Bác sĩ và hàm cấp

11:21 SA @ Thứ Ba - 12 Tháng Mười Một, 2013
Những sự việc xảy ra trong ngành y tế, thời gian qua thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của cử tri cả nước cũng như của các đại biểu đang tham dự Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII. Dư luận cho rằng, đã đến lúc, các cơ quan chức năng phải có những biện pháp quyết liệt nhằm giảm thiểu rủi ro do người hành nghề y gây ra cho bệnh nhân và người sử dụng dịch vụ y tế. Sinh Viên Việt Nam xin trích giới thiệu ý kiến của ông Nguyễn Trần Bạt.

Nếu chịu khó nhìn vào một mớ chức danh, khi người ta nói đến đối tượng bác sĩ thì sẽ thấy chức danh bác sĩ “trốn” rất kín và rất khiêm tốn đằng sau một “mớ” các hàm cấp. Chức danh y học được phô trương làm lấn át trách nhiệm y tế của một bác sĩ. Chúng ta tưởng rằng, chức danh y học quan trọng hơn chức danh y tế, đấy là một sai lầm nghiêm trọng. Có lẽ, các nhà quản lý không để ý rằng, nhân dân không cần nhà y học, nhân dân cần nhà y tế. Không có luật nào điều chỉnh chức danh y học của bác sĩ, mà chỉ điều chỉnh trách nhiệm y tế của người bác sĩ. Vì vậy, người ta gọi là Bộ Y tế chứ không gọi là Bộ Y học. Hiện nay, chúng ta không có chế tài rõ ràng, bởi vì nhận thức về đối tượng là không rõ ràng. Phải nói thẳng là các quy chế quản lý của chúng ta nhầm lẫn giữa các chức danh khoa học trong y học và các chức danh y tế như bác sĩ. Đấy là một trong những nhầm lẫn căn bản thuộc về trách nhiệm của nhiều thế hệ các Bộ trưởng Bộ Y tế sau này.



Vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước, có một dịp, tôi đi với các thầy của tôi làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông lúc còn chiến tranh. Trên chuyến tàu, các thầy của tôi lúc bấy giờ đều là giáo sư, có những người sau này là bộ trưởng, đã có một cuộc tranh cãi rất thú vị rằng, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch là nhà y tế hay là nhà y học. Tôi nghe từ đầu đến cuối và dường như các giáo sư, các thầy của tôi xem Phạm Ngọc Thạch là một nhà y tế và cho rằng, nhà y tế không quan trọng bằng nhà y học. Tôi là một người cũng hay góp ý cho nên các thầy cũng đề nghị tôi nói. Tôi nói rằng, lấy gì để đảm bảo nhà y học quan trọng hơn nhà y tế, vì nhân dân cần nhà y tế chứ không cần nhà y học. Nhà y học là cái tất yếu, là điều kiện cần và đủ để trở thành một nhà y tế.

Quan niệm này hiện nay đang khống chế hoạt động phân loại và đánh giá cán bộ của chúng ta. Vai trò quản lý Nhà nước trong khu vực này trở nên yếu, bởi vì người ta không xác lập được những chế tài để quản lý các chức danh xã hội của một bác sĩ và thay thế nó bằng các địa vị trong y học, tưởng rằng trách nhiệm chuyên môn có thể thay thế được trách nhiệm xã hội, do đó, y đức được thay thế bằng học vấn. Người ta mất cảnh giác với y đức vì bị hoa mắt trước sự trang bị quá đầy đủ, quá thừa thãi những chức danh có tính chất khoa học.

Tôi nghĩ, cái quan trọng nhất của một người làm trong ngành y tế là chức danh bác sĩ, chức danh bác sĩ cần phải được khuếch đại, cần phải được làm rõ trong quan hệ đối với truyền thông, đối với dư luận và đặc biệt là quan hệ đối với người bệnh.

Hệ thống pháp luật y tế có thể không có những quy định chi phối chức danh phó giáo sư, chức danh tiến sĩ, thạc sĩ nhưng dứt khoát nó phải điều chỉnh chức danh bác sĩ. Nếu không biểu dương, nếu không làm sáng rõ địa vị bác sĩ trong quan hệ của những người làm nghề y tế đối với xã hội, thì tức là chúng ta đã ngụy trang cho năng lực chữa bệnh bằng các phẩm hàm khoa học gián tiếp đối với chữa bệnh.

Việc lạm dụng các phẩm hàm làm thứ yếu hóa địa vị quan trọng nhất của người bác sĩ chính là chức danh bác sĩ. Nhà nước chỉ cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh cho một ông bác sĩ chứ không phải cho một ông tiến sĩ. Đôi khi, chúng ta khoe khoang các phẩm hàm mà quên mất bác sĩ là một chức danh pháp luật, bác sĩ không chỉ là một chức danh chuyên môn thuần túy.

 Người ta luôn luôn xem y đức như là sự nỉ non, sự thương mến, sự sụt sùi đối với thân phận người bệnh, đấy là hiểu sai. Y đức không phải là lòng thương, y đức là trách nhiệm pháp lý của thầy thuốc. Nói một cách đầy đủ hơn, y đức về bản chất là ý thức đầy đủ trách nhiệm pháp lý của người thầy thuốc.
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Một căn bệnh khủng khiếp tấn công giới trẻ

    16/01/2016“Bệnh” vô cảm là căn bệnh không có tên trong danh sách ngành y, nhưng nó len lỏi gặm nhấm không ít tâm hồn những người trẻ.
  • Nghèo đói là trường đại học lớn nhất

    18/03/2015Mẹ tôi, người mẹ tốt nhất thế gian tên Lý Diệm Hà. Bà đã tần tảo quần quật làm việc ngày đêm... Mẹ đã làm tất cả chỉ để cho tôi có thể theo
    học nên người...
  • Chia sẻ về điều khiển bản thân

    01/10/2013Nguyễn Tất ThịnhDưới đây là 10 chia sẻ điều tiết bản thân...
  • Rủi ro nhất của khủng hoảng kinh tế là để xã hội bất ổn

    30/09/2013Cẩm Thúy (thực hiện)Trao đổi của chuyên gia Nguyễn Trần Bạt với PV báo Đại Đoàn Kết, xoay quanh câu chuyện về những vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó nổi lên việc đánh giá thế nào về nền kinh tế đất nước hiện nay.
  • Muốn có mỹ hiệu "tiến sĩ", cứ nộp đơn thi Hội, thi Đình

    29/12/2009Linh ThủyNhững nhà khoa học nào muốn nhảy sang làm cán bộ quản lý hành chính, để có những mỹ hiệu “tiến sĩ”, thì cũng có thể nộp đơn xin dự thi Hội, thi Đình kiểu mới, nhưng đừng về làm nhiễu các trường đại học và viện nghiên cứu nữa. - GS Bùi Trọng Liễu
  • Học phí đại học - cần một góc nhìn khác

    15/12/2009TS Ngô Tự LậpNgày nay, giáo dục đã trở thành một ngành kinh doanh đặc biệt, đó là kinh doanh trí tuệ và văn hóa. Điều này đòi hỏi không chỉ các trường tư, mà cả các trường công cũng phải có lợi nhuận. Vấn đề là lợi nhuận cần phải được sử dụng để nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện điều kiện sống và học tập của sinh viên và giáo viên, hoặc phục vụ xã hội bằng cách này hay cách khác
  • Tôn giáo - Nếp sống - Giáo dục - Y tế

    18/08/2006Nguyễn Đức ĐànTrong lịch sử nhân loại, tôn giáo đã từng đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của các dân tộc. Từ khi con người trở thành một sinh vật tự nhận thức được về mình và về thế giới xung quanh thì nhiều câu hỏi đặt ra không trả lời được: con người từ đâu mà ra? Con người sẽ đi đến đâu? Ai sinh ra vạn vật, muôn loài?... Bấy nhiêu câu hỏi đặt ra mà không giải đáp được đã dẫn con người đến các tín ngưỡng và từ các tín ngưỡng có tính chất dân gian đó, tổ tiên ta đã đi đến tôn giáo.
  • xem toàn bộ