chục like, chỉ đi đọc chùa là chính. Nhưng em giống học trò em, cả đời không viết nổi bài văn nào ra hồn, vẫn hiên ngang chê Hemingway viết dở, vì can tội, Ông ấy viết gì em chả hiểu.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan